Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/03/2024

Nạn buôn người hoành hành ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

BBC tổng hợp

Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á

BBC, 30/03/2024

Nhiều nạn nhân người Việt Nam sa vào các đường dây lừa đảo, buôn người. Interpol cho biết từ Đông Nam Á, hoạt động buôn người đã hòa vào mạng lưới toàn cầu, với doanh thu bất hợp pháp lên tới 3.000 tỷ USD mỗi năm.

buonnguoi1

Cảnh sát Indonesia bắt giữ các nghi phạm vì tội buôn người

"Ban đầu là một mối đe dọa tội phạm ở Đông Nam Á, giờ đây đã trở thành cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu, liên lụy đến hàng triệu nạn nhân, bao gồm những người bị nhốt ở các trung tâm lừa đảo qua mạng lẫn những nạn nhân trực tuyến".

Trên đây là phát biểu của ông Jurgen Stock, Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), tại cuộc họp báo của cơ quan điều phối cảnh sát toàn cầu của InterpoI ở Singapore vào hôm 27/3 được Reuters dẫn lại.

Ông Jurgen Stock cho biết các trung tâm buôn người và lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á vốn phát triển mạnh trong đại dịch Covid-19 nay đã lan rộng thành một mạng lưới tội phạm trải rộng khắp thế giới.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu

"Tính ẩn danh trực tuyến, các hình thức kinh doanh mới và Covid-19 đã giúp cho các băng đảng tội phạm có tổ chức này hoạt động với quy mô không thể tưởng tượng được so với một thập kỷ trước", ông Jurgen Stock nói.

Đại diện Interpol cho biết những trung tâm này dụ dỗ nạn nhân bằng lời hứa về công ăn việc làm tử tế, sau đó bắt nạn nhân phải tạo nguồn thu cho chúng từ việc buôn bán ma túy.

Theo ông Stock, buôn bán ma túy đóng góp từ 40 - 70% doanh thu của các băng đảng tội phạm này. Vị tổng thư ký của Interpol cho biết thêm các nhóm tội phạm này còn sử dụng tuyến đường vận chuyển ma túy cho việc buôn người, buôn vũ khí, trộm xe và các sản phẩm khác.

"Ngày nay, các ngân hàng, hay bất kể ai, đều dễ dàng bị cướp bằng bàn phím bởi một người nào đó bên kia đại dương hơn là bị cướp bằng súng", CNN dẫn lời nhận định của ông Stock.

Các nạn nhân từ khắp Châu Á thường bị lừa làm những công việc có vẻ hợp pháp trong khu vực và sau đó bị buôn bán vào các tổ hợp lừa đảo. Tại đó, họ buộc phải chịu đựng sự lạm dụng nghiêm trọng, bao gồm lao động cưỡng bức, bị giam giữ tùy tiện, bị đối xử tệ hại hoặc bị tra tấn – thường không có sự trợ giúp từ chính quyền địa phương hoặc có nhưng rất ít.

Đông Nam Á là điểm nóng

buonnguoi2

Một nạn nhân người Malaysia được giải cứu trong năm 2022. Anh bị lừa sang Myanmar với lời quảng cáo về công việc lương cao.

Một báo cáo được xuất bản vào tháng 8/2023 của Liên Hợp Quốc cho biết có hàng trăm ngàn người đã sa vào các mạng lưới lừa đảo trực tuyến.

Báo cáo cho thấy ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia có thể bị giam giữ và buộc phải thực hiện các hoạt động lừa đảo trực tuyến sinh lợi, từ cờ bạc bất hợp pháp đến lừa đảo tiền điện tử.

Các quốc gia khác bao gồm Lào, Philippines và Thái Lan cũng được xác định là những điểm đến chính của nạn nhân hoặc là nơi quá cảnh.

Trước đó vào giữa tháng 3/2024, cảnh sát Philippines đã đột kích một trung tâm lừa đảo và giải cứu 383 người Philippines, 202 người Trung Quốc và 73 người ngoại quốc khác. Vụ đột kích này xuất phát từ việc một nạn nhân người Việt Nam trước đó đã trốn thoát khỏi trung tâm lừa đảo nói trên và báo với chính quyền.

