Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì bị Trung Quốc ngăn cản không cho tìm kiếm và khai thác dầu khí trên thềm lục địa, Việt Nam nhiều phần phải tìm kiếm các nguồn năng lượng khác cho nhu cầu ngày một tăng cao.

nangluong1

Tàu hải giám của Trung Quốc, ngày 15 tháng Năm, 2014, lao vào mấy tàu cảnh sát biển của Việt Nam để chặn không cho tiến tới giàn khoan HD981 đang khoan tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phía nam quần đảo Hoàng Sa. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Theo một bài phân tích của tạp chí Asian Today, Việt Nam đã bắt đầu khai thác dầu khí trên thềm lục địa từ những năm cuối thập niên 1980. Nhiều mỏ dầu và mỏ khí đã được khám phá và khai thác êm xuôi cho đến những năm gần đây khi Trung Quốc lên giọng xác định chủ quyền lãnh thổ, chiếm hơn 80% Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực.

Bắc Kinh đã nhiều lần cho tàu ngăn cản các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam trên các vùng biển mà họ có cái vạch chủ quyền "Lưỡi Bò" vắt ngang. Lần mới đây nhất, tháng Sáu vừa qua, tàu khoan dầu của công ty Rapsol mà Việt Nam thuê, đã phải hủy bỏ ngang cuộc trắc nghiệm tầm mức của trữ lượng dầu khí tại lô 136-3 Đông Nam Vũng Tàu 200 hải lý, khi Bắc Kinh đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam.

Năm 2014, lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, dù nhỏ bé về mọi mặt so với Trung Quốc, đã phải đối diện với đoàn tàu hải giám của Bắc Kinh suốt hai tháng rưỡi ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa cho tới khi giàn khoan của họ rút đi.

Vì nhu cầu năng lượng, tuy phải tạm đình hoãn bởi Trung Quốc cảnh trở, nhưng Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các địa điểm khác để khoan tìm. Nền kinh tế của Việt Nam cần năng lượng để phát triển cũng như các nhà đầu tư quốc tế, và cả các công ty dầu khí quốc tế, nhìn thấy viễn ảnh không sáng sủa, trước sau sẽ theo nhau bỏ chạy.

Trong sô các dự án, dự án khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh – lô 118 – ngoài khơi miền Trung đã có thỏa thuận tiến hành với hàng Exxon-Mobil của Mỹ đầu tư $10 tỷ để khai thác. Mỏ này cũng có cái vạch "Lưỡi Bò" vắt chéo qua. Người ta không rõ rệt lắm đối với các đe dọa của Bắc Kinh với lô này nhưng các công ty dò tìm và khai thác dầu khí đều bị Bắc Kinh cảnh cáo không được hoạt động trên vùng biển mà họ ngang ngược gọi là "chủ quyền" trên Biển Đông.

Trữ lượng dầu của Việt Nam ước tính khoảng 600 triệu thùng, đứng hàng thứ nhì ở khu vực Đông Á Châu. Theo thống kê, nhà máy điện chạy than là nguồn năng lượng chính chiếm 34.4% nguồn lực năng lượng của Việt Nam năm 2015. Vì sử dụng than tương đối rẻ hơn nên Việt Nam dự tính gia tăng sản lượng từ các nhà máy chạy than lên 42.6%.

Việt Nam là nước bán dầu thô rồi nhập các lại các sản phẩm tinh lọc từ dầu mỏ. Cho đến nay, dầu khí vẫn là nguồn cung cấp tài chính chính yếu cho tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam. Từ năm 2000 trở lại đây, sản lượng dầu thô của Việt Nam suy giảm dần vì một số mỏ lớn khai thác từ lâu đã và đang cạn dần. Việt Nam cần phải tìm kiếm dầu khí các nơi khác không bị cản trở.

Mức tiêu thụ điện của Việt Nam, theo đầu người, năm 1995 chỉ có 156kw/giờ nhưng đã lên tới 1,415kw/giờ vào năm 2014. Nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10.5% cho giai đoạn từ 2016-2020. Sau đó, dự báo gia tăng lối 8% cho giai đoạn từ 2020 đến 2030 với giả định là chương trình cung cấp điện năng đạt kế hoạch. Hiện một số khu vực vùng sâu vùng xa vẫn chưa được kết nối vào với lưới điện quốc gia.

