Hệ thống chia sẻ dữ liệu về tên lửa Bắc Triều Tiên có lợi gì cho Mỹ và đồng minh Nhật, Hàn ?
Trọng Nghĩa, RFI, 20/12/2023
Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm qua, 19/12/2023, cho biết đã kích hoạt một hệ thống mới để phát hiện tức thời các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo giới chuyên gia phân tích, hệ thống này không chỉ có lợi trong việc đối phó với Bình Nhưỡng, mà còn cho phép Mỹ và các đồng minh Châu Á gửi tín hiệu đến Trung Quốc.
Ảnh do chính quyền Bình Nhưỡng phổ biến ngày 19/12/2023 : Một tên lửa liên lục địa (ICam BốtM) mới của Bắc Triều Tiên được triển khai trên thực địa. AP
Việc chia sẽ dữ liệu thông tin về tên lửa Bắc Triều Tiên giữa ba nước Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã từng có trong quá khứ, nhưng trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ chia sẻ thông tin một cách gián tiếp, thông qua Hoa Kỳ với tư cách là bên trung gian đáng tin cậy của cả hai nước. Thế nhưng, với hệ thống vừa được kích hoạt, các đối tác sẽ trực tiếp kết nối hệ thống radar của mình vào một nền tảng chung đặt tại tổng hành dinh Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawai.
Trên tờ báo Nhật Bản The Japan Times, bà Naoko Aoki, một nhà khoa học chính trị tại trung tâm Rand Corp của Mỹ, cho rằng lợi ích thực tế của việc chia sẻ thông tin trực tiếp một cách tức thời nằm ở chỗ : "Việc có nhiều dữ liệu hơn từ các địa điểm khác nhau sẽ tăng cường khả năng của cả ba quốc gia trong việc giám sát các vụ phóng tên lửa", cho phép hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra và xử lý tình huống nhanh hơn.
Một cách cụ thể, theo ông James Schoff, giám đốc cấp cao của chương trình Sáng Kiến Liên Minh Mỹ-Nhật Tiếp Theo (US-Japan NEXT Alliance Initiative) của tổ chức Quỹ Hòa Bình Sasakawa tại Hoa Kỳ, việc chia sẻ dữ liệu tức thời "sẽ giúp cho việc phòng thủ tên lửa hiệu quả và chính xác hơn" nhờ phát hiện được tên lửa Bắc Triều Tiên một cách nhanh chóng và dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đánh chặn các tên lửa mới nhất, cơ động hơn của Bắc Triều Tiên.
Theo ông Masashi Murano, chuyên gia về quốc phòng Nhật Bản tại Viện Hudson Hoa Kỳ, Tokyo cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong việc đáp trả các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên do phạm vi phủ sóng radar của Nhật Bản bị hạn chế.
Chuyên gia Murano giải thích : "Mặc dù các radar mặt đất được triển khai trên khắp lãnh thổ Nhật Bản và trên các tàu khu trục Aegis ở Biển Nhật Bản có khả năng cao, chúng không thể phát hiện các mục tiêu ở bên kia đường chân trời, có nghĩa là việc theo dõi chính xác đòi hỏi phải chờ tên lửa bay lên". Ngược lại, radar và các thiết bị giám sát khác được triển khai ở Hàn Quốc - và do đó ở gần các địa điểm phóng hơn - có thể phát hiện tên lửa ngay sau khi phóng - hoặc thậm chí là các dấu hiệu trước khi phóng.
Ngoại lợi ích kỹ thuật, hệ thống chia sẻ dữ liệu tức thời về tên lửa Bắc Triều Tiên còn mang lại cho các nước tham gia, đặc biệt là Mỹ, những lợi ích chiến lược không nhỏ, trong đó có việc gởi đi các tín hiệu răn đe đến các đối thủ tiềm tàng.
Theo giáo sư Christopher Hughes, một chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Anh Quốc Warwick, việc hệ thống này được hình thành đã gởi đi tín hiệu rằng cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn là một thực thể có "sức mạnh và thực chất bền vững", đồng thời cảnh báo Bắc Triều Tiên và các quốc gia khác trong khu vực về khả năng hội nhập của liên minh giữa Washington với Tokyo và Seoul.
Tín hiệu cảnh báo đó cũng có thể nhằm vào Trung Quốc, nước đã từng gây sự với Hàn Quốc, khi Seoul cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD tại Hàn Quốc, một hệ thống mà Bắc Kinh nghi là cũng nhằm vào Trung Quốc.
Theo giáo sư Hughes, "việc bổ sung các phương tiện cảm biến của Nhật Bản và cuối cùng có thể là các thiết bị đánh chặn vào hệ thống răn đe mở rộng do Mỹ lãnh đạo có thể khiến Trung Quốc trở nên nhạy cảm hơn với thách thức này", nhất là khi các nước có thể đẩy mạnh thêm việc chỉa sẻ thông tin tình báo và tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa.
Câu hỏi đặt ra là do diễn biến thất thường trong quan hệ Seoul-Tokyo trong thời gian trước đây, liệu hệ thống chia sẻ dữ liệu tức thời về tên lửa Bắc Triều Tiên có thể tồn tại lâu dài hay không.
Theo hãng tin Anh Reuters, trên vấn đề này, Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế, trụ sở tại Hoa Kỳ, cho rằng bản thân việc thiết lập hệ thống này là một biện pháp bảo vệ trước nguy cơ chính trị nội bộ làm chệch hướng hợp tác ba bên trong tương lai.
Trọng Nghĩa
**************************
Tên lửa : Bắc Triều Tiên và Nga đấu khẩu với Mỹ và các đồng minh
Trọng Nghĩa, RFI, 20/12/2023
Trong một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 19/12/2023 về vụ Bình Nhưỡng lại phóng thêm một tên lửa đạn đạo liên lục địa, đấu khẩu đã bùng lên gay gắt giữa đại diện Bắc Triều Tiên và Nga với đại diện Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các đồng minh.
Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song phát biểu tại một phiên họp của Hội Đồng Bảo An về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngày 13/07/2023, New York, Hoa Kỳ. AP - Mary Altaffer
Theo hãng tin Mỹ AP, đại sứ Bắc Triều Tiên Kim Song đã tố cáo Mỹ tăng cường các cuộc tập trận với Hàn Quốc và triển khai tàu ngầm hạt nhân, cũng như các phương tiện hạt nhân khác, tới bán đảo Triều Tiên, làm gia tăng "nguy cơ chiến tranh hạt nhân" trong khu vực. Đối với đại diện Bình Nhưỡng, năm nay đã trở thành "năm nguy hiểm nhất" cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Song kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến những lo ngại về an ninh của Bắc Triều Tiên, gọi các biện pháp đáp trả của nước này là "phản ứng hoàn toàn hợp lý, bình thường và có suy nghĩ" nhằm thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình.
Ngược lại, Hoa Kỳ và 9 đồng minh đã lên án Bắc Triều Tiên về 5 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM, hơn 25 vụ phóng tên lửa đạn đạo và 3 vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo trong năm nay. Các nước này xe đó là những hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an và đe dọa "hòa bình, ổn định của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế".
Trong một tuyên bố được đọc ngay trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an, phó đại sứ Hoa Kỳ Robert Wood, bao quanh là các nhà ngoại giao từ 9 quốc gia khác, đã lên án vụ phóng tên lửa ICBM mới nhất vào ngày 18/12 vừa qua và tất cả các vụ thử nghiệm trước đó của Bắc Triều Tiên.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc bà Anna Evstigneeva đã bênh vực Bắc Triều Tiên, gọi những nỗ lực lên án Bình Nhưỡng là "cách tiếp cận một chiều". Theo nhà ngoại giao Nga, tình hình đang leo thang "đến bờ vực nguy hiểm". Đồng thời bà cáo buộc Hoa Kỳ triển khai cỗ máy quân sự khổng lồ trong khu vực, cho rằng hành động đó "ngày càng giống như chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công".
Phó đại sứ Mỹ đã bác bỏ lập luận của Nga, khẳng định các cuộc tập trận của Hoa Kỳ chỉ mang tính chất phòng thủ và chính Bắc Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chứ không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.
Hội Đồng Bảo An đã ban hành các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử nhiệm hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng vào năm 2006 và đã siết chặt thêm những biện pháp này với tổng cộng 10 nghị quyết khác nhau mà lần sau cùng là vào tháng 12/2017.
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ bảo trợ vào tháng 5/2022 đề nghị ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bắc Triều Tiên. Kể từ khi ấy, Moskva và Bắc Kinh đã ngăn chặn mọi hành động của Hội Đồng Bảo An nhắm vào Bình Nhưỡng, kể cả các tuyên bố báo chí.
Hôm qua, 10 quốc gia – Albania, Ecuador, Pháp, Nhật Bản, Malta, Hàn Quốc, Slovenia, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ – đã cho rằng sự im lặng của Hội đồng Bảo an đã "gửi đi thông điệp sai lạc tới Bắc Triều Tiên và tất cả những nước phổ biến vũ khí hạt nhân".
Trọng Nghĩa
************************
Mỹ, Nhật, Hàn chia sẻ dữ liệu ''trực tiếp'' về tên lửa Bắc Triều Tiên
Thùy Dương, RFI, 19/12/203
Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm nay, 19/12/2023, cho biết đã kích hoạt một hệ thống mới để phát hiện trực tiếp và đánh giá về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Thông báo của Seoul, Tokyo và Washington được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng cho biết hôm qua đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 (Hỏa Tinh-18), để thẩm định lực lượng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng cho chiến tranh ở mức độ nào.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ tư trái sang) họp Hội dồng An ninh Quốc gia sau vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa, Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/12/2023. AP
Reuters trích dẫn bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết là theo cơ chế mới, ba nước Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ chia sẻ thông tin về địa điểm phóng tên lửa, quỹ đạo bay và điểm va chạm của tên lửa Bắc Triều Tiên suốt ngày đêm. Cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ mới chia sẻ thông tin riêng rẽ cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình MBN hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc nói : "Chúng tôi sẽ có nhiều dữ liệu cảnh báo về tên lửa của Bắc Triều Tiên sớm hơn và có thể đảm bảo đủ thời gian để đáp trả hiệu quả". Mỹ và hai đồng minh Nhật - Hàn xem cơ chế mới là một cột mốc quan trọng thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên và tăng cường khả năng bảo đảm an toàn cho người dân.
Về phản ứng của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng xem hệ thống chia sẻ thông tin trực tiếp của Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là nỗ lực của Washington "nhằm kích động đối đầu và tăng cường lợi thế quân sự của Mỹ trong khu vực".
Bắc Triều Tiên hôm nay cho biết đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICam BốtM) Hwasong-18, được mô tả là tên lửa "mạnh nhất" vận hành bằng nhiên liệu rắn.
Vụ phóng hôm qua là lần thử nghiệm thứ 3 tên lửa liên lục địa chạy bằng nhiên liệu rắn của Bình Nhưỡng, sau hai lần thử vào tháng 04 và 07/2023. Theo giới quan sát, vụ thử cho thấy Bắc Triều Tiên vẫn nỗ lực cải thiện công nghệ tên lửa. Sử dụng nhiên liệu rắn, tên lửa được phóng nhanh hơn, dễ vận hành hơn và khó bắn chặn hơn.
Thùy Dương