Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/03/2024

Bắc Triều Tiên muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam để làm gì ?

Tổng hợp

Đoàn lãnh đạo cấp cao Bắc Hàn sang thăm Việt Nam, củng cố quan hệ xã hội chủ nghĩa

RFA, 22/03/2024

Bắc Hàn vừa gửi một đoàn đại biểu cấp cao tới thăm các nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào trong nỗ lực gia tăng quan hệ ngoại giao sau thời kỳ phong toả do đại dịch Covid-19. Hãng tin Reuters loan tin này theo thông báo của cơ quan thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA.

bachan1

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 1/3/2019 - AFP

Theo KCNA, đoàn của Đảng Lao động Triều Tiên do ông Kim Song Nam - ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban đối ngoại Ban chấp hành Trung ương - dẫn đầu đã đến Bắc Kinh vào ngày 21/3.

Theo báo Tuổi Trẻ, chuyến đi này được cho là nhằm tăng cường quan hệ giữa Triều Tiên (Bắc Hàn) với các nước xã hội chủ nghĩa.

Sau khi đến Trung Quốc, đoàn sẽ đến Việt Nam và cuối cùng là Lào, theo KCNA.

Tại Bắc Kinh, đoàn Bắc Hàn đã gặp ông Vương Hỗ Ninh - lãnh đạo cấp cao thứ tư trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và ông Lưu Kiến Siêu - Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Reuters dẫn tin từ đài phát thanh nhà nước Trung Quốc cho biết ông Vương Hỗ Ninh nói Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Bắc Hàn để thúc đẩy tình hữu nghị, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết và hợp tác, tăng cường trao đổi chiến lược và cùng nhau tạo dựng một môi trường đối ngoại hòa bình và ổn định.

Trong các cuộc gặp, lãnh đạo Bắc Hàn và Trung Quốc đều phát biểu về việc thực hiện những thoả thuận đã đạt được giữa hai lãnh đạo cấp cao trước đó.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc hợp tác với Bắc Hàn vì hòa bình khu vực và toàn cầu, ổn định và thịnh vượng. Hồi đầu năm nay, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng cường quan hệ hai nước.

Bắc Hàn hiện đang chịu các cấm vận của Mỹ và các nước Phương Tây do chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Hà Nội và Bình Nhưỡng thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ vào năm 2025 tới.

Hà Nội cũng là nơi đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên hai bên đã không đạt được thảo thuận nào.

Nguồn : RFA, 22/03/2024

******************************

Bắc Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam và Lào

Thu Hằng, RFI, 22/03/2024

Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, Bắc Triều Tiên cử phái đoàn ngoại giao công du ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào để thắt chặt quan hệ. Phái đoàn đã đến Trung Quốc ngày 21/03/2024 và được ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), nhân vật số 4 của Đảng cộng sản Trung Quốc, tiếp đón.

bachan2

Bắc Triều Tiên cử một phái đoàn ngoại giao đến Trung Quốc nhằm thắt chặt quan hệ song phương. AFP - ED JONES

Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ông cũng được chế độ Bình Nhưỡng coi là "chuyên gia về Trung Quốc", thường được cử làm phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

Trong cuộc gặp với ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Kim Song Nam đã bày tỏ mong muốn của Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ song phương sẽ "mở ra một chương mới trong lịch sử dưới định hướng chiến lược của hai nhà lãnh đạo".

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, được trang NHK trích dẫn, cho biết ông Vương Hỗ Ninh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng để tăng cường trao đổi chiến lược, cùng phối hợp xây dựng một môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định. Ông Vương Hỗ Ninh dường như cũng đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiêu.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng. Năm 2024 cũng được hai nước chọn làm Năm Hữu nghị Cộng hòa dân chủ Triều Tiên - Trung Quốc. Theo nhận định của một chuyên gia với đài NHK, Bình Nhưỡng muốn tăng cường mối quan hệ ba bên với Trung Quốc và Nga để làm đối trọng với trục Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ.

Trong một bản tin trước đó, cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết phái đoàn cũng thăm Việt Nam và Lào, nhưng không nêu mục đích chuyến đi. Đây là chuyến công du hiếm hoi kể từ khi Bắc Triều Tiên đóng cửa chống dịch. Đầu tháng 03, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Pak Myong Ho đã đến thăm Mông Cổ.