Việt Nam tùy thuộc nhiều vào than đá để có điện nên vấn đề cam kết giảm bớt 25% ô nhiễm môi sinh đã không đạt được. Ngay như tại thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí cao hơn 2.5 chỉ số theo tiêu chuẩn của tổ chức Y Tế Thế Giới đề ra. Bệnh tật liên quan đến tim, phổi vì thế sẽ gia tăng nhiều hơn.

Trước khi quá muộn, Việt Nam cần phải phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo để thỏa mãn cả nhu cầu điện năng và vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, cả khả năng tài chính cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển lãnh vực này đều thiếu.

Trong số 50 dự án điện gió, mới chỉ có 4 dự án đã hoạt động với tổng công suất khiêm tốn 160MW. Nếu được phát triển, các hệ thống điện mặt trời có thể cung cấp đến 35% nhu cầu điện của Việt Nam và điện gió cung ứng được khoảng 13% , nhưng như ở trên trình bày, Việt Nam thiếu cả tài chính và kiến thức khoa học kỹ thuật.

Năm ngoái, Việt Nam đã phải tạm gác dự án xây dựng hai lò điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận dù đã ký hợp đồng với Nga. Tốn phí đến $18 tỷ lại có nhiều nguy hiểm, chuyên viên chưa đào tạo được bao nhiêu.

Đối diện với nhiều lực cản, đặc biệt là cái vạch "Lưỡi Bò," trong khi nhu cầu điện năng mỗi ngày mỗi gia tăng, tìm các nguồn cung ứng điện năng cho Việt Nam là bài toán đầy thử thách. (TN)

Published in Việt Nam
mercredi, 12 juillet 2017 00:28

Không chỉ ngu mà còn quá ngu

Giá thành của các panô điện nắng đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD một watt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện nắng sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm. Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng như một nguồn năng lượng và như thế các nhà máy dùng than sẽ phải gỡ bỏ.

Tổ quốc lâm nguy ! Không phải chỉ có sự xuống cấp báo động của đạo đức, văn hóa, giáo dục và tình cảm dân tộc. Đất nước, hiểu theo nghĩa đen là đất và nước, đã bị hủy hoại nhiều lắm rồi và sự hủy hoại đang gia tăng vận tốc. Thảm họa môi trường lần này còn đi đôi với thảm bại kinh tế. Nó có một tên gọi : than.

Résultat de recherche d'images pour "Đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than trong nước, Trung Quốc tăng cường đầu tư nhiệt điện than tại Việt Nam"

Đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than trong nước, Trung Quốc tăng cường đầu tư nhiệt điện than tại Việt Nam

 

Một kịch bản đã trở thành quen thuộc từ vài năm nay. Một doanh nhân Việt Nam với số vốn khoảng 100 triệu USD được một tổ hợp Trung Quốc tiếp cận. Tổ hợp này đề nghị giúp doanh nhân lập một công ty thép trị giá 2 tỷ USD với những điều kiện cực kỳ thuận lợi. Tổ hợp sẽ cho vay 1,7 tỷ USD trang thiết bị với lãi xuất thấp và sẽ bảo đảm toàn bộ việc xây lắp nhà máy với các chuyên gia đầy kinh nghiệm đã từng xây lắp thành công những nhà máy tương tự tạị Trung Quốc. Sau đó tổ hợp sẽ bảo đảm việc huấn luyện công nhân cũng như cán bộ quản trị, ngoài ra còn có thể giúp công ty xuất khẩu sản phẩm trên thị trường thế giới. Các trang thiết bị còn mới nguyên và được chuyển giao với giá thấp hơn cả giá thành. Điều kiện hoàn trả cũng rất dễ dãi, bao giờ công ty đã có lời và đủ khả năng thì mới bắt đầu trả từ từ. Tất cả cố gắng của doanh nhân chủ tương lai công ty thép chỉ là tìm ra số vốn khiêm tốn khoảng 300 triệu USD để trang trải chi phí xây dựng nhà máy. Điều này cũng dễ thực hiện, công ty có thể vay được từ các ngân hàng Việt Nam vì số tiền vay chỉ là trên dưới 10% trị giá dự án đầu tư. Tóm lại người doanh nhân Việt Nam gần như được biếu không một công ty thép lớn và bỗng nhiên trở thành tỷ phú đô la. Ông Lê Phước Vũ chủ tịch công ty Hoa Sen đã tóm lược cơ hội này trong một câu nói được cả nước biết đến : ngu sao không làm thép ? Ông này cũng nói thêm là bắt buộc phải sử dụng trang thiết bị của Trung Quốc thì mới có lời. (Trong trường công ty Hoa Sen, công ty có vốn khoảng 150 triệu USD và muốn thực hiện dự án Thép Cà Ná với số vốn đầu tư 10,6 tỷ USD)

