Nếu Đài Loan lao đao, thế giới cũng lảo đảo vì linh kiện bán dẫn
Thu Hằng, RFI, 13/01/2024
Đâu là "vũ khí" giúp Đài Loan yên ổn dù liên tục bị Trung Quốc đe dọa ? Tại sao sinh nhật của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un không phải là ngày lễ chính thức ? Từ phản công thành phòng vệ : Tại sao Ukraine lại khó khăn trên mặt trận ? Israel cũng không thoát được cáo buộc "diệt chủng" ; Tham nhũng dập tắt tham vọng của bóng đá Trung Quốc ; Hàn Quốc cấm ăn thịt chó. Trên đây là một số chủ đề trong tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Đội quân danh dự tại lễ hạ cờ tại Khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek Memorial Hall) ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/01/2024. AP - Louise Delmotte
Nếu Đài Loan lao đao, thế giới cũng lảo đảo vì linh kiện bán dẫn
Ngày 13/01/2024, cử tri Đài Loan đi bầu tổng thống và Quốc hội. Hòn đảo có hơn 24 triệu dân vẫn bị Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ được thống nhất một cách "hòa bình" nhưng không loại trừ dùng "vũ lực" nếu cần. Về mặt chính thức Bắc Kinh khẳng định không can thiệp nhưng lại coi các cuộc bầu cử là "sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh".
Trong chương trình Khách mời (Invité) sáng 10/01 của RFI tiếng Pháp, ông Wu Chi-Chung François, đại diện của tổng thống Đài Loan tại Pháp, nhận định :
"Điều quan trọng là Trung Quốc không hài lòng chút nào về những gì đang diễn ra ở Đài Loan bởi vì cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội ở Đài Loan chứng minh rất rõ rằng một nước nói tiếng Hoa hoàn toàn có thể vận hành tốt với một nền dân chủ và tự do. Ngoài ra, tôi nghĩ điều khác mà Bắc Kinh không hề thích là vào năm 2010, đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc chiếm gần 83% tổng đầu tư của Đài Loan ở nước ngoài. Nhưng đến năm 2023, con số này chỉ còn 11%".
Ngoài các chiến dịch tung tin giả làm lung lay cử tri, Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự khi điều chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến, thả khinh khí cầu, được cho là do thám, bay qua hòn đảo, khẳng định với Mỹ là "không thỏa hiệp", "không nhận nhượng" về vấn đề Đài Loan. Mối đe dọa từ Trung Quốc luôn hiện hữu và có thể sẽ gia tăng sau cuộc bầu cử vì Hoa Kỳ thông báo gửi "một phái đoàn không chính thức" đến Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông Wu Chi-Chung François, có lẽ tạm thời Trung Quốc sẽ chưa đi quá xa :
"Cũng không nên phóng đại mối đe dọa Trung Quốc quá, dĩ nhiên là mối đe dọa đó luôn tồn tại và nhất là hiện giờ, theo tôi, bà Thái Anh Văn và đảng cầm quyền (sắp mãn nhiệm) đã lập được một "kiểu kiểm soát", trong đó có thêm cộng đồng quốc tế, nhằm cố răn đe Trung Quốc không tiến hành một hoạt động quân sự nào đó nhắm vào Đài Loan. Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng. Không phải Đài Loan, mà cả cộng đồng quốc tế đối mặt với Trung Quốc bởi vì khu vực đó có rất nhiều lợi ích của thế giới, ví dụ linh kiện bán dẫn mà người ta vẫn nhắc thường xuyên : 92% linh kiện bán dẫn tối tân nhất được sản xuất tại Đài Loan, còn đối với loại thông thường hơn là 60%".
