Trung Quốc sẽ không làm ngơ cho Philippines ‘khiêu khích trên Biển Đông’
Reuters, VOA, 28/12/2023
Trung Quốc hôm 27/12 cho biết họ sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước ‘các hành động khiêu khích và quấy rối’ tiếp diễn của Philippines, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh một loạt đụng độ ở Biển Đông.
Tàu tiếp tế của Philippines ra bãi cạn Scarborough đối mặt với tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông
Manila hồi đầu tháng cáo buộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc liên tục bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của họ, gây ‘thiệt hại động cơ nghiêm trọng’ của một tàu và ‘cố tình’ đâm vào một tàu khác.
Gọi những cáo buộc này là ‘nói quá lên một cách sai hoàn toàn’, ông Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, cho biết phía Philippines nhất quyết đưa tàu ‘xâm nhập’ vào vùng biển gần bãi cạn tranh chấp và ‘chủ động đâm’ một tàu hải cảnh Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo, ông Ngô cho biết hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp thực thi pháp luật cần thiết mà ông cho là chính đáng và hợp pháp.
"Trung Quốc luôn cam kết giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, tham vấn và nỗ lực chung để duy trì ổn định hàng hải, nhưng chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những hành động khiêu khích và quấy rối lặp đi lặp lại của Philippines". ông Ngô nói.
Một phát ngôn nhân của quân đội Philippines hồi đầu tuần này nói Philippines không kích động xung đột ở Biển Đông, sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Manila dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để liên tục gây hấn với Trung Quốc.
Quan hệ đã xấu đi giữa hai nước láng giềng về Biển Đông dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, với việc Manila xoay trục trở lại Hoa Kỳ, nước hỗ trợ Manila trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng can thiệp vào vấn đề Biển Đông, ngừng khuyến khích và ủng hộ sự xâm phạm và khiêu khích của Philippines, đồng thời bảo vệ an ninh khu vực bằng các hành động cụ thể", ông Ngô phát biểu tại cuộc họp báo.
Nguồn : VOA, 28/12/2023
************************
Truyền thông nhà nước Trung Quốc : Hành động của Philippines ở Biển Đông 'cực kì nguy hiểm'
Reuters, VOA, 25/12/2023
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày thứ Hai cáo buộc Philippines liên tục xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông, truyền bá thông tin sai lệch và thông đồng với các lực lượng ngoài lãnh thổ để gây rối.
Trong bức ảnh do Cảnh sát biển Philippines cung cấp, một tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế M/L Kalayaan do hải quân Philippines vận hành khi nó tiếp cận Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông có tranh chấp vào ngày 10 tháng 12 năm 2023.
Philippines dựa vào sự ủng hộ của Mỹ để liên tục khiêu khích Trung Quốc, với hành vi "cực kì nguy hiểm" như vậy gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, viết trong một bài bình luận hôm thứ Hai.
Bộ ngoại giao Philippines và lực lượng đặc nhiệm quốc gia xử lý vấn đề Biển Đông không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận trong Ngày Giáng sinh.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila đã gia tăng trong những tháng gần đây khi cả hai bên cáo buộc lẫn nhau về một loạt vụ va chạm ở Biển Đông, bao gồm cáo buộc Trung Quốc tông vào một tàu chở tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines trong tháng này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, chồng lấn lên những vùng mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Indonesia tuyên bố chủ quyền. Một tòa án quốc tế vào năm 2016 đã phán quyết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là vô hiệu trong một vụ kiện do Philippines đệ trình. Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này.
Trong một cảnh báo trực tiếp bất thường, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần trước nói bất kì tính toán sai lầm nào trong tranh chấp với Philippines sẽ dẫn đến phản ứng kiên quyết từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi đối thoại để giải quyết "những khó khăn nghiêm trọng".
Mối quan hệ song phương đã xấu đi cùng lúc Manila có những bước nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản và Mỹ, cựu cường quốc thuộc địa và đồng minh phòng thủ của nước này trong bảy thập niên.
Trung Quốc trong tháng này bày tỏ sự tức giận trước việc Mỹ cử một tàu hải quân vào vùng biển gần khu vực tranh chấp, nơi Trung Quốc và Philippines đã có nhiều cuộc đối đầu trên biển.
Washington thường xuyên sử dụng hiệp ước phòng thủ với Manila để "đe dọa" Trung Quốc, ủng hộ một cách trắng trợn các hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và "gieo rắc những lo lắng về an ninh", Nhân dân Nhật báo nói.
Bài bình luận dưới bút danh Trung Thanh, hay "Tiếng nói Trung Quốc", thường được sử dụng để đưa ra quan điểm của tờ báo về các vấn đề chính sách đối ngoại cho rằng điều đó là "cực kì vô trách nhiệm và nguy hiểm".
Mao Ninh, người phát ngôn bộ ngoại giao, nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai : "Trung Quốc sẽ không suy yếu quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình.
