Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/07/2017

Phi bất ổn, Bắc Hàn thách thức, Thái khó sống, Ấn đối thoại

Tổng hợp

Philippines : Phiến quân còn bám lại ở Marawi (RFA, 03/07/2017)

Cuộc chiến giữa quân đội Philippines và quân khủng bố Hồi giáo ISIS tại thành phố Marawi miền Nam nước này vẫn chưa kết thúc.

asie1

Ảnh chụp tại thành phố Marawi ở miền Nam Philippines hôm 3/7/2017. AFP

Theo những bản tin từ Philippines thì quân khủng bố hiện còn chiếm giữ đến 1.500 ngôi nhà tại thành phố này.

Trong một buổi họp báo tại Manila, Bộ trưởng quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, nói rằng ông không biết chừng nào mới giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Marawi, vì cuộc chiến trên đường phố, giành giật từng ngôi nhà rất khó khăn. Hơn nữa, ông nói tiếp, các binh sĩ Philippines không được huấn luyện để chiến đấu trên đường phố như tại Marawi.

Trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần, tức là ngày 1 và 2 tháng 7, quân đội giành lại được 97 ngôi nhà.

Một phát ngôn nhân của quân đội nói rằng khó khăn lớn nhất mà quân đội phải đương đầu là các loại bẩy có cài chất nổ được quân khủng bố cài đặt khi chúng rời khỏi những ngôi nhà.

Cuộc chiến tại Marawi đã bắt đầu từ ngày 23 tháng năm khi quân khủng bố tràn vào thành phố. Cho đến nay đã có 82 binh sĩ và cảnh sát, cùng 39 dân thường thiệt mạng. Phía khủng bố có khoảng 300 tay súng bị tiêu diệt.

*****************

Mỹ-Nhật : Đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên ngày càng lớn (RFI, 03/07/2017)

Theo thông cáo của Nhà Trắng ngày 02/072017, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã trao đổi quan điểm về "mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn" xuất phát từ Bình Nhưỡng. Washington và Tokyo tuyên bố "sẵn sàng đối phó" trước mọi tình huống.

asie2

Một tên lửa đạn đạo được phóng lên thông qua một hệ thống hướng dẫn. Ảnh không ghi ngày, do hãng KCNA cung cấp ngày 30/05/2017. KCNA/via REUTERS

Vài ngày trước thượng đỉnh G20 mở ra cuối tuần này tại Hamburg-Đức, trong buổi điện đàm tối ngày Chủ Nhật, 02/07/2017, lãnh đạo Mỹ-Nhật tập trung vào chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên. Trước "mối đe dọa ngày càng lớn này", liên minh Washington-Tokyo khẳng định nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì áp lực với chế độ Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 03/07/2017 tại Tokyo, phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật, ông Yoshihide Suga, không loại trừ khả năng Hoa Kỳ - Nhật Bản và Hàn Quốc mở cuộc họp ba bên bên lề thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 07 và 08/07/2017 tại Hamburg.

Cũng tối hôm qua, tổng thống Mỹ trao đổi qua điện thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một lần nữa, đôi bên đã bàn về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết thêm, bên cạnh đe dọa Bắc Triều Tiên lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc còn đề cập đến "một loạt các chủ đề khác", nhưng phủ tổng thống Mỹ không đi sâu vào chi tiết.

Về phía Seoul, sau khi tiếp cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama tại dinh tổng thống, lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố, ông xem đây là "cơ hội cuối cùng" để Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phát về hạt nhân.

