Việt Nam giúp được gì Bắc Triều Tiên để gỡ thế cô lập ?
Vũ Xuân Khang, Thu Hằng, RFI, 15/04/2024
Bắc Triều Tiên muốn "tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam lên một tầm cao mới". Sau nhiều năm đóng cửa chống dịch Covid-19, Bình Nhưỡng dường như đang nối lại hoạt động ngoại giao với các nước bằng hữu trong vùng và ASEAN, trong bối cảnh "bị cô lập", một phần là do phải đóng cửa nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong dạ tiệc chiêu đãi tối 01/03/2019 tại Hà Nội, Việt Nam. AP
Khi chọn đến thăm ba nước, Trung Quốc - đối tác hàng đầu, Việt Nam - nước có cùng hệ tư tưởng và Lào - nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024, chính quyền Bình Nhưỡng muốn khẳng định "vẫn còn bạn". Trưởng đoàn Kim Song-nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, nhấn mạnh mục đích chuyến thăm Việt Nam từ 25-28/03 là "nhằm tăng cường phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đảng, hai nước".
Vấn đề hợp tác kinh tế được đề cập ở quy mô địa phương khi phái đoàn Bắc Triều Tiên thăm thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/03. Theo trang Chính sách & Cuộc sống, bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ "mong muốn hợp tác", "mở rộng đầu tư giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Triều Tiên". Theo dự kiến, vào tháng 06, một phái đoàn của thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi thăm và làm việc tại Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hà Nội có thể hợp tác với Bình Nhưỡng trên những lĩnh vực nào trong bối cảnh Bắc Triều Tiên bị trừng phạt quốc tế, còn Việt Nam thắt chặt hợp tác với hai đối thủ của chế độ Kim Jong-un là Hàn Quốc và Hoa Kỳ ? Liệu Bắc Triều Tiên có thể trông cậy vào Việt Nam để phá vỡ bớt thế cô lập trên trường quốc tế ?
RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ, để hiểu thêm về vấn đề này.
*****
RFI : Việt Nam là một trong ba nước (Trung Quốc và Lào) nằm trong chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song-nam dẫn đầu. Mục đích của chuyến công du này là gì ?
Vũ Xuân Khang : Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2023 đã đóng cửa ít nhất 7 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó có một số cơ quan đóng ở các đối tác truyền thống như Uganda và Angola, hai quốc gia mà Bắc Triều Tiên duy trì hiện diện ở Châu Phi. Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên cũng đóng cửa lãnh sự quán ở Hồng Kông.
Việc đóng cửa các cơ quan đại diện ở nước ngoài cho thấy Bắc Triều Tiên đang gặp những khó khăn về kinh tế do cấm vận quốc tế và họ không còn nguồn tiền để duy trì các cơ quan đại diện được cho là không mang lại đủ lợi ích kinh tế cho đất nước. Cũng cần hiểu rằng do Bắc Triều Tiên bị cấm vận quốc tế nên từ trước đến nay, họ luôn dựa vào những cơ quan đại diện ở nước ngoài để mang ngoại tệ về nước. Cho nên việc đóng cửa những cơ quan này là một chỉ dấu cho thấy những biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc đang có hiệu quả rõ rệt và làm giảm số lượng cơ quan đại diện nước ngoài của Bắc Triều Tiên xuống còn 44.
Có thể thấy là việc đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện đang đẩy Bắc Triều Tiên vào tình thế bị cô lập, trong khi nước đối địch là Hàn Quốc ngày càng mở rộng mạng lưới ngoại giao. Gần đây nhất, Seoul đã thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, một đồng minh ý thức hệ quan trọng của Bắc Triều Tiên. Nếu nhìn rộng hơn, khi so sánh giữa số lượng các nước mà Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có quan hệ ngoại giao hoặc là có trụ sở đại diện nước ngoài thì Hàn Quốc có khoảng 180, trong khi Bắc Triều Tiên hiện chỉ còn 44.
Việc Bắc Triều Tiên không đóng cửa cơ quan đại diện ở Việt Nam, cũng như Việt Nam nằm trong chuyến công du ba nước của phái đoàn Bắc Triều Tiên cho thấy rằng Bình Nhưỡng vẫn rất coi trọng mối quan hệ truyền thống với Hà Nội, rộng hơn là đối với các nước cộng sản Châu Á khác khi phái đoàn Bắc Triều Tiên cũng đến thăm Trung Quốc và Lào. Mục đích chính của chuyến thăm này là nhằm giảm bớt sự cô lập của chính quyền Bình Nhưỡng sau khi phải đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện ở nước ngoài.