Kịch bản này cũng diễn ra cho các công ty khác, nhiệt điện, phân đạm, giấy v.v. Phải nói thẳng với Lê Phước Vũ và những người như ông rằng họ không chỉ ngu mà còn quá ngu. Cái bẫy quá lộ liễu, dù chính quyền, nhiều doanh nhân và nhiều ngân hàng không nhìn thấy.

Đặc tính chung của tất cả các dự án này là đều dùng than và than là một nhiên liệu sắp bị loại bỏ dứt khoát trong một ngày rất gần đây, ngay cả nếu ông Donald Trump không đồng ý. Thế giới đang đi vào một thời đại mới, thời đại của năng lượng mặt trời.

Vấn đề không phải mới được đặt ra. Ngay từ thập niên 1960 các chuyên gia đều đã khẳng định rằng thế giới sẽ chỉ có tương lai nếu tìm được một nguồn năng lượng để thay thế cho năng lượng mỏ -nghĩa là than, dầu và khí đốt- vì một lý do hiển nhiên là những nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt trong vài thế hệ. Hơn nữa chúng lại rất ô nhiễm. Nhưng nguồn năng lượng thay thế nào ? Thủy điện chỉ thực hiện được trong những điều kiện đặc biệt và cũng tạo ra những thay đổi môi trường chưa lường hết được. Một thí dụ cụ thể là đập Tam Khẩu của Trung Quốc ngày càng được nhiều người nhìn như một sai lầm. Năng lượng gió cũng không phải là giải pháp bởi vì chỉ thực hiện được ở những nơi có gió mạnh và với giá đắt.

Nguồn năng lượng phong phú vô cùng tận dĩ nhiên là nắng. Một tuần lễ nắng có khả năng cung cấp một khối năng lượng tương đương với tổng số năng lượng chất chứa trong tất cả các mỏ than, dầu và khí đốt trên trái đất. Và mặt trời sẽ còn tiếp tục tỏa nắng thêm vài tỷ năm nữa sau khi mọi sự sống đã biến mất trên trái đất này. Chất silicon (silicium) để tiếp nhận năng lượng nắng và biến thành điện cũng vô tận vì chiếm hơn 25% vỏ trái đất. Nhưng vấn đề là điện nắng quá đắt so với điện sản xuất bằng than hay dầu. Những panô nắng (solar panel) làm ra điện đã được chế tạo ngay từ đầu thập niên 1980 nhưng chỉ được dùng trong một số trường đại học hay trung tâm khảo cứu như để triển lãm một phát minh khoa học. Thế rồi những cải tiến liên tục đã đạt được và trở thành dồn dập từ khoảng mười năm nay. Các panô ngày càng nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn, mạnh hơn và rẻ hơn. Giá thành của các panô điện nắng giảm một cách nhanh chóng. Kỹ thuật tích lũy điện -để dùng trong đêm hay mùa đông âm u- cũng tiến theo, các battery (ắc quy) ngày càng nhỏ hơn, mạnh hơn và bền hơn. Hiện nay giá thành của điện nắng đã xuống gần bằng giá điện than. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đầu năm nay cho biết giá thành của các panô điện nắng đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD một watt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện nắng sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm. Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng như một nguồn năng lượng và như thế các nhà máy dùng than sẽ phải gỡ bỏ. Sau đó đến lượt dầu lửa và khí đốt. Chúng ta đã có thể thấy những dấu hiệu rất mạnh ngay trong lúc này. Giá dầu đã xuống dưới mức 50 USD một baril sau khi đã đạt tới cao điểm 145 USD một baril năm 2008, các công ty dầu khí khổng lồ đều đã sụt giá trên các thị trường chứng khoán, ngành thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi gần như phá sản. Các công ty chế tạo ôtô đang thi đua sản xuất xe chạy bằng điện. Một số nước Châu Âu dự trù cấm xe xăng dầu bắt đầu từ năm 2040, nghĩa là trong 23 năm nữa. Có khả năng họ sẽ cấm nhập khẩu những kim loại sản xuất bằng than đá. Chúng ta đang sống một cuộc cách mạng lớn. Kỷ nguyên năng lượng nắng đang tới và cũng sẽ thay đổi bộ mặt thế giới tương tự như cuộc cách mạng máy tính và tin học. Đảo lộn kỹ thuật sẽ không mãnh liệt như thế - máy computer lớn nhất thế giới năm 1990 không mạnh bằng một chiếc điện thoại di động hiện nay- nhưng thay đổi chính trị và kinh tế có thể còn lớn hơn. Những nước sống nhờ dầu khí, như Nga, Venezuela và các nước vùng Vịnh sẽ rất khốn đốn. Biển Đông cũng sẽ bớt căng thẳng khi dầu khí không còn là kho vàng phải tranh giành cho bằng được nữa. Khi Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa Ước Paris về khí hậu -với lý do là không để Trung Quốc độc quyền sử dụng than- đa số các bang Mỹ và các công ty lớn đã tuyên bố không đồng ý và không chấp hành. Người ta không chỉ trách Donald Trump thiếu tâm hồn, người ta còn chê ông thiếu kiến thức.

