Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/03/2024

Tập đoàn quân phiệt Miến bị cộng đồng quốc tế lên án

RFI tổng hợp

Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện gây chiến với dân

Thu Hằng, RFI, 04/03/2024

Trong bản báo cáo về tình hình 2 năm sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, được công bố ngày 03/03/2023, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện coi người dân là đối thủ và gây chiến với nhân dân. Tại Miến Điện, "thảm họa ngày càng tồi tệ", trong khi quân đội "hoàn toàn không bị trừng phạt".

thailanmiendien01

Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Naypyidaw, Miến Điện ngày 31/01/2023. AP

Ngoài những lời lên án nghiêm khắc trên, Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2.940 người đã chết, trong đó gần 30% tử vong khi bị giam cầm. Tuy nhiên, ông James Rodehaver, phụ trách văn phòng Miến Điện tại Cao Ủy Nhân Quyền, cho rằng số người chết trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. AFP lưu ý là ông, cũng như các cộng tác viên, không được trực tiếp đến Miến Điện.

Quân đội Miến Điện hoạt động trên khoảng 13 mặt trận, được không lực và pháo binh gia tăng yểm trợ và đã tiến hành hơn 300 đợt không kích trong năm 2022. Gần 80% trên tổng số 330 địa phương ở Miến Điện bị tác động từ các cuộc đối đầu vũ trang. Phát biểu trong buổi họp báo tại Genève, ông James Rodehaver nhận định "chưa có lúc nào cuộc khủng hoảng ở Miến Điện lại đạt đến quy mô như vậy trên khắp cả nước".

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, gần 39.000 ngôi nhà trên khắp Miến Điện đã bị thiêu rụi hoặc bị phá hủy trong các chiến dịch quân sự từ tháng 02/2022, "tăng hơn 1.000 lần" so với năm 2021. Quân đội và lực lượng giữ an ninh đã tiến hành 17.572 vụ bắt giam kể từ cuộc đảo chính. Ngoài ra, tập đoàn quân sự còn sử dụng chiến lược, được gọi là "Bốn kiểu cắt" : cắt lương thực, cắt tuyển mộ, cắt truyền thông và cắt nguồn tiền hoặc phương tiện thay thế của đối lập.

Người phụ trách văn phòng Miến Điện tại Cao Ủy Nhân Quyền đánh giá hành động của tập đoàn quân sự cho thấy "họ coi nhân dân Miến Điện là đối lập, là đối thủ" và "cả một quân đội đang gây chiến với chính dân tộc của họ", khiến mọi quyền của con người bị thụt lùi.

Thu Hằng

*****************************

Quốc hội Thái Lan tổ chức hội thảo về Miến Điện, tập đoàn quân sự phản đối

Trọng Thành, RFI, 03/03/2024

 

Hôm 02/03/2024, Quốc hội Thái Lan khai mạc hội thảo về tình hình chính trị Miến Điện với sự tham gia của nhiều nhân vật cấp cao của lực lượng đối lập kháng chiến chống tập đoàn quân sự. Hội thảo diễn ra hai ngày đã được tổ chức "bất chấp sự phản đối của giới tướng lĩnh Miến Điện", theo báo Bangkok Post.

thailanmiendien02

Nhà Quốc hội Thái Lan © Wikimedia

Theo Reuters, người chủ trì hội thảo mang tên "Ba năm sau đảo chính" là dân biểu Rangsiman Rome, đứng đầu Ủy Ban An ninh của Hạ Viện Thái Lan, cho biết : "Những gì chúng tôi đang làm hôm nay là bước đầu tiên trong việc đưa các bên tranh chấp đối thoại với nhau, để mở đường cho một giải pháp chính trị hòa bình và bền vững cho Miến Điện". Dân biểu Rangsiman Rome, người tổ chức hội thảo, là cựu phát ngôn viên đảng Move Forward, đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan năm ngoái

Tham dự hội thảo có nhiều nhân vật cấp cao của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện (NUG), và nhiều tổ chức vũ trang sắc tộc, nhưng không có đại diện từ chính phủ Miến Điện. Trong một văn bản trả lời Reuters, bộ ngoại giao của tập đoàn quân sự Miến Điện đã "phản đối mạnh mẽ" việc Quốc hội Thái Lan tổ chức hội thảo này, và khẳng định việc này "để lại những tác động tiêu cực" đến quan hệ song phương. Tập đoàn quân sự Miến Điện yêu cầu chính phủ Thái Lan can thiệp để Quốc hội nước này không tổ chức "bất kỳ hoạt động nào có thể cản trở mối quan hệ hữu nghị hiện nay."

Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara dự định có bài phát biểu quan trọng tại cuộc hội thảo này, nhưng rút cục đã hủy bỏ vào phút cuối mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Bộ ngoại giao Thái Lan từ chối bình luận về việc này.

Theo Reuters, chính phủ Thái Lan đã thúc đẩy một sáng kiến nhân đạo với sự tham gia của tập đoàn quân sự và một số lực lượng đối lập khác để mở đường cho các đàm phán giữa các bên tham chiến. Theo Dulyapak Preecharush, một học giả chuyên về Đông Nam Á tại Đại học Thammasat, chủ trương tổ chức hội thảo "Ba năm sau đảo chính" của Quốc hội Thái Lan rất khác với chính sách của chính phủ Thái Lan trong hợp tác với tập đoàn quân sự Miến Điện. Học giả Thái Lan Dulyapak Preecharush nhấn mạnh, một cuộc hội thảo do ủy ban Quốc hội tổ chức "mở ra nhiều không gian hơn các nhóm tranh đấu vì dân chủ" ở Miến Điện.

Trọng Thành

*******************************

Mỹ tăng cường trừng phạt Miến Điện ba năm sau đảo chính quân sự

Thanh Hà, RFI, 01/02/2024

Đúng kỷ niệm 3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, ngày 01/02/2024 tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi "chấm dứt bạo động" và "khôi phục nền dân chủ" tại quốc gia Đông Nam Á này. Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Miến Điện vào lúc tập đoàn quân sự triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp.

thailanmiendien03

Quân đội Miến Điện duyệt binh Ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 78 tại Naypyitaw ngày 27/03/2023. AP - Aung Shine Oo

Bộ Tài chính Mỹ hôm 31/01/2024 siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào những "thực thể thân cận với chế độ" Naypyidaw, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Myanmar Five Star cũng có tên trong danh sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành. Chính quyền Biden giải thích mục tiêu đề ra là nhằm "cắt đứt các nguồn tài trợ của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ".

Từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, Miến Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Hôm qua, chính quyền Naypyidaw thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm sáu tháng. Tập đoàn quân sự một lần nữa hoãn ngày tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, từ sau cuộc đảo chính "hơn 4.400 người dân Miến Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp". Dù vậy tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ổn định hơn, đặc biệt là sau loạt tấn công phối hợp của ba lực lượng vũ trang thiểu số mang tên Liên Minh Huynh Đệ từ ngày 27/10/2023.

Carol Isoux thông tín viên RFI từ Bangkok tường thuật về những hoạt động của lực lượng nổi dậy gần biên giới giữa Miến Điện với Thái Lan :

Những mảnh vỡ bằng kim loại, những đống gạch đổ nát,đó là tất cả những vết tích còn lại của 1 đồn cảnh sát ở Mese, một thành phố Miến Điện cách biên giới Thái Lan chừng 50 km. Những chiến binh trẻ thuộc lực lượng tự vệ Karenni đã tấn công vào đồn cảnh sát này và sát hại khoảng 20 nhân viên an ninh của Miến Điện. Aung Naing, 20 tuổi, vác trên vai một khẩu súng trường, kể lại đợt tấn công đó : "Lính và cảnh sát trốn ở tầng lầu bên trên. Họ bắn vào chúng tôi và không chịu đầu hàng. Cuộc đọ súng kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Chúng tôi thả bom xăng tự tạo vào chỗ họ, rồi chúng tôi bỏ đi. Lác đác tại khắp thành phố này giao tranh diễn ra trong cả tháng trước khi chúng tôi chiếm được Mese. Lính Miến Điện bỏ đi nhưng chúng tôi biết là phải tiếp tục chiến đấu".

Ba năm sau cuộc đảo chính, các lực lượng nổi dậy giờ đây đã được tổ chức lại và đang mở rộng hoạt động khắp nơi, nhất là ở các vùng biên giới, nơi mà các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã kiểm soát được những vùng nông thôn và một số thành phố chính.Tập đoàn quân sự Miến Điện chưa bao giờ bị suy yếu như hiện nay. Tuy vậy, vẫn chưa thể dự đoán được về tương lai chính trị của Miến Điện cũng như về một mô hình lãnh đạo đất nước mà 140 sắc tộc thiểu số khác nhau có thể chấp nhận được. 

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Trọng Thành, Thanh Hà
Read 330 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)