Trong buổi làm việc đầu tiên với tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Washington hôm 29/06/2017, tổng thống Hàn Quốc chủ trương tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên đồng thời để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Thanh Hà

*****************

Bắc Hàn : Binh lính đói còn tiền đổ vào vũ khí hạt nhân (BBC, 03/07/2017)

Việc hai người lính Bắc Hàn suy dinh dưỡng đào tẩu sang Nam Hàn hồi tháng Sáu 2017 bằng cách vượt qua chính Khu Phi quân sự (DMZ) được canh phòng cẩn mật giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên dường như đã cho thấy có kẽ hở trong hệ thống quốc phòng của Bắc Hàn, theo một báo Nhật Bản.

asie3

Khu vực biên giới giữa Nam, Bắc Hàn được canh phòng cẩn mật - ảnh chụp từ phía Nam

Cho tới nay có hơn 30 ngàn người bỏ trốn từ miền Bắc nay đang sinh sống tại miền Nam.

Nhưng trường hợp những người lính từ tuyến đầu trốn đi như vậy là "khác xa so với những trường hợp bỏ trốn thông thường khác", một người đào tẩu nói.

Người ta cho rằng những cuộc đào thoát của binh lính tạo ra mối đe dọa hạ thấp tinh thần binh sĩ và cho thấy chế độ tại Bắc Hàn không phải là bất khả xâm phạm như người ta tưởng, tờ Nikkei Asian Review viết.

Đào thoát bằng cách nào ?

Một người vượt qua Khu Phi Quân sự hôm 13/06 và một người nữa theo sau hôm 23/6. Cả hai đều ở độ tuổi 20 và trong tình trạng suy dinh dưỡng, theo truyền thông Nam Hàn.

Người lính Bắc Hàn này đã tiếp cận một lính gác Nam Hàn và xin ra hàng.

asie4

Nhìn từ phía Nam sang Bắc Hàn qua Vĩ tuyến 38 độ Bắc người ta chỉ thấy các cánh đồng hoang vắng

Không xảy ra nổ súng giữa hai miền Nam, Bắc Hàn, và phía Nam Hàn cho biết người lính này đã vượt sang Nam Hàn qua đoạn giữa đường ranh giới của Khu Phi Quân sự.

Lần cuối một binh lính Bắc Hàn đào tẩu qua DMZ là hồi tháng Chín năm 2016 và trước đó nữa là tháng Sáu năm 2015.

Hồi năm 2012, hai binh lính từ miền Bắc đã vượt qua mạng lưới an ninh dày đặc và tự ra hàng.

Theo tờ Nikkei Asian Review hai người lính này cho biết họ quyết định bỏ trốn vì nghe nói là sẽ được nhận tiền đô la của Mỹ khi tới Nam Hàn.

Đào tẩu qua đường Trung Quốc là có thể thực hiện được - nếu có tiền.

"Quý vị có thể đào tẩu an toàn từ Bắc Hàn nếu trả 40 tới 50 ngàn nhân dân tệ (tương đương 5.880-7.350 đô la) cho một người môi giới và người này sẽ hối lộ cho lính biên phòng Trung Quốc và Bắc Hàn, một người đào tẩu nói.

Thậm chí còn có vài trường hợp đào tẩu nhiều lần qua lại giữa Bắc hàn và Trung Quốc hoặc Nam Hàn, để đó họ có thể được nhận ngoại tệ.

Đào thoát qua DMZ nguy hiểm thế nào ?

Tuy nhiên, với những người lính Bắc Hàn làm nhiệm vụ tại tuyến đầu này và hàng ngày đứng nhìn những người lính Nam Hàn qua làn ranh giới DMZ thì lại là chuyện khác.

asie5

Quân nhân Bắc Hàn, nhìn trong hình chụp từ phía biên giới với Trung Quốc

DMZ là dải đất dài 250km, rộng 4km chạy cắt ngang Bán đảo Triều Tiên.

Bắc Hàn chôn rất nhiều mìn ở DMZ trong những năm gần đây. Nó chủ yếu là để ngăn ngừa binh lính của họ bỏ trốn sang Nam Hàn nhiều hơn là để ngăn chặn sự xâm nhập của Nam Hàn.

Ngoài mìn còn có một hệ thống dây thép gai được củng cố dày đặc, mạng lưới camera theo dõi và những hàng rào điện, chưa kể hàng chục ngàn binh lính canh gác ở cả hai bên làn ranh giới khiến việc đi qua là gần như không thể.

