Nhật - ASEAN hợp tác an ninh biển để đối phó Trung Quốc
BBC, 17/12/2023
Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đồng ý hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển để đối phó với thái độ xác quyết ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thỏa thuận được đưa ra hôm Chủ Nhật, tại kỳ họp của các nhà lãnh đạo khu vực ở Tokyo đánh dấu 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản - ASEAN
Thỏa thuận được đưa ra hôm Chủ Nhật, tại kỳ họp của các nhà lãnh đạo khu vực ở Tokyo đánh dấu 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản - ASEAN.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới dự kỳ họp, chỉ hai hôm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm quan trọng tới Việt Nam và đạt được sự đồng ý của Hà Nội trong việc cùng Trung Quốc xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc'.
Hôm thứ Tư, trước khi kỳ họp thượng đỉnh ba ngày 16-18/12/2023 khai mạc, Nhật Bản đã bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về "những hành động nguy hiểm" sau vụ đụng độ căng thẳng mới nhất giữa tàu Philippines và và tàu Trung Quốc. Vụ việc xảy ra tại Bãi cạn Thomas Thứ Hai (nơi Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây còn Trung Quốc gọi là Rạn Nhân Ái) thuộc quần đảo Trường Sa, điểm nóng tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila.
Tokyo nói thêm rằng họ "nhất trí với những phản đối từ lâu nay của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền, quân sự hóa, các hành động ép buộc và sự đe dọa hoặc dùng vũ lực trên biển ở Biển Đông".
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos J nói rằng Trung Quốc là một thách thức thực sự đối với các quốc gia láng giềng.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói nước ông sẽ thực hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ các nước Đông Nam Á.
"Trong lúc thế giới đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng phức tạp do sự phân rẽ và xung đột leo thang ở nhiều nơi, Nhật Bản sẽ xử lý thách thức cùng với các nước ASEAN, là những chốt trục quan trọng của vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", ông nói.
Hồi tháng trước, Nhật Bản nói nước này sẽ giúp Philippines mua thêm các tàu tuần duyên.
Hôm thứ Bảy, Tokyo nói sẽ cung cấp cho Malaysia các thiết bị cảnh báo và theo dõi với tổng trị giá khoản 400 triệu yeu (2,8 triệu USD).
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải thương mại tấp nập với trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la được vận chuyển qua lại mỗi năm.
Philippines, Indonesia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền từng phần ở biển này. Tranh chấp trên biển là một trong những điểm nóng trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng ở vùng Đông Nam Á.
Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, hiện cũng có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Nhật đang thúc đẩy chi tiêu quân sự và đã tăng cường hợp tác an ninh với vùng Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả việc hợp tác với Nam Hàn và Australia.
Nguồn : BBC, 17/12/2023
***********************
Thượng đỉnh Nhật Bản – ASEAN khai mạc với trọng tâm "tăng cường hợp tác an ninh"
Anh Vũ, RFI, 16/12/2023
Hôm nay, 16/12/2023, cuộc họp thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản khai mạc tại Tokyo và kéo dài trong 3 ngày. Theo một dự thảo thông cáo của hội nghị mà AFP được tham khảo, cuộc họp sẽ tập trung vào các chủ đề tăng cường "hợp tác an ninh hàng hải" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN dự thượng định Nhật Bản – ASEAN tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/12/2023. AP - Eugene Hoshiko
Nhật Bản, nước cũng có những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, chia sẻ mối lo ngại của nhiều nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) trước những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông, cũng như thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong vùng.
Là đồng minh thân cận của Washington ở Châu Á, Tokyo đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo dự thảo thông cáo chung sau thượng đỉnh Tokyo, Nhật bản và 10 quốc gia trong Hiệp hội Đông Nam Á sẽ cam kết tăng cường "hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm lĩnh vực hàng hải".
Lãnh đạo các nước sẽ sử dụng cụm từ quen thuộc để bày tỏ mong muốn xây dựng một vùng Châu Á – Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" dựa trên sự tôn trọng các quy tắc quốc tế để giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp lãnh thổ.
Nhân thượng đỉnh Tokyo, thủ tướng Nhật dự kiến có các cuộc tiếp xúc riêng với đãnh đạo các nước ASEAN.
