Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/02/2024

Điểm báo Pháp - Công nhân Bắc Triều Tiên trong các nhà máy Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Công nhân Bắc Triều Tiên trong các nhà máy Trung Quốc, những nô lệ thời hiện đại

Le Monde ngày 27/02/2024 có bài viết công phu của Ian Urbina thuộc The Outlaw Ocean Project, tổ chức phi chính phủ gồm các nhà báo điều tra có trụ sở tại Washington, nói về "Người Bắc Triều Tiên, nô lệ hiện đại trong các nhà máy chế biến hải sản Trung Quốc". Các công nhân này chủ yếu là phụ nữ, phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt và thường là nạn nhân của quấy nhiễu tình dục.

congnhan0

Công nhân Bắc Triều Tiên ở Đan Đông, Trung Quốc đến xưởng làm việc, ngày 05/12/2019. AP

Những người nô lệ thế kỷ 21 của Bắc Kinh

Chương trình xuất khẩu lao động do "Ban 39" phụ trách, một cơ quan chuyên giám sát mọi hoạt động ở nước ngoài, từ phản gián đến ám sát, rửa tiền, phát triển chương trình phát triển nguyên tử và đạn đạo, tấn công tin học. Bắc Triều Tiên bắc đầu gởi lao động sang Trung Quốc từ năm 2012, trong năm đó có khoảng 40.000 người được cấp visa đặc biệt. Liên Hiệp Quốc ước tính chương trình này đã mang lại cho Bình Nhưỡng 1,2 đến 1,3 tỉ đô la một năm. Hiện nay số lao động này lên đến hàng trăm ngàn.

Họ được chọn lựa cẩn thận, được trả lương khoảng 270 đô la một tháng nhưng số tiền này vào túi nhà nước Bắc Triều Tiên, thân nhân trong nước chỉ được lãnh chưa đầy 30 đô la. Riêng tại các nhà máy chế biến hải sản ở Đan Đông gần biên giới Bắc Triều Tiên mà các cộng tác viên của tổ chức điều tra có dịp tiếp xúc, công nhân mỗi tháng chỉ được nghỉ một ngày, phải sống kiểu trại lính trong những khu nhà tập thể có hàng rào kẽm gai bao quanh, có nhân viên an ninh canh gác. Họ không có chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn, hưu trí, thai sản…

Nữ công nhân thường bị quản lý quấy rối, nếu không đáp ứng họ sẽ bị phạt, bị chèn ép, bị đe dọa "làm cho mất tích không để lại dấu vết". Thậm chí trong thời gian ít hợp đồng, một số bị buộc phải bán dâm để cho đủ quota ngoại tệ nộp về mà nhà nước ấn định.

Việc sử dụng lao động Bắc Triều Tiên là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh luôn chối cãi dù các nhà báo thu thập được rất nhiều bằng chứng qua các văn bản chính thức, hình ảnh vệ tinh, diễn đàn trên mạng, báo chí địa phương, quảng cáo của doanh nghiệp… Gần đây, giá cung cấp người lao động do các nhà tuyển dụng Bắc Triều Tiên đòi hỏi đã tăng lên 130 đô la một người, không có họ các nhà máy Trung Quốc không thể hoạt động.

Thưởng 55 ngàn đô la để đánh cắp tài liệu bộ ngoại giao Việt Nam

Cũng về Trung Quốc, Le Figaro cho biết "Một vụ rò rỉ tin học chưa từng thấy đã vén màn bí mật về gián điệp mạng Trung Quốc". Bắc Kinh dọ thám trên toàn cầu, dựa vào những công ty tin học bình phong.

Tại Trung Quốc, ngay cả tin tặc cũng chán nản vào lúc nền kinh tế thứ nhì thế giới chậm lại. "Với Covid, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Nhiều đồng nghiệp nhận ra họ đã hy sinh tuổi trẻ cho I-Soon, nhưng chẳng kiếm được tiền và bây giờ đã già". Một nhân viên của công ty an ninh mạng ở Thượng Hải cay đắng nhận xét, và một đồng nghiệp đáp lời rằng ba năm qua lương không tăng nên cũng muốn ra đi. Đoạn trao đổi riêng tư hôm 03/03/2022 là một trong những thông tin hiếm hoi của tin tặc làm việc cho chế độ cộng sản được tiết lộ.

I-Soon từng xâm nhập 14 chính phủ, các tổ chức dân chủ Hồng Kông, NATO, Sciences Po Paris… Trong các tài liệu tiếp thị, I-Soon khoe có thể xâm nhập e-mail, Outlook, mạng xã hội X và giám sát người sử dụng, cài mã độc trên Window cũng như IOS Apple. Trong danh sách các nạn nhân có Bộ ngoại giao Anh, Indonesia, Thái Lan, thậm chí tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Rất nhiều mục tiêu quý giá cho ngoại giao Trung Quốc để đoán trước phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới.

