Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/07/2017

Điểm tin báo chí Pháp : Trung Quốc kiểm duyệt Internet

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Mọi ngõ ngách trên Internet đều bị kiểm duyệt

Trong bài viết “Trung Quốc : Kiểm duyệt len lỏi vào mọi ngõ ngách trên mạng Internet, báo Libération cho biết sau khi nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba - giải Nobel Hòa Bình 2010, qua đời vào ngày 13/07/2017 vì bệnh ung thư, những bức ảnh về một chiếc ghế trống, gợi nhớ tới việc ông không được tới Oslo nhận giải Nobel được rất nhiều người Trung Quốc đăng tải trên internet. Kể từ đó, chính quyền Trung Quốc, vốn đã tăng cường các biện pháp trấn áp, lại càng siết chặt công tác kiểm duyệt đối với 1,73 tỉ dân.

Résultat de recherche d'images pour "Trung Quốc : Mọi ngõ ngách trên Internet đều bị kiểm duyệt"

Biểu tượng của ứng dụng WeChat và Weibo tại Bắc Kinh, ảnh chụp ngày 05/12/2013. Reuters

Từ mười ngày nay, nhân vật hoạt hình Winnie và bức tranh “Chiếc ghế của Vincentcủa danh họa Van Gogh bị kiểm duyệt gay gắt trên mạng internet tại trung Quốc. Lý do : chú gấu Winnie trông rất giống chủ tịch Tập Cận Bình và cư dân mạng thường dùng hình ảnh Winnie để chế giễu ông Tập, còn bức tranh của Van Gogh khiến cư dân mạng liên tưởng tới việc giải thưởng Nobel của Lưu Hiểu Ba được đặt trên một chiếc ghế trống trong lễ trao giao giải năm 2010 và nhiều người sử dụng hình ảnh đó để tưởng niệm nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba.

Lần đầu tiên, Bắc Kinh kiểm duyệt các bức ảnh trao đổi trong các tin nhắn riêng tư trên ứng dụng Wechat mà 938 triệu người Trung Quốc, nhất là các tin nhắn có tên “Liu” (Lưu) hoặc “Xiabao(Hiểu Ba). Các nhà nghiên cứu của Citizen Lab thuộc đại học Toronto còn nhận thấy trên trang mạng xã hội Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, các đăng tải có chứa những từ như « R.I.P” (Hãy yên nghỉ !), “LXB” (chữ cái viết tắt tên của Liu Xiabao (Lưu Hiểu Ba) hay câu nói nổi tiếng của ông “Tôi không có kẻ thù” bị xóa dần. Biểu tượng cảm xúc “ngọn nếncũng biến mất để tránh mọi hình thức tưởng niệm.

Ông Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội EHESS giải thích : “Biện pháp kiểm soát của Trung Quốc mạnh mẽ hơn bất cứ biện pháp nào của các chế độ độc tài ở Châu Phi và Châu Mỹ la tinh. Người ta không thấy có bạo lực vì mọi thứ đều bị kiểm soát ngay từ khi mới bắt đầu. Không gì có thể thoát khỏi vòng kiểm soát của Tập Cận Bình, và những người phản kháng ngày càng chịu nhiều sức ép. Một người như Lưu hiểu Ba, người luôn tôn trọng nhân văn, hòa bình và lòng bao dung là kẻ thù truyền kiếp cần đánh bại.

Vì không thể đọc được tất cả nội dung trao đổi trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp của Mỹ, từ ngày 18/07, Bắc Kinh đã chặn mọi tin nhắn có vidéo, âm thanh hoặc kèm hình ảnh. Đây là lần đầu tiên biện pháp trên được sử dụng kể từ khi chế độ kiểm duyệt Great Firewall (Vạn Lý Tường Lửa) được Trung Quốc triển khai vào năm 2013.

Mỗi năm, Bắc Kinh chi 5,4 tỉ đô la để kiểm duyệt internet. Trên 200 trong số hơn 1000 trang web lớn nhất trên thế giới bị chặn. Với địa chỉ IP tại Trung Quốc, cư dân mạng không thể truy cập Facebook, Twitter, Instagram, không thể truy cập vào hòm thư Gmail hay xem vidéo trên YouTube, thậm chí không thể đọc báo điện tử Le Monde của Pháp và New York Times của Mỹ.

90 triệu cư dân mạng tại Trung Quốc, trong đó có rất nhiều người nước ngoài phải vượt “Vạn Lý Tường Lửabằng cách sử dụng mạng riêng ảo VPN (Virtual Private Network). Trước đây, chính quyền để cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các nhà khoa học sử dụng phần mềm VPN ở một mức độ nhất định để phục vụ công việc. Tuy nhiên, bộ Công Nghiệp Và Công Nghệ của Trung Quốc đã thông báo kể từ ngày 01/02/2018, các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà nghiên cứu phải có giấy phép của chính quyền mới được sử dụng VPN. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đành phải đóng cửa.

