Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/11/2023

Biển Đông : Bắc Kinh không thực tâm đàm phán về COC

Tổng hợp

Đàm phán về COC : Manila tìm kiếm sự hợp tác khu vực

Minh Anh, RFI, 21/11/2023

Tại Hawai, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố, chính phủ của ông tìm cách tiếp cận với các nước Đông Nam Á láng giềng như Việt Nam và Malaysia để thảo luận về một Bộ Quy tắc Ứng xử riêng biệt ở Biển Đông. Nhưng mong muốn của Manila liệu có thể được đáp ứng ?

philippines1

Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải và trái) bao vây tàu dân sự Philippines do hải quân Philippines thuê để vận chuyển hàng tiếp tế cho tàu hải quân BRP Sierra Madre ở Biển Đông hôm 22/8/2023.  AP / Armed Forces of the Philippines

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, thủ phủ của Hawai hôm thứ Bảy 18/11, tổng thống Philippines trước hết đưa ra nhận định : Tình hình tại những vùng lãnh hải đang có tranh chấp "ngày càng thảm hại" do thái độ lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Bắc Kinh về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông lại rất chậm chạp, hạn chế.

Một ngày trước đó, tại San Francisco, Hoa Kỳ, sau cuộc trao đổi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nhằm thảo luận về những phương cách giảm thiểu các căng thẳng tại những vùng biển có tranh chấp, tổng thống Marcos cho biết cả ông và chủ tịch Tập "đã nỗ lực tìm kiếm các cơ chế để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông" nhưng không nêu chi tiết.

Trang mạng The Diplomat ngày 21/11/2023 ghi nhận các hành động gây hấn sách nhiễu của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể từ năm 2022 và liệt kê nhiều sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông, đặc biệt trong các vùng biển của Philippines. Trong bài phát biểu tổng thống Marcos còn cho rằng Trung Quốc hiện nay còn "để ý" đến những bãi đá ngầm và vùng nước sâu "ngày càng gần" với bờ biển của Philippines.

Nói một cách khác tình hình không những không được cải thiện như cam kết của Bắc Kinh cách nay một năm mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một năm trước, thủ tướng Trung Quốc thời đó là Lý Khắc Cường, trong cuộc họp ở Phnom Penh, nhằm kỷ niệm 20 năm Tuyên bố "lịch sử" về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), đã cùng với 10 nước thành viên khối ASEAN tái khẳng định tuân thủ "các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước về Luật biển 1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á, năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và nhiều nguyên tắc phổ quát khác được luật pháp quốc tế công nhận, làm nền tảng cho các tiêu chuẩn cơ bản cho các mối quan hệ giữa Nhà nước". Một cam kết mà ông Raymond Powell, giám đốc SeaLight, đánh giá là hàm chứa nhiều tham vọng hơn so với cam kết DOC năm 2002.

Sebastian Strangio, một cây bút xã luận của The Diplomat, chuyên gia về vùng Đông Nam Á nhận định, lời kêu gọi này của nguyên thủ Philippines về một sự hợp tác mới trong khu vực phản ảnh rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp các nỗ lực từ 2002, khả năng ASEAN đạt được một thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc sau các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất thấp.

Một mặt là vì ASEAN khó khăn dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc không thực tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc.

Cũng theo ông Raymond Powell, trong một bài viết trên The Diplomat, nếu như các chính phủ Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ "ủng hộ" Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), thì "mối hoài nghi về triển vọng của văn bản này kể từ giờ phải được xem xét nghiêm túc". Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp tốt nhất, đối với Trung Quốc, "các cuộc đàm phán bị kéo dài đóng vai trò là vỏ bọc chính trị trong khi nước này trên thực tế vẫn mở rộng quyền kiểm soát đối với nhiều yêu sách lãnh hải rộng lớn hơn nữa".

Hơn nữa, một số nước Đông Nam Á chưa giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền và tranh chấp với nhau tại Biển Đông, cản trở việc hình thành một mặt trận thống nhất phản đối các đòi hỏi quá mức của Bắc Kinh. Một Bộ Quy tắc Ứng xử không chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể sẽ là khúc dạo đầu cho một giải pháp đối với những tranh chấp giữa các nước này, và cho phép đặt nền tảng cho một trong những sự thống nhất rộng lớn trong khu vực về những tranh chấp ở Biển Đông.

Trước một Trung Quốc chọn "vũ lực" để khẳng định các yêu sách của mình, việc các nước khác phải đầu tư mọi nguồn lực ngoại giao trong đàm phán đa phương thu hẹp dường như hợp lý hơn là trong một khuôn khổ ASEAN vận hành theo cơ chế đồng thuận.

