Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/02/2024

Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đến nay vẫn chưa xong

RFA tổng hợp

Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn còn nhiều trở ngại lớn

RFA, 07/02/2024

Giới chuyên gia nêu ra những trở ngại lớn đối với khả năng có thể đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và khối nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời gian sớm nhất.

coc1

Tàu chiến của Nhật Bản đi cạnh tàu chiến của Philippines tại một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông hôm 12/5/2015 - Reuters

Một số trở ngại cho tiến trình này được nêu rõ. Trước hết, phía Trung Quốc đưa ra một số điều khoản trong văn bản đàm phán ngăn chặn điều mà Bắc Kinh gọi là "sự can thiệp từ bên ngoài".

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Australia, được dẫn lời về văn bản đàm phán với yêu cầu của Trung Quốc là "các bên không được tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực ; trừ khi các bên liên quan có thông báo trước và không có phản đối nào".

Điều này có nghĩa không cho phép các cuộc diễn tập quân sự, cả song phương và đa phương, giữa các nước ASEAN với Hoa Kỳ, Nhật Bản và những nước khác trong khu vực, trừ khi Bắc Kinh không phản đối.

Việt Nam được cho biết phản đối điều khoản này và đưa ra quy định khác đó là chỉ thông báo các cuộc diễn tập quân sự mà thôi. Việc thông báo diễn ra 60 ngày trước khi diễn tập.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng các nước ASEAN sẽ không bao giờ đồng ý với điều khoản đó.

Một trở ngại lớn khác được cho biết là hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực biển tranh chấp.

Trung Quốc cũng đề xuất chỉ để các nước trong khu vực tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp thông qua hợp tác, phối hợp ; không được hợp tác thăm dò, khai thác với các công ty của các nước ngoài khu vực.

Malaysia phản đối đề nghị này cho rằng COC không thể tác động đến quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp quốc tế ; trong đó có quyền và khả năng tiến hành hoạt động với nước khác hay tổ chức tư nhân khác mà họ muốn.

Hai trở ngại vừa nêu được nói đã đủ để chứng tỏ thực tế khó khăn không thể giải quyết để đi đến thống nhất COC giữa Trung Quốc và ASEAN.

Nguồn : RFA, 07/02/2024

*****************************

Hà Nội kêu gọi Canberra tiếp tục hỗ trợ vai trò của Việt Nam trong ASEAN và lập trường về Biển Đông

RFA, 07/02/2024

Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn ASEAN-Australia lần thứ 36 tại Melbourne diễn ra vào ngày 6/2, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, kêu gọi Australia tiếp tục hỗ trợ vai trò trung tâm của khối ASEAN và lập trường về Biển Đông.

coc2

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam phát biểu tại diễn đàn ASEAN-Australia lần thứ 36 tại Melbourne hôm 6/2/2024 - TTXVN

Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 7/2. Theo đó, phái đoàn Việt Nam và Australia tại diễn đàn bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hợp tác chung để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.

Vào dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đưa ra yêu cầu Australia tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của khối ASEAN trong khu vực, cũng như lập trường của khối này đối với vấn đề Biển Đông, với nỗ lực thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và xây dựng ngay Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) thực chất theo luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông trong đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra. Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tuyên bố đường đó không có giá trị cả về pháp lý và lịch sử. Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của PCA và ngày càng hung hăng, quyết đoán trong ý muốn thống lĩnh vùng biển có tuyến đường hàng hải quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Nguồn : RFA, 07/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)