Philippines và Trung Quốc lại cáo buộc nhau gây ra các vụ đụng độ ở Biển Đông
Thùy Dương, 28/03/2024
Philippines và Trung Quốc sáng 28/03/2024 lại đưa ra những cáo buộc mới nhắm vào đối phương liên quan đến các vụ đụng độ gần đây ở Biển Đông, nơi mà hai bên đang có tranh chấp chủ quyền.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu ở Quezon, Philippines, ngày 21/12/2023. AP - Aaron Favila
Theo AFP, hôm nay 28/03, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ra thông cáo, khẳng định : "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với bất kỳ quốc gia nào, nhất là với các quốc gia tự nhận là bạn hữu của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép mình im lặng, chịu khuất phục hay lệ thuộc".
Tổng thống Philippines cam kết "trong những tuần tới" sẽ có hàng loạt "phản ứng và biện pháp đáp trả tương xứng, có chủ ý và hợp lý để đối phó với các vụ tấn công công khai, không ngừng, bất hợp pháp, mang tính cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm của các thành viên lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc". Ông Ferdinand Marcos Jr. mạnh mẽ khẳng định "Philippines sẽ không nhượng bộ".
Gần như đồng thời, Trung Quốc tố cáo, chính những hành vi "khiêu khích" của Philippines là "nguyên nhân trực tiếp" khiến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh : "Trung Quốc sẽ không cho phép Philippines làm điều họ muốn" và Bắc Kinh "đã phản ứng một cách hợp lý và mạnh mẽ".
Xin nhắc lại là trong những tháng qua, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần phun vòi rồng tấn công hoặc gây va chạm với các tàu tiếp liệu của Philippines gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, đảo mà Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều khẳng định chủ quyền.
Gần đây nhất, theo Manila, tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 23/03 đã tấn công một tàu Philippines khi tầu này đang đi tuần và tiếp liệu như thông lệ cho đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây. Vụ tấn công này khiến 3 quân nhân Philippines bị thương.
Thùy Dương
*****************************
Các nhà báo nước ngoài ở Philippines bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về chỉnh sửa hình ảnh
Reuters, VOA, 27/03/2024
Các nhà báo nước ngoài tại Manila hôm 27/3 đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng Philippines đã để các nhà báo chỉnh sửa các đoạn video được ghi hình trên các con tàu tiếp tế ở Biển Đông để làm nó giống như ‘nạn nhân’.
Hình ảnh được ghi lại cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines
Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài Philippines (FOCAP) ‘bị xúc phạm sâu sắc trước những lời bóng gió rằng báo chí là ‘kẻ gây rối’ và cấu kết với chính phủ để thúc đẩy mục tiêu chính trị’, tổ chức này ra tuyên bố cho biết.
Tuyên bố này là nhằm đáp trả bài viết của Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên X hôm 26/3.
Bà Hoa nói về công tác thường xuyên của Philippines là chuyển hàng tiếp tế cho binh sĩ của họ đóng trên chiếc tàu chiến bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nơi các tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines thường xuyên đụng độ.
Trong bài viết của mình, bà Hoa cho biết các chuyến tàu tiếp tế như vậy luôn chở theo nhiều nhà báo và các nhà báo này đã ‘chỉnh sửa các hình ảnh họ ghi lại để đưa tin giật gân và đưa ra hình ảnh Philippines như là nạn nhân’.
FOCAP cho biết họ ‘mạnh mẽ bác bỏ và lên án những tuyên bố sai trái, vô căn cứ’ của bà Hoa và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, cơ quan đã đăng lại ý kiến của bà Hoa trên X.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Các nhà báo nước ngoài và trong nước, bao gồm cả phóng viên Reuters, đã tháp tùng và đưa tin trên các con tàu tiếp tế trong vùng biển tranh chấp.
FOCAP cho biết ý kiến của bà Hoa là xúc phạm đến sự liêm chính của các nhà báo và nói thêm rằng ‘báo chí tự do và độc lập tường thuật không phải những gì họ được bảo phải tường thuật, mà là những gì họ thấy được’.
Một phát ngôn nhân của Lực lượng Tuần duyên Philippines, cơ quan hộ tống các tàu dân sự ra tiếp tế, viết trên X như sau : "Trung Quốc dường như đã bỏ qua sự thực là ở một nước dân chủ như Philippines, chúng tôi trân trọng tự do ngôn luận và tự do báo chí".
Nguồn : VOA, 27/03/024
*************************
Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
Thanh Hà, RFI, 27/03/2024
Trong cuộc họp báo tại Manila hôm 26/03/2024, ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố New Delhi hỗ trợ Philippines bảo vệ chủ quyền và hy vọng đôi bên mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh đến cam kết song phương nghiên cứu khả năng bảo đảm tự do và hòa bình cho khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo (phải) bắt tay đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyan Jaishankar sau cuộc họp báo chung tại khách sạn Sofitel, Manila, Philippines, ngày 26/03/2024. © AP - Jam Sta Rosa
Ba ngày sau vụ tàu tiếp liệu cho Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) của Philippines bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công, ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo tránh nêu đích danh Trung Quốc và những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng theo ghi nhận của báo Hindustan Times, hai bên nhấn mạnh đến hợp tác trên biển, "đẩy mạnh đối thoại" và "mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông hàng hải", "cứu hộ và giám sát việc thực thi luật pháp quốc tế" đặc biệt là trong vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương,
Tờ báo cũng nhắc lại Ấn Độ và Philippines đã tăng cường hợp tác chiến lược trong thời gian gần đây và năm 2022 Manila là khách hàng đầu tiên trang bị tên lửa Brahmos do Ấn Độ và Nga chế tạo.
