Ông Hun Manet giải thích việc bổ nhiệm em trai, nói chính phủ cần ‘thanh gươm’ và ‘thẩm quyền tuyệt đối’
BBC, 23/02/2024
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đăng đàn giải thích quyết định bổ nhiệm em trai Hun Many vào ghế phó thủ tướng, đáp lại làn sóng chỉ trích "gia đình trị".
(Từ trái qua) Cựu Thủ tướng Hun Sen và các con : Thủ tướng Hun Manet, Cục trưởng Cục Tình báo - Trung tướng Hun Manith, Phó Thủ tướng Hun Many
Nhiều chỉ trích đã xuất hiện sau khi ông Hun Many, con trai út của cựu Thủ tướng Hun Sen và là em trai của Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, được bổ nhiệm chức phó thủ tướng Campuchia.
Quy trình bổ nhiệm như sau : Thủ tướng Hun Manet đề xuất, Quốc hội (Hạ viện) thông qua và Quốc vương Norodom Sihamoni phê chuẩn.
Với việc Quốc hội do Đảng Nhân dân Campuchia, đảng của ông Hun Sen và Hun Manet, kiểm soát hoàn toàn, việc đề cử được thông qua chỉ là vấn đề thủ tục.
Sắc lệnh phê duyệt của Quốc vương sau đó là khâu cuối cùng để chính thức hóa ý chí của Thủ tướng Hun Manet.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Hun Many, 41 tuổi, là Bộ trưởng Hành chính công.
‘Gia đình trị’
Báo Khmer Times có lập trường ủng hộ Đảng Nhân dân Campuchia trong bài viết đăng tải sáng nay (23/2) thừa nhận rằng việc bổ nhiệm trên đã hứng chịu nhiều chỉ trích.
Theo tờ báo này, "có nhiều cáo buộc liên quan đến việc thăng cấp này, trong đó có các cá nhân và cơ quan báo chí gọi đó là gia đình trị".
Thủ tướng Hun Manet giải thích rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many, em trai của ông, là đúng đắn và nằm trong nỗ lực cải cách khối dịch vụ công, bao gồm các chức năng của cơ quan công quyền, giáo dục và y tế, mà trong vai trò bộ trưởng, ông Many vốn rất am tường.
Tuy nhiên, các cáo buộc "gia đình trị" và "tham nhũng" không vì thế mà dịu đi.
Chuyên gia pháp lý Vorn Chanlot chia sẻ với đài RFA rằng, nói như ông Hun Manet thì không hợp lý, và rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many là không cần thiết bởi ở vị trí bộ trưởng, ông này đã có đủ thẩm quyền để cải thiện tính hiệu quả trong khối dịch vụ công.
"Điều đó [việc bổ nhiệm] tạo ra sự trì trệ trong việc triển khai cải cách", ông Vorn Chanlot nhận định.
Ông Hun Sen và phu nhân Bun Rany, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Campuchia
Cáo buộc gia đình trị, thực ra, đã xuất hiện từ lâu trên chính trường Campuchia, dưới thời đại mà quyền lực ông Hun Sen, người làm thủ tướng từ năm 1985 và chỉ chịu rời ghế vào năm ngoái, bao trùm.
Sau khi ông Hun Sen thôi làm thủ tướng và con trai trưởng của ông là Hun Manet lên tiếp nhiệm vào tháng 8/2023, các cáo buộc lại một lần nữa bùng lên.
Ông Hun Sen đã đáp lại những cáo buộc bằng lời khẳng định rằng việc con ông làm thủ tướng là do dân bầu, là dựa vào tài năng, chứ không phải chuyện "con ông cháu cha".
Ông nói rằng ông có thể tiến cử ông Hun Manet ngay cả khi ông này "không phải là người thân của tôi". Giờ đây, đáp lại chỉ trích về việc bổ nhiệm em trai Hun Many vào ghế phó thủ tướng, Thủ tướng Hun Manet lặp lại đúng lời người cha của mình.
"Ông bộ trưởng [Hun Many] và tôi có thể cùng họ, nhưng chúng tôi phải nâng thẩm quyền và trách nhiệm của ông ấy vì lợi ích quốc gia", ông Hun Manet nói trước báo giới vào hôm thứ Năm. "Ngay cả khi ông ấy không phải là người thân của tôi thì tôi vẫn tiến cử, vì rằng bộ này [Hành chính công] đang rất cần cải tổ".
Cần ‘thanh gươm’ và ‘thẩm quyền tuyệt đối’
Với thái độ điềm tĩnh, ông Hun Manet vẫn thể hiện quyết tâm "sắt thép" và quyền lực của mình, cũng có thể là của gia đình ông, với người cha hiện đang giữ chức Chủ tịch Cơ mật viện tối cao.
Sau ngày bầu cử 25/2 năm nay, ông Hun Sen dự kiến sẽ làm Chủ tịch Thượng viện, điều đó có nghĩa là ông vẫn đảm nhiệm các chức vụ chính thức trong guồng máy quyền lực của Campuchia.
"Đây là điểm khởi đầu của một chương mới trong công việc mà chúng tôi phải tiếp tục thực hiện. Để nâng cao năng lực và hiệu quả của quốc gia, chúng tôi phải phối hợp và áp dụng các thủ tục hoạt động thích hợp. Chúng tôi phải thực hiện những bước này để giúp đất nước phát triển hơn", ông Hun Manet nói thêm, nhằm giải thích cho việc bổ nhiệm người em trai làm phó cho mình.
