Bầu cử Đài Loan, tín hiệu khả quan khởi đầu một năm đầy thách thức cho dân chủ
L’Express nhìn bao quát toàn cảnh thế giới, nêu ra "Ukraine, Trung Đông, Đài Loan… Mười hai nguy cơ đe dọa năm 2024" - một năm thách thức cho các nền dân chủ. Courrier International dành hẳn hồ sơ đặc biệt 24 trang cho "Đài Loan, một Trung Hoa khác". The Economist nhận thấy Mỹ đang phải tả xung hữu đột từ Hồng Hải, Hắc Hải đến Biển Đông.
Tổng thống tân cử Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) của đảng Dân Tiến trong cuộc mít-tinh mừng chiến thắng tại Đài Bắc ngày 13/01/2024. Reuters – Ann Wang
Thế giới trước những mối đe dọa trong năm 2024
"Một người bi quan thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, một người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn". Đó là lời của thủ tướng Anh Winston Churchill, người đã không tuyệt vọng trước những trận bom của phát-xít. L’Express cho rằng nếu cứ theo logic này, thì năm 2024 với hai cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Ukraine và Gaza, đầy dẫy những cơ hội hoặc khó khăn.
Ngay ngày thứ Bảy 13/01 là cuộc bầu cử tổng thống quan trọng ở Đài Loan với áp lực nặng nề từ Trung Quốc. Bên cạnh đó là sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên, Iran sắp có bom nguyên tử, sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Moskva, Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng… trong một năm có đến trên 70 cuộc bầu cử trên hành tinh, đặc biệt là bầu cử tổng thống Mỹ.
Đối với Châu Âu, thảm họa chính là Ukraine sụp đổ về quân sự do trợ giúp của phương Tây không đủ. Cựu đại sứ Michel Duclos cho rằng sẽ xảy ra chiến tranh liên miên vì Nga được khuyến khích bành trướng và tấn công các nước khác, toàn Châu Âu sẽ bị tổn thương. Kịch bản đen tối này có nguy cơ thành sự thực nếu ông Donald Trump quay lại nắm quyền, có thể ngưng viện trợ cho Kiev thậm chí xem xét lại cam kết với NATO – theo chuyên gia François Heisbourg. Một làn sóng cực hữu nổi lên sau bầu cử Châu Âu càng làm phức tạp thêm vấn đề.
Xung đột trỗi dậy khi không còn hiến binh quốc tế
Tại một điểm nóng khác là Trung Đông, căng thẳng liên tục gia tăng giữa Israel và Hezbollah, theo Washington Post thì Mỹ lo ngại Nhà nước Do Thái tấn công phe dân quân Shia, mở ra một mặt trận mới. Nhà địa chính trị Bruno Tertrais cho rằng Iran khó thể chấp nhận đồng minh của mình bị tiêu diệt. Nỗi lo khác là Vladimir Putin gợi cảm hứng cho những kẻ hung hăng khác như nhà độc tài Azerbaijan, Ilham Aliyev đã từng dùng vũ lực chiếm Thượng Karabakh. Ông Michel Duclos nói : "Kể từ lúc không còn hiến binh, tất cả những cuộc xung đột đóng băng có thể bùng phát".
Tuy nhiên L’Express cho rằng điều tệ hại nhất chưa chắc sẽ xảy ra, và các nhà độc tài không thể trường sinh bất tử. Năm 2024 có thể mang lại cho chúng ta nhiều bất ngờ. Chẳng hạn trong một giả thiết ít có khả năng xảy ra, bầu cử Mỹ không phải là cuộc cạnh tranh giữa Donald Trump với Joe Biden, mà giữa những ứng cử viên trẻ hơn như Nikki Haley hay Ron DeSantis của đảng Cộng Hòa, hoặc Kamala Harris và Gavin Newsom của đảng Dân Chủ ? Chúng ta vẫn có thể mơ như vậy.