RFI : Vậy Bắc Triều Tiên đặt kỳ vọng gì khi thăm Việt Nam ?
Vũ Xuân Khang : Quan hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên trên đà phát triển trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 khi Bắc Triều Tiên có những chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam và đỉnh điểm là chuyến thăm của chủ tịch Kim Jong-un đến Hà Nội vào cuối tháng 02/2019 để tham dự thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đó cũng là lần đầu tiên một lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên đến thăm Việt Nam kể từ chuyến thăm Hà Nội năm 1964 của chủ tịch Kim Nhật Thành.
Hai nước đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới kinh tế, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch. Bắc Triều Tiên mong muốn thúc đẩy du lịch với Việt Nam và hai nước đã có những cuộc đối thoại về mở đường bay thẳng. Chương trình Cuộc đua kỳ thú phiên bản Việt Nam năm 2019 đã được Bắc Triều Tiên cấp phép quay một chặng đua ở Bình Nhưỡng để quảng bá hình ảnh Bắc Triều Tiên rộng rãi hơn đến khán giả Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện chưa từng có tiền lệ khi mà Bắc Triều Tiên cho phép một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài quay phim ở Bình Nhưỡng. Mặc dù chương trình truyền hình thực tế này không phải là quay trực tiếp nhưng đó cũng là một chỉ dấu rất lớn cho thấy Bắc Triều Tiên muốn mở cửa với thế giới và ít nhất là đối với những đối tác truyền thống như Việt Nam.
Nhưng sau đó, quan hệ Việt Nam-Bắc Triều Tiên bị chững lại sau năm 2019 do đại dịch Covid-19 khi cả hai nước đóng cửa biên giới. Bắc Triều Tiên mới chỉ mở lại biên giới một cách hạn chế từ giữa năm 2023 để đón phái đoàn từ Nga và Trung Quốc đến tham dự 70 năm ký kết hiệp định đình chiến hai miền Triều Tiên. Đầu năm nay (2024), Bắc Triều Tiên đã đón những đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến từ Nga sau hơn 4 năm chống dịch. Hiện giờ Bắc Triều Tiên cũng chỉ mới cấp lại visa đối với những thương nhân của Trung Quốc để nối lại kinh tế giữa hai nước.
Bắc Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu du lịch trong nước để sớm có thể mở rộng công nghiệp du lịch để đón khách nước ngoài. Cần phải nhắc lại rằng công nghiệp du lịch là một trong những nguồn thu không bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, nhờ đó Bắc Triều Tiên có thể thu được ngoại tệ từ nước ngoài một cách hợp pháp.
Có thể thấy Bắc Triều Tiên mong muốn nối lại hợp tác kinh tế và du lịch, được hai nước đã thỏa thuận trước dịch 2019, thông qua chuyến thăm của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song-nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, dẫn đầu. Với việc Bắc Triều Tiên đã đóng cửa một lượng lớn các cơ quan đại diện ở nước ngoài thì những nước mà họ vẫn còn giữ đại diện, như Việt Nam, sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong chính sách ngoại giao của Bắc Triều Tiên trong thời gian tới.
RFI : Hà Nội có thể làm được gì cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh chế độ Kim Jong-un đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế, còn Việt Nam lại thắt chặt quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc ?
Vũ Xuân Khang : Thực ra, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên đã không còn được như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khi Bắc Triều Tiên giúp đỡ chính quyền Hà Nội bảo vệ không phận miền Bắc trong các cuộc ném bom của Mỹ. Đặc biệt hơn, chính chủ tịch Kim Nhật Thành còn ngỏ ý với chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ rằng Bắc Triều Tiên sẵn sàng gửi cả lính đánh bộ nếu như Hà Nội cho phép.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992, quan hệ Việt - Hàn đã phát triển nhanh chóng nhờ chia sẽ lợi ích về kinh tế. Trái lại, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên bị chững lại do Bắc Triều Tiên gặp khủng hoảng kinh tế và họ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Khủng hoảng kinh tế của Bắc Triều Tiên tồi tệ đến mức Bình Nhưỡng không đủ tiền để trả những khoản nợ mua gạo của Việt Nam vào năm 1996. Chính những điều này đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam nhận thấy có thể phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên và giúp đỡ nước này tránh được các lệnh trừng phạt quốc tế nhờ sử dụng cảng biển của Việt Nam để trao đổi hàng hóa bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, như than đá, dầu mỏ. Tuy nhiên, những triển vọng này đang ngày càng giảm khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều nỗ lực thuyết phục Hà Nội thi hành các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên trong các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Việt Nam.
