Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/02/2024

Các đập Trung Quốc tăng bảy lần lượng nước trong 12 năm

RFA tiếng Việt

Trong vòng 12 năm (từ 2008 đến 2020), các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, trong đó 11 con đập trong lãnh thổ Trung Quốc đã tăng lượng nước giữ lại từ 5 tỷ lên 35 tỷ mét khối. 

dapnuoc1

Ngư dân Việt Nam ở Cần Thơ trò chuyện với khách du lịch, ngày 25/5/2022. Reuters

Thông tin trên được Tiến sĩ Stefano Galelli, Phó Giáo sư tại Trường Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, và là giám đốc "Phòng nghiên cứu các hệ thống hạ tầng quan trọng" của Đại học Cornell, chia sẻ tại hội thảo về phương pháp viễn thám và mô hình thủy văn để theo dõi nước ở sông Mekong, diễn ra hôm 13/2/2024 tại Stimson Center, một think tank ở Washington DC, tổ chức.

Dữ liệu dòng chảy trong lưu vực sông Mekong

Tại hội thảo, Tiến sĩ Stefano Galelli, trình bày về kỹ thuật sử dụng dữ liệu từ vệ tinh và phân tích độ nhạy (sensitivity analysis) để xây dựng bức tranh toàn cảnh cho các lưu vực sông Mekong. 

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do ông Stefano lãnh đạo cho thấy từ năm 2008 đến 2020, lượng nước trữ trong các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong trong lãnh thổ Trung Quốc đã tăng bảy lần lượng nước tích trữ, từ khoảng năm tỷ mét khối năm 2008 lên tới 35 tỷ mét khối nước năm 2020. TS. Stefano Galelli cho biết nghiên cứu của nhóm ông nhằm phân tích dữ liệu vệ tinh để theo dõi dòng chảy, suy ra chuỗi thời gian xả nước, từ đó xác định mối quan hệ giữa mô hình thủy văn của dòng chảy với việc vận hành hồ chứa nước trong lưu vực sông Mekong. 

Tuy vậy, TS. Stefano cho biết nhóm của ông chưa khảo sát đến khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam :

"Dự án nghiên cứu đặc thù của chúng tôi bắt đầu với khu vực thượng nguồn sông Mekong. Sau đó chúng tôi sẽ di chuyển dần dần xuống khu vực hạ lưu. Thành thật mà nói, chúng tôi chưa khảo sát tới khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long). 

Đối với việc theo dõi ngập mặn và khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ vệ tinh để làm việc đó. Chúng ta có thể dùng công nghệ này theo dõi nước, các thực thể khác, cho toàn khu vực đồng bằng này".

Việt Nam học hỏi gì ?

Trước câu hỏi của RFA về việc liệu những nước như Việt Nam có thể học hỏi và sử dụng phương pháp từ nhóm nghiên cứu của TS Stefano để theo dõi môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng chính sách đúng đắn hay không, TS. Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, cho biết dự án nghiên cứu của ông Stefano tập trung xác định các tác động khác nhau của thủy lực tới khu vực còn tác động cụ thể của hệ thống đập ở thượng nguồn tới Đồng bằng sông Cửu Long thì phức tạp và khó kết luận chính xác hơn.

Ngoài ra, theo ông Brian, vấn đề nước ở Đồng bằng sông Cửu Long càng trở nên khó khảo sát vì còn nhiều yếu tố khác tác động tới khu vực này, ví dụ như hoạt động khai thác cát phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Ông nói tiếp :

"Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực sự rất phức tạp. Vô cùng khó để đo lường tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn tới vùng đồng bằng ở hạ lưu. Chẳng hạn, chúng tôi gặp khó khăn khi ước lượng tác động của các đập đó tới Biển hồ Tonle Sap ở Campuchia. Dữ liệu về lượng nước được xả ra do Ủy hội sông Mekong cung cấp đã bắt đầu cho thấy tác động từ phía đại dương xuyên qua khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tới Campuchia. Rất khó để đo lường lượng nước chính xác được xả xuống khu vực hạ lưu của dòng sông Mekong. 

Chúng ta nhìn thấy dòng chảy vào và ra khỏi hồ Tonlesap đã bị ảnh hưởng. Mặt khác, lượng nước của dòng chảy ra khỏi hồ Tonlesap tới Việt Nam cũng vốn là lượng nước được xả xuống từ thượng lưu. Ngoài ra, độ sâu của hai dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang thay đổi. Đáy sông đang thấp hơn vì hoạt động khai thác cát. Điều đó càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn".

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Stefano cho biết nhóm nghiên cứu của ông tại Cornell đã khảo sát khí tượng, hoạt động của các con đập xả nước xuống dòng sông, việc điều tiết và chuyển đổi dòng chảy, những thay đổi trong sử dụng đất và hoạt động thủy lợi ở khu vực thượng nguồn Mekong. Từ đó, nhóm suy luận ra chuỗi thời gian trữ nước, nhận biết hoạt động của các đập bằng các mô hình tính toán thủy học. 

Các dữ liệu vệ tinh mà nhóm sử dụng bao gồm dữ liệu của các cơ quan hàng đầu Hoa Kỳ và Châu Âu như Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (NGA), Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). 

Dựa vào dữ liệu vệ tinh, nhóm của TS. Stefano đã khảo sát địa hình lưu vực, sông và hồ chứa, hình ảnh chiều rộng sông, phạm vi hồ chứa, phác thảo bản đồ lũ lụt, bản đồ sử dụng đất, từ đó, có thể đo độ cao, mực nước sông và hồ chứa. 

Nguồn : RFA, 14/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 176 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)