Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/04/2024

Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương ở Trung Quốc

RFI tổng hợp

Duy trì an ninh trên biển là trọng tâm

Minh Phương, RFI, 21/04/2024

Hôm 21/04/2024, Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương hai năm một lần khai mạc tại thành phố cảng Thanh Đảo, trụ sở của hạm đội Biển Bắc của Trung Quốc, với sự tham gia của các quan chức hải quân đến từ khoảng 30 quốc gia. Một nội dung chủ yếu của hội nghị là tìm kiếm các biện pháp nhằm ứng phó với các va chạm ngoài ý muốn trên biển.

hoinghi01

Khu trục hạm type 052D mang tên Quý Dương trình diễn nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, tại Thanh Đảo, ngày 23/04/2019. AP - Mark Schiefelbein

Theo hãng tin Reuters, sự kiện kéo dài 4 ngày với các phái đoàn đến từ Mỹ, Úc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Việt Nam… Những người tham gia sẽ có các cuộc hội đàm kín vào thứ Hai 22/04. Một trong những chủ đề thảo luận chính là việc áp dụng bộ Quy tắc Ứng phó với các Va chạm ngoài ý muốn trên Biển (Code for Unplanned Encounters at Sea - CUES) nhằm ngăn chặn các vụ va chạm giữa các drone.

Đây là bộ quy tắc hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự leo thang căng thẳng giữa hải quân trên biển, được thông qua tại hội nghị do Trung Quốc tổ chức trước đó vào năm 2014. Bộ Quy tắc Ứng phó với các Va chạm ngoài ý muốn trên Biển khuyến cáo không nên chĩa vũ khí hoặc radar điều khiển hỏa lực vào các tàu khác. Tuy nhiên, các quan chức an ninh Nhật Bản cho biết, CUES không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và do đó có hiệu quả hạn chế.

Sự kiện do Trung Quốc tổ chức diễn ra trùng thời điểm với cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn hàng năm giữa Mỹ và Philippines bắt đầu vào thứ Hai 22/04, lần đầu tiên diễn ra bên ngoài lãnh hải Philippines. Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tuần trước, nơi các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về "sự nguy hiểm và hành vi hung hăng" của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự

Lần đầu tiên sau 5 năm, Trung Quốc giới thiệu một số tàu chiến của mình với truyền thông nước ngoài. Hải quân Trung Quốc cho phép các nhà báo nước ngoài tham quan bốn tàu chiến, bao gồm các tàu khu trục và một tàu tiếp tế. Bắc Kinh trước đó đã đặt mục tiêu mở rộng hạm đội viễn dương, mà theo giới phân tích, đây có thể sẽ trở thành hạm đội lớn nhất thế giới vào năm 2035. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi thành lập một quân đội "đẳng cấp thế giới" vào năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trong khi đó, hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm tới Papua New Guinea, cũng cảnh báo rằng khu vực Nam Thái Bình Dương "không nên trở thành đấu trường cho các cường quốc", không quốc gia nào nên đối xử với các quốc đảo đó như "sân sau" của mình. Lý giải cho các hoạt động của Bắc Kinh tại vùng biển này, ông Vương khẳng định mục đích của Trung Quốc là nhằm "hỗ trợ lẫn nhau" và cùng hợp tác để phát triển chứ không "có bất kỳ lợi ích địa chính trị nào".

Minh Phương

**************************

Quân đội Trung Quốc ủng hộ thảo luận "thân thiện" về các tranh chấp

Thu Hằng, RFI, 22/04/2024

Ngày 22/04/2024, trong ngày thứ hai của Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) được tổ chức ở Thanh Đảo, một lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc khẳng định luôn tìm cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua " tham vấn hữu nghị ". Hội nghị này, có 29 nước tham dự, trong đó có Mỹ và Nga, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và cùng thời điểm với cuộc tập trận Balikatan quy mô lớn của Mỹ và Philippines.

hoinghi2

Đô đốc Hải quân Trung Quốc Hồ Trung Minh (trái) dự Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, tại Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 22/04/2024. Reuters - Florence Lo

Theo phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Trung Quốc chỉ giải quyết "trực tiếp với các nước liên quan" và "sẽ không cho phép những lạm dụng tùy tiện và sẽ không chấp nhận sự bóp méo luật pháp quốc tế". Ông cũng cảnh báo trước nguy cơ "các cuộc chiến và xung đột ngày càng nhiều", "chúng ta phối hợp với nhau để kiến tạo hòa bình và ổn định" vì trong các cuộc xung đột "không có kẻ thắng".

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc gia tăng hiện diện tại các khu vực tranh chấp chủ quyền với nhiều nước nước Đông Nam Á ở Biển Đông thông qua đội tầu hải cảnh và dân quân biển hùng hậu với trung bình khoảng 195 tầu neo đậu trong khu vực mỗi ngày trong năm 2023, theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI).

AFP nhắc lại Trung Quốc lo lắng về mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ-Philippines và coi đây là trở ngại cho những đòi hỏi chủ quyền của họ. Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, Đài Loan cũng là trọng tâm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Hạ Viện Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ và huấn luyện quân sự, khoảng 1,9 tỉ đô la, cho hòn đảo tự trị. Ngày 22/04, thủ tướng Đài Loan Trần Kiến Nhân (Chen Chien Jen) đã cảm ơn Hạ Viện Mỹ và khẳng định "một eo biển Đài Loan hòa bình và ổn định là điểm quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới". Tuyến hàng hải dài 180 km là một trong những tuyến được sử dụng nhiều nhất thế giới. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng thống nhất, kể cả bằng vũ lực.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Phương, Thu Hằng
Read 232 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)