Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/05/2024

Điểm báo Pháp - Kênh Funan Techo ở Cam Bốt

RFI tiếng Việt

Kênh Funan Techo ở Cam Bốt : Khiêu khích mới của Trung Quốc đối với Việt Nam

Libération ngày 13/05/2024 quan tâm đến "Những bất ổn và quan ngại xung quanh một dự án kênh đào do Trung Quốc tài trợ". Được Bắc Kinh chi trả toàn bộ, việc xây dựng kênh "Funan Techo Canal" tại Cam Bốt gây lo ngại cho các chuyên gia cũng như nước láng giềng Việt Nam trước những hậu quả về môi trường, kinh tế và địa chính trị.

techo1

Ảnh tư liệu : Các nhà lãnh đạo của sáu quốc gia Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc dự một cuộc hội thảo trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Mêkông mở rộng tổ chức tại Hà Nội ngày 31/03/2018. AP

Cam Bốt muốn tách xa Việt Nam, tặng cho Trung Quốc đường ra biển

Tờ báo nhận thấy Trung Quốc tiếp tục dấn lên ở Đông Nam Á. Sau thành phố cảng Sihanoukville với các sòng bài, căn cứ quân sự Ream, Cam Bốt nay lao vào một dự án mới có quy mô chưa từng thấy : một kênh đào để vận chuyển hàng, nối cảng Phnom Penh với tỉnh duyên hải Kep ở miền nam, bên bờ vịnh Thái Lan và gần biên giới Việt Nam. Và cũng như hầu hết các dự án của gia đình ông Hun, kênh được đặt tên là "Funan Techo Canal" do một công ty Trung Quốc là China Road and Bridge Corporation tài trợ toàn bộ 1,7 tỉ đô la. Đổi lại, Bắc Kinh nắm độc quyền quản lý con kênh trong 40 hay 50 năm. Sự thống trị khu vực của Trung Quốc càng mạnh mẽ - Cam Bốt và Lào đều thần phục.

Dài 180 kilomet, kênh đào tương lai gây lo sợ cho các chuyên gia, tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường và các nước lân cận, đặc biệt là Việt Nam. Mặc cho những lời kêu gọi hoãn lại dự án, ít nhất là để có thời gian nghiên cứu sâu thêm về hậu quả cho toàn khu vực, nhất là đối với sông Mêkông vì làm chuyển hướng một phần nước sông, thủ tướng Hun Manet vẫn khăng khăng nói rằng việc xây dựng sẽ bắt đầu trong năm nay. Cam Bốt hy vọng sẽ sử dụng con kênh từ năm 2028.

Ông Marc Goichot, phụ trách về nước ngọt ở châu Á-Thái Bình Dương của WWF nhận xét về kinh tế, Phnom Penh muốn có đường ra biển từ cảng của mình, không lệ thuộc vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Đồng thời gia tăng trao đổi với Trung Quốc ở phía bắc và với phần còn lại của thế giới ở phía nam. Dự án này cũng giúp Cam Bốt "tặng cho phần phía đông Trung Quốc con đường ra biển", kể cả các chiến hạm hiện đã di chuyển trên sông Mêkông. Chuyên gia Brian Eyler của cơ quan tư vấn Mỹ Stimson Center thì cho rằng con kênh này không thể giải quyết mọi vấn đề, vì độ sâu chỉ cho phép các tàu có mớn nước 4,5 mét đi qua. Các tàu lớn sẽ tiếp tục sử dụng tuyến đường Việt Nam.

Về kinh tế, Cam Bốt có hai con đường chính để xuất khẩu. Đường hàng hải chuyển sản phẩm bằng xà lan xuôi sông Mêkông đến các cảng Việt Nam, và đường bộ song song với đường sắt cũng do Trung Quốc xây dựng nối thủ đô với cảng Sihanoukville. Tiến sĩ Céline Pierdet đặt câu hỏi, như vậy Sihanoukville sẽ ra sao ? Theo Brian Eyler, có thể phải đầu tư hàng trăm triệu đô la hoặc nhiều hơn vào một cảng mới ở Kep, như vậy liệu có cần đào kênh Funan hay không.

Hàng ngàn người dân phải di dời, An Giang và Kiên Giang bị khô hạn

Chính quyền Cam Bốt nói rằng Funan Techo sẽ gia tăng cơ hội kinh tế, tạo điều kiện lưu thông trên cả nước. Nhưng chuyên gia Brian Eyler được Libération trích dẫn, không cho rằng sẽ rút ngắn được thời gian. "Bởi vì để kênh hoạt động, không lấy nước từ Mêkông đưa thẳng ra biển, cần lập một hệ thống âu thuyền. Tại ba âu thuyền này sẽ ùn tắc giao thông làm tàu phải đi chậm lại. Kênh có nhiều khúc ngoặt 90 độ cũng sẽ ảnh hưởng đến luồng giao thông". 