Để hoàn thiện chiến dịch “tẩy rửa Internet”, tuần trước Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (ACC) đã triệu tập và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất tại Trung Quốc ngưng cho đăng tải và lan truyền mọi diễn giải sai lệch các chính sách, lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc, các tin tức giả mạo, sao chép ảnh và thách thức chính quyền.

Từ khi Tập Cận bình lên nắm quyền vào năm 2013, các phương tiện truyền thông truyền thống như báo in và các nhà xuất bản ngày càng bị kiểm duyệt gay gắt. Các hình thức kiểm duyệt nhiều vô cùng. Ngay cả điện ảnh cũng phải « phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội”. Nội dung các bài hát cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

Kế sách giết gà dọa khỉ

Trên mạng internet, việc kiểm soát tuyệt đối là không thể. Vì thế, theo ông Benjamin Ismaïl, cựu giám đốc văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Bắc Kinh đã sử dụng kế sách trừng phạt để răn đe mà người Trung Quốc gọi là “giết gà dọa khỉ” : Việc một nhà báo bị phạt tù 10 năm hay một nhà nhân quyền bị tuyên án tù 15 năm sẽ khiến những người khác sợ hãi. Một biện pháp khác không tàn bạo mà rất hiệu quả đểbảo vệ chủ quyền về không gian mạnglà cho đăng tải ngập tràn trên internet các thông điệp tuyên truyền cho chính quyền, ngăn chặn mọi trao đổi bàn luận và các thông tin gây bất lợi cho chế độ.

Một luật sư Trung Quốc trốn thoát sang Mỹ cách đây 2 năm nhận xét : “Cái chết của Lưu Hiểu Ba sẽ cho cả thế giới hiểu rõ hơn cách mà Đảng cộng sản Trung Quốc bức hại dân chúngTập Cận Bình, vốn luôn ám ảnh về việc phải kiểm soát mọi chuyện, có thể sẽ khoa trương các kết quả tuyệt vời của kế hoạch trên trong đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu 2017 với hy vọng có thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước.

Le Monde kết luận, trước khi đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, vào năm 2009 đã nói rằng Internet là “món quà trời ban cho Trung Quốc. Nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc đã biến Internet thành công cụ mới phục vụ chế độ độc tài, toàn trị.

Jerusalem trong vòng xoáy bạo lực

Những ngày qua, bạo lực leo thang ở Jerusalem là đề tài thời sự quốc tế nóng hổi. Le Monde giới thiệu bài xã luận Jerusalem trong vòng xoáy bạo lực. Xung đột ở Jerusalem gợi nhắc rằng Jerusalem không phải một thành phố bình thường như bao thành phố khác. Tại Jerusalem có một nơi có giá trị đặc biệt với ba cộng đồng tôn giáo lớn : đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và Hồi Giáo. Nhỏ bé, nhưng địa điểm này lại là ngòi nổ » cả về lịch sử, tôn giáo và chính trị. Quảng trường các đền thờ là thánh địa quan trọng thứ ba đối với người Hồi Giáo còn bức tường Than Khóc ngay cạnh đó lại là một trong những nơi thiêng liêng nhất của người Do Thái.

Vì thế, Jerusalem, đặc biệt là Quảng trường các đền thờ đã trở thành biểu tượng xung đột giữa Israel và Palestine. Theo Le Monde, đây là nơi mọi chuyện đều có thể trở nên tồi tệ. Căng thẳng leo thang trong những ngày cuối tuần qua đã cho thấy điều đó.

Bi kịch bắt đầu từ giữa tháng 07, khi cảnh sát Israel lắp các máy dò kim loại ở lối vào quảng trường. Biện pháp này được triển khai sau khi 2 cảnh sát Israel bị ba người Palestine bắn chết. Chính phủ cánh hữu của thủ tướng Benyamin Netanyahou đã đồng ý để cảnh sát triển khai biện pháp trên.

Theo cảnh sát Israel, các máy dò kim loại chỉ là một biện pháp phòng ngừa, giống ở lối vào các sân bay, sàn nhảy và các sân bóng. Tuy nhiên, quân đội và cơ quan mật vụ Israel phản đối việc lắp các máy kim loại ở lối vào quảng trường, họ hiểu phải tôn trọng nguyên trạng của quảng trường, họ cũng biết rằng việc quản lý quảng trường thuộc về Waqf, một tổ chức Hồi Giáo của Jordan. Họ hiểu quảng trường có ý nghĩa thế nào đối với người Palestine, đó là một trong số rất ít nơi không do Israel kiểm soát, một nơi không thể động tới cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo.