Theo nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, cuộc xâm lăng của Putin đã mở ra "chiếc hộp Pandore". Bởi vì trong thập niên 70, thế giới vẫn coi việc dùng vũ lực để thay đổi đường biên giới là điều cấm kỵ. Khi Iraq chiếm Kuwait, đã phải đối mặt với một liên minh quốc tế lớn chưa từng thấy kể từ chiến tranh Triều Tiên. Ngày nay, Nga, Azerbaijan, Venezuela hay một số nhà lãnh đạo các nước phi tự do như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary đang muốn gắn thêm chữ "Đại" trước tên nước, bằng cách cá lớn nuốt cá bé. Và đừng quên Trung Quốc, vốn đang tiến hành chính sách bành trướng ngang ngược trên biển.
"Nguyên trạng" : Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc hiểu theo ba cách khác nhau
Courrier International dành hẳn hồ sơ đặc biệt 24 trang cho "Đài Loan, một Trung Hoa khác", trong đó có bài giải thích "Nguyên trạng ở Đài Loan, một khái niệm biến thiên". Mối quan hệ tay ba giữa đảo quốc với Trung Quốc và Hoa Kỳ dựa trên khái niệm "nguyên trạng" nhưng mỗi bên hiểu theo một cách khác nhau. Tuần báo Pháp dịch lại bài viết của nhà phân tích Trần Chú (George Chen Shu) trên tạp chí Viễn Kiến (Yuanjian) của Đài Loan, giải thích vì sao một ít tinh tế trong thuật ngữ có thể dẫn đến cơn ác mộng địa chính trị.
"Nguyên trạng" trong Hoa ngữ là "duy trì hiện trạng" (weichi xianzhuang). Đối với Washington, có nghĩa là tiếp tục "chính sách chỉ có một Trung Hoa", còn Bắc Kinh là "nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa". Đài Loan thì hiểu "duy trì hiện trạng" trong hy vọng một ngày nào đó bên kia eo biển sẽ tôn trọng chủ quyền và độc lập của Trung Hoa Dân Quốc, vì trong lịch sử hòn đảo này chưa bao giờ thuộc về Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Phải lần về đến thế kỷ III mới có những văn bản tiếng Hoa nói về "Di Châu". Châu Âu thì từ lâu vẫn gọi là Formose, xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha "Ilha formosa" (hòn đảo xinh đẹp).
"Chính sách một Trung Hoa" được ghi trong ba thông cáo chung ký kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc [năm 1972, 1978 và 1982], sau khi Washington quyết định lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Bên cạnh đó là Taiwan Relations Act, luật về quan hệ với Đài Loan năm 1979, cộng thêm sáu bảo đảm (năm 1982) mà tổng thống Ronald Reagan dành cho Đài Loan, quan trọng nhất là bảo đảm bán vũ khí.
Đài Loan không hề thuộc về Trung Quốc "từ thời cổ đại"
Nói cách khác, với Mỹ, "duy trì hiện trạng" liên quan đến một loạt thỏa thuận và cam kết. Chính quyền Mỹ và Trung Quốc bắt tay vì nhiều lý do, chủ yếu là địa chính trị, nhưng Washington không muốn bỏ rơi Đài Bắc. Trên thực tế, ngay cả trong thông cáo Thượng Hải đã ký ngày 27/02/1972, hai văn bản tiếng Anh và tiếng Hoa có khác nhau. Bản tiếng Anh viết : "Chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận (acknowledged) quan điểm của Trung Quốc", là chỉ có một Trung Hoa và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nhưng khi dịch sang tiếng Hoa, Trung Quốc nhất định dùng chữ "thừa nhận" thay cho "ghi nhận".
Vào thời đó, người Mỹ không cho là quan trọng, chỉ chú tâm vào bản tiếng Anh. Và cũng không khẳng định Đài Loan là một phần của "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" mà chỉ đơn giản là "China". Có một điều không bao giờ thay đổi : Hoa Kỳ luôn muốn có giải pháp hòa bình. Bắc Kinh luôn nói rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc "từ thời cổ đại". Nhưng có lẽ cần nhắc nhở lịch sử Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chỉ mới bắt đầu từ năm 1949. Trước đó, Đài Loan lần lượt bị rất nhiều nước đô hộ : Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản... cho tới khi chính phủ quốc gia của Tưởng Giới Thạch chạy sang sau khi bị thua trong cuộc nội chiến.