Kim Jong-un âm thầm mừng sinh nhật 40 tuổi
Bán đảo Triều Tiên là một điểm nóng khác ở Đông Á. Trước và sau ngày được cho là sinh nhật lần thứ 40 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nã pháo ba ngày liên tiếp, từ 05-07/01, ngoài khơi tây nam, gần Đường phân định theo thỏa thuận 19/09/2018. Hai ngày sau 08-09/01, ông Kim Jong-un thị sát một nhà máy quốc phòng và ra lệnh tăng năng suất. Từ giờ, Hàn Quốc bị Kim Jong-un coi là "kẻ thù thực thụ" và sẽ bị "nghiền nát".
Kim Jong-un được cho là sinh ngày 08/01/1984. Theo Yonhap, không một cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên nào (KCNA, Rodong Sinmun, KCTV, KCBS) nhắc đến sinh nhật lần thứ 40 của nhà lãnh đạo, thay vào đó là thông tin ông cùng con gái đi thăm một trang trại nuôi gà, kêu gọi tăng sản lượng gia cầm để thay đổi "đáng kể" điều kiện sống của người dân.
Tại sao sinh nhật của Kim Jong-un không thành ngày lễ chính thức như ông và cha của nhà lãnh đạo ? Theo suy luận của một số nhà quan sát, được AP trích dẫn, có thể là Kim Jong-un thấy cần có những thành tựu lớn hơn để sinh nhật trở thành ngày lễ lớn hoặc do không muốn tiểu sử bị chú ý vì người mẹ quá cố sinh ra ở Nhật Bản hoặc cũng có thể do các lãnh đạo lão thành vẫn cho rằng ông còn quá trẻ.
Từ phản công thành phòng vệ : Tại sao Ukraine lại khó khăn trên mặt trận ?
Gần hai năm chiến tranh làm bào mòn ý chí quyết chiến của người dân Ukraine, ví dụ mới nhất là tai tiếng về dự thảo luật nghĩa vụ quân sự buộc chính phủ phải rút lại ngày 11/01 để xem xét lại do vi phạm một số quy định cơ bản về quyền cá nhân. Luật mới sẽ mang ý nghĩa quan trọng vì vừa phải cổ vũ được người dân muốn cầm súng chiến đấu chống quân Nga, dù hiểu rõ họ có thể hy sinh ở chiến trường, vừa phải cho công luận thấy là luật pháp công bằng với tất cả mọi người.
Đây là một trong hai khó khăn mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt, theo nhận định ngày 10/01 với RFI của tướng Jean-Paul Palomeros, nguyên tham mưu trưởng Không Quân Pháp và tư lệnh đồng minh Chuyển đổi tại NATO :
"Ukraine đang phải đối phó với hai vấn đề cùng lúc. Một mặt, họ gặp vấn đề về nhân sự với cuộc tranh luận về nghĩa vụ quân sự. Mặt khác là hạn chế về mặt vũ khí. Chúng ta thấy rõ vấn đề này trong phòng không. Hiệu quả của các đợt chống đỡ tấn công của Nga bắt đầu giảm đi, nếu dựa theo thống kê được Không Quân Ukraine công bố. Cách đây vài hôm (08/01), hệ thống phòng không Ukraine chỉ bắn hạ được 18 trên tổng số 51 tên lửa của Nga. Chúng ta thấy là không còn tỉ lệ thành công 80-90% như ít lâu trước đây".
Chiến lược phản công của Ukraine đã bị thất bại và chuyển sang thế phòng thủ. Tại sao Ukraine lại gặp khó khăn trên chiến trường ? Tướng Palomeros giải thích :
"Các lực lượng Ukraine tham gia phản công đã vấp phải hàng phòng thủ nhiều lớp của Nga vì quân Nga đã có thời gian để chuẩn bị. Ukraine chưa tìm ra được điểm yếu. Cũng có thể họ cho rằng chưa phải lúc phải hy sinh nhân mạng để chọc thủng phòng tuyến này. Họ hiểu ra rằng có lẽ sẽ quá tốn kém và họ không có phương tiện. Vì thế, chúng ta thấy họ tiến ở một số nơi nhưng không ở quy mô tham vọng ban đầu.
