Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/01/2024

Điểm tuần báo Pháp – Trung Quốc bất lực nhìn Đài Loan chọn dân chủ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc ngậm bồ hòn làm ngọt khi người Đài Loan chọn dân chủ

L'Express nhận xét "Lại Thanh Đức được bầu làm tổng thống Đài Loan : Bắc Kinh đối mặt với người bị thù ghét nhất". Le Point nhấn mạnh "Đài Loan, sự sỉ nhục cho Trung Quốc".

taiwan0

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cùng Phó Tổng thống Lai Ching-te, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 13/1. fp.com/Sam Yeh

Người bị công kích nhiều nhất đăng quang : Điều sỉ nhục cho Bắc Kinh  

Các tuần báo quay lại khúc phim quá khứ : Cách đây nửa thế kỷ, tai nạn khi khai thác mỏ thường xuyên xảy ra nhưng những người nghèo trên đảo quốc vẫn phải mưu sinh. Một thợ mỏ về hưu nhớ lại, ngày 08/01/1960, ở hầm mỏ số 2, những tiếng khóc vang lên trong đám đông khi một số nạn nhân chết vì ngạt khí lần lượt được đưa lên mặt đất. Trong số đó có Lai Chao Jin, 33 tuổi, cha của tân tổng thống Đài Loan. Người vợ góa một mình nuôi sáu đứa con, trong căn nhà tôn lụp xụp thường bị tốc mái sau mỗi trận bão. Lại Thanh Đức lúc cha mất chưa đầy hai tuổi, sau này đã giúp mẹ dựng lại nhà. Học giỏi và được học bổng, ông trở thành bác sĩ rồi sang Harvard học tiếp, và nay bước lên ngôi vị cao nhất. Một tấm gương thăng tiến ngoạn mục.

Ngày 20/05 ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) sẽ chính thức nhận trọng trách điều hành Trung Hoa Dân Quốc, hiện chỉ còn được 12 nước công nhận. Chọn tiếp tục con đường dân chủ, người Đài Loan đã gởi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc độc tài của Tập Cận Bình. Vương Nghị cay cú tuyên bố "Đài Loan chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một quốc gia". Hồi năm 1996, khi đảo quốc dân chủ hóa, Bắc Kinh đã chào mừng tổng thống dân cử đầu tiên bằng một loạt hỏa tiễn bắn qua eo biển. Lần này Trung Quốc đả kích những nước đã gởi lời chúc mừng, trong đó có Pháp, và tự an ủi rằng "Đảng Dân Tiến không đại diện cho đại đa số dân Đài Loan".

Đàn áp Hồng Kông, Trung Quốc tự thu hẹp khả năng khuyến dụ Đài Loan

Chuyên gia Valérie Niquet trên Le Monde cuối tuần nhấn mạnh "Trở ngại chính cho khả năng xích gần lại giữa Bắc Kinh và Đài Bắc là từ chính bản thân chế độ Trung Quốc". Bà cũng cho rằng chiến thắng thứ ba liên tiếp của đảng Dân Tiến là thêm một cái tát cho Bắc Kinh. Những thủ đoạn tuyên truyền, lũng đoạn bằng chiến tranh thông tin đã tỏ ra vô hiệu.

Từ khi lên cầm quyền năm 2013, Tập Cận Bình liên tục khiếu khích, đe dọa đồng thời thuyết phục người Đài Loan "thống nhất" với Hoa lục. Nhưng khi áp đặt thô bạo luật an ninh quốc gia và đàn áp Hồng Kông, Bắc Kinh đã tự thu hẹp cơ hội vốn nhỏ nhoi nhằm quyến rũ một xã hội cởi mở và tự do như Đài Loan. Le Figaro Magazine nói thêm về trường hợp doanh nhân Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), mà phiên tòa bắt đầu từ ba tuần qua, đang được người Đài Loan rất chú ý. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan cho biết, ông chủ báo Apple Daily được biết nhiều ở Đài Bắc vì vợ con ông sống ở đây và tờ báo có phiên bản riêng cho Đài Loan. Nhà tỉ phú đấu tranh thách thức chính quyền cộng sản đã từ chối chạy trốn, nói rằng sẵn sàng vào tù.