Trên mạng xã hội, Hun Sen (đã nhường ngôi cho con để thành chủ tịch Thượng Viện) và Hun Manet cũng khẳng định kênh đào tương lai sẽ tạo cơ hội việc làm cho 5 triệu dân sống dọc theo con kênh. Nhưng trong những dự án lớn gần đây ở Cam Bốt, chỉ có công nhân Trung Quốc được hưởng lợi.

Một thiệt thòi lớn nữa cho cư dân là kênh được mở rộng 80-100 mét từ các tuyến có sẵn, khiến mấy chục ngàn dân sẽ phải di dời, làm xói lở hai bên bờ. Mấy trăm ngôi làng và cơ sở thủy sản sẽ bị ảnh hưởng. Đối với Céline Pierdet, dự án "làm đảo lộn hệ sinh thái trầm tích ở hạ lưu sông Mêkông".

Các chuyên gia còn lo ngại một số vùng sẽ bị khô hạn. Với nhiều bản đồ và số liệu, Brian Eyler minh chứng tác hại đến một loạt vùng đồng bằng ngập nước có thể canh tác. Vào mùa mưa, Mêkông rộng đến 50 kilomet tại biên giới Việt-Miên. Hai tỉnh An Giang và Kiên Giang nhận được rất nhiều nước cho nông nghiệp, sẽ bị con kênh cắt làm đôi và tạo ra một khu vực khô hạn ở hạ lưu, làm khô cằn đất nông nghiệp của cả Cam Bốt lẫn Việt Nam.

Hành động khiêu khích của Bắc Kinh ?

Cũng theo Libération, việc trồng lúa, mà Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu thứ năm thế giới, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Hà Nội cũng như các chuyên gia và tổ chức phi chính phủ chỉ trích Cam Bốt thiếu minh bạch về Funan Techo Canal. Brian Eyler khẳng định không hề có thảo luận về việc di dời và tái định cư dân, cũng như tác động môi trường và việc tưới tiêu. Ngoài nguy cơ đất khô cằn, nhiều người Việt còn lo sợ con kênh này lấy nước của sông Mêkông mà họ dùng để tưới ở hạ nguồn.

Trên lý thuyết, hiện có Ủy ban sông Mêkông (MRC) gồm Lào, Thái Lan, Việt Nam và Cam Bốt, thành lập sau khi ký thỏa thuận Mêkông năm 1995, còn Trung Quốc và Miến Điện là quan sát viên. Marc Goichot của WWF cho biết vấn đề là xác định đây có phải là dự án chính, có nghĩa là ảnh hưởng trực tiếp đến Mêkông hay đến phụ lưu ; đây là cơ sở để đưa ra thảo luận. Trong khi tất cả các chuyên gia đều chứng minh dự án sẽ tạo ra hậu quả vừa cho phụ lưu Bassac vừa cho bản thân sông Mêkông, chính quyền Cam Bốt vẫn khăng khăng nói rằng con kênh không liên quan đến dòng sông.

Đối với Marc Goichot, Funan Techo chắc chắn thuộc danh mục "dự án chính", và như vậy các nước láng giềng "yêu cầu Cam Bốt phải thông báo dự án thông qua tiến trình tham vấn trước". Tại Việt Nam, tình trạng rối rắm xung quanh kênh Funan Techo được coi là sự khiêu khích mới của Trung Quốc, châm ngòi cho căng thẳng ngoại giao lại bùng lên trong khu vực.

Châu Âu : Tập Cận Bình đã chọn phe

Còn tại Châu Âu, "Tập Cận Bình đã chọn phe", theo Le Monde. Chuyến công du đầu tiên đến châu lục này của chủ tịch Trung Quốc từ năm năm qua, là dịp để tái khẳng định tham vọng kinh tế và địa chính trị của Bắc Kinh, qua việc khoét sâu chia rẽ ở Châu Âu.

Nhiệm vụ đã hoàn thành, có lẽ đó là cảm giác của của mọi người trên chuyến bay của ông Tập khi cất cánh từ Budapest hôm thứ Sáu. Chuyến thăm Pháp, Serbia và Hungary chủ yếu giúp khẳng định mục tiêu thương mại và địa chính trị của sức mạnh Trung Quốc, trong khi không nhượng bộ gì trước Liên hiệp Châu Âu (UE). Bản thân hành trình của Tập Cận Bình cũng đã là một thông điệp. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và thủ tướng Hungary Viktor Orban là hai đối tác khó chịu của EU và đều thân thiết với Kremlin, chọn Belgrade và Budapest sau Paris là một cách nhấn sâu vào vết thương chia rẽ.

Tại Paris, tổng thống Emmanuel Macronn đã mời chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tham gia hội đàm, như ông vẫn luôn làm, tuy nhiên Macron không lôi kéo được thủ tướng Đức Olaf Scholz vốn lo cho kỹ nghệ của mình tại Hoa lục. Sự vắng mặt này làm yếu đi quan điểm cứng rắn về bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và EU. Tương tự đối với một ưu tiên khác của Paris và Bruxelles : chiến tranh ở Ukraine. Tập Cận Bình chỉ hứa hẹn tối thiểu lúc gặp riêng, rồi công khai phản đối việc "bôi đen hình ảnh" Trung Quốc, "kích thích một cuộc chiến tranh lạnh mới".

