Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/01/2024

Mất kiên nhẫn, lãnh tụ Bắc Triều Tiên muốn tấn công Hàn Quốc

RFI tổng hợp

Kim Jong-un đoạn tuyệt với Hàn Quốc : Cú sốc mạnh trên bán đảo Triều Tiên

Anh Vũ, RFI, 17/01/2024

Những ngày đầu năm 2024, chế độ Bắc Triều Tiên liên tục có những hành động cùng những tuyên bố hiếu chiến chưa từng thấy. Lãnh đạo Kim Jong-un thông báo cắt đứt mọi khả năng hòa giải, coi Hàn Quốc là "kẻ thù số 1", sẵn sàng chiến tranh với miền Nam, vĩnh viễn xóa bỏ giấc mơ thống thất bán đảo Triều Tiên. Những động thái mới của Bình Nhưỡng thực sự gây sốc, không còn được nhìn nhận đơn thuần là sự khiêu khích.

kim1

Ảnh do Bình Nhưỡng công bố : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại Quốc hội ngày 15/01/2024. AP

Bắc Triều Tiên đã xác nhận đoạn tuyệt hoàn toàn với Hàn Quốc. Tại một phiên họp của Quốc hội Bắc Triều Tiên hôm 15/01/2024, ông Kim Jong-un đã ra lệnh dỡ bỏ các biểu tượng hòa giải liên Triều trong quá khứ, kể cả tuyến đường sắt xuyên biên giới và tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng mà ông mô tả là "chướng mắt", đồng thời loại bỏ hoàn toàn các ngôn từ như "thống nhất", "hòa giải" hay "đồng bào" trong lịch sử của nước này.

Kim Jong-un tuyên bố sẽ chấm dứt "mọi hình thức hợp tác và liên lạc" với Hàn Quốc. Hơn thế nữa, Bắc Triều Tiên sẽ sớm ghi vào Hiến Pháp Hàn Quốc là "kẻ thù số 1". Để chuẩn bị cho đối đầu thường trực và sẵn sàng tuyên chiến với người bà con miền Nam, ông Kim Jong-un ra lệnh chế tạo thêm nhiều vũ khí hạt nhân.

Không chỉ tuyên bố suông, Bình Nhưỡng hôm thứ Ba 16/01 đã giải thể nhiều cơ quan chuyên trách vấn đề thống nhất với Hàn Quốc, xóa bỏ mọi trang thông tin điện tử, trong đó có các trang như Uriminzokkiri hay Tongil Voice để tuyên truyền tới độc giả miền Nam. Quyết định được đưa ra sau tuyên bố đầu năm của ông Kim Jong-un khẳng định lập trường hòa hợp hay thống nhất với Hàn Quốc là một "sai lầm" và hai nước sẽ không bao giờ có thống nhất. Chiến lược của Bắc Triều Tiên với người bà con láng giềng Hàn Quốc giờ bị đảo lộn hoàn toàn. 

Ông Robert L. Carlin, chuyên gia về Triều Tiên thuộc thuộc Đại học Stanford, được nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định : "Tình hình trên bán đảo Triều Tiên giờ nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ đầu tháng 06/1950", khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Những thay đổi căn bản về lập trường cũng như cách tiếp cận của chế độ Bình Nhưỡng về bán đảo Triều Tiên rõ ràng gây sốc. Nhưng theo một số nhà phân tích, nếu xem xét kỹ hơn ta sẽ thấy đây là đỉnh điểm gần như không thể tránh khỏi sau nhiều năm căng thẳng gia tăng trên bán đảo này.

Đó là du hiu rõ ràng nht cho thy mi quan h liên Triu đã sa sút đến mc nào k t tháng 02/2019, khi cuc gp thượng đỉnh gia lãnh đạo Bc Triu Tiên Kim Jong-un và tng thng M Donald Trump ti Hà Ni tht bi. T đó tr đi, thái độ thù địch công khai dy lên Bình Nhưỡng vi quyết tâm m rng kho vũ khí ht nhân nhanh chóng chưa tng thy, cùng nhng đe da lp đi lp li v chiến tranh ht nhân chng Washington và Seoul.

Hãng tin Mỹ AP giải thích, cách tiếp cận mới của Kim Jong-un với miền Nam được đưa ra trong lúc ông cố gắng thoát khỏi thế cô lập về ngoại giao và củng cố vị thế của Bắc Triều Tiên trong khu vực. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang tận dụng căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa Washington với Moskva cũng như với Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến tranh do Nga phát động.