Nhưng liệu Việt Nam và Malaysia có đủ "can đảm" để nắm lấy cơ hội này hay không, còn là một câu chuyện khác !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 21/11/2023

*****************************

Philippines thuyết phục Việt Nam, Malaysia soạn thảo quy tắc riêng về Biển Đông

BBC, 21/11/2023

Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng hơn dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người liên tục phàn nàn về hành vi "hung hăng" của Trung Quốc trong khi nối lại mối quan hệ bền chặt với đồng minh duy nhất mà Philippines có hiệp ước phòng thủ chung chính thức và ràng buộc về mặt pháp lý, Hoa Kỳ.

philippines4

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Nhật Bản diễn tập năm 2015

Phát biểu tại Hawaii trong một sự kiện được phát trực tiếp, ông Marcos cho biết căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và láng giềng để duy trì hòa bình trên tuyến đường thủy nhộn nhịp này khi tình hình hiện nay "căng thẳng hơn".

"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN và đáng tiếc là tiến độ này diễn ra khá chậm", ông Marcos cho biết, đề cập đến những nỗ lực của nhóm các quốc gia Đông Nam Á.

"Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có xung đột lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, Malaysia là một quốc gia khác, và xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi.

"Hy vọng điều này sẽ phát triển hơn nữa và mở rộng sang các nước ASEAN khác".

Đại sứ quán Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về khả năng có một bộ quy tắc riêng như vậy.

Trung Quốc cho rằng xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng đối với nước này và các nước ASEAN.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng : "Bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu".

Phát biểu của ông Marcos được đưa ra ra sau cuộc gặp hôm thứ Sáu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco.

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng ở vùng biển chiến lược này sau một loạt cuộc đối đầu trong năm nay.

Trong vài năm qua, ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra một khuôn khổ để đàm phán về quy tắc ứng xử, một kế hoạch đã có từ năm 2002. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm chạp bất chấp cam kết của tất cả các bên nhằm đẩy nhanh quá trình này.

Các cuộc xung đột

Các cuộc đàm phán về các thành phần của bộ quy tắc vẫn chưa bắt đầu, với những lo ngại về việc Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông, sẽ cam kết tuân thủ một bộ quy tắc mang tính ràng buộc mà các quốc gia ASEAN muốn phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành đến mức nào.

Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình trên bản đồ bằng cách sử dụng "đường chín đoạn" kéo dài tới 1.500 km về phía nam đất liền, cắt vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippin và Việt Nam.

Manila và Bắc Kinh đã đối đầu liên tục trong nhiều năm khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, gây lo ngại cho các nước láng giềng và các quốc gia khác hoạt động trên tuyến đường thương mại quan trọng này, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã biến các rạn san hô ngập nước thành các cơ sở quân sự được trang bị radar, đường băng và hệ thống tên lửa, một số nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ông Marcos cho biết : "Các rạn san hô gần nhất mà PLA bắt đầu thể hiện sự quan tâm… để xây dựng căn cứ đã ngày càng tiến gần hơn đến bờ biển Philippines".

"Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn trước".

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết : "Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác không có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm".

Ông Marcos nói thêm rằng Hoa Kỳ "luôn hỗ trợ chúng tôi, không chỉ bằng lời nói... mà còn bằng hành động cụ thể".

Nguồn : BBC, 21/11/2023

*****************************

Trung Quốc muốn kéo dài đàm phán COC vô thời hạn để gây sức ép lên các nước láng giềng

RFA, 20/10/2023

Một số chuyên gia về vấn đề Biển Đông cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là kéo dài càng lâu càng tốt việc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), từ 2012 đến nay, nhằm gây sức ép lên các nước láng giềng. 

philippines2

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu vào ngày 19 tháng 11 năm 2023 - AFP

Giám đốc Dự án Myoushu thuộc Trung tâm Gordian Knot về An ninh Quốc gia ở Đại học Standford, Mỹ, ông Raymond Powell, nói với RFA rằng cách Trung Quốc đàm phán COC với ASEAN giống như trò tấu hài. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học New South Wales, Canbera, nói rằng lợi ích lớn nhất của Trung Quốc nằm ở chỗ các thỏa thuận tốt đẹp trong COC giữa họ và ASEAN không bao giờ được ký kết.

Đàm phán COC để che giấu tham vọng đế quốc 

Trao đổi với RFA, ông Nguyễn Thế Phương và Raymond Powell đều nói rằng họ bi quan về kết quả đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN. Ông Powell nhấn mạnh  lý do là hai phía rất khó có thể đi tới thỏa thuận chung khi mà mục đích đàm phán thực sự của Trung Quốc là dùng đàm phán để che giấu tham vọng đế quốc.

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC tuyên bố "các Bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết đối với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông theo các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982" (Điều 3), "cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện" (Điều 4).

Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell nhấn mạnh Trung Quốc đã không tuân thủ DOC : "Họ liên tục sử dụng vũ lực, quân sự hóa các đảo Biển Đông, và chống lại Luật biển Quốc tế bằng cách dựa trên cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" mà họ đơn phương tuyên bố". Theo ông Powell, "chính vì cách "ứng xử" của Trung Quốc vi phạm DOC nên ASEAN thúc đẩy bước tiếp theo là đàm phán về "bộ quy tắc ứng xử" trên Biển Đông (COC)".

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc liên tục điều động tàu khảo sát và hải cảnh xâm nhập dài ngày vào trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Philippines. Hoạt động của họ thậm chí kéo dài sang vùng đặc quyền kinh tế của các đảo quốc ở Nam Thái Dương. Trung Quốc cũng liên tục các hành động gây hấn như chặn tàu, đâm tàu đối với Philippines ở bãi cạn Scarborough. Theo Luật biển Quốc tế và Phán quyết của toàn PCA năm 2016, thực thể địa lý này là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm, do đó nó thuộc về thềm lục địa Philippines một cách tự nhiên mà các quốc gia bên ngoài không được tuyên bố chủ quyền.

philippines3

Tuần duyên Philippines quan sát tàu hải cảnh của Trung Quốc trong một chuyến đi tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông hôm 10/11/2023. AFP

Ông Powell chỉ ra là "ASEAN hy vọng rằng một thỏa thuận mạnh mẽ hơn sẽ hạn chế xung đột và gây hấn khi DOC thất bại". Trong khi đó, "Trung Quốc cũng muốn hòa bình trên Biển Đông, nhưng đó là một nền hòa bình mà các nước láng giềng ASEAN có trách nhiệm tự kiềm chế bản thân để phục tùng sự thống trị một cách hòa bình của Trung Quốc".

Ông Nguyễn Thế Phương nói rằng những ai theo dõi vấn đề Biển Đông thời gian qua đều bi quan. Ông giải thích có ba khía cạnh khiến cho nhiều nhà quan sát bi quan về khả năng đàm phán COC sẽ đạt kết quả tích cực.

Thứ nhất, mục đích của COC là giải quyết các vấn đề mà DOC không giải quyết được. Mà nếu COC không làm được điều đó thì có nghĩa là COC cũng vô dụng như DOC. Điều quan trọng nhất là phải ràng buộc được nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan để giảm thiểu đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông. Đàm phán COC ở đây là cuộc đàm phán giữa một nước cực lớn và một nhóm các nước nhỏ. Tình thế đó khiến quá trình thương lượng không bình thường, mà theo hướng áp đặt một chiều, tức là Trung Quốc có khả năng áp đặt được quan điểm của mình. Họ có xu hướng áp đặt vì trong tình thế này thì họ không dại gì mà không áp đặt.

Thứ hai là vấn đề nội bộ các nước ASEAN. Trong đàm phán COC, không phải có vấn đề đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc mà còn giữa một số nước ASEAN với nhau. Và trong nội bộ ASEAN, về vấn đề này chắc chắn có mâu thuẫn. Trung Quốc có thể tận dụng vấn đề này để làm cho cán cân lợi ích nghiêng về phía họ.

Điểm thứ ba mà các học giả hay nói là lòng tin. Người ta không tin rằng nếu Trung Quốc có thể đưa ra hoặc chấp nhận các điều kiện có lợi cho ASEAN đi nữa thì họ vẫn không làm theo điều họ nói. Sự mất lòng tin này khiến cho việc đàm phán cực kỳ khó khăn. Anh nói thế này trên bàn đàm phán nhưng hành động trên thực địa ngược lại. ASEAN không có nhiều khả năng ràng buộc hành động của Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, người ta không nghĩ rằng có thể đưa ra một bản COC mà các quốc gia đều có thể đồng ý.

Chiến thuật kéo dài đàm phán vô thời hạn

Trao đổi với RFA, cả ông Raymond Powell và ông Nguyễn Thế Phương đều nhấn mạnh chiến thuật của Trung Quốc là kéo dài các cuộc đàm phán COC vô thời hạn cho đến khi họ củng cố quyền kiểm soát hiệu quả và toàn diện đối với toàn bộ Biển Đông.

Ông Powell nhấn mạnh Trung Quốc có thể sẽ ký vào COC, nhưng là một COC đủ yếu hoặc không thể thi hành. Từ đó, họ có thể yêu cầu tất cả các bên "có liên quan" đi đến thỏa thuận để thay thế tất cả các luật quốc tế khác. Bằng cách đó Trung Quốc có thể hóa giải mẫu thuẫn giữa một bên là họ tuyên bố tuân thủ Luật biển Quốc tế với một bên là cách ứng xử của họ hoàn toàn vi phạm bộ luật quốc tế đó. 

Trung Quốc đơn phương công bố đường chữ U đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tòa trọng tài PCA năm 2016 đã bác bỏ tính hợp pháp của yêu sách này.

