Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/01/2024

Điểm báo Pháp - Đài Loan trước ngày bầu cử

RFI tiếng Việt

Đài Loan nín thở trước cuộc bầu cử tổng thống

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, thành phần chính phủ của tân thủ tướng Gabriel Attal là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm nay 12/01/2024.

baucu1

Những người ủng hộ ứng viên tổng thống Kha Văn Triết (Ko Wen-je), đảng Nhân Dân Đài Loan (TPP) trong một cuộc vận động tranh cử ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/01/2024. AP - ChiangYing-ying

Tờ La Croix dành trang nhất và bài xã luận chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra vào ngày mai 13/01, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc không ngừng thao dượt trong khu vực.

Nhật báo công giáo lo ngại rằng cường độ của các cuộc tập trận nói trên làm dấy lên lo ngại về những leo thang quân sự mà mọi người không thể lường trước được. Tình hình rõ ràng là căng thẳng và bất ổn, nhưng theo các chuyên gia, leo thang khó có thể xảy ra vào ngay ngày mai. Hiện giờ, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột trực tiếp khi đường dây nóng vẫn tồn tại và có thể giúp hai bên tìm được thỏa hiệp.

Nhưng người dân Đài Loan nghĩ gì về tình hình hiện tại ? La Croix nhận định rằng cuộc bầu cử ngày mai sẽ bộc lộ không ít chi tiết, và có một điều chắc chắn : trong khi hòn đảo này đã bị đô hộ nhiều năm kể từ khi Bồ Đào Nha có mặt ở đây vào thế kỷ 16, thì tình yêu dân tộc ở Đài Loan giờ đây rất mạnh mẽ trong số 24 triệu dân. Ngày nay, có đến 70% dân số tự nhận là "người Đài Loan" (so với 20% vào năm 1995) và chỉ có 30% nhận là "người Trung Quốc và người Đài Loan cùng một lúc". Đặc biệt, giới trẻ ở Đài Loan cảm nhận rõ sự khác biệt giữa lối sống và sự tự do họ được hưởng so với những gì được "áp dụng" ở bên kia eo biển. La Croix kết luận rằng vào thời điểm mà các nền dân chủ dường như đang bị suy yếu, thật vui khi ở Đài Loan, người dân vẫn ráo riết muốn được dân chủ.

Trang nhất của tờ Les Echos cũng quan tâm đến cuộc bầu cử ở Đài Loan. Nhật báo kinh tế dẫn lời Frank Muyard, hiệu trưởng học viện nghiên cứu về Viễn Đông trụ sở Đài Bắc cho biết "sự bất đồng thực sự nằm ở cách các nhà lãnh đạo duy trì hiện trạng và cách bảo đảm hòa bình cho người dân Đài Loan" khi nói về hai ứng viên nặng ký nhất cho cuộc bỏ phiếu ngày mai.

Ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), đại diện cho Quốc Dân Đảng (KMT), đảng đối lập lớn nhất ở Đài Loan, hôm qua 11/01, đã phát biểu rằng "nếu eo biển Đài Loan không có biến động, hòn đảo sẽ được an toàn và thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm". Lập luận này đã bị ứng viên đại diện cho đảng Dân Tiến và đương kim phó tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) phản bác khi ông cho rằng "hòa bình mà không có chủ quyền thì chẳng khác gì Hồng Kông". Cả hai phe đều khẳng định muốn Đài Loan hòa bình và dân chủ, tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở vấn đề mối quan hệ giữa hòn đảo và phần còn lại của thế giới không làm ảnh hưởng đến việc duy trì hiện trạng, bởi đảng Dân Tiến cho rằng Đài Loan phải giảm phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ về mặt chính trị và an ninh. Đổi lại, Quốc Dân Đảng nhận định rằng eo biển Đài Loan sẽ chỉ có thể yên ổn nếu Đài Bắc chịu xích lại gần Bắc Kinh.

