Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/01/2024

Điểm báo Pháp - Thông điệp cho Tập Cận Bình

RFI tiếng Việt

Bầu một tổng thống chống Trung Quốc : Thông điệp của dân Đài Loan cho Tập Cận Bình

Đài Loan có tổng thống mới tiếp tục đường hướng dân chủ chống Bắc Kinh. Bang Iowa khởi đầu mùa bầu cử tổng thống Mỹ với Donald Trump đang chiếm ưu thế. Phiến quân Houthi gây rối ở Hồng Hải trong khi các con tin Israel vẫn trong tay Hamas, 100 ngày sau khi bị bắt cóc. Tân nội các Pháp bắt tay vào việc, chuẩn bị đối đầu với cực hữu trong cuộc bầu cử Châu Âu. Đó là những vấn đề chính được báo chí Pháp mổ xẻ hôm nay 15/01/2024.

chongtq1

Hệ thống rào chắn chống đổ bộ trên bãi biển Kim Môn (Kinmen), Đài Loan, phía sau là thành phố Hạ Môn (Xiamen) của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 19/12/2023. Reuters - Ann Wang

Trẻ mồ côi nghèo nay thành tổng thống

La Croix nói về "Lại Thanh Đức, người con của một thợ mỏ được bầu làm tổng thống Đài Loan". Trong chiến dịch vận động, ông từng tuyên bố cuộc bầu cử này "sẽ quyết định liệu Đài Loan có bảo vệ được dân chủ, tự do và chủ quyền, hay sẽ thỏa hiệp với các thế lực độc tài".

Khác với đa số chính khách của đảo quốc, Lại Thanh Đức (William Lai hay Lai Ching Te) xuất thân từ giới bình dân. Chưa đầy 2 tuổi khi người cha qua đời trong một tai nạn hầm mỏ, ông cùng năm anh chị em được mẹ nuôi dưỡng trong một căn nhà nhỏ tồi tàn gần khu mỏ, và hiểu rõ lao động cực nhọc như thế nào. Sau này trở thành sinh viên giỏi ngành y, ông sang Mỹ học tiếp ở Harvard rồi về nước sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ, quay sang làm chính trị nhằm "bảo vệ nền dân chủ non trẻ". Lại Thanh Đức mơ thành tổng thống từ lâu, nhưng thua bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân Tiến năm 2020.

Tuy được biết với những phát biểu chủ trương độc lập trước đó, những năm gần đây ông có quan điểm ôn hòa hơn. Theo chân người tiền nhiệm, ông cho rằng thực tế Đài Loan đã độc lập, chẳng cần chính thức tuyên bố, vì vượt qua lằn ranh đỏ do Bắc Kinh áp đặt có thể dẫn đến chiến tranh. Nhưng đối với Trung Quốc, Lại Thanh Đức vẫn là một "mối nguy hiểm". Nay đã trở thành tổng thống, ông khẳng định trách nhiệm "chia sẻ kinh nghiệm dân chủ hóa Đài Loan với thế giới và tại Ấn Độ-Thái Bình Dương". Một thách thức lớn trong giai đoạn căng thẳng quân sự trên toàn Châu Á.

Người dân Đài Loan thách thức Bắc Kinh bằng lá phiếu

Le Figaro nhận thấy người dân Đài Loan, bằng lá phiếu, một lần nữa đã thách đố Trung Quốc của Tập Cận Bình, trao cho Đảng Dân Tiến ba nhiệm kỳ liên tiếpMười chín triệu rưỡi cử tri của hòn đảo như vậy đã có "sự chọn lựa tệ hại" - theo như chế độ cộng sản Bắc Kinh. Một cái tát đau điếng cho ông chủ tịch Trung Quốc - vào ngày Tết dương lịch đã khẳng định việc "thống nhất" "tỉnh lỵ" này là "không thể tránh khỏi". Hai bờ eo biển ngày càng cách xa hơn : từ mười lăm năm qua, cử tri Đài Loan quay lưng lại với Hoa lục.

Nhà nghiên cứu Marc Julienne cho rằng đây là "sự quay lại với thực tại cho Tập Cận Bình. Thời gian không còn đứng về phía Trung Quốc, khả năng thống nhất trong hòa bình yếu đi". Chỉ có 2,5% cư dân đảo quốc coi mình là "người Trung Hoa" trong khi hồi năm 1995 chiếm đến một phần tư, còn 62% khẳng định là "người Đài Loan". Đảng Dân Tiến được lợi nhờ tỉ lệ đi bầu lên đến trên 70% và sự chia rẽ của đối lập, nhưng bị mất đa số trong Quốc hội.

Một trong những công việc khó khăn nhất thế giới

Libération nhận định "Tại Đài Loan, không có ân sủng cho tổng thống Lại Thanh Đức". Ông sẽ phải làm việc với một Quốc hội mà đảng của mình không có đa số, một phe đối lập mạnh hơn và một Trung Quốc đang cay cú.

