Trong lúc dân số Trung Quốc đang già đi và lực lượng lao động giảm sút, nước này đang đối mặt với một số thách thức lớn về nhân khẩu học, chẳng hạn như khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con và khuyến khích giới trẻ kết hôn.
Trẻ sơ sinh được khám sức khỏe hàng ngày tại bệnh viên hộ sản ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Theo dữ liệu công bố tuần trước, hơn phân nửa số dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 29 vẫn chưa kết hôn, tính tới năm 2023.
Đối với nhiều thanh niên Trung Quốc, ngày càng có nhiều lý do để không cưới vợ, lấy chồng.
Khi được hỏi tại sao chưa kết hôn, ông Zhang Yu, 32 tuổi, cho biết : "Hôn nhân, sinh con và vay tiền mua nhà, ô tô đều là những khoản nợ phải trả, là những khoản thấu chi từ tương lai". "Khi kinh tế suy thoái nhìn thấy rõ, nếu không có nguồn thu nhập thì chỉ có thể giảm chi tiêu".
Ông Zhang sống ở phía đông bắc Trung Quốc và làm việc cho một công ty cơ sở hạ tầng đã cắt giảm lương vào năm 2023. Ông cho biết lương đã giảm khoảng 30%.
Ông Zhang, người yêu cầu dùng tên giả để nói chuyện thẳng thắn với VOA, cho biết : "Tôi cũng thầm mừng vì mình đã không kết hôn và sinh con. Nếu không, tôi sẽ gặp rắc rối to".
Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao vào năm 2023 đã làm tăng thêm những lo lắng mà giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt. Các nhà phân tích không lạc quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2024.
Jacey Zhang là một cô gái 27 tuổi độc thân đến từ Bắc Kinh, hiện đang sống với bố mẹ. Tự chế giễu bản thân và hoàn cảnh của mình, cô tự gọi mình là "kẻ thất bại, thất vọng trong xã hội".
Cô nói với đài VOA : "Không có việc làm, bạn không thể tìm được người phối ngẫu". Tuy nhiên, cô cho biết với hoàn cảnh hiện tại, việc độc thân còn dễ hơn kết hôn.
"Một người đủ ăn, cả nhà không đói", cô nói.
Cô nói với các phóng viên rằng mặc dù bố mẹ cô có đủ khả năng lo cho cô sống ở nhà nhưng gia đình cô lại không khá giả về mặt tài chính và việc kết hôn sẽ tốn nhiều tiền hơn.
Bà Fang Xu, giảng viên tại Đại học Berkeley của California, nhận thấy mối liên hệ giữa tỷ lệ kết hôn thấp và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục.
Bà tin rằng xu hướng "bàng quan" phổ biến, tức chối bỏ sự cạnh tranh gay gắt hay những kỳ vọng của xã hội, không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp của giới trẻ mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch kết hôn.
"Bạn phải bàng quan trong sự nghiệp, rồi bạn cũng phải bàng quan trong việc kết hôn và sinh con, vì bạn không có tiền để sinh con và kết hôn", bà nói.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở nước này đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm 2023. Sau đó, chính quyền Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu. Một số ước tính đưa ra tỷ lệ này lên tới 40%.
Ông Zhang cho biết vì lý do tài chính, bạn bè của ông không muốn có con, ngay cả khi họ đã kết hôn. Ông cũng đã gặp một số phụ nữ trong những buổi hẹn hò mà hai bên chưa hề gặp nhau, họ đã nói rõ rằng họ muốn hai bên kết hợp thu nhập, không có con.
"Niên giám Thống kê Dân số và Việc làm Trung Quốc 2023" xuất bản vào tháng 12 năm ngoái cho thấy trong số những người ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ chưa kết hôn là 51,3% ở nhóm tuổi 25-29, 18,4% ở nhóm tuổi 30-34 và 8% ở nhóm tuổi 35-39.
Chính sách kết hôn
Một số chính quyền địa phương đã đưa ra các chính sách thúc đẩy hôn nhân. Chính quyền huyện Trường Sơn ở tỉnh Chiết Giang sẽ thưởng cho các cô dâu mới cưới từ 25 tuổi trở xuống số tiền 150 đô la - một số tiền nhỏ đã gây bão chỉ trích trên mạng.
Một người bình luận tên Jianghu Li Fuxiang nói : "Nếu kết hôn là điều tốt thì tại sao cần phải thúc đẩy ? Ai lại không muốn có tiền thưởng cơ chứ ?"
Theo "Bạch thư về những điều trong kỹ nghệ kết hôn 2021" của công ty truyền thông xã hội Tencent, chi tiêu trung bình của mỗi cặp uyên ương cho một đám cưới là 25.000 đô la vào năm 2020.
Trong khi phúc trình của Tencent cho biết đại dịch dường như không ảnh hưởng đến chi tiêu, nhưng Covid-19 đã khiến một số bậc cha mẹ tập trung nhiều hơn vào sức khỏe và ít thúc ép đứa con duy nhất của họ kết hôn.
Các biện pháp zero-Covid hà khắc của Trung Quốc cũng khiến người dân gặp khó khăn khi ra ngoài hoặc mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, và nhiều người trẻ phải gác lại kế hoạch kết hôn và sinh con.
Theo "Niên giám thống kê Trung Quốc 2023", tổng số công dân Trung Quốc kết hôn lần đầu vào năm 2022 là 10,5 triệu, tức giảm hơn 1 triệu so với năm trước.
Theo phúc trình thống kê hàng quý mới nhất do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố, tổng số cặp kết hôn vào năm 2022 là 6,8 triệu, tức giảm 10,5% so với năm 2021 và là mức thấp mới kể từ năm 1986.
Người Trung Quốc cũng chờ đợi lâu hơn để kết hôn. Độ tuổi trung bình của các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn đã chuyển dần từ dưới 24 tuổi năm 2013 lên trên 30 theo số liệu mới nhất.
Mặc dù tỷ lệ kết hôn tăng trở lại phần nào vào năm 2023 nhưng số vụ ly hôn cũng tăng lên. Trong ba quý đầu năm 2023, Trung Quốc đăng ký 5,7 triệu cuộc hôn nhân và 2 triệu vụ ly hôn. So với cùng kỳ năm 2022, số đăng ký kết hôn tăng 245.000 cặp, trong khi số đăng ký ly hôn tăng 330.000 cặp.
Vào tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi phụ nữ cần "tích cực nuôi dưỡng nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con, đồng thời tăng cường hướng dẫn quan điểm của giới trẻ về hôn nhân, sinh con và gia đình".
Bà Xu, giảng viên tại Berkeley, cho biết điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao họ phải nên làm theo lời khuyên đó.
"Là phụ nữ, tôi có bằng đại học. Bạn muốn tôi từ bỏ sự nghiệp, làm một người vợ, người mẹ tốt và phục vụ bạn ? Tại sao tôi phải sống cuộc sống như vậy ?"
Ông Zhang cho rằng các quan điểm chính trị khác nhau cũng ảnh hưởng đến hôn nhân của mọi người. Ông nói giá trị của ông rất khác so với giá trị của nhiều phụ nữ mà ông gặp trong những buổi hẹn hò mà hai bên chưa từng gặp nhau. Ông tự gọi mình là "kẻ nổi loạn nhận được tin tức [chống Trung Quốc] trên Twitter". Nhưng ông cho biết những phụ nữ ông hẹn hò đều không quan tâm đến chính trị.
Nguồn : VOA, 05/01/2024