Sự trở lại đáng kinh ngạc của cựu bộ trưởng Tư pháp Rachida Dati

Về thời sự nước Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération tỏ ra hết sức bất ngờ với việc Rachida Dati được bổ nhiệm làm bộ trưởng Văn hóa. Với sự đề bạt của cựu bộ trưởng Tư pháp, Emmanuel Macron và Gabriel Attal đã khiến tất cả mọi người bàng hoàng và ngạc nhiên.

Vị cựu bộ trưởng dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn tạo được thiện cảm với dư luận, mặc dù bà đang vướng phải nhiều rắc rối pháp lý (bị truy tố vì tội nhận hối lộ). Chính quyền dường như đang tìm kiếm một hiệu ứng "choáng ngợp" với sự đề bạt này. Một nhân vật thiên hữu khác cũng có mặt trong chính phủ lần này là bà Catherine Vautrin, đã nhấn mạnh đến một "mối liên hệ Sarko" để ám chỉ về thành phần nội các mới.

Nhật báo thiên tả nhận định rằng những sự đề bạt này đi kèm với việc các bộ trưởng theo cánh tả như Clément Beaune hay Rima Abdul Malak rời khỏi chính phủ cho thấy điện Elysée đang đặt cược vào một liên minh với cánh hữu để lèo lái đất nước trong tương lai. Ngoài những sự kiện kể trên, Libération cũng lưu ý rằng bộ Giáo dục mà tân thủ tướng Gabriel Attal muốn "dành hết tâm huyết", sẽ được "điều khiển" từ bộ Thể thao của Amélie Oudéa-Castera khi bà được chỉ định thay ông Attal trong chính phủ lần này. Tờ báo thiên tả kết luận rằng việc Amélie Oudéa-Castera nắm quyền ở cả bộ Giáo dục có nguy cơ khiến các giáo viên bất bình, khi cựu vận động viên quần vợt này sẽ phải đảm nhiệm cả việc tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 khai mạc vào cuối tháng 7.

Tân ngoại trưởng Stéphane Séjourné là ai ?

Vẫn về chính sự của Pháp, tờ Le Figaro có bài viết nói về hồ sơ lý lịch của tân ngoại trưởng Stéphane Séjourné. Sau 7 năm tận tụy với chính phủ, nhân vật thân cận với Emmanuel Macron này cuối cùng sẽ lãnh đạo Bộ Ngoại giao, một chức vụ hết sức quan trọng trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng địa chính trị hoành hành từ Trung Đông đến Ukraine khiến xứ lục lăng "rối trí", và đồng thời, vị thế của Pháp cũng đang ngày càng bị đe dọa ở vùng Sahel. Trên mạng xã hội, ngoại trưởng Séjourné cho biết ông rất cảm kích vì được tin tưởng và giao trọng trách này, và đây thực sự là một bước tiến lớn đối với chính khách 38 tuổi, được đào tạo dưới sự chỉ bảo của Strauss-Kahn.

Nói lưu loát tiếng Tây Ban Nha, Stéphane Séjourné là người có nhiều kiến thức về Argentina, nơi một nhân vật theo chủ nghĩa dân túy Javier Milei mới đắc cử tổng thống. Ông Séjourné cũng nổi bật trên chính trường Châu Âu. Tại Bruxelles và Strasbourg, ông thường xuyên chỉ trích các phát biểu của thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Ngoài ra, ông Séjourné vẫn sẽ tiếp tục làm chủ tịch đảng Phục Hưng (Renaissance) của tổng thống Macron. Kể khi từ đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2022, ông đã trau dồi kinh nghiệm và trở thành một nhà chiến thuật đáng gờm sau khi đàm phán với François Bayrou và Edouard Philippe. Cũng với tư cách lãnh đạo Renaissance, ông cũng là người đứng ra hòa giải và kìm hãm "cái tôi quá lớn" của những bộ trưởng có ảnh hưởng như Bruno Le Maire và Gérald Darmanin, và chuẩn bị cho thời kỳ hậu Macron.