Cũng trong cuộc họp báo sau buổi làm việc với đồng cấp Philippines, ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh New Delhi "hoàn toàn tin tưởng là những tiến bộ và thịnh vượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương được bảo đảm tốt hơn nếu như các bên tôn trọng trật tự được dựa trên cơ sở pháp lý". Đáp lời ngoại trưởng Ấn Độ, phía Manila cho biết đôi bên đã có những "trao đổi sâu sắc về các chương trình hợp tác quốc phòng và an ninh" nhằm bảo đảm các quyền tự do lưu thông ở Ấn Độ -Thái Bình Dương , đây phải là một vùng biển "tự do và rộng mở".
Trong chuyến công du Philippines từ ngày 25 đến 27/03/2024 ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar đã được tổng thống Ferdinand Marcos Jr tiếp và có một buổi làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Gilbert Teodoro.
Thanh Hà
********************************
Manila triệu đại diện Trung Quốc để phản đối sự cố ở Bãi Cỏ Mây
VOA, 25/03/2024
Philippines hôm 25/3 đã triệu tập đại biện Trung Quốc để phản đối ‘các hành động gây hấn’ trên Biển Đông hồi cuối tuần qua trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thách Bắc Kinh đưa yêu sách chủ quyền thái quá của họ ra trọng tài quốc tế.
Hình ảnh do quân đội Philippines cung cấp cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines ra Bãi Cỏ Mây
Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào một tàu dân sự tiếp tế cho binh lính của họ đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hôm 23/3, mà họ cho biết đã làm hư hại con tàu và làm một số người trên tàu bị thương, vụ việc mới nhất trong một loạt những căng thẳng bùng phát trong năm qua.
"Việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động thường xuyên và hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi là không thể chấp nhận được", Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nói, trong đó cho biết đại biện lâm thời ở Đại sứ quán Trung Quốc đã bị triệu tập và Manila cũng đã phản đối qua con đường ngoại giao ở Bắc Kinh.
"Hành động đó vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines", tuyên bố nói và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm 23/3 cho biết họ đã thực hiện các biện pháp cần thiết đối với các tàu Philippines xâm nhập vào vùng biển của họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/3 nhấn mạnh rằng Philippines đã nuốt lời hứa rằng họ sẽ kéo chiếc tàu chiến mắc cạn ra khỏi Bãi Cỏ Mây, và điều này ‘vi phạm các cam kết mà họ đã nhiều lần nói với Trung Quốc’.
Nhưng Philippines đã nói đi nói lại rằng họ không hề cam kết như vậy và tuyên bố sẽ không từ bỏ vị trí tại Bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu hải cảnh trên khắp Biển Đông để tuần tra trong vùng biển mà họ cho là của họ, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 đối với vụ vụ kiện do Manila đưa lên rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này.
Các quan chức an ninh hàng đầu của Philippines hôm 25/3 đã triệu tập một cuộc họp bàn về sự cố để đưa ra các khuyến nghị cho Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về cách xử lý tiếp theo.
Washington tuyên bố đứng về phía Philippines và lên án ‘những hành động nguy hiểm’ của Trung Quốc. Nhật, Anh, Pháp, Đức, Canada và Úc cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ Philippines.
"Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng đã liên tục can thiệp, kích động các vấn đề tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Philippines", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm lên tiếng trong cuộc họp báo hôm 25/3.
Trong phát ngôn có thể chọc giận Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm 25/3 đề nghị Trung Quốc nên chứng tỏ tính thuyết phục của yêu sách chủ quyền của mình thông qua trọng tài.
"Nếu Trung Quốc không ngại nêu yêu sách với thế giới, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế ?" ôngTeodoro nói trước báo giới.
Nguồn : VOA, 25/03/2024
****************************
Vụ tàu Philippines bị "tấn công" : Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa "tiếp tục cứng rắn"
Trọng Thành, RFI, 24/03/2024
Bắc Kinh tỏ ra không nhân nhượng sau vụ tàu Philippines tiếp liệu cho Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công hôm qua, 23/03/2024, khiến ba quân nhân Philippines bị thương, theo Manila. Hôm nay, 24/03, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra một tuyên bố cảnh báo "sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn và quyết đoán để bảo vệ chủ quyền".
Ảnh tư liệu do quân đội Phillippines cung cấp : Tầu hải cảnh Trung Quốc chặn mũi tầu Philippines gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 22/10/2023. © AP / Armed Forces of the Philippines
Hãng tin Reuters dẫn lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đòi Philippins "ngừng đưa ra bất kỳ nhận xét nào có thể dẫn đến gia tăng xung đột và căng thẳng leo thang, cũng như ngừng mọi hành động xâm phạm và khiêu khích". Đây là lần thứ hai hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp liệu Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây từ đầu tháng.
Về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Philippines, trả lời báo giới hôm nay, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduarno Ano, cho biết đây là một "hoạt động tiếp liệu thông thường" cho đơn vị bảo vệ Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), quần đảo Trường Sa, và Manila "sẽ tiếp tục các hoạt động này" bất chấp các đe dọa.
Theo báo chí Philippines hôm nay, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippine (tức Biển Đông), gọi tắt là NTF-WPS, do cố vấn An ninh Quốc gia trực tiếp chỉ đạo, sẽ có cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày mai, 25/03, để chuẩn bị các biện pháp sắp tới với Trung Quốc.
Ngay sau khi vụ việc diễn ra, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo báo chí lên án "hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế" của Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định "sát cánh cùng đồng minh Philippines".
Trọng Thành