Ông Tập sẽ tiếp Vladimir Putin tại Bắc Kinh trong tháng này. Ở Serbia và Hungary là giai đoạn nồng nhiệt hơn với cờ xí rợp trời. Tại Belgrade, việc chọn đúng ngày kỷ niệm đại sứ quán Trung Quốc bị NATO oanh kích trong chiến tranh Kosovo 07/05/1999 là cách để tô đậm hình ảnh hiếu chiến của Liên minh. Hungary thì nhận được 18 hợp đồng kinh tế và nâng lên cấp cao nhất trong quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Kinh. Rõ ràng Tập Cận Bình đã chọn phe ở Châu Âu, đứng về phía các nhà độc tài đang thèm khát đầu tư Trung Quốc. Thế giới đa cực của ông Tập trước hết là một thế giới "mang màu sắc Trung Hoa".

Bộ máy an ninh Trung Quốc hùng hậu nhất trong số độc tài cộng sản

Về đối nội, giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) sau khi lướt qua lịch sử từ thời Mao đến nay đã nhận định, chưa có chế độ độc tài cộng sản nào trong lịch sử có được bộ máy giám sát đông đảo và tinh vi như Trung Quốc. Tuy học hỏi từ Liên Xô, nhưng Bắc Kinh đi theo con đường riêng : Việc giám sát trong nước thuộc bộ Công An, còn phản gián thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Mục đích là tránh ngành an ninh có quyền hành quá lớn, đe dọa đảng. Từ 1990 đến 2010, số nhân viên an ninh từ 700.000 tăng lên 2 triệu – một con số khủng khiếp, bên cạnh đó còn tăng cường công nghệ giám sát đại quy mô. Theo giáo sư Bùi, đây là sự lãng phí rất lớn vì trên thực tế, có rất ít đe dọa về chính trị tại Hoa lục. Thay vào đó, nên tập trung phương tiện cho những vấn đề thật sự của xã hội như an toàn thực phẩm, buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Kharkiv : Chưa bao giờ hỗn loạn như thế kể từ Bakhmut 

Quân Nga tấn công Kharkiv, người biểu tình Gruzia bị đàn áp, hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là những vấn đề quốc tế được báo chí Pháp chú ý bên cạnh thời sự trong nước. Liên quan đến Ukraine, tất cả các nhật báo đều quan tâm đến sự kiện quân Nga tấn công dữ dội vào Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của nước này. Chỉ trong vài ngày, quân Nga chiếm được khoảng 100 kilomet vuông.

Libération nhận thấy những gì diễn ra xung quanh Kharkiv vài ngày qua nhắc lại những kỷ niệm tồi tệ năm 2022. Thống đốc khu vực cho biết trên 30 địa điểm đã bị dội ồ ạt pháo và moọc-chê, 6.000 dân được di tản dưới lửa đạn. Trả lời Les Echos qua điện thoại, một sĩ quan của lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ số 113 nhìn nhận "tình hình rất gay go". La Croix cho rằng khoảng 30.000 quân Nga tập trung tại đây chưa chắc có thể chiếm được Kharkiv. Tuy nhiên nếu cố chặn lại, dễ bị hở sườn ở những mặt trận khác cũng đang chịu sức ép nặng nề : đó là thế lưỡng nan mà Moskva áp đặt lên Kiev.

Phóng sự của Libération tả lại cảnh các tình nguyện viên giúp cư dân ở làng Votschansk - cách biên giới Nga 3 kilomet và cách Kharkiv 60 kilomet - đi sơ tán, hầu hết là người già. Slava, một tình nguyện viên cho biết vừa từ trung tâm làng về, và "không còn khu trung tâm nữa". Tất cả đều bốc cháy, đổ nát, không một căn nhà nào còn nguyên vẹn với số bom lượn (KAB), đạn pháo, drone, đạn từ xe tăng… Từng giúp những thường dân cuối cùng ở Bakhmut chạy loạn, anh chưa bao giờ trông thấy cảnh tượng tương tự kể từ Bakhmut.

Bà Evgeniya 90 tuổi cho biết đây là lần thứ hai chiến tranh diễn ra trước mắt với cùng một cách thức. Cách đây đúng 80 năm, cả gia đình bà phải chạy trốn khi quân Đức đến, nhưng hồi đó còn là một bé gái, chính mắt trông thấy lính Đức nhưng bà không sợ hãi bằng lần này – chẳng phân biệt được lính Nga và Ukraine. Toàn bộ khu vực biên giới phía bắc phải chịu đựng hỏa lực địch gần như 24/24. Volodymyr Timochenko, giám đốc cảnh sát nhấn mạnh Nga muốn đuổi sạch dân Ukraine khỏi khu vực, hủy diệt mọi thứ như đã tiến hành ở Alep rồi Mariinka và Avdiivka. "Đó là chiến thuật 'tiêu thổ' của quân Nga".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 359 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)