Những nỗ lực gần đây của Bắc Triều Tiên nhằm tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc, cũng như tham gia một mặt trận thống nhất chống Washington trong điều mà ông Kim gọi là "Chiến tranh Lạnh mới", đã được khẳng định trong cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin trên đất Nga hồi tháng 09/2023.

Ankit Panda, một chuyên gia của Tổ chức vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng giờ đây với năng lực hạt nhân và tên lửa tiên tiến, cùng với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, Kim Jong-un cảm thấy đủ tự tin để thực hiện những thay đổi cách tiếp cận này.

"Bình Nhưỡng không còn coi Seoul là trung gian hữu ích để đạt được những nhượng bộ từ Washington. Thay vào đó, đối thủ của họ hiện bị xem là trở ngại cho những nỗ lực tạo dựng vị thế quyết đoán của Bắc Triều Tiên trong các hồ sơ quốc tế", theo nhận định của Hong Min, nhà phân tích tại Viện Quốc gia Thống nhất Hàn Quốc.

Vẫn theo chuyên gia Hong Min, việc tuyên bố miền Nam là kẻ thù thường trực, chứ không phải đối tác tiềm năng để hòa giải, cũng có thể nhằm mục đích đề cao học thuyết leo thang hạt nhân của Kim Jong-un, theo đó quân đội Bắc Tiều Tiên được phép tiến hành đòn tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại kẻ thù, nếu chế độ bị đe dọa.

Không ai có thể đoán định được tương lai của bán đảo Triều Tiên, nhưng dù sao đây cũng là những tuyên bố quyết đoán nhất, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường của Kim Jong-un kể từ khi ông thay cha lên cầm quyền vào năm 2011.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 17/01/2024

************************

Kim Jong-un yêu cầu ghi "Hàn Quốc là kẻ thù số một" vào Hiến pháp Bắc Triều Tiên

Trần Công, RFI, 16/01/2024

Thông tấn xã Trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) hôm nay, 16/01/2024, đưa tin, tại Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) ở Bình Nhưỡng hôm qua, chủ tịch Kim Jong-un đã yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, để phản ánh mục tiêu chiếm đóng hoàn toàn và bình định Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh xảy ra, và sát nhập miền nam Triều Tiên vào lãnh thổ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên).

kim2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại Hội Nghị Nhân Dân Tối Cao (Quốc hội), Bình Nhưỡng, ngày 15/01/2024. AP

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

Ông Kim Jong-un còn yêu cầu nhân dân Bắc Triều Tiên không nên dùng những từ ngữ "đánh tráo khái niệm" rằng miền Bắc và miền Nam (Triều Tiên) là đồng bào trong Hiến pháp, chẳng hạn như "80 triệu người", "đại đoàn kết dân tộc", hay "độc lập, thống nhất". Theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên, người dân phải được giáo dục để họ "kiên quyết coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch số một và là kẻ thù chính không thay đổi".

Ông cũng nhấn mạnh "biên giới phía nam của chúng ta được vẽ rõ ràng, nên không có đường biên giới "phía bắc" (ngụ ý đường biên giới liên Triều ) nào cả". Và nếu Hàn Quốc dám xâm phạm lãnh thổ hoặc lãnh hải thì đó sẽ được xem là hành động khiêu khích chiến tranh. Ông Kim Jong-un còn đe dọa "cuộc chiến sẽ mang lại sự tàn phá và hủy diệt khủng khiếp cho Hàn Quốc" và " sẽ mang lại thảm họa và thất bại không thể tưởng tượng được cho Hoa Kỳ".

Bắc Triều Tiên cũng đã chính thức giải thể các cơ quan phụ trách đàm phán và trao đổi liên Triều, bao gồm Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Núi Kumgang.

Ngay trong cuộc họp nội các sáng nay, tổng thống Yoon Suk Yeol đã có những phát biểu đanh thép đáp trả Bắc Triều Tiên, xem chế độ Kim Jong-un là "nhóm phản dân tộc và phản lịch sử", khẳng định chính sách trừng phạt mạnh mẽ để đáp lại những hành động khiêu khích vượt quá giới hạn của Bình Nhưỡng. Văn phòng tổng thống tin rằng các thông điệp của Bắc Triều Tiên là một "cuộc chiến tâm lý chống lại Hàn Quốc", nhằm chia rẽ nhân dân miền nam Triều Tiên trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 và gây áp lực lên chính phủ đương nhiệm.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố Seoul sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế vì tự do của nhân dân Bắc Triều Tiên. Theo họ, Bình Nhưỡng sẽ không thể đạt được bất kỳ yêu sách nào về an ninh, kinh tế bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay cho biết bộ này vẫn duy trì tư thế phòng thủ vững chắc, đối phó với những hành động uy hiếp, khiêu khích từ Bắc Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc sẽ bảo vệ ranh giới liên Triều trên biển (NLL) trong bất cứ tình huống nào.