Một viên chức Đài Loan nói đùa sau khi nghe loan báo kết quả bầu cử : "Rốt cuộc, tất cả đều thắng". Đảng Dân Tiến giữ được ghế tổng thống, Quốc dân đảng chiếm được 52/113 chỗ trong Quốc hội (Dân Tiến được 51), còn đảng Nhân Dân Đài Loan được 8 ghế và chủ tịch Kha Văn Triết (Ko Wen Je) về thứ ba trong cuộc bầu cử. Mọi người đều hài lòng chăng ? Chưa chắc. Tuy Dân Tiến đạt được kỳ tích là thắng được ba cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp, nhưng so với lần bà Thái Anh Văn tái đắc cử năm 2020 đã mất 2,5 triệu phiếu.

Françoise Mengin, giám đốc nghiên cứu của Sciences-Po, cho rằng trở thành tổng thống với 40% phiếu chỉ là một chiến thắng tương đối, vì bà Thái Anh Văn bốn năm trước được 57%. Kết quả nhiệm kỳ của Thái Anh Văn giúp ông Lại Thanh Đức có được lợi thế. Bên cạnh đó sự hiện diện của phó tổng thống Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim), từng là đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ, tương đối trẻ và có kinh nghiệm đối ngoại, mang lại ưu thế trong giới thành thị.

Quốc dân đảng vẫn bị trói buộc với hình ảnh thân Trung Quốc, thêm vào đó cựu tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying Jeou) vài ngày trước bầu cử lại tuyên bố cần tin tưởng Tập Cận Bình và Đài Loan sẽ thất bại nếu xung đột với Trung Quốc. Nhất là hai phe đối lập gồm Quốc dân đảng và Nhân dân Đài Loan rơi vào bi hài kịch : định liên kết với nhau nhưng trước ống kính truyền hình cuộc hôn nhân đã tan vỡ khi cả hai chuẩn bị đeo nhẫn cho nhau, khiến Bắc Kinh vô cùng thất vọng.

Việc Trung Quốc giương oai diễu võ không tác động mạnh bằng tấm gương Hồng Kông bị đàn áp, người dân Đài Loan từ chối nhường bước trước áp lực. Nhưng Trung Quốc và Quốc dân đảng sẽ không ngừng cản trở ông Lại Thanh Đức, chức vụ tổng thống Đài Loan rõ ràng là một trong những công việc khó khăn nhất thế giới.

Thông điệp gởi đến Tập Cận Bình

Trong bài xã luận, Les Echos cho rằng khi bầu ông Lại Thanh Đức, người dân hòn đảo bày tỏ ý hướng khẳng định chủ quyền trước Trung Quốc, nhưng nếu ông Trump đắc cử có thể xáo trộn ván cờ.

Để có được hòa bình, cần phải chuẩn bị cho chiến tranh. Đó là thông điệp của người Đài Loan khi đưa lên ngôi vị cao nhất một nhân vật thù địch với Bắc Kinh và quyết tâm bảo vệ hòn đảo , bằng vũ lực nếu cần. Trung Quốc tức tối, những tuần lễ tới có thể gia tăng tập trận tại eo biển. Tuy nhiên duy trì hòa bình bằng đối thoại, như ứng cử viên thua cuộc của Quốc dân đảng hy vọng, chỉ là ảo tưởng. Hồng Kông rơi vào địa ngục cho thấy không thể tin vào hứa hẹn của Tập Cận Bình.

Đối đầu với Bắc Kinh, ông Lại Thanh Đức bảo vệ chủ quyền đất nước lẫn dân chủ - những giá trị giống như phương Tây. Cũng như Ukraine chống lại Nga, ông muốn chứng tỏ những chú lùn có thể dũng cảm đương cự với gã khổng lồ.

Nhược điểm và ưu điểm đặc thù của Đài Bắc

Nhưng quốc gia này có một điểm yếu quan trọng, hầu như độc nhất vô nhị trên thế giới, là không được cộng đồng quốc tế công nhận, ngay cả ở Liên Hiệp Quốc - năm 1971 đã tước đi chiếc ghế của Đài Bắc để trao cho Bắc Kinh. Sự ủng hộ Ukraine dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền của các nước thành viên bảo vệ một Nhà nước có chủ quyền có thể không được áp dụng cho Đài Loan.

Như vậy làm thế nào các quốc gia phương Tây ra tay giúp đỡ, nếu Bắc Kinh tuyên bố chiến tranh ? Sau Ukraine năm 2022 và Israel năm 2023, không nước nào còn muốn can dự vào một cuộc chiến mới trong năm 2024. Họ cũng không còn vũ khí cũng như tiền bạc, và Đài Bắc chừng như ở quá xa.

Tuy vậy, trong ba cuộc chiến, chính cuộc xung đột này sẽ gây tổn hại nhiều nhất cho thế giới. Đài Loan sản xuất trên 60% chất bán dẫn cho toàn cầu, và 90% những loại tế vi nhất, trang bị cho điện thoại thông minh. Đài Bắc đã mất 40 năm để xây dựng hệ sinh thái này, mà không có nước nào bắt chước được trong trung hạn. Một cuộc xâm lăng hay phong tỏa của Trung Quốc sẽ là thảm họa cho các doanh nghiệp, nhà máy và cuộc sống thường nhật của tất cả.

