Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/07/2017

Thái Lan siết chặt nguồn lao động nhập cư bất hợp pháp

Tổng hợp

Luật mới của Thái 'ảnh hưởng lao động Việt Nam' (BBC, 04/07/2017)

Luật Lao động mới của Thái Lan có thể ảnh hưởng người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại quốc gia này.

thai1

Điều luật lao động mới của Thái sẽ ảnh hưởng đến lao động Việt Nam ?

Hôm 23/6, Chính phủ Thái Thái Lan đã bắt đầu áp dụng luật lao động mới.

Bộ luật mới này có thể ảnh hưởng đến hơn 50.000 lao động trái phép người Việt Nam tại Thái Lan.

Bốn điều luật mới này đánh mạnh vào chủ lao động, với việc thuê lao động bất hợp pháp, chủ lao động có thể bị phạt từ 400.000 - 800.000 Baht (267 - 534 triệu đồng).

Việc này khiến hàng loạt chủ xưởng, nhà máy, nhà hàng đồng loạt sa thải các lao động không đăng ký người nước ngoài, hầu hết là lao động từ Myanmar, Lào và Campuchia.

Trước tình trạng người lao động ồ ạt vượt biên về nước, tân Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan Đại tướng Chalermchai Sittisart nói sẽ tạm ngưng thi hành bốn điều luật mới trong bộ luật lao động đến hết năm nay, theo tờ The Nation hôm 3/7.

Ông Sittisart nói bộ luật này sẽ đi vào hiệu lực vào 1/1/2018.

Anh "Buchai" Nguyễn, một lao động ở Thái Lan cho biết một số lao động Việt Nam đã về quê, một số khác thì rời Bangkok đến vùng tỉnh lẻ của Thái Lan.

Tuy luật đã tạm ngưng, nhưng anh "Buchai" cho biết vẫn có trường hợp lao động Việt Nam bị cảnh sát bắt giam và cần gia đình bảo lãnh.

Anh Đỗ Hồng Quân, tiến sĩ ngành tài nguyên nước tại trường Đại Học Khon Kaen cho biết "Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan là người nghèo. Chỉ nghèo họ mới qua Thái Lan tìm kiếm việc làm".

thai2

Nhiều lao động Việt Nam làm việc tại các nhà hàng hoặc bán hàng rong trên đường phố Thái

Anh Quân ở trong ban điều hành nhóm công giáo nhỏ ở tỉnh Khon Kaen và đã tiếp xúc và giúp đỡ nhiều lao động Việt Nam tại đây.

Anh cho biết tại Khon Kaen, hiện có khoảng 1000 lao động bất hợp pháp người Việt Nam.

"Những người Việt Nam họ chỉ đi làm, họ không biết nhiều thông tin về luật. Tôi có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn nên tôi đăng lên trên mạng giúp đỡ mọi người".

Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc tại các nhà hàng, hoặc giúp việc gia đình.

Một số khác bán hàng rong trên đường phố.

"Ở Việt Nam tỉ lệ thất nghiệp cao, lương thấp, trong khi ở Thái Lan, một người không có trình độ có thể kiếm 15-20 triệu một tháng", anh Quân nói thêm.

Bốn điều luật quy định :

Điều 101 : Người nước ngoài lao động không đăng ký hoặc ngoài khu vực cho phép sẽ bị giam giữ 5 năm hoặc/và bị phạt 100.000 Baht Thái.

Điều 102 : Chủ thuê lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ bị phạt 400.000 - 800.000 Baht Thái.

Điều 119 : Người lao động không khai báo công việc lao động sẽ bị phát 20.000 - 100.000 Baht Thái.

Điều 122 : Chủ thuê lao động sẽ bị phạt 400.000 - 800.000 Baht Thái khi thuê lao động đăng dưới một danh tính khác.

BBC đã tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bài.

Cần 1.300 tỷ để xuất khẩu lao động thất nghiệp

Bộ Lao động cho rằng cần khoảng 1.300 tỷ để hỗ trợ 54.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài, theo báo VnExpress.

Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, có thể mang về từ 1,7 tỷ - 2 tỷ đôla.