"Dù vậy, cánh cửa đối thoại của Trung Quốc vẫn mở. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Philippines để giải quyết thỏa đáng các vấn đề hàng hải thông qua đàm phán và tham vấn".
Nguồn : VOA, 25/12/2023
**************************
Philippines chỉ trích Trung Quốc về yêu sách ở Biển Đông
Reuters, VOA, 20/12/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Tư chỉ trích Trung Quốc vì cáo buộc đất nước ông kích động căng thẳng và khuấy động rắc rối ở Biển Đông, nói rằng chỉ có Bắc Kinh mới tin những gì họ nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - Gilberto Teodoro.
"Sự thật và thực tế là không có quốc gia nào trên thế giới, không một ai, rõ ràng ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông", Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến thủy lộ thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đôla hàng năm, bao gồm cả các khu vực mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.
Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 cho rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, một phán quyết mà Mỹ ủng hộ nhưng Bắc Kinh bác bỏ.
Hơn một tuần trước, Manila và Bắc Kinh đã cáo buộc lẫn nhau về một vụ va chạm giữa tàu bè của họ ở Biển Đông, sau đó Bắc Kinh nói rằng các sự cố "hoàn toàn do Philippines gây ra".
Sau các sự cố, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr hôm thứ Bảy cho biết cần phải có "sự thay đổi mô hình" trong cách quốc gia của ông giải quyết vấn đề Hoa Nam vì những nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc đang đi "theo hướng kém cỏi".
Trung Quốc "sẽ để ngỏ cánh cửa đối thoại và liên lạc", người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói trong một tuyên bố sau đó vào thứ Tư.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng dưới thời Tổng thống Marcos. Tổng thống Philippines ngày càng phàn nàn về hành vi "hung hăng" của Trung Quốc, trong khi ông tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, đồng minh hiệp ước của Manila.
Ông Marcos cho biết Philippines sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đưa ra lập trường chung về trách nhiệm của họ ở Biển Tây Philippines (Biển Đông).
"Trung Quốc luôn ủng hộ và cam kết giải quyết thỏa đáng những khác biệt trên biển thông qua đối thoại và tham vấn", người phát ngôn của đại sứ quản Trung Quốc nói thêm.
Reuters
Nguồn : VOA, 20/12/2023
***************************
Philippines dự tính kịch bản chiến tranh khi căng thẳng trên biển với Trung Quốc gia tăng
Reuters, VOA, 14/12/2023
Philippines đang lên kế hoạch dự phòng cho tình trạng leo thang thù địch ở Biển Đông, theo một quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả kịch bản thủy thủ đoàn đẩy lùi lực lượng Trung Quốc tràn lên tàu của Philippines.
Tư lệnh quân đội Philippines, Tướng Brawner (phải) và Phó Đô đốc Alberto Carlos (trái), Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Tây, chia sẻ bữa ăn với các thủy quân lục chiến và hải quân Philippines đóng trên tàu chiến BRP Sierra Madre bị bỏ hoang tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 10/12/2023.
Mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi trong năm nay sau một số vụ va chạm và đối đầu liên tục gần các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Philippines cáo buộc Trung Quốc có những hành động hung hăng, có chủ ý và nguy hiểm.
Philippines đã có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong năm nay, trùng hợp với việc nước này tăng cường quan hệ quân sự với đồng minh hiệp ước quốc phòng Hoa Kỳ và tăng cường hợp tác an ninh với các cường quốc phương Tây khác.
Alberto Carlos, Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, nói với CNN Philippines vào cuối ngày thứ Tư (13/12) : "Chúng tôi dự tính sẽ có những hành động cưỡng ép nhiều hơn nữa từ Trung Quốc, kiểu như tấn công vũ trang".
Ông nói thêm : "Sau vòi rồng thì có thể là đâm tàu, và họ cũng sẽ tìm cách tràn lên tàu của chúng tôi, đó là điều mà chúng tôi sẽ không cho phép họ làm".
Ông Carlos cho biết kịch bản này là một phần của cuộc tập trận của Philippines và các cuộc thảo luận mang tính học thuật về những hành động khác mà Trung Quốc có thể thực hiện.
Philippines hôm thứ Ba đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối "các hành vi quấy rối liên tiếp" vào cuối tuần ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả các vụ va chạm và sử dụng vòi rồng.
Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc các tàu Philippines, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila, xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Philippines ngày càng cảnh giác với lực lượng hải cảnh Trung Quốc và sự hiện diện của hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc mà nước này coi là lực lượng dân quân.
Ông Carlos, người có nhiệm vụ bao gồm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cho biết : "Chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này, chúng tôi đang tiến hành chiến lược này và chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra".
Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến thủy lộ thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đôla hàng năm. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mở rộng và chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei. Năm 2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là vô căn cứ.
Reuters
Nguồn : VOA, 14/12/2023