Nếu phía miền Bắc nhìn thấy có bất cứ chuyển động nào trong Khu Phi Quân sự này là họ sẽ nổ súng.

Thêm vào đó miền Bắc còn có các chương trình tẩy não nhằm ngăn cản binh lính ở tiền tuyến của họ nảy sinh ý muốn sang sống ở miền Nam.

Làn ranh giới và những rào chắn này được tạo dựng kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc với một Hiệp định ngưng chiến năm 1953. Trên lý thuyết hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vẫn đang có chiến tranh vì giao tranh đã không được chấm dứt bằng một Thỏa thuận hòa bình.

asie6

Ba người đã đào thoát thành công qua đường ranh giới quân sự trong vòng ba năm qua

Thực trạng "hậu trường"

Đã có thời người lính Bắc Hàn là người chồng lý tưởng một phần vì họ được khẩu phần khá phong phú.

Nhưng hệ thống tem phiếu không còn duy trì được nữa.

Quan chức cao cấp trong Đảng Lao động Triều Tiên và Quân đội Nhân dân Bắc Hàn sống tại Bình Nhưỡng vẫn được đảm bảo khẩu phần đủ để đổi lại cho sự trung thành của họ đối với chế độ của ông Kim Jong-un.

Nhưng ở những nơi khác thì công dân Bắc Hàn gần như bị cắt khẩu phần buộc họ phải dựa vào thị trường chợ đen bất hợp pháp để tồn tại.

Có khoảng 400 chợ đen trên khắp Bắc Hàn và thường rất đông vì "có thể mua bất cứ thứ gì chỉ cần có tiền", một người đào tẩu nói.

Những tay buôn hàng bán ở chợ đen hối lộ quan chức và luồn lách bên ngoài hệ thống phân phối của nhà nước. Họ là người kiểm soát nguồn cung ứng và giá cả các mặt hàng và đang nổi lên như một tầng lớp người giàu mới.

Chính phủ Bắc Hàn rất không muốn cho phép nền 'kinh tế thị trường' (jangmadang) tạm bợ này phát triển, nhưng những nỗ lực kiểm soát đã bị công chúng cưỡng lại vì thế vô hình chung cho phép nó tồn tại.

Giống như người dân, binh lính Bắc Hàn cũng cố sống qua ngày, ngoại trừ những sĩ quan cao cấp.

Khẩu phần nhỏ vẫn được phát cho binh lính cấp dưới nhưng đa phần lính trẻ bị suy dinh dưỡng.

asie7

Nam Hàn có hệ thống loa phát thanh mạnh hơn nhiều lần của Bắc Hàn được lắp đặt gần Khu Phi Quân sự DMZ

Và trên phương diện nào đó thì binh lính khó có các lựa chọn để giảm cơn đói của họ.

Không giống công nhân hay nông dân, những người có thể làm thêm các việc khác, binh lính được điều động làm nông nghiệp hay xây dựng. Trong hoàn cảnh đó, ngày càng gia tăng tình trạng binh lính rủ nhau cùng đi ăn cướp.

Chưa kể những người lính Bắc Hàn tại DMZ còn được nghe những chỉ trích chính phủ miền Bắc được phát đi từ loa phóng thanh của miền Nam. Điều này có thể đã dụ dỗ một vài binh lính dám vượt qua những bãi mìn để đào thoát.

asie8

Một mô hình vùng Phi Quân Sự DMZ chia đôi hai miền Nam và Bắc Hàn

Trong khi Bắc Hàn đổ ngân sách ít ỏi vào chương trình hạt nhân và hỏa tiễn, nhưng chính cơn đói mà các binh lính của họ đang phải chịu đựng đã khiến những người này liều mạng để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở miền Nam.