Ecuador : Nhà nước "tuyên chiến" với băng đảng ma túy

Nhìn sang Nam Mỹ, trang nhất của nhật báo Le Monde chú ý đến bạo lực gia tăng ở Ecuador trong bối cảnh tổng thống Daniel Noboa quyết định "tuyên chiến" với các băng đảng ma túy, sau khi tên tội phạm nguy hiểm nhất đất nước là José Adolfo Macias Villamar, biệt danh "Fito", thủ lĩnh của băng đảng Los Choneros, vượt ngục hôm 07/01. Y bị cáo buộc đã ra lệnh ám sát vào tháng 08/2023 ứng cử viên tổng thống Fernando Villavicencio, người tham gia tích cực cuộc chiến chống tham nhũng.

Bầu không khí hỗn loạn đã ngự trị ở Ecuador trong hai ngày 08-09/01, sau khi nhạc sĩ Diego Gallardo chết vì đạn lạc ở Guayaquil khi đang đi đón con trai tan học, và ít nhất 13 người khác đã thiệt mạng dưới làn đạn của các nhóm tội phạm. Tổng thống Daniel Noboa, 36 tuổi, người mới đắc cử cách đây chưa đầy 50 ngày, hôm 10/01, tuyên bố rằng Ecuador đang trong "tình trạng chiến tranh".

Một ngày trước đó, tổng thống Noboa đã nói về sự tồn tại của một "cuộc xung đột vũ trang nội bộ" và xác định 22 băng nhóm "khủng bố" giờ đây sẽ bị coi là "mục tiêu quân sự" – một quyết định được các dân biểu tại Quốc hội đồng lòng ủng hộ. Từ Bỉ, cựu tổng thống cánh tả Rafael Correa (2007-2017), người từng ủng hộ đối thủ của ông Noboa, Luisa Gonzalez, trong cuộc bầu cử tổng thống, cũng bày tỏ sự ủng hộ với tổng thống Noboa : "Đây là thời điểm phải đoàn kết dân tộc. Giới tội phạm có tổ chức đã tuyên chiến với Nhà nước và Nhà nước phải đánh bại nó."

Những hình ảnh về bạo lực đã lan truyền khắp thế giới : người dân phải tìm chỗ ẩn nấp dưới làn đạn, học sinh ẩn náu trong lớp học, các xe ô tô bị đốt cháy và thậm chí những kẻ bịt mặt được trang bị vũ khí xông vào trường quay bắt các nhà báo và kỹ thuật viên làm con tin trước khi cảnh sát can thiệp.

Carla Alvarez, chuyên gia về những vấn đề an ninh và nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia ở Quito, cho biết : "Chúng tôi chưa bao giờ đối mặt với sự hỗn loạn như vậy, những cuộc tấn công được tiến hành ở nhiều thành phố khác nhau." Tính đến 10/01, khoảng 100 quan chức nhà tù vẫn bị bắt làm con tin trong 5 nhà tù. Chánh văn phòng Jaime Vela cho biết rằng 5 kẻ tấn công đã bị triệt hạ và 329 người khác bị bắt. Các nước láng giềng là Colombia và Peru tuyên bố đặt lực lượng an ninh biên giới của họ trong tình trạng báo động.

Kể từ năm 2021, hơn 400 tù nhân đã bị giết trong các nhà tù, nơi các băng nhóm tội phạm thống trị. Các băng đảng không hành động đơn độc : chúng thường liên minh với các băng nhóm Sinaloa và Jalisco Nueva Generacion của Mexico. Vị trí địa lý của Ecuador – nằm giữa hai nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất Nam Mỹ là Colombia và Peru – đã biến nơi đây trở thành khu vực hậu cần cho các trùm buôn ma túy : "830 tấn cocain đi qua Ecuador mỗi năm, gần một nửa số lượng mà Colombia sản xuất", nhà phân tích chính trị Fernando Carrion, chuyên gia về ngành Khoa học Xã hội Mỹ Latinh cho biết. Đất nước này cũng nằm ở ngã tư của các tuyến xuất khẩu ma túy chính : hàng đi vào Hoa Kỳ thông qua Trung Mỹ và đến được Châu Âu thông qua Brazil. 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 202 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)