Bắc Kinh dựa vào vô số đơn vị tư nhân, nhờ đó có kết quả nhanh chóng và giấu mặt được. Những tên lính đánh thuê này là những tay săn tiền thưởng thông qua gọi thầu. Chẳng hạn việc xâm nhập vào Bộ ngoại giao Việt Nam được treo giá 55.000 đô la, theo SentinelLabs, khi có kết quả mới chi tiền. I-Soon, về mặt chính thức có 70 nhân viên trong đó 50 tại Tứ Xuyên, cung cấp "giải pháp công nghệ và thông tin" cho khách hàng, đã im lặng sau tiết lộ trên đây, và trang web không còn truy cập được. Bắc Kinh vờ vịt nói rằng "không biết gì" về vụ này, và "phản đối mọi dạng tấn công tin học".

Alexei Navalny đang chuẩn bị được trao trả, một ngày trước khi chết ?

Tại Nga, màn bí mật vẫn bao quanh cái chết của lãnh tụ đối lập Alexei Navalny hôm 16/02 trong nhà tù IK-3 ở Bắc Cực, và lại càng dày thêm với tuyên bố của những người thân cận ông. Theo Le Figaro, Maria Pevtchikh, một cộng sự của Navalny trên YouTube hôm qua cho biết một thỏa thuận nhằm trao đổi nhà đối lập và hai công dân Mỹ đã bị Moskva giam giữ, để đổi Vadim Krassikov, một điệp viên Nga đang thụ án tù chung thân ở Đức vì ám sát một nhà ly khai Chechnya trong một công viên năm 2019. Hai người Mỹ liên quan có thể là nhà báo Evan Gershkovich của Wall Street Journal và cựu binh thủy quân lục chiến Paul Whelan, cả hai bị cáo buộc gián điệp.

Bà Pevtchikh nói rằng ê-kíp của Navalny đã nỗ lực cao độ từ hai năm qua để đưa ông ra khỏi chốn lao tù bằng mọi giá, nhưng các viên chức Mỹ và Đức hứa mà chẳng làm gì, trong đó có cả Henry Kissinger. Việc thương lượng do tỉ phú Roman Abramovich làm trung gian đã đạt đến giai đoạn cuối cùng hôm 15/02, tức là chỉ một ngày trước khi ông bất ngờ qua đời. Nhưng rốt cuộc Vladimir Putin đã đổi ý, không chịu phóng thích nhà ly khai kiên cường nhất. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Đức từ chối bình luận về thông tin này.

Ukraine : Thế giằng co trên chiến trường

Trắc nghiệm việc mặc đồng phục tại một số trường công ở Pháp, Hội chợ nông nghiệp Paris - nơi tranh giành ảnh hưởng chính trị, giàn cố vấn của phe cực hữu, tập đoàn Mistral của Pháp tung ra phiên bản trí thông minh nhân tạo cạnh tranh với ChatGPT trong khi Renault thử sức với xe hơi điện. Tít lớn của các báo Paris hôm nay tập trung cho thời sự Pháp. Sự kiện tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng gởi quân sang Ukraine diễn ra vào tối qua nên tuy được bàn luận nhiều trên trang mạng nhưng chưa xuất hiện trên phiên bản báo giấy.

Về chiến tranh Ukraine, xã luận của Libération kêu gọi Châu Âu vào cuộc một cách tích cực hơn. Trước tham vọng đế quốc của Putin và nguy cơ Hoa Kỳ không can thiệp, đây là lúc để thực sự khởi động kỹ nghệ quốc phòng, thậm chí trao cho Zelensky quyền tấn công quân sự vào nước Nga.

Đưa quân sang, tưởng chừng nuốt trọn được chỉ trong ba ngày, nhưng trước sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine, Putin đã phải nếm hàng loạt thất bại. Hai năm sau, mặt trận vẫn đẫm máu nhưng không thay đổi mấy. Quân đội Nga chịu nhiều thiệt hại, bị cáo buộc hàng loạt tội ác, Hạm đội Hắc Hải nổi tiếng bị đánh chìm một phần, nhưng Ukraine vẫn chưa đuổi được quân xâm lăng khỏi biên giới. Kết quả : Cuộc chiến tranh này là một lò xay thịt. Nhiều cơ quan nghiên cứu cho rằng mỗi bên mất khoảng 100.000 người chưa kể số bị thương.

Nhưng có một khác biệt lớn : số người chết phía Nga là lính, còn người thiệt mạng và bị thương phía Ukraine chủ yếu là thường dân tình nguyện cầm súng cần phải được thay thế. Một khác biệt nữa là quân đội Ukraine đang thiếu đạn dược, nhờ đó Nga chiếm lợi thế, trong khi Moskva liên kết được với Iran, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên - ba chế độ độc tài rất sẵn hỏa tiễn, đạn và drone. Nga bắn sang ba quả thì Ukraine chỉ có thể đáp trả một quả.

"Châu Âu, hãy cầm vũ khí !"