Sau khi làm đủ cách nhưng vẫn thất bại trong bầu cử Đài Loan, Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục giương oai diễu võ bằng những vụ xâm nhập, tập trận để duy trì áp lực lên Đài Bắc và đồng minh Mỹ. Trong lúc kinh tế xuống dốc, một cuộc phiêu lưu quân sự khó thể xảy ra vì có nguy cơ dẫn đến hồi kết cho chế độ. Ngay cả khi rất muốn, các nhà chiến lược Bắc Kinh biết rằng không thể vượt qua eo biển Đài Loan rộng hơn 180 kilomet dễ dàng như Nga băng qua biên giới Ukraine.

Nếu phong tỏa eo biển sẽ gây thiệt hại kinh tế trước hết cho Bắc Kinh. Trên 100.000 công ty Đài Loan đầu tư vào Hoa lục trong đó có Foxconn thu dụng trên 1 triệu nhân công, xuất sang sản phẩm công nghệ cao kể cả chip bán dẫn. Đối với Bắc Kinh, không thể "bất chiến tự nhiên thành" như vẫn hy vọng, lại càng không thể thắng trước sức mạnh Mỹ nếu gây chiến, bên cạnh đó là nguy cơ bị cấm vận, theo bà Niquet, tốt nhất là nên tập trung cho hợp tác kinh tế.

Củ cà rốt vẫn tốt hơn cây gậy

Theo South China Morning Post được Courrier International trích dịch, "Bắc Kinh sẽ phải chấp nhận kết quả bầu cử Đài Loan". Nhật báo Hồng Kông - sau này đã trở nên thân Trung Quốc - cho rằng ông Tập sẽ phải nhìn nhận một thực tế là đảng Dân Tiến đã bắt rễ lâu bền, không thể biến mất trong ngày một ngày hai. Dùng củ cà rốt vẫn tốt hơn là cây gậy.

Bài diễn văn của ông Lại Thanh Đức sau khi đắc cử có thể làm an tâm rằng ông sẽ đi theo hướng ôn hòa của bà Thái Anh Văn. Tờ báo gợi ý, tân tổng thống nên tỏ ra thực dụng, nếu ông lịch sự từ chối những chuyến thăm của các viên chức Mỹ, thì Bắc Kinh có thể đáp lễ bằng cách giảm bớt những vụ cho tiêm kích xâm nhập không phận Đài Loan.

Đài Loan, quốc gia có chủ quyền về thực tế lẫn pháp lý

Về mặt pháp lý, luật gia Isabelle Feng trên Le Monde cuối tuần khẳng định "Ngược với những gì Bắc Kinh tuyên bố, Đài Loan là một Nhà nước có chủ quyền, trên thực tế cũng như về công pháp quốc tế". Đảo quốc này hội đủ bốn điều kiện theo Công ước Montevideo năm 1933 : "Có dân cư sinh sống thường xuyên, kiểm soát một vùng đất được xác định, có một chính phủ, và có khả năng quan hệ với các Nhà nước khác". Mặc dù dưới sự o ép của Bắc Kinh, ngoài Vatican chỉ còn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng về luật pháp quốc tế, cả tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc lẫn việc công nhận của nước thứ ba không phải là yếu tố cấu thành chủ quyền. Hồi năm 1964, khi tướng De Gaulle quyết định lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa còn chưa được vào Liên Hiệp Quốc !

Ngày 12/02/1912, hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi (Puyi) đã xuống chiếu thoái vị, trao quyền cho "Trung Hoa Dân Quốc" vừa được khai sinh trước đó một tháng từ Cách mạng Tân Hợi do Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen) tiến hành. Chính Trung Hoa Dân Quốc thuộc phe chiến thắng sau Đệ nhị Thế chiến đã thu hồi đảo Đài Loan mà nhà Thanh nhượng cho quân phiệt Nhật năm 1895, chứ không phải Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cho dù sau đó Mao thắng trong cuộc nội chiến khiến Tưởng Giới Thạch phải chạy sang hòn đảo này, Đài Loan tiếp tục là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho đến năm 1971, khi Đại hội đồng thông qua Nghị quyết 2758 khiến Đài Bắc phải nhường ghế cho Bắc Kinh.

Nếu ông chủ Nhà Trắng lại mang tên Donald Trump ?