Thủ tướng Israel Netanyahou cũng biết tất cả những điều đó. Ông ấy chắc chắn không thể quên rằng vào năm 2000, việc một trong những lãnh đạo đảng của ông tới thăm quảng trường là một trong những nguyên nhân làm dấy lên phong trào intifada (phản đối) thứ hai - phong trào nổi dậy tấn công bằng dao. Nhưng thủ tướng Israel chịu sức ép của cánh hữu muốn độc quyền kiểm soát mọi nơi và ủng hộ việc lắp các máy dò kim loại bất chấp hậu quả.

Và như thế, cái bẫy đang sập dần. Thành phố thánh Jerusalem lại một lần nữa rơi vào tâm bão, điều mà - theo Le Monde - lẽ ra đã có thể hoàn toàn tránh được.

Pháp : Nông nghiệp sạch thiếu tài chính

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Pháp, Le Monde cho biết : Ngành nông nghiệp sạch gặp khó khăn về tài chính.

Nhu cầu thực phẩm sạch (bio) của người tiêu dùng vẫn rất cao, nước Pháp hiện đứng thứ ba Châu Âu về nông sản bio và có khả năng sẽ vươn lên đứng đầu Châu Âu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nông dân Pháp sử dụng phương thức nuôi trồng sạch đang rất lo lắng, bởi vì ngân sách hỗ trợ sản xuất bio lại eo hẹp. Thêm vào đó, các thủ tục hỗ trợ lại không rõ ràng nên tiền hỗ đến tay trợ các nhà sản xuất nông nghiệp sạch khá muộn, ảnh hưởng tới sản xuất.

Theo nhận định của Le Monde, ngành nông nghiệp sạch đang là nạn nhân của chính sự thành công của mình. Người Pháp ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trứng, sữa, thịt, hoa quả và rau củ có dãn nhãn bio. Doanh thu của ngành nông nghiệp sạch tăng 20% vào năm 2016, đạt 7 tỉ euro. Chủ hãng phân phối thực phẩm sạch Biocoop cho biết mức tăng trưởng của ngành này vẫn tăng gần 15% từ đầu năm 2017. Trong khi đó, do giá bán sản phẩm giảm mạnh, hay do mùa màng thất bát, nhiều trang trại trồng ngũ cốc, chăn nuôi bò sữa, bò thịt thông thường đã chuyển hướng sang sản xuất sạch, khiến diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp sạch tăng 16% vào năm 2016. Tổng cộng, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp sạch chiếm tới 5,7% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tại Pháp.

Cam Bốt : Cuộc chiến chống bệnh dại

Bệnh dại đã được loại trừ tại nhiều nước, như Việt Nam, Thái Lan, nhờ vaccin phòng bệnh. Còn tại Cam Bốt, theo nhật báo công giáo La Croix, bệnh dại vẫn khiến nhiều người thiệt mạng. Vì thế, viện Pasteur mới đây phối hợp với bộ Y Tế Cam Bốt mở một chiến dịch phòng ngừa bệnh dại.

Ông Didier Fontenille, giám đốc viện Pasteur cho biết mỗi năm, tại Cam Bốt, bệnh dại giết chết gần 1000 người. Có khoảng 600.000 người bị chó cắn nhưng nhiều người không tiêm phòng bệnh vì không biết thông tin hoặc không có phương tiện lên thành phố tiêm phòng. Mặc dù theo quy định, giá một đợt tiêm phòng bệnh dại chỉ khoảng 12 đô la, nhưng một số bác sĩ có thể lấy tới 300 đô la, và nguồn gốc vaccin lại không đảm bảo.

Trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde quan tâm tới thời sự nước Pháp với hàng tựa Các quy định của tổng thống Macron về ngân sách khiến ông bớt được được lòng dân. Cũng về đề tài này, báo Libération chạy tựa : Trợ cấp nhà ở : 5 euro và cái giá phải trả quá đắtKèm theo đó là nhận xét đúng là phải cải tổ trợ cấp nhà ở, nhưng việc chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp nhà ở cho những người gặp nhiều khó khăn nhất lại không nhận được sự ủng hộ, kể cả của một số nhân vật trong đảng của tổng thống Macron.

Báo Le Figaro gợi nhắc lại vụ hai kẻ Hồi giáo cực đoan tấn công khủng bố vào nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray và sát hại cha xứ Jacques Hamel với hàng tít : Cha Hamel : nước Pháp hồi tưởng sau một năm. Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe sẽ tham dự lễ tưởng niệm vụ sát hại cha xứ được tổ chức vào ngày mai 26/07. Cũng liên quan tới nước Pháp, nhưng trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF làm thế nào để cứu tàu cao tốc TGV ?.

Trong khi đó, nhật báo công giáo La Croix hướng sự chú ý tới tình hình nhập cư tại Mỹ qua hàng tựa « Hoa Kỳ - Mexico : bức tường của nỗi sợ hãi. La Croix cho biết từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức cách đây 6 tháng, số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép đã tăng mạnh.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 788 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)