Đơn cử là vào chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc vào tháng 06/2023, ông Yoon Suk-yeol đã trực tiếp kêu gọi Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á khác, coi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa cho an ninh của khu vực. Tổng thống Hàn Quốc cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để kiềm chế mối đe dọa an ninh từ Bắc Triều Tiên.
Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải "cân đo đong đếm" quan hệ, lợi ích kinh tế với Hàn Quốc và Mỹ so với Bắc Triều Tiên. Và rõ ràng hiện giờ mối quan hệ kinh tế của Việt Nam đối với Hàn Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn là lợi ích kinh tế của Việt Nam với Bắc Triều Tiên. Do vậy, khả năng cao là Hà Nội vẫn sẽ chỉ giúp đỡ được Bình Nhưỡng trong khuôn khổ không làm tổn hại đến lợi ích kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc.
RFI : Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử một phái đoàn đến Bình Nhưỡng vào tháng 06, có thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế. Việc cử một phái đoàn cấp địa phương liệucó phải để nhằm tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác như Mỹ, Hàn Quốc ?
Vũ Xuân Khang : Thực ra, nếu như chính phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Bình Nhưỡng thì cũng giống như một cuộc gặp đáp lễ cho chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song-nam dẫn đầu. Thay vì chính quyền Hà Nội gửi một phái đoàn đến Bắc Triều Tiên mà chỉ là một phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh có thể cho thấy rằng Việt Nam không muốn phá hoại quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hàn Quốc hoặc là quan hệ Việt Nam với Mỹ.
Cần phải nói rõ việc gửi phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế, nhất là về du lịch giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên và không gửi bất kỳ một tín hiệu nào là Hà Nội ủng hộ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 15/04/2024
Đọc thêm :
Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao
Việt Nam – Bắc Triều Tiên : Tham vọng hợp tác văn hóa và đào tạo
Mô hình kinh tế Việt Nam chưa hẳn có hấp lực với Bắc Triều Tiên
****************************
Bắc Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam và Lào
Thu Hằng, RFI, 22/03/2024
Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, Bắc Triều Tiên cử phái đoàn ngoại giao công du ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào để thắt chặt quan hệ. Phái đoàn đã đến Trung Quốc ngày 21/03/2024 và được ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), nhân vật số 4 của Đảng cộng sản Trung Quốc, tiếp đón.
Đại sứ quán Bắc Hàn ở Hà Nội
Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là ông Kim Song-nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ông cũng được chế độ Bình Nhưỡng coi là "chuyên gia về Trung Quốc", thường được cử làm phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Trong cuộc gặp với ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Kim Song-nam đã bày tỏ mong muốn của Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ song phương sẽ "mở ra một chương mới trong lịch sử dưới định hướng chiến lược của hai nhà lãnh đạo".
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, được trang NHK trích dẫn, cho biết ông Vương Hỗ Ninh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng để tăng cường trao đổi chiến lược, cùng phối hợp xây dựng một môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định. Ông Vương Hỗ Ninh dường như cũng đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiêu.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng. Năm 2024 cũng được hai nước chọn làm Năm Hữu nghị Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên - Trung Quốc. Theo nhận định của một chuyên gia với đài NHK, Bình Nhưỡng muốn tăng cường mối quan hệ ba bên với Trung Quốc và Nga để làm đối trọng với trục Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ.
Trong một bản tin trước đó, cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết phái đoàn cũng thăm Việt Nam và Lào, nhưng không nêu mục đích chuyến đi. Đây là chuyến công du hiếm hoi kể từ khi Bắc Triều Tiên đóng cửa chống dịch. Đầu tháng 3, một phái đoàn do thứ trưởng ngoại giao Pak Myong-ho đã đến thăm Mông Cổ.