Nhìn sang nước Mỹ, L'Obs đặt vấn đề "Nếu Donald Trump đắc cử ?". Cựu tổng thống dường như không thể đánh bại, nên cần phải chuẩn bị tinh thần. Hồi năm 2020 tại Diễn đàn Davos, ông Trump đã nói với bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, có nghĩa là đồng minh phương Tây chính của Hoa Kỳ : "Các vị phải hiểu rằng nếu Châu Âu bị tấn công, chúng tôi sẽ không đến cứu, và thực tế NATO đã chết, chúng tôi sẽ rời đi". 

Donald Trump vẫn không ra khỏi Minh ước Bắc Đại Tây Dương, và Mỹ vẫn ràng buộc với Điều 5. Nhưng câu nói thô bạo của ông vẫn hằn sâu. Nếu chiến thắng vào ngày 05/11, không còn những cản trở như trong nhiệm kỳ đầu, liệu Trump sẽ làm thật ? Đại đa số nước Châu Âu xưa nay vẫn nghĩ rằng hiệp sĩ Mỹ sẽ cứu giúp, nhưng việc Nga xâm lăng Ukraine là dấu hiệu cảnh báo. Ông chủ Nhà Trắng trong vài tháng tới vẫn mang tên Joe Biden, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu sau đó đổi thành Donald Trump ? Chủ nhân điện Kremlin sẽ cảm thấy được chắp cánh.

Ông Thierry Breton, ủy viên Châu Âu phụ trách kỹ nghệ quốc phòng đề nghị lập một quỹ 100 tỉ euro để phát triển sản xuất vũ khí và tạo ra "cơ sở hạ tầng chung cho an ninh". Các nước thành viên tỏ ra không mấy mặn mà. Nhưng quốc phòng ngày nay đối với Châu Âu cũng như đồng tiền chung thời trước của thế hệ ông Jacques Delors, đó là chất xi-măng kết dính lợi ích chung, là lời đáp duy nhất cho một môi trường đã trở nên nguy hiểm, kể cả mai này ở Washington.

Trump bị coi là mối đe dọa, nhưng được nhiều người ủng hộ

Thẳng thừng đặt tên cho hồ sơ là "Donald Trump : Mối đe dọa", Courrier International trích dịch báo chí các nước, hầu hết lo ngại cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Vẫn chưa "tiêu hóa" nổi thất bại năm 2020, nhiệm kỳ thứ hai của ông nếu diễn ra sẽ không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Trên The Washington Post, nhà chính trị học bảo thủ Robert Kagan cho rằng một chế độ độc tài của ông Trump có vẻ khó tránh khỏi.

The New York Times đả kích cựu tổng thống tiến gần với phát-xít khi dọa tiêu diệt các đối thủ chính trị. Tờ báo viết, trong chiến dịch tranh cử đã đưa Donald Trump lên nắm quyền, ông chủ yếu tấn công các mục tiêu bên ngoài, nhưng nay sẽ từ bên trong. Theo tờ báo, tuy không phải là Hitler hay Mussolini, nhưng Trump ngày càng giống với các nhà độc tài hiện nay như Orban ở Hungary và Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Christian Science Monitor tỏ ra ôn hòa hơn, tự hỏi "Phải chăng nền dân chủ Mỹ đã đạt đến một bước ngoặt ?".

Các chuyên gia thuộc nhiều khuynh hướng nhận định, không có gì cho thấy Trump sẽ tự động trở thành nhà độc tài, nhưng ông có thể đẩy ra xa những giới hạn mà không một tổng thống Mỹ nào nên vượt qua. Người ta sợ rằng Donald Trump sẽ cùng công cụ tư pháp để trả thù những địch thủ và những ai bị nghi là kẻ thù, nhất là nếu liên quan đến cáo buộc nổi dậy. Hai tiểu bang Maine và Colorado mới đây đã chận khả năng tranh cử của ông vì vụ tấn công vào điện Capitol, và Trump - vốn đang bị cáo buộc 91 tội danh - có thể là kẻ thù của chính mình. Nhưng Washington Post nhắc nhở, đừng quên rằng Donald Trump đang được rất nhiều người Mỹ ủng hộ.