Vào năm 2022, BBC đã tiến hành điều tra một loạt hoạt động lừa đảo , dụ dỗ nạn nhân người Việt Nam sang Campuchia làm việc trong các đường dây liên quan đến cờ bạc. Sau khi sập bẫy, những người này phải làm việc như nô lệ và bị đe dọa tính mạng nếu tìm cách trốn thoát.

Những phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc cũng là nạn nhân của nạn buôn người này.

Bà Lương Hồng Loan, Giám đốc Chương trình của Pacific Links Foundation - một tổ chức phi chính phủ hoạt động tích cực phòng chống nạn mua bán người tại các vùng biên giới Việt Nam - từng nói với BBC News tiếng Việt vào tháng 11/2023 :

"Đưa người sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch vẫn diễn ra trước và sau khi Trung Quốc mở cửa sau dịch Covid vào tháng 2/2023. Chúng tôi đã giúp đỡ trường hợp bị ngay chính bạn thân, người thân lừa bán sang Trung Quốc. Thủ đoạn cũ như quen qua mạng, hẹn ra chợ sát biên giới, có những tên đồng bọn ép các nạn nhân và đưa vào các vùng sâu ở Trung Quốc. Chiêu trò tuy cũ nhưng họ vẫn bị mắc bẫy".

Báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam năm 2023 của Chính phủ Mỹ cho biết năm ngoái 121 đối tượng đã bị kết án tù giam về tội buôn người. Báo cáo đánh giá Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bài trừ nạn buôn người, nhưng đang có nhiều nỗ lực.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó liên quan đã thúc đẩy các hoạt động bất hợp pháp trên toàn khu vực với việc gia tăng công việc ảo và chuyển hoạt động kinh doanh sang những không gian ít được quản lý hơn.

Pia Oberoi, cố vấn cấp cao của OHCHR về Di cư và Nhân quyền ở Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết tình hình này diễn ra ở những nơi có quy định yếu kém và quản lý lỏng lẻo, chẳng hạn như các khu vực biên giới bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Myanmar hoặc đặc khu kinh tế ở Lào và Campuchia.

Nạn nhân của các hoạt động như vậy có thể bị lừa trung bình 160.000 USD mỗi người, thường thông qua các tập lệnh tinh vi được gửi qua các ứng dụng truyền thông xã hội không được kiểm soát.

BBC trước đây đã nói chuyện với những nạn nhân của các mạng lưới tội phạm này.

Nhiều người cho biết họ đến các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia và Myanmar vì các quảng cáo việc làm cũng như các hứa hẹn về lương thưởng. Khi đến nơi thì họ sập bẫy và bị đe dọa buộc phải tham gia lừa đảo. Những người trốn thoát và những người sống sót kể rằng họ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo.

"Những người bị ép buộc làm việc trong các hoạt động lừa đảo này phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo trong khi bị buộc phải thực hiện hành vi phạm pháp. Họ là nạn nhân. Họ không phải tội phạm", Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk nhấn mạnh.

Nguồn : BBC, 30/03/2024

***************************

Một người Việt chạy trốn, báo cảnh sát Philippines hốt trọn ổ lừa đảo tình yêu

BBC, 14/03/2024

Một người đàn ông Việt Nam đã leo tường, vượt sông để trốn khỏi một trung tâm lừa đảo ở Philippines, sau đó báo cảnh sát dẫn tới vụ đột kích giải cứu hơn 650 người.

buonnguoi3

Cảnh sát giải cứu hàng trăm nạn nhân khỏi trung tâm ở Bamban

Hàng trăm người vừa được giải thoát khỏi một trung tâm lừa đảo ở Philippines. Họ bị bắt đóng giả người tình trên mạng.

Cảnh sát cho biết họ đã đột kích trung tâm này vào hôm thứ Năm 14/3 và giải cứu 383 người Philippines, 202 người Trung Quốc và 73 người ngoại quốc khác.

Địa điểm này cách thủ đô Manila khoảng 100km về phía bắc và có vỏ bọc là một công ty cờ bạc trực tuyến.