Hôm nay, 16/12, ông Fumio Kishida tuyên bố đã cùng đồng nhiệm Malaysia, Anwar Ibrahim nâng cấp quan hệ hai nước lên mức "đối tác chiến lược toàn diện". Ông Kishida nhấn mạnh "Trong khi thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, Nhật Bản rất coi trọng việc tăng cường hợp tác với Malaysia và những nước ASEAN khác, để duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do, rộng mở, trên cơ sở Nhà nước pháp quyền".
Về quan hệ Nhật Bản – Philippines, Tokyo đã nhất trí khởi sự các cuộc đàm phán về thỏa thuận quân đội hai nước tiếp cận lẫn nhau cũng như thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước, theo đó cho phép việc triển khai quân đối trên lãnh thổ của nhau.
Được hỏi về thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh hôm qua tuyên bố : "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể thực sự làm được những việc có lợi cho hòa bình và ổn định trong vùng. Đồng thời, mọi sự hợp tác không được nhắm vào các bên thứ 3".
AFP cũng nhắc lại thực tế, Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trong đó có nhiều vùng biển và các đảo nằm gần bờ biển các nước láng giềng. Những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đã bị tòa án quốc tế bác bỏ hồi năm 2016. Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với các nước như Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan.
Anh Vũ
***********************
Úc ca ngợi Quốc hội Mỹ cho phép bán tàu ngầm hạt nhân theo chương trình AUKUS
Reuters, VOA, 15/12/2023
Thủ tướng Úc Anthony Albanese ca ngợi Quốc hội Hoa Kỳ vì lần đầu tiên phê duyệt việc bán tàu ngầm hạt nhân cho một quốc gia khác, cho phép tiến hành chương trình quan hệ đối tác quốc phòng AUKUS của Úc, Mỹ và Anh.
Tổng thống Mỹ Biden gặp Thủ tướng Úc Albanese và Thủ tướng Anh Sunak tại căn cứ hải quân ở San Diego, 13/3/2023.
Hơn 2/3 Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật chính sách quốc phòng hôm thứ Năm, bao gồm số tiền kỷ lục 886 tỷ đô la dành cho chi tiêu quân sự hàng năm và các chính sách được duyệt như viện trợ cho Ukraine và đẩy lùi Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Đây là một thành tựu phi thường", ông Albanese phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với mạng phát thanh 2GB hôm thứ Sáu 15/12, đồng thời nói thêm là ông đã đàm đạo với hơn 100 nhà lập pháp Hoa Kỳ để ủng hộ các điều khoản của AUKUS.
"Việc luật này được thông qua có nghĩa là AUKUS có thể tiếp tục hoạt động, có nghĩa là Australia sẽ được tiếp cận các tàu ngầm lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân và điều đó sẽ rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Australia", vẫn lời ông.
Hiệp ước AUKUS nhằm phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và các loại vũ khí công nghệ cao khác là dự án quốc phòng đắt giá nhất của Australia với khoản chi tiêu lên đến giá 244 tỷ đô la Mỹ trong ba thập kỷ, nhưng chương trình này phải dựa vào việc được Mỹ chấp thuận chia sẻ công nghệ nhạy cảm.
Australia từng tuyên bố họ muốn có một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang cờ Australia hoạt động trên biển vào đầu những năm 2030 để tránh bị hổng năng lực tác chiến khi hạm đội tàu diesel-điện lớp Collins hiện tại của nước này giải ngũ. Dự kiến phải đến đầu năm 2040 mới có một lớp tàu ngầm AUKUS mới do chính Australia chế tạo.
Ông Albanese đã tới Washington hồi tháng 10 để thúc đẩy việc thông qua dự luật về AUKUS trong năm nay. Đây là điều kiện bắt buộc phải có mới thực hiện được việc bán 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ cho Australia, và một loạt các biện pháp khác nhằm cùng phát triển công nghệ quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Sky News hôm 15/12 : "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quốc gia này và Quốc hội của đất nước cho phép bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân".
Ông Marles cho hay luật mới này cho phép người Australia làm việc trong doanh nghiệp hạt nhân ở Mỹ và cho phép Australia bảo trì các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ở Australia, dự kiến bắt đầu vào năm tới.