Trung Quốc đã nhìn thấy cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Cách đây mười năm, mùa hè 2007, khi tham quan Trung Quốc tôi còn thấy trong nhiều tài liệu là họ đang chuẩn bị xây dựng thêm hàng ngàn nhà máy điện và thép chạy bằng than. Dù có rất nhiều than đá họ vẫn nhập khẩu ồ ạt để đáp ứng nhu cầu dự trù. Tại Bắc Kinh, Tây An, Vân Nam, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải đi đâu tôi cũng gặp những đoàn du lịch của công nhân Than Quảng Ninh từ Việt Nam sang. Họ nói công nghiệp than của Việt Nam đang gặp thời cực thịnh vì có bao nhiêu than Trung Quốc cũng sẵn sàng mua hết. Nhưng rồi Trung Quốc bừng tỉnh và chuyển hướng. Họ ngừng xây dựng các nhà máy đó dù đã chế tạo ra những trang thiết bị đủ để thiết lập hàng ngàn nhà máy. Không phải chỉ vì môi trường Trung Quốc đã quá ô nhiễm mà chủ yếu vì họ nhận ra là thời đại của than sắp chấm dứt và thời đại của năng lượng mặt trời đang đến. Hiện nay Trung Quốc đã là nước sản xuất nhiều panô điện nắng nhất và còn dự định đầu tư thêm 360 tỷ USD vào kỹ thuật điện nắng trong ba năm sắp tới.

Làm gì với những trang thiết bị đã chế tạo ra cho hàng ngàn dự án không thực hiện nữa, bây giờ trở thành cồng kềnh vô ích và không đáng giá một đồng xu ? Họ chuyển sang Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã không nhìn thấy lý do và đã khờ khạo đến nỗi chấp nhận những nhượng bộ rất quan trọng để được làm bãi rác công nghiệp của Trung Quốc. Thí dụ như cho Formosa hưởng một quy chế giống như một nhượng địa.

Các nhà máy nhiệt điện, thép, phân đạm, giấy v.v. được tập trung trong những khu công nghiệp ven biển hay gần biển bên cạnh một dòng sông. Tại sao ? Chúng đều chạy bằng than và dùng nhiều hóa chất, nghĩa là đều rất ô nhiễm. Chúng được lập tại bờ biển để xả thải thẳng ra biển. Nếu những dự án này "thành công" thì bầu trời Việt Nam sẽ đặc khói, biển Việt Nam sẽ nhiễm độc, các ngành muối và nuôi trồng hải sản sẽ chết dần cùng với ngành du lịch. Hàng chục triệu người sẽ mất nghề sinh sống và hàng chục triệu người sẽ bị nhiễm độc. Phải mừng rằng những dự án này sẽ thất bại và bị đình chỉ, như thảm họa Formosa -dưới một góc nhìn khác- đã chứng tỏ. Một đặc điểm chung khác của các nhà máy này là chúng đều được xây dựng một cách cẩu thả, thí dụ như nhà máy Đạm Ninh Bình chưa thực sự đi vào hoạt động đã lún sâu hơn 2 mét trong lòng đất. Những nhà máy này đều do Trung Quốc xây và Trung Quốc thừa biết chúng sẽ không hoạt động lâu vì thời đại của năng lượng than đang chấm dứt.