Đông Nam Á đã trở thành một tụ điểm cho các trung tâm lừa đảo nơi mà ngay cả những kẻ gian manh cũng thường xuyên bị sập bẫy và buộc phải tham gia các hoạt động tội phạm.

Các nạn nhân trẻ và am hiểu công nghệ thường bị dụ dỗ thực hiện các hoạt động bất hợp pháp này, từ rửa tiền, lừa đảo tiền điện tử cho đến cái gọi là lừa đảo tình yêu, hay còn được biết đến với thuật ngữ “pig butchering” (mổ lợn). Thuật ngữ này được đặt theo phương pháp vỗ béo lợn trước khi lấy thịt.

Những hành vi phạm pháp này thường bắt đầu với việc kẻ lừa đảo sử dụng danh tính giả để chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của nạn nhân, sau đó đem đến cho họ ảo tưởng về mối quan hệ lãng mạn hoặc thân mật để thao túng và lấy tiền từ họ. Nạn nhân thường bị dụ dỗ đầu tư vào các hình thức kinh doanh giả mạo.

Cảnh sát cho hay cuộc tập kích hôm thứ Năm gần Manila bắt nguồn từ lời mật báo của một người đàn ông Việt Nam, người đã trốn thoát khỏi trung tâm lừa đảo vào tháng 2/2024.

Winston Casio, người phát ngôn của ủy ban tổng thống chống tội phạm có tổ chức, cho biết người đàn ông Việt Nam đang ở độ tuổi ngoài 30, vừa mới đến Philippines vào tháng 1 năm nay sau khi nhận được lời đề nghị làm đầu bếp.

Nhưng anh ta sớm nhận ra mình cũng như hàng trăm người khác đã sập bẫy của những kẻ buôn người chuyên lừa đảo tình yêu và tiền điện tử.

Theo lời ông Casio, những người bị cầm giữ tại trung tâm Bamban buộc phải gửi đi những lời đường mật cho các nạn nhân, mà nhiều người trong số đó đến từ Trung Quốc.

Ông cho biết thêm những kẻ điều hành các trung tâm như vậy sẽ bẫy những người ưa nhìn để dụ dỗ thêm các nạn nhân khác.

Vào ngày 28/2, người đàn ông Việt Nam đã trốn khỏi trung tâm bằng cách leo tường, vượt sông và ẩn náu tại một nông trại. Chủ nông trại sau đó báo với cảnh sát.

Nhóm của ông Casio đã đến gặp người đàn ông Việt Nam vào đầu tháng 3/2024 và nhận ra những dấu hiệu tra tấn, bao gồm các vết sẹo và các vết điện giật.

Casio bổ sung rằng một vài trường hợp khác đã cố gắng đào tẩu nhưng luôn bị bắt lại.

Cảnh sát thu giữ được 3 khẩu súng bắn đạn ghém, 1 khẩu súng lục đạn 9mm, 2 khẩu súng lục ổ quay nòng 0.38 và 42 viên đạn từ trung tâm.

Ông Casio cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra vì các nạn nhân được giải cứu hôm thứ Năm còn đang “run rẩy”.

Một báo cáo từ Liên Hợp Quốc vào tháng 8/2023 ước tính hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã bị vận chuyển lậu sang Đông Nam Á để phục vụ các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

BBC trước đây đã nói chuyện với những nạn nhân của các mạng lưới tội phạm này.

Nhiều người cho biết họ đến các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia và Myanmar vì các quảng cáo việc làm cũng như các hứa hẹn về lương thưởng. Khi đến nơi thì họ sập bẫy và bị đe dọa buộc phải tham gia lừa đảo. Những người trốn thoát và những người sống sót kể rằng họ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo.

Các chính phủ khắp châu Á, từ Indonesia cho đến Đài Loan, đã cảnh báo về sự gia tăng của những trung tâm lừa đảo kiểu này. Chẳng hạn, các đại sứ quán tại Campuchia và Thái Lan đã gửi lời cảnh báo đến công dân nước họ nhằm đề phòng việc bị dụ dỗ vào các trung tâm lừa đảo.

Nguồn : BBC, 14/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 364 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)