Tập Cận Bình chưa thể xâm lược đảo quốc lúc này
The New York Times trấn an "Không, Tập Cận Bình sẽ không tấn công Đài Loan", ít nhất là trong lúc này. Trong bài viết được Courrier International dịch lại, tờ báo nêu ra một loạt nguy cơ : sa lầy, thất bại chiến lược, phản kháng xã hội, mất tính chính danh… nếu chủ tịch Trung Quốc quyết định xâm lăng đảo quốc. Tuy cao giọng đòi "thống nhất", nhưng các nhà lãnh đạo Hoa lục vẫn nghi ngại về khả năng Giải phóng quân tức quân đội Trung Quốc (APL) chiếm được hòn đảo với cái giá có thể chấp nhận được.
Tấm gương tày liếp của Nga tại Ukraine đang hiển hiện. Vào đầu cuộc chiến, quân đội Nga không vượt nổi biên giới trên bộ để chiếm thủ đô Kiev, còn vượt qua được eo biển Đài Loan là vấn đề càng hóc búa hơn cho quân Trung Quốc. Một cuộc đổ bộ quy mô cần có được ưu thế trên không và trên biển, khả năng duy trì lực lượng xâm lược trong thời gian dài. Tập Cận Bình cũng không thể không biết Nga đã mất gần 300.000 lính ở Ukraine (và vẫn chưa chấm dứt), kinh tế yếu đi do phương Tây trừng phạt, hình ảnh trên trường quốc tế trở nên xám xịt và làm đất nước xuống dốc.
Nếu thất bại với Đài Loan, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của ông Tập, thậm chí đe dọa quyền lực của đảng cộng sản. Trong khi đó việc thanh trừng các tướng lãnh trong đó có bộ trưởng quốc phòng và hai nhân vật phụ trách giám sát kho vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo cho thấy Tập Cận Bình kém tin tưởng về khả năng quân đội Trung Quốc tiến hành chiến tranh. Lính Trung Quốc hầu hết là con một do chính sách một con trước đây, họ là chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già, nếu số lượng tử trận lớn có thể gây nên những cuộc biểu tình.
Một yếu tố khác kìm lại Tập Cận Bình là khả năng Hoa Kỳ ra tay cứu giúp Đài Loan. Quốc hội Mỹ ủng hộ Đài Bắc hơn bao giờ hết, và tổng thống Joe Biden nhiều lần tuyên bố là sẽ hỗ trợ về quân sự nếu Đài Loan bị tấn công. Chỉ có vài trường hợp thúc đẩy Tập Cận Bình dùng vũ lực như chính phủ Đài Loan tuyên bố độc lập, hay chủ tịch Quốc hội Mỹ quyết định tái lập quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Khả năng Bắc Kinh "tiên hạ thủ vi cường"
Còn nếu Trung Quốc nhất định đưa quân sang xâm chiếm Đài Loan thì sao ? Tạp chí Viễn Kiến phỏng vấn chuyên gia quân sự Qiu Shiqing, tác giả cuốn sách bán rất chạy mang tên "Cẩm nang sống sót cho thường dân trong thời chiến". Cựu sĩ quan Không quân này khẳng định, đợt oanh tạc đầu tiên của Trung Quốc sẽ nhắm vào các phi trường trên đảo chính của Đài Loan và những đảo nhỏ gần đó như Bành Hồ (Penghu) để ngăn các chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh, đồng thời hủy diệt các trạm radar, thiết bị quân sự và thông tin, bằng đủ loại hỏa tiễn tầm xa, hỏa tiễn hành trình và đạn đạo.
Đợt tấn công thứ hai là vào các bộ và cơ quan hành chánh. Ở giai đoạn này, rủi ro đối với thường dân tùy thuộc khoảng cách từ nhà họ đến mục tiêu, trong khi Đài Loan nhỏ hẹp nên toàn bộ từ đông sang tây đều nằm trong tầm bắn. Để đè bẹp khả năng chống cự, giờ tấn công là từ 2 đến 4 giờ sáng lúc cư dân đang còn ngủ, và còn để tung ra đợt oanh kích thứ hai trước lúc rạng đông.