Theo báo này, Bộ Lao động đang đưa ra Đề án đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài nằm năm 2018-2020.

Trong đó, sẽ đưa 14.700 lao động đi Đức, 1.500 đi Nhật và 1.800 sang Hàn Quốc.

Đến hết tháng 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 139.00 người, cao đẳng là 104.000 và trung cấp là 83.000 người.

**********************

Hàng chục ngàn người lao động nhập cư chạy khỏi Thái Lan (RFI, 04/07/2017)

Hơn 60.000 người lao động nhập cư hoảng hốt rời Thái Lan trong những ngày qua, để tránh bị cảnh sát bắt giữ và bị phạt vạ nặng nề, sau khi các quy định mới về người lao động nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/06/2017. Tình trạng này đã buộc chính quyền Thái Lan phải tạm ngưng áp dụng một số điều khoản trong bộ luật đã ban hành.

thai3

Lao động nhập cư rời Thái Lan bằng tầu, ngày 03/07/2017. REUTERS/Daily News

Thông tín viên RFI, Carol Isoux tường thuật từ Bangkok :

"Giới lao động nhập cư đã hốt hoảng, nhất là những người Miến Điện, phần đông là thuộc sắc tộc Karen, cộng đồng thiểu số sống ở biên giới Miến Điện-Thái Lan.

Tại Thái Lan, những người Karen này làm công việc chân tay : khuân vác ngoài chợ, lao động trong các công trường xây cất, trợ giúp việc nhà… Cùng với người Cam Bốt và Lào, họ chiếm phần quan trọng trong số nhân công trên thị trường Thái Lan. Một số người đã lớn lên trong các trại tị nạn ở vùng biên giới và phần lớn cuộc sống là ở Thái Lan.

Quy định mới của chính phủ Thái Lan về người lao động nhập cư được đưa ra vài ngày sau báo cáo của Mỹ về tình trạng buôn người, và Thái Lan lại bị liệt vào danh sách "học trò kém cỏi".

Những thông báo của chính quyền Thái Lan thường không có hiệu quả lâu dài. Vào năm 2014, cũng trong tình hình tương tự, hàng trăm ngàn người lao động Cam Bốt đã trở về nước, nhưng vài tháng sau, đã thấy họ quay trở lại Thái Lan.

Đường dây người lao động nhập cư bất hợp pháp mang lợi không nhỏ, không chỉ cho kẻ tổ chức mà còn cho một số viên chức ở vùng biên giới. Và để tránh tình hình hốt hoảng hỗn loạn, chính quyền Bangkok vừa cho một kỳ hạn 120 ngày để người lao động không giấy tờ hợp thức hóa tình trạng của họ".

Mai Vân

********************

Lao động nhập cư ‘nóng’ ở Đại hội Di dân Giáo phận Vinh lần II (RFA, 03/07/2017)

Người di dân lo lắng

Khoảng 1.500 bạn trẻ Công giáo sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 tập trung tham gia Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai, trong bối cảnh Lao động mới của nước sở tại được thực thi, khiến nhiều di dân rất lo lắng.

thai4

Khoảng 1.500 bạn trẻ Công giáo sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 tập trung tham gia Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai. RFA

Giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận Vinh, sang Thái Lan chủ sự đại hội. Trước tình hình được cho là ‘nóng’ hiện nay đối với lao động nhập cư, đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp có ý kiến đề đạt với chính quyền Việt Nam trong việc hỗ trợ cho người Việt Nam phải sang làm ăn trên Xứ Chùa Vàng.

"Ít nhất phải có một kiến nghị gửi thẳng tới Tòa Đại sứ, gửi về Bộ lao động, gửi về bên nhà rồi cho lên mạng". Theo Giám mục Giáo phận Vinh vấn đề cần thiết phải có Hiệp ước lao động giữa 2 nước.

Ngày 23/6/2017, luật Lao động nhập cư mới của Chính phủ Thái Lan có hiệu lực, cảnh sát Thái Lan tổ chức nhiều đội truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp trong đó có Việt Nam.

Thực tế những di dân từ Việt Nam đều cầm hộ chiếu du lịch và làm trong những ngành nghề may mặc, bán hàng rong… là những ngành cấm lao động nước ngoài.

Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp nói, ông rất thông cảm với các di dân Việt Nam vì hầu hết đều làm việc "chui".

Tuy nhiên "chui" vẫn là công dân Việt Nam cho nên "chúng ta có thể liên kết ở Việt Nam để yêu cầu nhà nước phải giải quyết vấn đề bang giao cụ thể với những hiệp ước cụ thể về vấn đề trao đổi nhân sự với đất nước Thái Lan".

"Cha ước mong 1 ngày nào đó được cầm những cái Kiến nghị của di dân Việt Nam ở Thái Lan để rồi yêu cầu nhà cầm quyền phải nghĩ đến điều kiện làm việc của công nhân của mình với tình trạng bất bình đẳng, với tình trạng lao động rất là khó khăn", ông nói thêm.

Theo qui định mới của Thái Lan thì lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, bị phạt tiền từ 20.000 Baht đến 100.000 Baht (khoảng 13 triệu - 67 triệu VND).

Trong khi đó chủ sử dụng lao động vi phạm có thể bị phạt đến mức 800 ngàn bath Thái, tương đương hơn 23 ngàn đô la Mỹ theo tỷ giá hiện hành.

Cùng cầu nguyện cho nạn nhân Formosa

thai5

Giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận Vinh, sang Thái Lan chủ sự Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai. RFA

Ngoài lo lắng cho tình hình thực tế tại Thái Lan khi lao động nhập cư bất hợp pháp bị truy lùng, thì những bạn trẻ từ các tỉnh miền Trung sang Thái Lan tiếp tục lo lắng cho người thân tại những nơi chịu tác động trực tiếp của thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên.

Tuy nhiên vì cách trở về địa lý nên họ cũng chỉ biết cùng nhau dâng lời cầu nguyện.

Anh Nguyễn Văn Long, quê ở Hà Tĩnh có thâm niên 10 năm ở Thái Lan, hiện nay đang làm công nhân may mặc, anh cho hay :

"Sau biến cố thảm họa môi trường của 4 tỉnh miền Trung, trong đó tỉnh Hà Tĩnh của chúng em là tỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng.

"Chúng em đi xa nhưng vẫn cảm thấy xót thương cho đồng bào cũng như con em 4 tỉnh miền Trung. Mặc dù không giúp được gì chỉ biết bằng những lời cầu nguyện cho quê nhà sớm khắc phục thảm họa môi trường", anh Long chia sẻ.

Còn anh Trần Văn Sơn, làm thợ may ở Thái Lan 13 năm và tham gia Đại hội di dân Giáo phận Vinh với vai trò bảo vệ an ninh nói : "Mong muốn những nhà lãnh đạo biết suy nghĩ biết lo lắng, giải quyết vấn đề thảm họa môi trường thật minh bạch, người dân 3 tỉnh miền Trung (Giáo phận Vinh) mình rất là khổ, thảm họa môi trường, thảm họa thiên tai, đất đai khô cằn…. 
"Tụi em đi xa quê làm ăn chỉ mong sao chính quyền và các nhà lãnh đạo tìm ra nguyên nhân để dân đỡ khổ 1 chút", anh Sơn cho biết.

Số tham gia Đại hội Di dân Giáo phận Vinh lần thứ hai không đông như lần thứ nhất vì lý do chiến dịch truy bắt, buộc lao động nhập cư bất hợp pháp về nước.

Hãng tin Reuters vào ngày 3 tháng 7 loan tin dẫn phát biểu của một viên chức Văn phòng Nhập cư Thái Lan cho biết từ ngày 23 đến 28 tháng 6 có chừng 60 ngàn lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan. Trong số này có đủ quốc tịch ; nhưng nhóm đông nhất là người Miến Điện. Trong những ngày sắp tới số lao động nhập cư bất hợp pháp phãi rời xứ Chùa Vàng được nhận định còn tăng lên nữa.

Thống kệ của Tổ chức Quốc tế Di dân cho thấy tại Thái Lan có hơn 3 triệu lao động nhập cư ; tuy nhiên những tổ chức theo dõi nhân quyền nói con số này phải cao hơn nữa.

Chân Như, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 944 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)