Thu Hằng

****************************

Bất chấp lệnh trừng phạt, Bắc Triều Tiên vẫn xuất khẩu lao động để có thu nhập

Thùy Dương, RFI, 22/03/2024

Bất chấp các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, hiện giờ vẫn có khoảng 100.000 người Bắc Triều Tiên tiếp tục làm việc ở nước ngoài để mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đô la cho chế độ Bình Nhưỡng và con số này còn có thể tăng cao hơn nhiều trong những năm tới. Đây là những kết luận trong báo cáo của một Ủy ban Liên Hiệp Quốc được công bố trong tháng 03/2024.

bachan3

Công nhân Bắc Triều Tiên tại thành phố Đan Đông (Dandong) tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), Trung Quốc. AP - Ảnh chụp ngày 05/12/2019

Từ Séoul, thông tín viên Nicolas Rocca hôm 21/03/2024 cho biết thêm chi tiết :

"Cho dù biên giới Bắc Triều Tiên lâu nay đóng cửa và bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, dường như vẫn có 100.000 người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. Báo cáo của ủy ban chuyên gia về các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên nêu cụ thể các lĩnh vực mà nhân công nước này hoạt động. Những người lao động này làm việc ở khoảng 40 nước, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng và y tế.

Hoạt động xuất khẩu lao động theo truyền thống của chế độ Bình Nhưỡng lẽ ra đã phải kết thúc vào tháng 12/2019, hạn chót mà tất cả các nước phải cho hồi hương nhân công Bắc Triều Tiên theo Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an LHQ. Thế nhưng, các thanh tra khẳng định tất cả các nước không tuân thủ lệnh trừng phạt, đặc biệt là hai nước đón tiếp nhiều lao động Bắc Triều Tiên nhất. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ tên hai nước này. 

Sự hiện diện của nhân công Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc, hoặc thợ khai thác gỗ và công nhân xây dựng của Bắc Triều Tiên ở miền đông nước Nga đã được ghi nhận nhiều lần. Những người lao động này sẽ mang lại thu nhập hàng năm hơn 500 triệu đô la cho Bình Nhưỡng. Con số này sẽ có thể cao hơn thế nhiều. Các chuyên gia khẳng định là sau khi mở cửa biên giới, chế độ Bình Nhưỡng có lẽ sẽ gửi nhiều lao động ra nước ngoài, dường như họ đã ký kết các thỏa thuận xuất khẩu 400.000 lao động Bắc Triều Tiên".

Thùy Dương

*****************************

Mỹ - Nhật – Hàn hối thúc cộng đồng quốc tế cho hồi hương lao động Bắc Triều Tiên

Minh Anh, RFI, 07/04/2023

Hôm 07/04/2023, kết thúc cuộc họp tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc, đặc sứ về hạt nhân của ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế cho hồi hương tất cả những người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. 

bachan4

Đại diện Mỹ (phải) và Hàn Quốc họp bàn về hồ sơ Bắc Triều Tiên tại bộ Ngoại Giao, Seoul, Hàn Quốc, ngày 06/04/2023 via Reuters - Pool

Theo Yonhap, trong một thông cáo chung, các nhà đàm phán hạt nhân, ông Kim Gunn đại diện cho Hàn Quốc, Sung Kim – đặc sứ Mỹ – và ông Takehiro Funakoshi của Nhật Bản cho rằng Bắc Triều Tiên đã đưa một đội quân tin học đông đảo làm việc ở nước ngoài dưới những vỏ bọc giả để tránh các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ba đặc sứ cáo buộc Bình Nhưỡng đã sử dụng nguồn thu nhập từ những lao động trên để "tài trợ cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp" của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. 

Trước giới báo chí, đặc sứ hạt nhân của Hàn Quốc nhấn mạnh, để "chống lại một cách hiệu quả" mọi hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng và ngăn chặn các nguồn thu nhập của quốc gia láng giềng phương Bắc, ba nước Mỹ – Nhật – Hàn sẽ thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả việc cho hồi hương người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. 

Hôm qua, Hàn Quốc cảnh cáo sẽ có những "biện pháp cần thiết" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục sử dụng khu phức hợp công nghiệp chung tại Bắc Triều Tiên mà không có sự đồng tình từ Seoul. Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của sự hòa giải hai miền, từng tuyển dụng đến hơn 50 ngàn công nhân Bắc Triều Tiên sản xuất các sản phẩm từ đồng hồ đến quần áo cho khoảng 125 doanh nghiệp Hàn Quốc. 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, Thu Hằng, Thùy Dương, Minh Anh
Read 344 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)