Giờ đây cần phải quyết định, hoặc để cho Putin muốn làm gì thì làm, hoặc cung cấp tất cả những vũ khí tân tiến nhất mà Kiev cần đến, trao cho Zelensky quyền tấn công vào Nga, và một món vay chung Châu Âu để tài trợ cho cuộc chiến tranh tốn kém này - tại sao không. Thực tế Châu Âu không có chọn lựa, với viễn cảnh Donald Trump đắc cử sẽ thay đổi NATO. Và nếu không phải là Trump thì xu hướng co cụm vẫn còn đó, cho dù trong thế kỷ qua Hoa Kỳ đã hai lần đến giải phóng Châu Âu.

Chiến thắng của Ukraine không chỉ củng cố phe dân chủ mà còn giúp bảo vệ châu lục. Tuyên bố mới đây của ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm, khuyến khích Kiev tấn công và oanh tạc các mục tiêu quân sự ở Nga là rất đáng chú ý. Đây là lần đầu tiên từ hai năm qua, "lằn ranh đỏ" được đặt lại, hơn nữa bởi người lãnh đạo NATO. Theo Libération, đây là lúc để cùng hô lên "Châu Âu, hãy cầm vũ khí".

Bỏ rơi Ukraine sẽ là sai lầm khủng khiếp của phương Tây

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, giáo sư Niall Ferguson của Stanford University và London School of Economics nhấn mạnh, nếu phương Tây bỏ cuộc nửa chừng trong năm 2024 sẽ là sai lầm chết người. Dù không khí chung là bi quan, ông không cho rằng Nga đang có lợi thế trước Ukraine so với cách đây một năm. Hơn nữa, Nga đã thua trận trên Hắc Hải, điều này rất quan trọng. Kiev cũng đạt được những bảo đảm từ Châu Âu và ngay cả Hoa Kỳ - ông Ferguson dự báo viện trợ Mỹ sẽ được nối lại trong tháng tới.

Điểm yếu của phương Tây chủ yếu là chính trị thay vì quân sự. Theo giáo sư Niall Ferguson, Châu Âu đã đánh giá quá cao mối đe dọa nếu Donald Trump tái đắc cử. Thực tế một tổng thống Mỹ khó thể hủy bỏ được Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Cũng khó thể hình dung rằng Trump sẽ bổ nhiệm một bộ trưởng quốc phòng ít "diều hâu" hơn Biden.

Tại hội nghị Munich, ông Mike Pompeo (cựu ngoại trưởng của Trump) tỏ dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng phục vụ với tư cách bộ trưởng quốc phòng trong ê-kíp của Trump, và sẽ "diều hâu" hơn rất nhiều so với ông Lloyd Austin hiện nay. Ngoài ra còn có Elbridge Colby tập trung vào Trung Quốc. Chính Donald Trump đã trừng phạt dự án Nord Stream II còn Biden dỡ bỏ, Nga không hưởng lợi trong thời Trump.

Hiến pháp Mỹ được các nhà lập quốc soạn thảo chặt chẽ để những người như Trump không thể phá hủy. Tuy nhiên một chiến thắng của Donald Trump sẽ là cú sốc để Châu Âu tự lo lấy vấn đề quốc phòng. Và trước cuộc bầu cử ngày 05/11, Trump còn phải đối phó với bốn phiên tòa hình sự nữa.

Trump "châm lửa vào mông" Châu Âu

Tương tự, Le Figaro cho rằng "Donald Trump đã "châm lửa vào mông" Châu Âu". Bất chấp sự chống đối của các thẩm phán, giáo sư, nhà báo, cựu tổng thống Mỹ thực sự là một hiện tượng, luôn kích thích được đám đông. Hãy còn tám tháng nữa mới tới bầu cử, Joe Biden vẫn có thể rút ngắn khoảng cách. Nhưng rõ ràng Trump đã kiểm soát được gần như hoàn toàn đảng Cộng hòa, và Châu Âu sẽ phải tự lo lấy thân.

Cho dù tuyên bố sẽ không can thiệp nếu một đồng minh NATO bị Nga tấn công là đi ngược lại với Điều 5 của hiệp ước, nhưng lãnh tụ của phong trào MAGA ("Make America Great Again") chẳng quan tâm. Trước đây, hiểu rằng đồng minh Mỹ có thể không can thiệp vì lý do chính trị nội bộ, tướng De Gaulle đã quyết định tự trang bị cho nước Pháp khả năng răn đe nguyên tử. Trong thế giới nguy hiểm ngày nay, người Pháp biết ơn ông về điều này.

Emmanuel Macron có lý khi tổ chức hội nghị hỗ trợ Ukraine hôm qua 26/02 và khẳng định "Nga không thể và không được thắng trong cuộc chiến này !". Nếu chiếm được Kiev, ai có thể bảo đảm rằng Putin không thừa thắng lao sang tấn công các nước thuộc Liên Xô cũ ? Tái vũ trang Châu Âu là khẩn cấp, và Paris có thể đưa thêm vào hiệp ước Lancaster House - thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Pháp và Anh năm 2010 - ba nước lớn Châu Âu là Đức, Ý, Ba Lan. Một sáng kiến như vậy thực tiễn hơn là một hiệp ước quốc phòng Châu Âu như lâu nay vẫn kêu gọi.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 118 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)