Giới kinh doanh hoang mang

Trên lãnh vực kinh tế, "Sự quay lại của Donald Trump, kịch bản khiến các ông chủ lớn và lãnh đạo các nước ở Davos lo sợ" - nhận định của Le Figaro cuối tuần. Một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có ý nghĩa gì cho giới kinh doanh ? The Economist đặt câu hỏi. Với khoảng 70 cuộc bầu cử trên thế giới, năm 2024 mang màu sắc chính trị nhiều hơn kinh tế.

Nếu tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Diễn đàn Davos nhắc nhở chiến tranh đang ác liệt ở cách Thụy Sĩ chưa đầy 1.000 kilomet, cuộc chiến ở Trung Đông và xung đột Mỹ-Trung là những vấn đề địa chính trị đều có liên quan đến bầu cử Mỹ. Cả 800 tổng giám đốc và 60 nhà lãnh đạo các nước họp tại đây đều lo lắng. "Họ không mong muốn một người điên" - chủ một tập đoàn đầu tư Pháp nói thẳng. Trước chủ đề nhạy cảm này, tất cả chủ doanh nghiệp cả Mỹ lẫn Châu Âu khi trả lời đều không muốn nêu tên.

Nhưng cựu đại sứ Mỹ Kurt Volker, một người ủng hộ Ukraine nhiệt thành lại có cách phân tích khác : "Không thể đoán được Trump sẽ hành động như thế nào vì chính ông ấy cũng không biết". Năm 2016, chính Donald Trump đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Kiev, nhờ những người thân Ukraine vận động hành lang, và tăng viện trợ quân sự. Trump còn đóng cửa lãnh sự quán Nga ở San Francisco - một ổ gián điệp.

Một thành viên Mỹ khác cho biết Trump "có một ê-kíp giỏi về an ninh quốc gia, hy vọng họ sẽ quay lại nếu ông đắc cử". Một nhà kỹ nghệ Mỹ nhận định : "Về mặt chính trị, Biden có 55% cơ hội đắc cử. Nhưng chỉ cần ông bị cúm và ống kính truyền hình chĩa vào lúc Biden đang yếu ớt thì ván cờ sẽ thay đổi. Ở tuổi của ông, nguy cơ này khá cao". Một doanh nhân Mỹ nói : "Nhìn chung ở Davos, hầu như mọi người đều tin rằng Donald Trump sẽ thắng. Tuy nhiên có thể tự trấn an bằng câu đùa quen thuộc : Davos luôn nhầm lẫn".

Ukraine : "Hãy trao vũ khí để chúng tôi làm việc"

Về phía Ukraine, giám đốc tình báo quân đội trên The Economist khẳng định "thỏa thuận an ninh với Anh là yếu tố quan trọng giúp thay đổi thế trận", và Nga sẽ bị chặn đứng nếu các nước phương Tây khác có những bảo đảm tương tự. Trên Le Figaro cuối tuần, cộng sự thân cận của ông Zelensky là Andrii Yermak, chánh văn phòng tổng thống nhắc lại câu nói của thủ tướng Anh Churchill "Hãy cho chúng tôi vũ khí và chúng tôi sẽ làm việc".

Ông Yermak nhấn mạnh Ukraine đã không chịu thua Nga, một nước lớn hơn rất nhiều, đã giải phóng được 50% lãnh thổ bị quân Nga chiếm từ ngày 24/02/2022, đã kết thúc sự thống trị của Moskva trên Hắc Hải, mở được hành lang ngũ cốc. Nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn, Moskva huy động thêm quân, gia tăng các đợt tấn công bằng hỏa tiễn, mua thêm vũ khí của các nước khác. Các lãnh đạo Nga coi mạng lính như cỏ rác, chỉ riêng ở Bakhmut đã có 20.000 lính Wagner bỏ mạng. Vì vậy Kiev cần có thêm vũ khí hiện đại tầm xa. Cuộc chiến này mang tính quyết định cho tương lai thế giới, các chế độ độc tài muốn hủy diệt các nền dân chủ và cuộc xâm lăng Ukraine chỉ mới là bước khởi đầu.

Macron : "Không thể để cho Nga thắng !" 