*****************

Luật lao động mới của Thái khiến nhiều dân nhập cư về nước (RFA, 03/07/2017)

Hàng chục ngàn lao động nước ngoài ở Thái Lan, phần lớn là người Miến Điện, phải rời Thái Lan sau khi chính quyền quân sự Thái ban hành luật lao động mới. Các giới chức nhập cư Thái Lan cho biết như vừa nêu vào ngày 3 tháng 7.

asie9

Lao động bất hợp pháp bị bắt tại Thái Lan, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Theo qui định mới nhất này, lao động không ghi tên và không có giấy phép làm việc ở Thái Lan sẽ bị phạt 800.000 Baht, tương đương trên 23.000 Đô La Mỹ, sau đó bị trục xuất về nước.

Nguồn từ Reuters cho thấy hàng triệu người nước ngoài từ các quốc gia như Miến Điện, Kampuchia, đã sang Thái làm những công việc gọi là lao động chân tay, góp phần không nhỏ vào kỹ nghệ kinh doanh hải sản cũng như nông nghiệp ở xứ sở này.

Tuy nhiên từ khi nắm chính quyền ở Bangkok năm 2014 đến giờ, chính phủ quân đợi Thái từng bước tìm cách hạn chế lượng lao động nước ngoài trên lãnh thổ Thái, hậu quả là công nhân bất hợp pháp từ nước ngoài sẽ bị bắt, bị phạt tiền và bị trục xuất.

Tin từ Phòng Di Dân Thái ở Bangkok cho thấy từ ngày 23 đến ngày 28 tháng Sáu vừa rồi, khoảng 60.000 lao động Miến Điện được xe tải Thái Lan chở đến biên giới tỉnh Mandalay bên Miến Điện. Con số này sẽ tăng cao trong những ngày tiếp theo.

Thái Lan cũng có nhiều lao động Việt sang đây cư ngụ và làm việc không có giấy tờ ngay tại Bangkok cũng như các tỉnh miền Đông Bắc Thái giáp giới Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi luật lao động mới nhất của xứ Thái.

Thống kê của Tổ chức Quốc tế về Nhập cư cho thấy có hơn 3 triệu dân nhập cư tại Thái Lan ; tuy nhiên những tổ chức theo dọi nhân quyền nói con số này còn cao hơn nữa.

********************

Đối thoại ASEAN- Ấn Độ lần thứ 9 diễn ra ở New Dehli (RFA, 03/07/2017)

Đối thoại cấp bộ trưởng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ lần thứ 9 sẽ diễn ra vào ngày 04/07/17 tại New Dehli.

INDIA-ASEAN-MEETING

Tổng Thư ký Hiệp hội ASEAN, ông Surin Pitsuwan (bìa phải) bắt tay giới chức lãnh đạo Ấn Độ tại Đối thoại Delhi ngày 21/01/2009. AFP photo

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ tham gia hoạt động thường được biết đến với tên Đối thoại Dehli.

Tại Đối thoại Ấn Độ-ASEAN, các vị lãnh đạo chính trị cùng với những nhà làm luật, các nhà nghiên cứu, học giả…sẽ cùng hội đàm về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Đối thoại Delhi lần thứ 9 cũng là cơ hội để lãnh đạo của Ấn Độ và khối ASEAN thảo luận tìm kiếm những giải pháp nhằm đẩy mạnh sự hợp tác trong các vấn đề về kinh tế, an ninh và du lịch.

Những vị đại diện quốc gia tham dự Đối thoại Delhi lần thứ 9 cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương bên lề đối thoại.

Quan hệ Đối thoại Ấn Độ-ASEAN gia tăng nhanh chóng từ đối tác đối thoại thành phần vào năm 1992 thành đối tác đối thoại đầy đủ vào năm 1995.

Mối quan hệ được nâng lên tại Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ diễn ra hồi năm 2002 ở Phnom Penh, Campuchia. Kể từ đó hằng năm đều có thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ.

Quan hệ với ASEAN được xem là một trong những trụ cột của New Dehli trong Chính sách Hướng Đông.

Quay lại trang chủ
Read 750 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)