Kịp thời cập nhật kết quả bầu cử tổng thống Đài Loan trên trang web, các tuần báo coi việc ứng cử viên Lại Thanh Đức đắc cử là một "cái tát cho Bắc Kinh". Với chiến thắng này, "người Đài Loan thách thức ý định ‘’thống nhất’’ của Tập Cận Bình". Ông Lại Thanh Đức là phó tổng thống đầu tiên trở thành nguyên thủ Đài Loan trong lịch sử, chấm dứt chu trình các đảng thay phiên lên đứng đầu mỗi tám năm. Trung Quốc không ưa tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn, và đối với người sắp kế nhiệm bà thì lại càng căm ghét, từng công kích ông là "côn đồ", "kẻ kêu gọi chiến tranh"…Không khí sắp tới có vẻ không mấy hòa dịu.
Trung Đông : Chiến tranh đã lan ra khu vực
Quay lại với Trung Đông, L'Express nhận thấy từ xung đột Israel-Hamas, từ nam Lebanon đến Hồng Hải, chiến tranh đã ra hẳn khỏi biên giới Gaza để lan rộng ra khắp khu vực. Cuối tháng 12, một tướng quan trọng của Iran là Razi Moussavi bị tiêu diệt tại Syria trong một vụ tấn công được cho là của Israel. Đầu tháng Giêng, thủ lãnh số 2 Hamas là Saleh Al-Arouri bị tử thương ngay giữa Beyrut, cũng có thể là do Israel. Ngay hôm sau, Iran chịu đựng vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử đương đại của nước này trong ngày giỗ của tướng Soleimani, được Nhà nước Hồi giáo (Daesh, IS) nhận trách nhiệm. Tại biên giới Israel-Lebanon, tình hình đang nóng bỏng : Hezbollah bắn rốc-kết như mưa sang bắc Israel, trong khi một thủ lãnh quân sự của tổ chức Shia này bị trừ khử hôm 08/01 vì Israel oanh kích vào nam Lebanon.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trên Hồng Hải, phiến quân Houthi tay sai của Tehran tiếp tục gây rối, nhân danh bảo vệ người Palestine. Đối với nhà nghiên cứu Bernard Haykel của đại học Princeton, xung đột ở Yemen với Houthi - lực lượng trên thực tế nắm quyền tại phần lớn đất nước từ 2015 - hầu như không thể tránh khỏi. Trừ phi từ bỏ an ninh hàng hải, Hoa Kỳ đứng đầu một liên minh quốc tế không có chọn lựa nào khác là tấn công trực tiếp nhóm này ở Yemen. Theo Haykel, Mỹ có thể giới hạn ở việc bố trí radar ở duyên hải, hỏa tiễn... hoặc tung ra cuộc tấn công rộng rãi hơn, kể cả gởi bộ binh sang Yemen.
Nếu Israel coi chiến dịch quân sự ở Gaza là thành công, họ áp dụng trên toàn vùng chiến lược hậu Munich. Vào thời trước, sau vụ bọn khủng bố Palestine sát hại 11 vận động viên Israel dự Thế vận hội 1972, đã tràn ngập cảm giác cay đắng là thế giới không coi trọng thảm kịch mà Israel phải chịu đựng, cũng như vụ thảm sát ngày 07/10 gần đây. Những vụ ám sát sẽ còn tiếp tục, không có giới hạn địa lý. Hamas sẽ còn hoành hành, Hezbollah và Iran hiện còn thận trọng nhưng đến bao giờ ? Mỹ có nguy cơ dấn sâu hơn nếu Houthi tấn công mạnh. Sau vụ thảm sát 07/10, L’Express đã chạy tít "Israel trong chiếc bẫy khủng bố của Hamas" và ba tháng sau chiếc bẫy dường như đã khép chặt trên toàn Trung Đông.