Thu Hằng
Đoàn lãnh đạo cấp cao Bắc Hàn sang thăm Việt Nam, củng cố quan hệ xã hội chủ nghĩa
RFA, 22/03/2024
Bắc Hàn vừa gửi một đoàn đại biểu cấp cao tới thăm các nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào trong nỗ lực gia tăng quan hệ ngoại giao sau thời kỳ phong toả do đại dịch Covid-19. Hãng tin Reuters loan tin này theo thông báo của cơ quan thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 1/3/2019 - AFP
Theo KCNA, đoàn của Đảng Lao động Triều Tiên do ông Kim Song Nam - ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban đối ngoại Ban chấp hành Trung ương - dẫn đầu đã đến Bắc Kinh vào ngày 21/3.
Theo báo Tuổi Trẻ, chuyến đi này được cho là nhằm tăng cường quan hệ giữa Triều Tiên (Bắc Hàn) với các nước xã hội chủ nghĩa.
Sau khi đến Trung Quốc, đoàn sẽ đến Việt Nam và cuối cùng là Lào, theo KCNA.
Tại Bắc Kinh, đoàn Bắc Hàn đã gặp ông Vương Hỗ Ninh - lãnh đạo cấp cao thứ tư trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và ông Lưu Kiến Siêu - Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Reuters dẫn tin từ đài phát thanh nhà nước Trung Quốc cho biết ông Vương Hỗ Ninh nói Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Bắc Hàn để thúc đẩy tình hữu nghị, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết và hợp tác, tăng cường trao đổi chiến lược và cùng nhau tạo dựng một môi trường đối ngoại hòa bình và ổn định.
Trong các cuộc gặp, lãnh đạo Bắc Hàn và Trung Quốc đều phát biểu về việc thực hiện những thoả thuận đã đạt được giữa hai lãnh đạo cấp cao trước đó.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc hợp tác với Bắc Hàn vì hòa bình khu vực và toàn cầu, ổn định và thịnh vượng. Hồi đầu năm nay, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng cường quan hệ hai nước.
Bắc Hàn hiện đang chịu các cấm vận của Mỹ và các nước Phương Tây do chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Hà Nội và Bình Nhưỡng thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ vào năm 2025 tới.
Hà Nội cũng là nơi đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên hai bên đã không đạt được thảo thuận nào.
Nguồn : RFA, 22/03/2024
******************************
Bắc Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam và Lào
Thu Hằng, RFI, 22/03/2024
Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, Bắc Triều Tiên cử phái đoàn ngoại giao công du ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào để thắt chặt quan hệ. Phái đoàn đã đến Trung Quốc ngày 21/03/2024 và được ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), nhân vật số 4 của Đảng cộng sản Trung Quốc, tiếp đón.
Bắc Triều Tiên cử một phái đoàn ngoại giao đến Trung Quốc nhằm thắt chặt quan hệ song phương. AFP - ED JONES
Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ông cũng được chế độ Bình Nhưỡng coi là "chuyên gia về Trung Quốc", thường được cử làm phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.
Trong cuộc gặp với ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Kim Song Nam đã bày tỏ mong muốn của Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ song phương sẽ "mở ra một chương mới trong lịch sử dưới định hướng chiến lược của hai nhà lãnh đạo".
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, được trang NHK trích dẫn, cho biết ông Vương Hỗ Ninh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng để tăng cường trao đổi chiến lược, cùng phối hợp xây dựng một môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định. Ông Vương Hỗ Ninh dường như cũng đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiêu.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng. Năm 2024 cũng được hai nước chọn làm Năm Hữu nghị Cộng hòa dân chủ Triều Tiên - Trung Quốc. Theo nhận định của một chuyên gia với đài NHK, Bình Nhưỡng muốn tăng cường mối quan hệ ba bên với Trung Quốc và Nga để làm đối trọng với trục Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ.
Trong một bản tin trước đó, cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết phái đoàn cũng thăm Việt Nam và Lào, nhưng không nêu mục đích chuyến đi. Đây là chuyến công du hiếm hoi kể từ khi Bắc Triều Tiên đóng cửa chống dịch. Đầu tháng 03, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Pak Myong Ho đã đến thăm Mông Cổ.
Thu Hằng
****************************
Bất chấp lệnh trừng phạt, Bắc Triều Tiên vẫn xuất khẩu lao động để có thu nhập
Thùy Dương, RFI, 22/03/2024
Bất chấp các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, hiện giờ vẫn có khoảng 100.000 người Bắc Triều Tiên tiếp tục làm việc ở nước ngoài để mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đô la cho chế độ Bình Nhưỡng và con số này còn có thể tăng cao hơn nhiều trong những năm tới. Đây là những kết luận trong báo cáo của một Ủy ban Liên Hiệp Quốc được công bố trong tháng 03/2024.