Số phận của hòn đảo lệ thuộc vào cuộc bầu cử lần này lẫn bầu tổng thống Mỹ tháng 11 - mà chiến dịch bắt đầu hôm nay với cuộc bầu cử sơ bộ. Không có gì chắc chắn rằng nếu chiến thắng, Donald Trump cam kết bảo vệ đồng minh như Joe Biden đã làm. Phe Cộng Hòa ở Quốc hội đã phong tỏa viện trợ cho Ukraine và Israel, hy vọng qua đó sẽ buộc được Biden siết chặt chính sách nhập cư. Donald Trump chưa chắc lên nắm quyền được, nhưng phe của ông với chủ trương cô lập, chưa chi đã bắt đầu công việc phá hoại.

Ai sẽ chận được Donald Trump ?

Ảnh của cựu tổng thống Mỹ chiếm trang nhất Libération với dòng tít lớn "Trump : Ai chận được ông ta ?". Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa khởi động tại bang Iowa hôm nay, Donald Trump đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò mặc cho mối đe dọa bị truất quyền tranh cử. "Trump tấn công vào Nhà Trắng", tựa của Les Echos. Cuộc chiến sơ bộ dường như đã định đoạt, Donald Trump đe dọa "hỗn loạn" nếu tư pháp không cho phép ông ra ứng cử.

Trong bài xã luận "Trả thù", Libération nhận định tầm mức cuộc bầu cử vô cùng quan trọng, không chỉ đối với người Mỹ. Từ đây đến tháng 11 sẽ còn nhiều chuyện xảy ra, nhưng khởi đầu không mấy an tâm. Donald Trump, tuy không tham gia bất kỳ cuộc tranh luận nào, vẫn là người nổi bật nhất. Tại bang Iowa bảo thủ, câu hỏi không phải là Trump liệu có thắng hay không, mà là ông có giết chết ngay cuộc đua hay không. 

Ngôi sao Ron DeSantis nay chỉ còn là cái bóng của chính mình, bà Nikki Haley dù thu hút được số cử tri bảo thủ đã chán ngán Trump, nhưng khó thể đóng vai trò đáng kể. Và nếu quyết định của Tối cao Pháp viện đang thực sự là lưỡi gươm Damoclès lơ lửng trên đầu Donald Trump, cần nhớ rằng đa số là thẩm phán Cộng Hòa, trong đó có ba vị do cựu tổng thống bổ nhiệm.

Dường như không có gì ngăn được Donald Trump – người bị nghi ngờ đã tổ chức vụ xâm nhập điện Capitol - phục thù ông Joe Biden. Rõ ràng là rất đáng lo ngại. Cuộc tái xuất này chỉ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, còn trên trường quốc tế, sẽ là tin rất xấu cho Ukraine và Cận Đông. Kiev đang cần thêm viện trợ quân sự và tài chánh, Trump sẽ làm ngược lại. Tại Israel, vị thế Benjamin Netanyahou được củng cố trong chiến lược quân sự cứng rắn. Viễn cảnh Trump tái đắc cử làm tổn hại cho cuộc chiến đấu của các quốc gia tự do dân chủ trước làn sóng siêu bảo thủ, thuyết âm mưu được kỹ nghệ sản xuất tin giả tiếp sức ở khắp nơi.

Nikki Haley, "sao băng mơ thành hỏa tiễn"

Các báo đều nhận thấy trong số hai đối thủ của ông Trump, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley đang muốn khẳng định như là phương án B của đảng Cộng Hòa. Trong chiếc áo thun in dòng chữ "Đánh giá thấp tôi là rất buồn cười", Haley đòi hỏi "trắc nghiệm năng lực tinh thần nơi các chính khách trên 75 tuổi". Trump gọi Nikki Haley là "óc chim sẻ" và cho đặt một chiếc lồng chim trước phòng khách sạn của bà. Cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa khởi động trong bối cảnh như vậy !

Nhìn chung cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này khá kỳ lạ : Donald Trump không buồn tham gia tranh luận với các ứng cử viên khác, Joe Biden cũng vậy. Trong thời tiết giá buốt -30 thậm chí -40°C, những người bỏ công cào tuyết, lái xe đến phòng phiếu là cử tri của bên nào ?

Là phụ nữ duy nhất trên đường đua, Nikki Haley chủ trương tự do, chống nghiệp đoàn, chống đánh thuế, chống hôn nhân đồng tính và phá thai…Bà mẹ hai con 52 tuổi vừa là một người Cộng Hòa thực sự, vừa chống Trump. Chủ trương đối ngoại của bà khác hẳn Donald Trump : ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và Israel, lên án tất cả mọi quan hệ với Trung Quốc. Phe ông Trump coi bà chỉ là một ngôi sao băng. Nhưng Les Echos cho rằng nếu Donald Trump bị tư pháp tuyên bố không có quyền tranh cử, Haley có thể biến thành hỏa tiễn để nhắm đến cung trăng.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 235 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)