Thời đại của than có thể chấm dứt nhanh hơn nhiều dự đoán. Tất cả các nhà máy này đều sẽ không sống lâu, nhiều nhà máy có thể sẽ không bao giờ đi vào hoạt động và các đại gia như Lê Phước Vũ thay vì trở thành tỷ phú đô la sẽ chỉ mất vốn. Chúng ta không chờ đợi ở họ một tinh thần trách nhiệm nào với đất nước, họ hoàn toàn không có và chính vì thế mà họ đã thành đại gia. Nhưng họ đã lầm to ngay cả nếu chỉ muốn làm giầu. Ngu sao không làm thép ? Lê Phước Vũ và những người như ông ta tưởng rằng mình khôn và gặp thời, nhưng họ rất ngu.

Nước ta đã lỡ giai đoạn cất cánh vì không tạo ra được một lớp doanh nhân đúng nghĩa mà chỉ có những doanh nhân kiểu Lê Phước Vũ, những người không chỉ cưa cái cành trên đó mình đang ngồi mà còn cưa luôn chân mình. Nhưng Đảng Cộng Sản cũng đang làm chúng ta lỡ một khúc quanh lớn của thế giới : khúc quanh vào kỷ nguyên năng lượng sạch. Đất nước đã rất tụt hậu lại còn có nguy cơ tụt hậu hơn nữa, như một người chạy đua đã chạy sau lưng người ta lại còn vấp ngã và bị thương.

Paris, 12/07/2017

Nguyễn Gia Kiểng

Published in Quan điểm

Ngày 18/05/2017, Trung Quốc thông báo thành công đầu tiên trong việc thu thập được những mẫu khí mêtan hydrat (đôi khi còn được gọi là "đá cháy" hay "băng cháy") ở Biển Đông. Chỉ trong vòng 6 tuần, tính đến đầu tháng 07/2017, hơn 235.000 mét khối mêtan hydrat đã được Trung Quốc khai thác ở vùng biển cách 320 km phía đông nam thành phố Châu Hải (Zhuhai), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).

khat1

Khối "đá cháy" được tầu nghiên cứu Đức FS Sonne tìm thấy trong một chuyến thám hiểm ở ngoài khơi Oregon, Mỹ, ở độ sâu 1.200 m. Ảnh minh họa. CC/Wusel007

Kết quả trên được Bắc Kinh đánh giá là "một bước tiến lịch sử" sau gần hai thập kỷ nghiên cứu với nhiều đợt khoan thăm dò trong vùng Biển Đông. Hãng tin AFP, trích phát biểu của ông Hiệp Kiến Lương (Ye Jianliang), giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu, đánh giá : "Trung Quốc đã vượt qua mọi mong đợi trong quá trình khảo sát thăm dò "đá cháy" bằng những tiến bộ đổi mới của riêng mình về công nghệ và kỹ thuật. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá lịch sử".

Theo tuyên bố ngày 02/06/2017 của bộ Lãnh Thổ và Tài Nguyên, được Xinhua.net trích dẫn, Trung Quốc sẽ có khoảng 80 tỉ tấn "đá cháy". Khoảng 8.350 mét khối nhiên liệu này vẫn được khai thác hàng ngày ở ngoài khơi đông nam thành phố Châu Hải.

Trung Quốc nằm trong số vài nước có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên mới này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ hai thập kỷ nay, quốc gia Đông Á này tăng cường các cuộc thăm dò dưới đáy đại dương để tìm "đá cháy", một loại năng lượng hóa thạch được ưa chuộng vì khí mêtan. Tuy nhiên, để sử dụng được "đá cháy" trên quy mô thế giới, còn cần ít nhất thêm 10 năm nữa.