Công nhân Bắc Triều Tiên tại thành phố Đan Đông (Dandong) tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), Trung Quốc. AP - Ảnh chụp ngày 05/12/2019
Từ Séoul, thông tín viên Nicolas Rocca hôm 21/03/2024 cho biết thêm chi tiết :
"Cho dù biên giới Bắc Triều Tiên lâu nay đóng cửa và bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, dường như vẫn có 100.000 người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. Báo cáo của ủy ban chuyên gia về các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên nêu cụ thể các lĩnh vực mà nhân công nước này hoạt động. Những người lao động này làm việc ở khoảng 40 nước, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng và y tế.
Hoạt động xuất khẩu lao động theo truyền thống của chế độ Bình Nhưỡng lẽ ra đã phải kết thúc vào tháng 12/2019, hạn chót mà tất cả các nước phải cho hồi hương nhân công Bắc Triều Tiên theo Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an LHQ. Thế nhưng, các thanh tra khẳng định tất cả các nước không tuân thủ lệnh trừng phạt, đặc biệt là hai nước đón tiếp nhiều lao động Bắc Triều Tiên nhất. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ tên hai nước này.
Sự hiện diện của nhân công Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc, hoặc thợ khai thác gỗ và công nhân xây dựng của Bắc Triều Tiên ở miền đông nước Nga đã được ghi nhận nhiều lần. Những người lao động này sẽ mang lại thu nhập hàng năm hơn 500 triệu đô la cho Bình Nhưỡng. Con số này sẽ có thể cao hơn thế nhiều. Các chuyên gia khẳng định là sau khi mở cửa biên giới, chế độ Bình Nhưỡng có lẽ sẽ gửi nhiều lao động ra nước ngoài, dường như họ đã ký kết các thỏa thuận xuất khẩu 400.000 lao động Bắc Triều Tiên".
Thùy Dương
*****************************
Mỹ - Nhật – Hàn hối thúc cộng đồng quốc tế cho hồi hương lao động Bắc Triều Tiên
Minh Anh, RFI, 07/04/2023
Hôm 07/04/2023, kết thúc cuộc họp tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc, đặc sứ về hạt nhân của ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế cho hồi hương tất cả những người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Đại diện Mỹ (phải) và Hàn Quốc họp bàn về hồ sơ Bắc Triều Tiên tại bộ Ngoại Giao, Seoul, Hàn Quốc, ngày 06/04/2023 via Reuters - Pool
Theo Yonhap, trong một thông cáo chung, các nhà đàm phán hạt nhân, ông Kim Gunn đại diện cho Hàn Quốc, Sung Kim – đặc sứ Mỹ – và ông Takehiro Funakoshi của Nhật Bản cho rằng Bắc Triều Tiên đã đưa một đội quân tin học đông đảo làm việc ở nước ngoài dưới những vỏ bọc giả để tránh các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ba đặc sứ cáo buộc Bình Nhưỡng đã sử dụng nguồn thu nhập từ những lao động trên để "tài trợ cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp" của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Trước giới báo chí, đặc sứ hạt nhân của Hàn Quốc nhấn mạnh, để "chống lại một cách hiệu quả" mọi hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng và ngăn chặn các nguồn thu nhập của quốc gia láng giềng phương Bắc, ba nước Mỹ – Nhật – Hàn sẽ thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả việc cho hồi hương người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.
Hôm qua, Hàn Quốc cảnh cáo sẽ có những "biện pháp cần thiết" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục sử dụng khu phức hợp công nghiệp chung tại Bắc Triều Tiên mà không có sự đồng tình từ Seoul. Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của sự hòa giải hai miền, từng tuyển dụng đến hơn 50 ngàn công nhân Bắc Triều Tiên sản xuất các sản phẩm từ đồng hồ đến quần áo cho khoảng 125 doanh nghiệp Hàn Quốc.
Minh Anh
Hà Nội trả lời vụ ‘Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam’ (VOA, 06/09/2017)
Chính quyền trong nước hôm 6/9 đã lên tiếng phản hồi về thông tin Bình Nhưỡng "chuyển hướng đưa than sang Việt Nam", bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc và nhiều khả năng đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ.