Biển Đỏ, Biển Đen, Biển Đông : Mỹ tả xung hữu đột
The Economist ghi nhận một cơn bão lớn đang hình thành trên các đại dương sau nhiều thập niên yên tĩnh. Ở Hồng Hải, drone và hỏa tiễn của phiến quân Houthi làm giảm 90% hoạt động của các tàu container trên kênh Suez. Mỹ và Anh trả đũa với hơn 60 cuộc tấn công trên biển và trên không ở Yemen. Hắc Hải thì tràn ngập mìn, chiến hạm không hoạt động được, Ukraine hy vọng sẽ đuổi được hải quân Nga khỏi Crimea. Biển Baltic và Biển Bắc đối mặt với cuộc chiến ngầm nhằm phá hoại các đường ống và cáp. Và Châu Á đang chứng kiến sự tăng cường sức mạnh hải quân lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến : Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông. Sau cuộc bầu cử Đài Loan mà tin mới nhất là ứng cử viên Dân Tiến chiến thắng, áp lực có thể tăng lên.
Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là dấu hiệu của một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên các đại dương. Nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình toàn cầu hóa. Khoảng 80% hàng hóa trao đổi được vận chuyển bằng một đội tàu gồm 105.000 tàu container, tàu chở dầu và tàu hàng hoạt động xuyên đại dương cả ngày lẫn đêm, trong lúc căng thẳng địa chính trị tăng lên. Hậu quả là các đại dương lần đầu tiên trở thành khu vực tranh chấp kể từ sau chiến tranh lạnh.
Hải quân Mỹ lâu nay hầu như độc quyền trong việc giữ an ninh các đại dương, với trên 280 chiến hạm và 340.000 lính thủy. Sự bành trướng trên biển của Trung Quốc khiến Mỹ lần đầu tiên bị thách thức trên Thái Bình Dương kể từ 1945. Nhiều kẻ côn đồ xuất hiện, ngoài Houthi còn có Ethiopia, Somalia… Bắc Kinh bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và trừng phạt của phương Tây khiến buôn lậu bùng nổ : 10% số tàu dầu thuộc về "hạm đội đen" vô chính phủ, tăng gấp đôi so với cách đây một năm rưỡi. Tuần báo cho rằng cần mở rộng các liên minh để tập trung thêm nguồn lực cho việc giám sát đại dương.
Pháp : Kỳ vọng đặt vào tân thủ tướng 34 tuổi
Tân thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp Gabriel Attal được tất cả tuần báo dành cho nhiều giấy mực. L’Obs ghép ảnh tổng thống Pháp và phía sau là tân thủ tướng, chạy tít "Macron-Attal : Những hoạt động quảng bá thường xuyên". Le Point đăng chân dung thủ tướng 34 tuổi, ví von "Hỏa tiễn Attal, người kế thừa". Le Point tự hỏi, chuyện gì đã xảy ra, Emmanuel Macron không còn sợ người tài chăng ? Khi bổ nhiệm Gabriel Attal làm thủ tướng, tổng thống Pháp đã có một quyết định lạ lẫm với chính mình, và có thể là quan trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ : Macron đã chấp nhận ý tưởng chia sẻ quyền lực.
Attal đã chứng tỏ sự quyết đoán khi cấm áo choàng Hồi giáo abaya trong trường học, biện pháp này giúp ông được nhiều cảm tình của dư luận. Về nợ công, nhập cư… thì còn phải chờ đợi. Chính khách trẻ tuổi, năng động, tiếng là cánh tả nhưng chủ trương gần gũi với cánh hữu mang lại làn gió mới cho chính quyền Macron. Nhưng Le Point nhắc nhở, tuổi trẻ không kéo dài mãi, sự trẻ trung của Macron đã giảm sút sau bảy năm làm tổng thống, đó cũng là bình thường. Gabriel Attal cần nhanh chóng bắt tay vào việc.
L’Obs cho rằng không dễ dàng. Một số tên tuổi lớn không hài lòng khi phải chịu sự lãnh đạo của một thủ tướng ở độ tuổi ba mươi. Cựu thủ tướng Edouard Philippe hay thủ lãnh cánh trung François Bayrou có thể coi Attal là người cạnh tranh trong tham vọng kế nghiệp Macron. Thủ tướng trẻ có nguy cơ đóng vai một "siêu phát ngôn viên" mà thôi, tài năng truyền thông của ông được sử dụng để phục vụ cho chính quyền Macron : kỷ niệm 80 năm đồng minh đổ bộ lên Normandy, khai mạc Thế vận hội Paris, hay trong dịp Vương cung Thánh đường Notre Dame hồi sinh vào tháng 12…
Thụy My