Điều tốt nhất hiện giờ mà họ có thể làm là cố gắng giữ các vị trí đã chiếm lại được dọc chiến tuyến rất dài, và tránh để quân Nga phản công chiếm lại. Chúng ta thấy điều đó xảy ra ở vùng Marinka. Nhưng phải nói là phía Nga cũng chịu tổn thất nặng nề. Đằng sau mỗi lần tiến thêm được của họ là những tổn thất nhân mạng vô cùng lớn".
Israel không thoát khỏi cáo buộc "diệt chủng"
Israel, Nhà nước được thành lập để người dân Do Thái có thể sống yên ổn sau thảm kịch diệt chủng Holocaust trong Thế Chiến II, lại bị xét xử vì "các hành vi diệt chủng" ở dải Gaza. Từ ngày 11/01, Tòa Án Công Lý Quốc Tế bắt đầu phiên xử theo đơn kiện của Nam Phi. Tuy nhiên, trả lời RFI ngày 12/01, luật sư người Israel Yaacov Garson, chuyên về luật quốc tế, cho rằng đơn kiện của Nam Phi chủ yếu thể hiện lập trường của các nước phương Nam đối với Israel và Hoa Kỳ :
"Người ta không có cảm giác là Nam Phi cứu người dân Palestine mà sử dụng công cụ luật pháp quốc tế để truyền tải một thông điệp. Đó là Israel cũng không tránh được những cáo buộc, như tội "diệt chủng", cho dù Israel và người Do Thái đã "đưa" khái niệm này vào luật pháp quốc tế sau Thế Chiến II vì là nạn nhân của "diệt chủng". Vì vậy, ý đồ của Nam Phi thiên về hướng cáo buộc Israel hơn là hy vọng nhận được một quyết định có lợi hoặc là kết quả và chủ yếu là để phản đối Hoa Kỳ, nước sát cánh với Israel, đồng thời nói với nửa kia của thế giới - bên đối lập với Mỹ (như Iran, Nga, Trung Quốc) - rằng "chúng tôi đồng hành với các vị, chúng tôi tiến hành vụ kiện để nói rằng giờ đã hết, Israel không thoát được một cáo buộc (diệt chủng) như vậy".
Rabbi Mỹ phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza
Cuộc chiến của Israel tại dải Gaza bị hội "Rabbis for Ceasefire" gồm 240 rabbi tại Mỹ phản đối. Ngày 09/01, 36 rabbi trong hội đã tọa kháng ôn hòa ngay trong hội trường của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, New York (Mỹ), để yêu cầu ngừng chiến.
Thông tín viên RFI Carrrie Nooten tại New York tường thuật :
"Họ vào trụ sở Liên Hiệp Quốc bằng vé khách tham quan. Ngay khi vào được trong hội trường của Hội đồng Bảo an, những rabbi này giương băng rôn, cầu nguyện và tiến hành một số nghi lễ trong khoảng 10 phút, sau đó bị đội bảo vệ đưa ra ngoài. Một nhóm nhỏ khác đã cắt ngang phiên họp của Đại hội đồng Liên Quốc khi hát vang "Các nước sẽ không biết đến chiến tranh nữa".
Rabbi Elliot Kukla tham gia sự kiện. Ông cho biết : "Với tư cách là các rabbi Mỹ, chúng tối muốn đến Liên Hiệp Quốc, gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ của chúng tôi để chính phủ ngừng phản đối hòa bình và ngừng phản đối Liên Hiệp Quốc nhằm cản trở công việc của Liên Hiệp Quốc và ngừng sự tàn bạo này lại. Tôi là con của những người thoát khỏi nạn diệt chủng Do Thái Holocaust. Và cá nhân tôi biết rất rõ những tội ác này diễn ra như nào, kéo dài suốt bao thế hệ ra sao, đến mức mà chúng ta cần đến một tổ chức như Liên Hiệp Quốc".
Không ai bị bắt. Ngược lại, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã hoan nghênh sự lịch thiệp và sự hợp tác ôn hòa của họ. Ông cũng nói là có chung thông điệp, không ngừng lặp đi lặp lại từ New York rằng cần phải hưu chiến nhân đạo".