Ông Hun Sen và con trai trưởng Hun Manet, hiện là thủ tướng Campuchia
Ở cương vị phó thủ tướng, ông Hun Many sẽ phụ trách khối hành chính công, dịch vụ công mà ông đã phụ trách ở cương vị bộ trưởng. Ông cũng có thể đảm nhiệm quyền thủ tướng mỗi khi anh trai mình vắng mặt.
"Chúng tôi cần sự hiệu quả, nói đơn giản là chúng tôi cần một thanh gươm, bởi chúng tôi không có nhiều thời gian", ông Hun Manet nói.
Và ông diễn giải thêm : "Chúng tôi cần thẩm quyền tuyệt đối để triển khai công tác cải cách một cách hiệu quả. Bộ [Hành chính công] đảm trách việc hỗ trợ tiến trình cải cách, nên cần phải thăng cấp một nhân vật chủ chốt ở bộ này".
Và nhân vật chủ chốt đó là em trai ông.
BBC, 23/02/2024
*******************************
Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng, gia đình Hun Sen tiếp tục thống trị chính trường
BBC, 22/02/2024
Ông Hun Sen làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Con trai cả Hun Manet làm Thủ tướng. Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng. Con trai giữa Hun Manith là trung tướng, Cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng.
Ở tuổi 41, ông Hun Many là phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử Campuchia
"Sự kiện lịch sử : Hun Many trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay !" Báo Khmer Times sáng nay (22/2) đã giật tít như vậy để nói về sự kiện con trai út của ông Hun Sen là Hun Many, 41 tuổi, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng.
Anh bổ nhiệm em
Tháng 8 năm ngoái, ông Hun Sen đã từ chức Thủ tướng sau hơn 29 năm cầm quyền, là lãnh đạo chính phủ nắm quyền lâu nhất lịch sử Campuchia.
Ông lui về hậu trường và con trai ông là đại tướng Hun Manet, 46 tuổi, lên tiếp nhiệm chiếc ghế mà ông vừa để lại vào ngày 22/8/2023, sau một cuộc bầu cử.
Ông Hun Many (bìa trái) cùng anh trai Hun Manet và hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra tại tiệc sinh nhật ông Hun Sen vào năm ngoái
Trong tuần này, quyền lực của gia đình ông Hun Sen tiếp tục được "kiện toàn".
Theo sự bổ nhiệm của Thủ tướng Hun Manet, người em của ông là đại biểu Hạ viện, Bộ trưởng Hành chính công Hun Many đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc giữ chức Phó Thủ tướng vào ngày 21/2 với tỉ lệ 120/120 phiếu thuận.
Cùng ngày, Quốc vương Sihamoni đã ban hành Sắc lệnh Hoàng gia chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm.
Ông Hun Many bắt đầu bước vào chính trường vào năm 2008, khi ông làm trợ lý cho cha mình là Thủ tướng Hun Sen.
Trước khi trở thành phó thủ tướng trẻ nhất lịch sử, ông Hun Many là đại biểu Hạ viện Campuchia, đại diện cho tỉnh Kampong Speu.
Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Thanh Niên, Thể thao ; Tôn giáo và Tín ngưỡng ; Văn hóa và Du lịch trong Hạ viện.
Vào tháng 8 năm ngoái, khi anh trai Hun Manet lên làm thủ tướng, ông Hun Many được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Hành chính công trong nội các mới.
Và giờ đây, ông làm phó thủ tướng cho anh trai của mình.
Ngoài hai người con trai trên, người con trai giữa của ông Hun Sen là trung tướng Hun Manith, 42 tuổi, hiện nay đang giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.
Guồng máy thân hữu
Phát biểu sau sự bổ nhiệm ngày hôm qua, Phát ngôn viên chính phủ Pen Bona nói : "Đây là một kỷ nguyên mới trong việc phụng sự đất nước và nhân dân. Đây là một sự cải cách các chức năng công để đẩy và tăng cường năng lực cũng như sự hiệu quả của các công bộc tại Campuchia".
Báo Khmer Times cũng viết rằng việc bổ nhiệm ông Hun Many là nằm trong đường lối của Đảng Nhân dân Campuchia về việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo.
Ông Hun Sen (giữa) và con trai, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet (phải)
Sau khi rời khỏi cương vị Thủ tướng, ông Hun Sen, 71 tuổi, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Giới quan sát đánh giá rằng dù ông Hun Sen đã lui về hậu trường nhưng vẫn có ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia. Đó không phải là điều gì bí mật, và sự bổ nhiệm ông Many càng khẳng định điều đó.
Sau sự bổ nhiệm nói trên, chính phủ của ông Hun Manet có 11 phó thủ tướng. Nội các của ông cũng được đánh giá là nội các "con ông cháu cha", với nhiều vị phó thủ tướng, bộ trưởng là con em của các lãnh đạo lão thành.
Riêng ông Hun Sen, dù không còn trực tiếp điều hành chính phủ với một vai trò chính thức, nhưng ông chưa rời bỏ quyền lực. Trong năm 2024, ông sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện.
Một số mối quan hệ thân hữu trong chính trường Campuchia, cập nhật tháng 8/2023
Vào ngày 16/2, sau khi ông Hun Manet trình việc bổ nhiệm em trai mình làm phó thủ tướng ra Hạ viện, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy phát biểu với đài RFA rằng chính phủ Campuchia hiện tại là "một băng đảng phong kiến, hoàn toàn không chịu trách nhiệm giải trình như thông lệ của quốc tế".
"Các nhà độc tài luôn bổ nhiệm người thân và bà con nhằm củng cố quyền lực", ông nói.
Nguồn : BBC, 22/02/2024