Le Monde cuối tuần nêu ra quyết tâm của tổng thống Emmanuel Macron hôm 16/01 "không thể để cho Nga thắng", và hai ngày sau loan báo lập "liên minh pháo binh". Ông Macron cũng quyết định chi viện 40 hỏa tiễn tầm xa Scalp và sẽ ký một hiệp định an ninh song phương với Ukraine, giống như Anh quốc đã ký với Kiev hôm 12/01. Tổng thống Pháp sẽ đích thân đến Kiev vào tháng 2 để hoàn tất hiệp định này.

Muộn còn hơn không ! Gần đến kỷ niệm hai năm cuộc xâm lăng 24/02/2022 vẫn chưa thấy lối ra nào cho cuộc chiến hủy diệt này, Pháp và nhiều đối tác Châu Âu quyết định gia tăng quân viện cho Kiev. Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu cho biết sẽ sản xuất 78 khẩu đại bác Caesar cho Ukraine, và mỗi tháng chuyển giao khoảng 50 quả bom được cải tiến thành hỏa tiễn địa-không. Song song đó NATO thông báo tập trận quy mô với 90.000 quân nhân tham gia trong nhiều tháng – một thông điệp cứng rắn của các đồng minh Kiev.

Trân Châu Cảng, tấm gương cho Ukraine ?

Bên cạnh đó Ukraine cũng cố gắng tự lực tự cường, theo trang LB.ua ở Kiev được Courrier International trích dịch. Thời Đệ nhị Thế chiến, ngay sau khi bị Nhật Bản tấn công ở Trân Châu Cảng ngày 07/12/1941, toàn xã hội Mỹ đã vào cuộc cho tới tận ngày chiến thắng. Trong mùa đông năm ấy, Hoa Kỳ bước vào nền kinh tế chiến tranh. Do thiếu vỏ xe vì các đồn điền cao su Indonesia bị quân Nhật chiếm, chỉ có tài xế taxi và xe tải mới được mua quá "tiêu chuẩn". Xăng được giới hạn ở 3 gallon (11 lít) một tuần, dầu ma-zut, than, gỗ đều bị hạn chế. Khắp nơi treo những áp-phích "Nếu bạn tắm quá lâu, Führer (Hitler) và Mikado (quân phiệt Nhật) rất hài lòng".

Đường cũng bị giảm lượng phân phối xuống còn phân nửa. Người dân được phát phiếu thực phẩm, Nhà nước thu gom kim loại, cao su, từ nón tắm cho tới ống nước… Cả nước có 17 triệu "khu vườn chiến thắng" trồng rau quả, phế phẩm để nuôi gia súc, tránh dùng đến tem thực phẩm nhằm có thêm sữa, nước trái cây gởi ra mặt trận, kể cả cho Hồng quân và quân đội Anh ; đồng thời tiết kiệm tiền để mua vũ khí. Cả nước Mỹ đã sống như vậy, vì một cuộc chiến trên một châu lục khác, cho tới ngày cuối của trận đại chiến. Mỹ đã đè bẹp Nhật nhờ vượt trội về số phương tiện chiến đấu. Tờ báo cho rằng đây có thể là tấm gương cho Ukraine.

Trang nhất các tuần báo

Trang bìa các tuần báo kỳ này dành cho cựu tổng thống Mỹ và các chính khách Pháp. Courrier International chơi chữ "Trump : Mad in America", đặt câu hỏi cựu tổng thống vốn đang có ưu thế áp đảo trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, có thể đe dọa nền dân chủ như thế nào ? Ảnh bìa The Economist là một đồng đô la đã bị cháy phân nửa, với lời cảnh báo "Donald Trump đang thắng : Giới kinh doanh, hãy coi chừng".

Le Point đăng ảnh bà Rachida Dati, chính khách cánh hữu gây nhiều tranh cãi và có nguy cơ ra tòa về tội hối mại quyền thế, vừa được tổng thống Emmanuel Macron cất nhắc làm bộ trưởng văn hóa, tự hỏi "Nhà vua Macron chơi trò gì đây ?" L’Express chú ý đến "Jordan Bardella : Phía sau bề ngoài…" tìm hiểu vì sao chính khách trẻ của phe cực hữu thu hút lại được cánh hữu. L’Obs dành hồ sơ cho cuộc tranh luận giữa kỹ sư Jean-Marc Jancovici và nhà sử học Jean-Baptiste Fressoz, nhấn mạnh "Khí hậu thực sự là vấn đề khẩn cấp".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)