Binh sĩ Bắc Hàn dọn than ở thị trấn Sinuiju, đối diện với Trung Quốc hôm 29/12/2011.
Trả lời VOA tiếng Việt liên quan tới báo cáo của Liên Hiệp Quốc [Liên Hiệp Quốc] về việc Bắc Hàn "xuất than sang các nước thành viên [Liên Hiệp Quốc] khác là Malaysia và Việt Nam", sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói :
"Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371".
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói "Việt Nam luôn luôn tuân thủ với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Nghị quyết Hà Nội đề cập ở trên được thông qua ngày 5/8, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản. Biện pháp này được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể lên tới một tỷ đôla.
Trung Quốc sau đó đã ngưng nhập than của Bắc Hàn, và hãng tin Kyodo của Nhật dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc nói rằng Bắc Hàn tiếp tục xuất than sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay.
Phúc trình do một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an thực hiện nhận định rằng việc "thực thi lỏng lẻo" các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như "các kỹ thuật ‘lách’" của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam hiện có duy trì quan hệ thương mại với Bắc Hàn hay có gửi viện trợ cho Bắc Hàn trong vòng hai năm qua hay không.
Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng, đầu năm nay, "tại trụ sở Ủy Ban Liên lạc Văn hóa Đối ngoại Triều Tiên, Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc".
Bản tin ngắn viết tiếp : "Với số lượng phân bón trên, hy vọng Nông trường Mi Cốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và tăng sản lượng nông nghiệp năm 2017, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước vốn được các vị lãnh đạo dày công gây dựng và vu đắp".
Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Phạm Việt Hùng trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam. (Ảnh: TTXVN, 30/09/2017)
Trong năm 2015, ông Hùng đã "thăm Trường Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng và trao tặng Bộ môn tiếng Việt, Khoa ngôn ngữ Dân tộc của trường 3 bộ máy vi tính và 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12".
Cũng theo trang web của cơ quan đại diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng, "năm 1996, Triều Tiên mua 2 vạn tấn gạo nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán, cả gốc và lãi nay là 17 triệu USD" và "từ đó tới nay hai nước hầu như không buôn bán với nhau".
Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng "12 nghìn tấn gạo".
*********************
Bất chấp Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam ? (VOA, 05/09/2017)
Bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Bắc Hàn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng cấm sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay, một phúc trình cho hay.
Than đá của Bắc Hàn từng được xuất sang Trung Quốc.
Kyodo News dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) tiết lộ như vậy từ tháng trước, nhưng thông tin này mới nổi lên sau khi Hoa Kỳ tuyên bố cân nhắc trừng phạt bất kỳ nước nào làm ăn với Bình Nhưỡng, tiếp sau việc Bắc Hàn thực hiện vụ thử hạt nhân.
Hãng tin Nhật trích phúc trình viết rằng "sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, Bình Nhưỡng đã chuyển hướng xuất than sang các nước thành viên [Liên Hiệp Quốc] khác là Malaysia và Việt Nam".
Ngoài Kyodo News, kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc cũng đưa tin về hành động bất chấp Liên Hiệp Quốc của Bắc Hàn.
Theo báo cáo, được tổng hợp bởi một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi, viết rằng "việc thực thi lỏng lẻo" các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như "các kỹ thuật ‘lách’" của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Phúc trình này cũng nhắc tới vụ sát hại anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un ở Malaysia đầu năm nay mà hai nữ nghi phạm Việt Nam Đoàn Thị Hương bị cáo buộc có dính líu.
Phúc trình này cũng nhắc tới vụ sát hại người anh em cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un ở Malaysia đầu năm nay mà hai nữ nghi phạm Indonesia và Việt Nam bị cáo buộc có dính líu.
Đầu tháng trước, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản.
Tới tối 4/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi về thông tin Bắc Hàn xuất than sang nước mình.
Cùng ngày, phát biểu tại một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đại sứ Mỹ Nikki Haley dường như dường như đã củng cố thêm các tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Tổng thống Donald Trump về việc có thể trừng phạt các nước làm ăn với Bắc Hàn.
Kênh truyền hình ABC trích lời bà nói : "Hoa Kỳ sẽ xem xét mọi quốc gia làm ăn với Bắc Hàn và coi đó là việc viện trợ các kế hoạch hạt nhân nguy hiểm và liều lĩnh của họ [Bắc Hàn]".