Thành công của Trung Quốc : Cuộc cách mạng năng lượng hay dự án quảng bá ?

Thành công trong việc khai thác được khí mêtan hydrat vừa qua được Trung Quốc đánh giá là "một bước tiến lịch sử". Thế nhưng, trang Sputnik của Nga đặt câu hỏi liệu thành công này sẽ giúp Bắc Kinh tiến hành một cuộc cách mạng năng lượng hay đó chỉ là một dự án quảng bá ?

Trả lời trang Sputnik, chuyên gia Nga Igor Iouchkov, thuộc Quỹ Quốc gia vì An ninh Năng lượng, cho rằng bước đầu trong quá trình khai thác khí mêtan hydrat có thể là một tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đó không phải là một cú đột phá lịch sử trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh : "Trung Quốc thông báo thành công trong bước đầu chiết xuất "đá cháy", nhưng lại im lặng về chi phí cho hoạt động này. Dĩ nhiên, điều này gây thắc mắc, vì vấn đề giá cả của nhiên liệu được khai thác là điều quan trọng. Chỉ có giá, chứ không phải tiêu chí nào khác, cho phép đánh giá hiệu quả thương mại của công nghệ Trung Quốc và xa hơn là viễn cảnh khai thác "đá cháy" nói chung".

Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực khí mêtan hydrat có thể sẽ tác động hơn đến năng lượng thế giới so với sản xuất khí đá phiến (schiste). Ông Igor Iouchkov nêu lên hai khả năng giải thích cho thông tin về thành công của Trung Quốc được truyền thông đăng tải : Thứ nhất, một thông tin như vậy phù hợp với chính sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, Bắc Kinh đang bận tâm đến giá khí đốt ở nước ngoài.

Khí mêtan hydrat, nguồn năng lượng của tương lai ?

"Đá cháy" được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém.

Khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, 1 mét khối mêtan hydrat có thể tỏa 164 mét khối khí mêtan và 0,8 mét khối nước.

Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Hoa Kỳ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả "khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết" (như dầu hỏa, than đá…).

Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ "đá cháy". Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể "làm thay đổi cán cân" đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.

Giảng viên Ingo Pecher, thuộc phân khoa Khoa Học, đại học Auckland, Úc, nêu trường hợp điển hình của Nhật Bản : "Họ không có nhiều khí đốt và đối với họ, loại khí này có thể là một nguồn dự trữ quan trọng". Quần đảo Nhật Bản bị lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên, vì phần lớn các nhà máy điện nguyên tử của nước này vẫn đang ngừng hoạt động từ sáu năm nay, sau thảm họa Fukushima.

Tiềm năng rất lớn

"Đá cháy" được phát hiện trên khắp thế giới, từ New Zealand đến Alaska, nhưng thách thức chính là phải tìm được những mỏ tập trung và có thể thâm nhập được.

Rất nhiều nước có tham vọng khai thác được khí mêtan hydrat. Nhật Bản thông báo thành công trong việc khoan thăm dò ngoài khơi phía đông nước này. Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả khả quan trong những lần khoan thử ở vịnh Mexico.

Nhưng để sản xuất một cách khả thi về mặt kinh tế thì sẽ còn cần "khoảng 10 năm", theo ước tính của ông Paul Duerlo, tổng giám đốc văn phòng cố vấn Boston Consulting Group, trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Còn theo thẩm định của giới chuyên gia Trung Quốc, loại đá cháy có thể trở thành một nguồn năng lượng sinh lợi "trong khoảng những năm 2030".

Ông Duterlo giải thích : "Người ta biết các mỏ năng lượng này nằm ở đâu, người ta có công nghệ cần thiết, nhưng mức sản xuất từ các giếng này vẫn còn chưa khả thi về mặt thương mại do giá thành hiện nay".

Một thách thức khác trong việc chiết xuất, đó là loại khí mêtan cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính, theo giải thích của giáo sư An Khắc (Yuan Xu), thuộc khoa Địa lý và Quản lý nguồn tài nguyên, đại học Hồng Kông. Dẫu sao, vẫn theo giáo sư An Khắc, loại nhiên liệu này vẫn là "tiềm năng lớn" nếu vượt qua được mọi cản trở về tài chính và công nghệ.

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á