Tham nhũng dập tắt tham vọng của bóng đá Trung Quốc
Dàn xếp tỷ số, mua chức và tham nhũng tràn lan ở giải vô địch bóng đá Trung Quốc. Vụ tai tiếng trong bóng đá gây chấn động cuối năm 2022, khiến một loạt quan chức bị bắt, được đề cập trong loạt phim tài liệu về chống tham nhũng vừa được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm :
"Hối lộ và những giọt nước mắt, tập 4 và cũng là tập cuối của loạt phóng sự đặc biệt chống tham nhũng của đài phát thanh và truyền hình trung ương Trung Quốc bắt đầu bằng trận đấu của đội tuyển quốc gia Trung Quốc tại vòng loại Cup Bóng đá Thế giới Qatar, sau đó đào sâu vào nạn tham nhũng cố hữu, hoành hành trong Giải vô địch Trung Quốc từ năm 2015.
Đỗ Triệu Tài (Du Zhaocai), nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc, lí nhí nói : "Tiền và quà là chuyện cơm bữa để mọi việc trơn tru và trở thành kiểu luật bất thành văn". Ngoài ra còn có rất nhiều "cựu" khác trong những lời thú nhận của ông.
Từ khi cơ quan chống tham nhũng mở điều tra đối với cựu huấn luyện viên Lý Thiết (Li Tie) vào tháng 11/2022, vài chục tên tuổi trong liên đoàn bóng đá đã bị rớt đài. Ông Lý Thiết thừa nhận đã đút lót khoản tiền tương đương 400.000 euro cho các định chế để được làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia.
Ông nói : "Tôi tha thiết được dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Tôi đã liên lạc một số người để được đề cử, trong đó có các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc. Tôi lấy làm tiếc về chuyện đó, không nên đi đường tắt mà phải đi thẳng".
Những lời ăn năn cũng được những người nhận hối lộ chia sẻ trước ống kính, như ông Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan), cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc. Đầu cúi thấp, giọng run rẩy, ông nói : "Người hâm hộ có thể lượng thứ về việc bóng đá Trung Quốc đi sau một số đội tuyển khác nhưng họ không thể tha thứ cho tham nhũng. Tôi xin gửi những lời xin lỗi chân thành nhất đến cổ động viên Trung Quốc".
Nạn tham nhũng đã làm xói mòn tham vọng của đội tuyển quốc gia. Trung Quốc vẫn kẹt ở vị trí 79 trên bảng xếp hạng FIFA, ngang mức 10 năm trước".
Người Hàn sẽ không được ăn thịt chó
Tại phiên họp toàn thể ngày 09/01/2024, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật ban hành "Đạo luật đặc biệt về chấm dứt chăn nuôi, giết mổ và phân phối chó vì mục đích thực phẩm".
Thông tín viên Trần Công tại Seoul cho biết thêm :
"Ý chính của dự luật là cấm chăn nuôi, nhân giống hoặc giết mổ chó vì mục đích ăn thịt cũng như việc phân phối thức ăn được nấu hoặc chế biến từ chó.
Giết chó vì mục đích ăn thịt có thể bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu won, và việc nuôi, nhân giống hoặc phân phối chó có thể bị phạt tới 2 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 20 triệu won.
Tuy nhiên, lệnh cấm chăn nuôi, giết mổ, phân phối… và các quy định về xử phạt vi phạm sẽ có hiệu lực sau ba năm kể từ khi dự luật được ban hành.
Đệ nhất phu nhân Kim Kun-hee, vợ của Tổng thống Yoon Seok-yeol, cũng đã tham dự một cuộc họp của Tổ chức Bảo vệ Động vật ở Amsterdam trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan vào tháng 12/2023 và kêu gọi thông qua dự luật, nói rằng "Lệnh cấm về việc ăn thịt chó là lời hứa của tổng thống".
Thu Hằng