Philippines cử tàu tuần duyên ‘đảm bảo an toàn’ cho sứ mệnh dân sự ở Biển Đông
Reuters, VOA, 15/05/2024
Philippines đã cử ba tàu tuần duyên đến để đảm bảo an toàn cho một đội tàu dân sự đi đến một bãi cạn ở Biển Đông, nơi Manila và Bắc Kinh đang rơi vào các cuộc đối đầu gay gắt vì tranh chấp chủ quyền.
Tàu cá chở các nhà hoạt động và tình nguyện viên của Atin Ito khi họ tiến về Bãi cạn Scarborough vào ngày 15/5/2024.
Các nhà tổ chức cho biết sứ mệnh kéo dài ba ngày nhằm cung cấp thực phẩm cho ngư dân neo đậu tại Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, được dẫn đầu bởi một nhóm có tên Atin Ito (tạm dịch "Đây là của chúng tôi"), cùng với năm tàu đánh cá thương mại. Khoảng 100 tàu cá nhỏ hơn cũng sẽ tham gia phần đầu của chuyến đi.
Người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG), Jay Tarriela, nói với các phóng viên rằng lực lượng tuần duyên không phải là một phần của sứ mệnh dân sự khởi hành hôm thứ Tư, nhưng họ sẽ đảm bảo an toàn và an ninh cho các tình nguyện viên dân sự tại Bãi cạn Scarborough.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin Hải cảnh Trung Quốc gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận định kỳ tại bãi cạn. Atin Ito đã dẫn đầu một nhiệm vụ tương tự vào tháng 12 để cung cấp tiếp tế cho quân đội đóng trên Bãi Cỏ Mây, nhưng nhiệm vụ này đã bị cắt ngắn vì bị tàu hải cảnh Trung Quốc "theo sát và quấy rối".
Trung Quốc hôm thứ Tư nói họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với bãi cạn mà nước này gọi là đảo Hoàng Nham và vùng biển lân cận.
"Nếu phía Philippines lạm dụng thiện chí của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền của mình theo luật pháp. Những trách nhiệm và hậu quả liên quan hoàn toàn do phía Philippines gánh chịu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo.
Nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila, Bãi cạn Scarborough được nhiều nước thèm muốn vì trữ lượng cá dồi dào và vùng nước màu ngọc lam tuyệt đẹp cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có bão.
Nó đã bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012 sau một cuộc đối đầu với Philippines, và kể từ đó Bắc Kinh duy trì việc triển khai liên tục lực lượng hải cảnh và tàu đánh cá, một số bị Manila cáo buộc là lực lượng dân quân biển.
Trung Quốc chưa thừa nhận sự hiện diện của lực lượng dân quân ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực nói các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Reuters
Nguồn : VOA, 15/5/2024
***************************
Philippines tăng cường bảo vệ các địa điểm ở Biển Đông
Reuters, VOA, 13/05/2024
Philippines hôm 13/5 nói sẽ bảo vệ chặt chẽ hơn các rạn san hô, bãi cạn và đảo nhỏ trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, trước những tin tức về các hoạt động cải tạo mới của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Ngư dân Philippines canh tàu Hải cảnh Trung Quốc neo gần Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông- Ảnh minh họa.
Lực lượng tuần duyên Philippines hôm 11/5 cho biết đã triển khai một tàu đến bãi cạn Sabina thuộc quần đảo Trường Sa, nơi họ cáo buộc Trung Quốc xây dựng một hòn đảo nhân tạo, sau khi ghi nhận điều họ nói là những đống san hô chết và bị nghiền nát trên các bãi cát.
Ông Jonathan Malaya, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), cho biết rằng Giám đốc NSC Eduardo Ano đã ra lệnh bảo vệ chặt chẽ hơn tại các địa điểm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila, trong khi căng thẳng ngoại giao lâu dài với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
"Không ai sẽ bảo vệ (những địa điểm này) ngoại trừ chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi theo luật pháp quốc tế là bảo vệ (chúng) và đảm bảo rằng môi trường ở đó sẽ không bị hư hại và sẽ không có các hoạt động cải tạo", ông Malaya nói trên một chương trình truyền hình.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần được Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đồng thời tiến hành cải tạo, bồi đắp trên diện rộng trên một số đảo, xây dựng cơ sở quân sự, gây lo ngại ở Washington và khu vực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/5 bác bỏ cáo buộc mới nhất của Manila răng đó "thuần túy" chỉ là "tin đồn vô căn cứ".
Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Philippines Jay Tarriela nói rằng sự hiện diện của lực lượng này tại bãi cạn Escoda đã ngăn cản Trung Quốc thực hiện hoạt động cải tạo quy mô nhỏ, nhưng các nhà khoa học sẽ phải xác định xem các đống san hô này là tự nhiên hay nhân tạo.
Ông cho biết rằng lực lượng tuần duyên cam kết duy trì sự hiện diện ở bãi cạn này, chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines hơn 120 hải lý.
Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, tuyến đường thủy quan trọng, không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một quyết định mà Trung Quốc bác bỏ.
Bãi cạn Sabina, được người dân địa phương gọi là Escoda, là điểm tập kết của các tàu tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên một tàu chiến đang mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas còn được gọi là Bãi Cỏ Mây, nơi Manila và Trung Quốc thường xuyên có đối đầu.
Reuters
Nguồn : VOA, 13/05/2024
****************************
Philippines đưa tàu tới đảo san hô nơi Trung Quốc đang xây 'đảo nhân tạo'
Reuters, VOA, 11/05/2024
Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ đã điều các tàu đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi họ cáo buộc Trung Quốc đang xây "một đảo nhân tạo" trong bối cảnh tranh chấp hàng hải giữa hai nước leo thang.
Các thành viên của Lực lượng Tuần duyên và tàu Hải cảnh Philippines đứng canh gần Bãi cạn Sabina ở Biển Đông, ngày 5/3/2024.
Lực lượng tuần duyên đã cử một tàu "để theo dõi các hoạt động bị xem là bất hợp pháp của Trung Quốc, tạo ra một ‘đảo nhân tạo’", văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói trong một phát biểu, nói thêm rằng thêm hai tàu khác đang được triển khai trong đợt điều động luân phiên trong khu vực.
Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Philippines, Phó đề đốc Jay Tarriela, nói tại một diễn đàn rằng đã có "việc bồi đắp quy mô nhỏ" ở Bãi cạn Sabina mà Manila gọi là Escoda và rằng "có nhiều phần chắc" Trung Quốc là tác nhân.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về những phát biểu của Philippines mà có thể làm trầm trọng hơn rạn nứt song phương.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines ngày thứ Sáu kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc về chuyện một cuộc điện đàm với một đô đốc Philippines về tranh chấp hàng hải bị rò rỉ.
Bắc Kinh và Manila cả năm qua đã đối đầu gay gắt liên quan đến các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh của họ ở Biển Đông, nơi khối lượng thương mại trị giá 3 ngàn tỉ đôla đi ngang qua hàng năm.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ thủy lộ thiết yếu này, bao gồm những phần mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã ồ ạt tiến hành bồi đắp đất trên một số đảo ở Biển Đông, xây dựng không lực và các cơ sở quân sự khác, gây lo ngại ở Washington và các nước quanh vùng.
Một tàu Philippines đã neo đậu tại Bãi cạn Sabina để "đánh bắt và ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát," ông Tarriela nói, dẫn ra sự hiện diện "đáng báo động" của hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm tàu nghiên cứu và tàu hải quân.
Ông Tarriela nói sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại đảo san hô này cách tỉnh Palawan của Philippines 200 km trùng hợp với việc lực lượng tuần duyên phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát.
Lực lượng tuần duyên sẽ đưa các nhà khoa học biển đến khu vực để xác định xem các đống san hô là hiện tượng tự nhiên hay do con người can thiệp, ông cho biết.
Ông nói thêm rằng lực lượng tuần duyên dự định duy trì sự "hiện diện kéo dài" tại Bãi cạn Sabina, điểm tập kết của các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên một chiếc tàu chiến tại Bãi cạn Second Thomas, nơi Manila và Trung Quốc thường xuyên đối đầu trên biển.
Reuters
Nguồn : VOA, 11/05/2024