Tàu sân bay lớn nhất Trung Quốc lần đầu được thử nghiệm trên biển
Thùy Dương, RFI, 01/05/2024
Tàu sân bay mới Phúc Kiến, được xem là con át chủ bài của hải quân Trung Quốc, hôm nay, 01/05/2024, có chuyến thử nghiệm đầu tiên trên biển, theo thông báo của truyền thông Nhà nước. Phúc Kiến là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc (sau tàu Liêu Ninh và Sơn Đông) và là tàu lớn nhất được Trung Quốc tự đóng nhằm tăng cường khả năng răn đe và hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Phúc Kiến đang chuẩn bị từ xưởng đóng tàu tại Thượng Hải ra khơi thử nghiệm lần đầu, ngày 01/05/2024. AP - Pu Haiyang - Ảnh do Tân Hoa Xã công bố
Tân Hoa Xã cho biết tàu Phúc Kiến rời xưởng đóng tàu Giang Nam, phía đông Thượng Hải, vào khoảng 8 giờ sáng (giờ địa phương, 00h00 giờ GMT). Cuộc thử nghiệm chủ yếu cho phép "kiểm tra độ tin cậy và ổn định của hệ thống động cơ đẩy và hệ thống điện của tàu sân bay".
Theo các nhà phân tích của cơ quan tư vấn CSIS ở Washington, tàu sân bay Phúc Kiến có thể sẽ được trang bị hệ thống cất cánh tân tiến hơn, cho phép không quân Trung Quốc triển khai các máy bay có thể chở trọng tải lớn hơn và nhiều nhiên liệu hơn : "Con tàu này có thể sẽ trở thành tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và cải thiện đáng kể năng lực hải quân của Trung Quốc".
AFP nhắc lại là trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân, nhằm tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và thách thức hệ thống liên minh của Hoa Kỳ. Theo báo cáo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 01/2024, được Lầu Năm Góc trích dẫn, Trung Quốc hiện giờ có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang nhắm mục tiêu đến năm 2030 có được 435 tàu chiến.
Việc tăng cường này được cho là nhằm đối phó về mặt quân sự với Đài Loan trong trường hợp cần thiết, cũng như nhằm "đạt được mức độ kiểm soát hoặc thống lĩnh cao hơn tại khu vực hàng hải gần Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông". Bắc Kinh cũng muốn lực lượng hải quân Trung Quốc có khả năng ngăn chặn "sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột ở vùng biển gần Trung Quốc".
Thùy Dương
***************************
Hàn Quốc đàm phán gia nhập liên minh AUKUS với Mỹ, Anh và Úc
Thu Hằng, RFI, 01/04/2024
Hàn Quốc đàm phán tham gia "Trụ cột thứ 2" trong thỏa thuận quốc phòng AUKUS gồm Anh, Úc và Mỹ. Tại buổi họp báo ngày 01/05/2024 nhân chuyến công du Úc, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won Sik cho biết ba nước thành viên AUKUS "ủng hộ Hàn Quốc tham gia với tư cách đối tác" nhờ "kinh nghiệm về công nghệ và khoa học trong lĩnh vực quốc phòng có thể đóng góp cho hòa bình ở trong
Ngoại trưởng Cho Tae-yul (trái) và bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Shin Won-sik tại cuộc họp báo sau hội nghị quốc phòng- ngoại giao Úc- Hàn, ngày 01/05/2024, Melbourne, Úc. AP - Asanka Brendon Ratnayake
Ông Shin Won Sik cho biết vấn đề đã được thảo luận trong cuộc họp 2+2 quy tụ bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước tại Melbourne. Còn theo bộ trưởng quốc phòng Úc Richard Marles, Hàn Quốc có những công nghệ rất tốt, có chung giá trị và hợp tác chiến lược với nhiều nước khác, trong khi AUKUS là một thỏa thuận chia sẻ công nghệ, chứ không phải là một liên minh quân sự.
Bộ trưởng Richard Marles, được Reuters trích dẫn, tỏ ra tin tưởng "Hàn Quốc và Úc phối hợp với nhau để duy trì trật tự được dựa trên luật pháp ở trong vùng và trên thế giới". Ông cũng hoan nghênh những nỗ lực của Seoul trong việc tăng cường quan hệ với Tokyo, một đối tác trong Bộ Tứ - QUAD.
Trước đó, Nhật Bản cũng bắt đầu đàm phán chính thức về khả năng tham gia "Trụ cột thứ 2" trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS, mở rộng hợp tác với các đối tác khác về mặt công nghệ an ninh, trong đó có trí thông minh nhân tạo, chiến tranh điện tử và hệ thống siêu thanh.
New Zealand cũng đang tiếp tục "các cuộc thảo luận để thu thập thông tin" về khả năng hợp tác với AUKUS. Tuy nhiên, phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Wellington ngày 01/05, ngoại trưởng Winston Peters cho biết "chính phủ còn lâu mới đưa ra quyết định" về chủ đề này.
Năm 2021, Mỹ và Anh đạt được thỏa thuận cung cấp một đội tầu ngầm hạt nhân cho Úc. Đây được coi là "Trụ cột thứ nhất" của thỏa thuận 3 bên nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ngày 30/04, bộ ngoại giao Mỹ và Úc đã công bố một bản kế hoạch nhằm giảm bớt những bó buộc về bản quyền đối với việc chuyển giao thiết bị quân sự và công nghệ nhạy cảm giữa ba nước trong liên minh AUKUS.
Thu Hằng