Các ngoại trưởng ASEAN thảo luận tình hình Biển Đông và bạo lực ở Miến Điện
Phan Minh, RFI, 29/01/2024
Lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và bạo lực leo thang ở Miến Điện là những chủ đề chính của cuộc họp các ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam (ASEAN), tại Luang Prabang, Lào, ngày hôm nay 29/01/2024.
Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith trong cuộc họp báo về cuộc họp bộ trưởng Ngoại Giao các nước ASEAN tại Luang Prabang, Lào, ngày 29/01/2024. AP - Sakchai Lalit
Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ khi Lào đảm nhận chức chủ tịch luân phiên. Ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên sẽ thảo luận hoạch định chiến lược về các vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, về hợp tác kinh tế và các vấn đề khác theo phương châm của năm 2024 là "tăng cường kết nối và khả năng phục hồi".
Cuộc họp diễn ra cùng ngày với sự kiện tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Hà Nội, trao đổi với các lãnh đạo Việt Nam về hồ sơ Biển Đông, nơi mà Philippines có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và với cả một số nước Đông Nam Á.
Theo hãng tin Mỹ AP, chính quyền Manila đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng ASEAN, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày thêm căng thẳng, chủ yếu do tình hình ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), điều mà nhiều chuyên gia lo ngại có thể trở thành một cuộc xung đột vũ trang và liên lụy tới cả Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Philippines.
Sự kiện đáng chú ý khác là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, cuộc họp lần này của khối có sự hiện diện của một quan chức cấp cao Miến Điện. Kể từ khi quân đội nước này nắm quyền kiểm soát đất nước sau cuộc đảo chính vào tháng 02/2021, ASEAN đã không mời giới lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện tham gia các hội nghị thượng đỉnh và những cuộc họp cấp bộ trưởng, và thay vào đó yêu cầu nước này cử các đại diện "phi chính trị" đến dự họp.
Một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có những tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực biển, nơi có những tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Phan Minh
*************************
Các ngoại trưởng ASEAN ủng hộ Myanmar tự giải quyết khủng hoảng
Reuters, VOA, 29/01/2024
Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á hôm 29/1 đã thúc giục chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Myanmar và thể hiện sự đoàn kết trong việc ủng hộ kế hoạch hòa bình khu vực và ‘giải pháp của Myanmar và do Myanmar lãnh đạo’ cho cuộc khủng hoảng.
Toàn cảnh Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Luang Prabang, Lào
Trong tuyên bố sau hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các ngoại trưởng đã ủng hộ nỗ lực của tân đặc phái viên xử lý cuộc khủng hoảng do Lào bổ nhiệm để ‘tiếp cận với các bên liên quan’ và bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của đặc phái viên giúp đỡ người dân Myanmar.
Myanmar đã dính vào xung đột kể từ khi quân đội giành quyền lực trong cuộc đảo chính vào năm 2021 vốn gây ra hỗn loạn trên toàn quốc và chấm dứt đột ngột một thập kỷ dân chủ và cải cách kinh tế.
Đặc phái viên mới, ông Alounkeo Kittikhoun, đã gặp người đứng đầu tập đoàn quân sự trong chuyến thăm Myanmar hồi đầu tháng này, theo truyền thông nhà nước. Cả ASEAN và Lào đều chưa thông báo về chuyến đi này và không rõ liệu ông có gặp bất kỳ nhóm chống đối chính quyền quân sự nào hay không.
"Chúng tôi tái khẳng định cam kết của ASEAN hỗ trợ Myanmar tìm một giải pháp hòa bình, toàn diện và lâu dài cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra, vì Myanmar vẫn là phần không thể tách rời của ASEAN", các ngoại trưởng cho biết trong tuyên bố.
"Chúng tôi tái khẳng định sự đoàn kết của ASEAN và nhắc lại rằng bất kỳ nỗ lực nào cũng nên hỗ trợ và phù hợp với (kế hoạch hòa bình) và có sự phối hợp với nước chủ tịch khối", tuyên bố viết và kêu gọi chấm dứt bạo lực và kiềm chế để cho phép cứu trợ nhân đạo.
ASEAN đã đối mặt bất hòa trong nội bộ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tập đoàn quân sự Myanmar đang chiến đấu trên nhiều mặt trận để dập tắt cuộc nổi dậy của nhóm dân quân ủng hộ dân chủ liên minh với chính phủ bóng tối và quân đội các nhóm thiểu số, gọi họ là ‘bọn khủng bố’ và từ chối đàm phán với họ. Hơn 2 triệu người đã phải di tản.
Nước chủ tịch ASEAN tiền nhiệm, Indonesia, đã khởi xướng một loạt các hoạt động ngoại giao thầm lặng để khuyến khích đối thoại giữa các bên tham chiến ở Myanmar, nhưng một số phân tích gia đã bày tỏ nghi ngờ liệu nước chủ tịch mới là Lào có sức ảnh hưởng hay ý chí để thúc đẩy nhiệm vụ này hay không.
Myanmar đã cử một quan chức đến cuộc họp của các ngoại trưởng, lần đầu tiên chấp nhận lời mời của ASEAN là gửi đại diện ‘phi chính trị’ đến cuộc họp. Các tướng lĩnh hàng đầu của nước này đã bị cấm cửa vì đã không thực hiện kế hoạch hòa bình mà họ đã nhất trí với ASEAN hai tháng sau cuộc đảo chính.
Chính quyền quân sự đã phẫn nộ về điều mà họ gọi là sự can thiệp của ASEAN vào công việc nội bộ của họ.
Reuters
Nguồn : VOA, 29/01/2024