Ông Powel nói với RFA rằng Trung Quốc tham gia đàm phán COC vì muốn được coi là đang cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng mục tiêu của nước này không tương thích với mục tiêu của các nước láng giềng ở Đông Nam Á ven biển. Đây là lý do tại sao các cuộc đàm phán đạt được ít tiến bộ như vậy. Đó cũng là lí do ông tin rằng cuối cùng Trung Quốc và ASEAN không thể thành công trong việc đưa ra một COC có thể thực thi được, nhằm hạn chế một cách hiệu quả sự xâm lược của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của RFA "mục đích tối hậu của Trung Quốc khi tham gia đàm phán COC là gì", ông Nguyễn Thế Phương trả lời : "Kéo dài nó ra hết sức có thể, làm cho quá trình này đi hết sức chậm".

Tại sao họ lại làm cho quá trình đàm phán này kéo dài ra, đi chậm đến mức như không thể kết thúc ? Nhà nghiên cứu ở Đại học New South Wales, Canbera, giải thích rằng nếu bản COC này có thể hình thành theo đúng ý định của ASEAN thì nó sẽ thành một thiết chế đa phương. Nó sẽ có tính ràng buộc lớn và do đó hạn chế hành động của Trung Quốc. Cho nên Trung Quốc sẽ có hai hướng ứng xử : thứ nhất là cố gắng kéo dài đàm phán, thứ hai là khiến cho kết quả đàm phán có lợi cho Trung Quốc, mà có lợi cho Trung Quốc thì bất lợi cho ASEAN. Ở thời điểm hiện nay thì không có các bên liên quan tham gia đàm phán mà còn có tác động của bối cảnh quốc tế. Bối cảnh quốc tế có thể tác động bất lợi cho Trung Quốc.

Tại hội nghị ASEAN+1 giữa ASEAN với Trung Quốc diễn ra tại Indonesia hôm 13/7/2023, các bên tuyên bố đã hoàn tất vòng đọc lần thứ 2 bản thảo của văn kiện COC. Sau đó, vòng đàm phán COC tiếp theo đã bắt đầu từ hôm 22/8/2023. Trước đó hai ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này sẵn sàng đẩy nhanh quá trình đàm phán COC. 

Nếu đàm phán COC cứ kéo dài vô tận ?

Trong bài phát biểu tại Hawaii hôm 20/11/2023, Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos, đã nói : "Chúng tôi vẫn đang chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng đáng tiếc thay, tiến bộ rất chậm chạp". Vậy nếu đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN cứ kéo dài mãi mà không thể kết thúc, điều đó sẽ thúc đẩy các bên đi tiếp những bước đi nào ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương trao đổi với RFA rằng sự kéo dài gần như vô hạn của cuộc đàm phán này có hàm ý lớn với ASEAN trong đó có Việt Nam. Nó cho thấy một sự thực mà nhiều người đã nói đến : Trung Quốc không muốn tỏ ra là bên tuân thủ các cơ chế đa phương như một tay chơi bình đẳng mà ngược lại, Trung Quốc muốn tham gia vào đó như một kẻ áp đặt luật chơi và quan điểm của Trung Quốc sao cho có lợi cho riêng mình. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ gây hại cho Trung Quốc, bởi các nước nhỏ ở Đông Nam Á không phải là những người thụ động trước lợi ích quốc gia của mình.

Theo ông, hiện nay, trong các nước ASEAN, các bên vẫn đang loay hoay tìm cách giảm xung đột bằng các công cụ thể chế và luật pháp. Họ chưa tìm được cách đưa Trung Quốc vào một cơ chế nào đó để ràng buộc nước lớn này. Nó cho thấy ở thời điểm hiện tại, sự bất đối xứng quyền lực quá lớn giữa Trung Quốc và ASEAN. Cách đó vừa khó vừa không đủ.

Khi đàm phán COC cứ kéo dài như không có điểm kết thúc, các nước ASEAN có quyền lợi liên quan trực tiếp đến Biển Đông sẽ có nhu cầu tự đàm phán COC với nhau. Đây là một phản ứng tự nhiên của các nước nhỏ ở Đông Nam Á khi mà việc ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc quá tốn thời gian mà không hiệu quả.

"Điều này nằm trong xu hướng các nước nhỏ tìm kiếm những sáng kiến mới, chủ động làm điều đó, với sự hỗ trợ của các cường quốc ngoài khu vực. Phippines hiện rất tích cực, chủ động kết nối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ", nhà nghiên cứu ở Đại học New South Wales, Canbera nhận xét.

Hôm 20/11/2023, trong bài diễn văn tại Hawaii, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết Philippines đã đề nghị Việt Nam và Malaysia cùng đàm phán để thống nhất một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) riêng giữa ba nước.

Nguồn : RFA, 20/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, RFA
Read 291 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)