Vị bộ trưởng nói thêm rằng điều quan trọng nhất là luật cho Úc được miễn phải chịu chế độ kiểm soát xuất khẩu quốc phòng của Hoa Kỳ. Theo lời ông, động thái này "thực sự mang lại điều mà chúng tôi mong muốn, đó là một cơ sở công nghiệp quốc phòng thông suốt ở cả Úc, Hoa Kỳ và với Vương quốc Anh".
Reuters
*************************
Lần đầu tiên Lục Quân Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines họp bàn hợp tác
Minh Phương, RFI, 14/12/2023
Lãnh đạo lục quân 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines đã tham gia cuộc họp cấp cao đầu tiên tại Tokyo hôm qua 13/12/2023 trong một nỗ lực gửi lời cảnh báo tới Trung Quốc.
Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản Yasunori Morishita họp báo tại Bộ Quốc phòng ở Tokyo, ngày 14/06/2023. AP
Cuộc họp mang tên Hội nghị Lục quân bốn bên được đồng tổ chức bởi Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF) và lực lượng Lục quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp, tham mưu trưởng Lục quân Nhật, tướng Yasunori Morishita nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ giữa các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi chưa có hệ thống phòng thủ tập thể như NATO.
Tướng Charles Flynn, tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, khẳng định rằng một cuộc họp đa phương như hiện nay là cơ hội quan trọng để thống nhất đường lối của tất cả các bên.
Bốn nước đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây. Năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Úc tham gia cuộc tập trận chung Yama Sakura giữa Nhật Bản và Mỹ, với quân đội Philippines cử quan sát viên đến dự.
Minh Phương
************************
Philippines dự tính kịch bản chiến tranh khi căng thẳng trên biển với Trung Quốc gia tăng
Reuters, VOA, 14/12/2023
Philippines đang lên kế hoạch dự phòng cho tình trạng leo thang thù địch ở Biển Đông, theo một quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả kịch bản thủy thủ đoàn đẩy lùi lực lượng Trung Quốc tràn lên tàu của Philippines.
Tư lệnh quân đội Philippines, Tướng Brawner (phải) và Phó Đô đốc Alberto Carlos (trái), Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Tây, chia sẻ bữa ăn với các thủy quân lục chiến và hải quân Philippines đóng trên tàu chiến BRP Sierra Madre bị bỏ hoang tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 10/12/2023.
Mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi trong năm nay sau một số vụ va chạm và đối đầu liên tục gần các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Philippines cáo buộc Trung Quốc có những hành động hung hăng, có chủ ý và nguy hiểm.
Philippines đã có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong năm nay, trùng hợp với việc nước này tăng cường quan hệ quân sự với đồng minh hiệp ước quốc phòng Hoa Kỳ và tăng cường hợp tác an ninh với các cường quốc phương Tây khác.
Alberto Carlos, Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, nói với CNN Philippines vào cuối ngày thứ Tư (13/12) : "Chúng tôi dự tính sẽ có những hành động cưỡng ép nhiều hơn nữa từ Trung Quốc, kiểu như tấn công vũ trang".
Ông nói thêm : "Sau vòi rồng thì có thể là đâm tàu, và họ cũng sẽ tìm cách tràn lên tàu của chúng tôi, đó là điều mà chúng tôi sẽ không cho phép họ làm".
Ông Carlos cho biết kịch bản này là một phần của cuộc tập trận của Philippines và các cuộc thảo luận mang tính học thuật về những hành động khác mà Trung Quốc có thể thực hiện.
Philippines hôm thứ Ba đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối "các hành vi quấy rối liên tiếp" vào cuối tuần ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả các vụ va chạm và sử dụng vòi rồng.
Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc các tàu Philippines, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila, xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Philippines ngày càng cảnh giác với lực lượng hải cảnh Trung Quốc và sự hiện diện của hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc mà nước này coi là lực lượng dân quân.
Ông Carlos, người có nhiệm vụ bao gồm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cho biết : "Chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này, chúng tôi đang tiến hành chiến lược này và chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra".
Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến thủy lộ thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đôla hàng năm. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mở rộng và chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei. Năm 2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là vô căn cứ.
Reuters
Nguồn : VOA, 14/12/2023