Washington "thất vọng" về phát biểu của Bình Nhưỡng

Ngay sau những tuyên bố của Kim Jong-un, Hoa Kỳ cho biết thất vọng về việc Bắc Triều Tiên "tiếp tục bác bỏ đối thoại và gia tăng phát biểu thù nghịch đối với Hàn Quốc". Trả lời Yonhap ngày 15/01, một người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định "hợp tác liên Triều là cần thiết để tái lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên".

Phía Mỹ "sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh, đối tác khác về cách đàm phán tốt hơn với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, ngăn chặn mọi hành vi gây hấn và phối hợp các biện pháp đáp trả của quốc tế trước những hành vi vi phạm liên tục các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên".

Trần Công

Nguồn : RFI, 16/01/2024

***************************

Bắc Triều Tiên từ bỏ mục tiêu "thống nhất" với Hàn Quốc, sẵn sàng cho chiến tranh

Trọng Thành, RFI, 31/12/2023

Trước thềm năm mới, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đoạn tuyệt với chính sách hòa giải, hướng đến tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng khẳng định chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh "có thể bùng nổ bất cứ lúc nào" trên bán đảo Triều Tiên.

kim3

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại một hội nghị Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng, theo KCNA, ngày 31/12/2023 via Reuters - KCNA

Theo AFP, tuyên bố của ông Kim Jong-un được hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên đưa ra hôm nay 31/12/2023, sau cuộc họp năm ngày của Trung ương đảng Lao Động cầm quyền kết thúc hôm qua. Trong cuộc họp này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã quy cho Hàn Quốc và Hoa Kỳ trách nhiệm để cho "khủng hoảng kéo dài và vượt vòng kiểm soát". Ông Kim Jong-un nói : "Tôi cho rằng chúng ta không thể để mắc lại sai lầm, là đã xem những kẻ vốn coi chúng ta là kẻ thù chủ chốt như một đối tác, nhằm hướng đến hòa giải và thống nhất".

Năm 2018, dưới thời tổng thống Hàn Quốc tiền nhiệm Moon Jae-in, hai miền Triều Tiên từng bắt đầu tiến trình xích lại gần nhau. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tổng thống Moon Jae-in đã gặp nhau ba lần. Tuy nhiên, quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng cũng ngay trong năm này, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa do thám buộc Seoul đình chỉ một phần một thỏa thuận quân sự nhằm giảm căng thẳng.

Coi Hàn Quốc là "nước thù địch" tạo thuận lợi cho chính sách hạt nhân

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời của ông Yang Moo Jin, hiệu trưởng Đại học chuyên về Bắc Triều Tiên (UNKS), Hàn Quốc, khẳng định là tuyên bố này cho thấy Bình Nhưỡng "sẽ không bao giờ tìm cách thảo luận trở lại vấn đề tái thống nhất". Ông Hong Min, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Thống nhất Triều Tiên (KINU), Seoul, tuyên bố từ bỏ đối thoại về tái thống nhất nói trên gắn liền với chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chống lại Seoul.

Việc coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch, "không cùng một dân tộc" sẽ tạo thuận lợi cho chính sách này. Trước thay đổi nói trên, theo Yonhap, từ hàng chục năm nay chế độ Bắc Triều Tiên vẫn chủ trương hướng đến "Nhà nước Liên bang Dân chủ Koryo", tức một chính quyền "liên bang" với Hàn Quốc, cho phép mỗi bên duy trì chế độ chính trị riêng. Koryo (hay Cao Ly) là tên gọi nhà nước đầu tiên thống nhất toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên hồi thế kỷ X.

Việc Bắc Triều Tiên thay đổi chính sách với Hàn Quốc cũng đi liền với thay đổi về nhân sự. Theo Yonhap, cũng trong cuộc họp năm ngày của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên, lãnh đạo quân đội cao cấp nhất Pak Jong Chon, sau khi bị giáng chức hồi đầu năm ngoái, nay trở lại vị trí phó chủ tịch Quân ủy trung ương, tức nhân vật số hai về quân sự, sau lãnh đạo tối cao Kim Jong-un. Lần cuối cùng nguyên soái Pak Jong Chon xuất hiện là vào tháng 8/2023, khi đi cùng với Kim Jong-un thị sát một nhà máy sản xuất đạn.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 31/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trần Công, Trọng Thành
Read 203 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)