Ngày 18/05/2017, Trung Quốc thông báo thành công đầu tiên trong việc thu thập được những mẫu khí mêtan hydrat (đôi khi còn được gọi là "đá cháy" hay "băng cháy") ở Biển Đông. Chỉ trong vòng 6 tuần, tính đến đầu tháng 07/2017, hơn 235.000 mét khối mêtan hydrat đã được Trung Quốc khai thác ở vùng biển cách 320 km phía đông nam thành phố Châu Hải (Zhuhai), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).
Khối "đá cháy" được tầu nghiên cứu Đức FS Sonne tìm thấy trong một chuyến thám hiểm ở ngoài khơi Oregon, Mỹ, ở độ sâu 1.200 m. Ảnh minh họa. CC/Wusel007
Kết quả trên được Bắc Kinh đánh giá là "một bước tiến lịch sử" sau gần hai thập kỷ nghiên cứu với nhiều đợt khoan thăm dò trong vùng Biển Đông. Hãng tin AFP, trích phát biểu của ông Hiệp Kiến Lương (Ye Jianliang), giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu, đánh giá : "Trung Quốc đã vượt qua mọi mong đợi trong quá trình khảo sát thăm dò "đá cháy" bằng những tiến bộ đổi mới của riêng mình về công nghệ và kỹ thuật. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá lịch sử".
Theo tuyên bố ngày 02/06/2017 của bộ Lãnh Thổ và Tài Nguyên, được Xinhua.net trích dẫn, Trung Quốc sẽ có khoảng 80 tỉ tấn "đá cháy". Khoảng 8.350 mét khối nhiên liệu này vẫn được khai thác hàng ngày ở ngoài khơi đông nam thành phố Châu Hải.
Trung Quốc nằm trong số vài nước có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên mới này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ hai thập kỷ nay, quốc gia Đông Á này tăng cường các cuộc thăm dò dưới đáy đại dương để tìm "đá cháy", một loại năng lượng hóa thạch được ưa chuộng vì khí mêtan. Tuy nhiên, để sử dụng được "đá cháy" trên quy mô thế giới, còn cần ít nhất thêm 10 năm nữa.
Thành công của Trung Quốc : Cuộc cách mạng năng lượng hay dự án quảng bá ?
Thành công trong việc khai thác được khí mêtan hydrat vừa qua được Trung Quốc đánh giá là "một bước tiến lịch sử". Thế nhưng, trang Sputnik của Nga đặt câu hỏi liệu thành công này sẽ giúp Bắc Kinh tiến hành một cuộc cách mạng năng lượng hay đó chỉ là một dự án quảng bá ?
Trả lời trang Sputnik, chuyên gia Nga Igor Iouchkov, thuộc Quỹ Quốc gia vì An ninh Năng lượng, cho rằng bước đầu trong quá trình khai thác khí mêtan hydrat có thể là một tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đó không phải là một cú đột phá lịch sử trong lĩnh vực năng lượng.
Chuyên gia Nga nhấn mạnh : "Trung Quốc thông báo thành công trong bước đầu chiết xuất "đá cháy", nhưng lại im lặng về chi phí cho hoạt động này. Dĩ nhiên, điều này gây thắc mắc, vì vấn đề giá cả của nhiên liệu được khai thác là điều quan trọng. Chỉ có giá, chứ không phải tiêu chí nào khác, cho phép đánh giá hiệu quả thương mại của công nghệ Trung Quốc và xa hơn là viễn cảnh khai thác "đá cháy" nói chung".
Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực khí mêtan hydrat có thể sẽ tác động hơn đến năng lượng thế giới so với sản xuất khí đá phiến (schiste). Ông Igor Iouchkov nêu lên hai khả năng giải thích cho thông tin về thành công của Trung Quốc được truyền thông đăng tải : Thứ nhất, một thông tin như vậy phù hợp với chính sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, Bắc Kinh đang bận tâm đến giá khí đốt ở nước ngoài.
Khí mêtan hydrat, nguồn năng lượng của tương lai ?
"Đá cháy" được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém.
Khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, 1 mét khối mêtan hydrat có thể tỏa 164 mét khối khí mêtan và 0,8 mét khối nước.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Hoa Kỳ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả "khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết" (như dầu hỏa, than đá…).
Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ "đá cháy". Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể "làm thay đổi cán cân" đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.
Giảng viên Ingo Pecher, thuộc phân khoa Khoa Học, đại học Auckland, Úc, nêu trường hợp điển hình của Nhật Bản : "Họ không có nhiều khí đốt và đối với họ, loại khí này có thể là một nguồn dự trữ quan trọng". Quần đảo Nhật Bản bị lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên, vì phần lớn các nhà máy điện nguyên tử của nước này vẫn đang ngừng hoạt động từ sáu năm nay, sau thảm họa Fukushima.
Tiềm năng rất lớn
"Đá cháy" được phát hiện trên khắp thế giới, từ New Zealand đến Alaska, nhưng thách thức chính là phải tìm được những mỏ tập trung và có thể thâm nhập được.
Rất nhiều nước có tham vọng khai thác được khí mêtan hydrat. Nhật Bản thông báo thành công trong việc khoan thăm dò ngoài khơi phía đông nước này. Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả khả quan trong những lần khoan thử ở vịnh Mexico.
Nhưng để sản xuất một cách khả thi về mặt kinh tế thì sẽ còn cần "khoảng 10 năm", theo ước tính của ông Paul Duerlo, tổng giám đốc văn phòng cố vấn Boston Consulting Group, trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Còn theo thẩm định của giới chuyên gia Trung Quốc, loại đá cháy có thể trở thành một nguồn năng lượng sinh lợi "trong khoảng những năm 2030".
Ông Duterlo giải thích : "Người ta biết các mỏ năng lượng này nằm ở đâu, người ta có công nghệ cần thiết, nhưng mức sản xuất từ các giếng này vẫn còn chưa khả thi về mặt thương mại do giá thành hiện nay".
Một thách thức khác trong việc chiết xuất, đó là loại khí mêtan cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính, theo giải thích của giáo sư An Khắc (Yuan Xu), thuộc khoa Địa lý và Quản lý nguồn tài nguyên, đại học Hồng Kông. Dẫu sao, vẫn theo giáo sư An Khắc, loại nhiên liệu này vẫn là "tiềm năng lớn" nếu vượt qua được mọi cản trở về tài chính và công nghệ.
RFI tiếng Việt