Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/06/2024

Bắc Kinh trước thách thức Hồi giáo cực đoan và chiến tranh lạnh mới

RFI tổng hợp

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan : Bắc Kinh trước thách thức Hồi giáo cực đoan Nam Á

Thanh Hà, RFI, 11/06/2024

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc trong 5 ngày (04-08/06/2024) với trọng tâm là khởi động giai đoạn 2 công trình CPEC-Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, nối liền vùng tự trị Tân Cương với tỉnh Balochistan mở ra Ấn Độ Dương. Chính vì lợi thế này mà Bắc Kinh đã đầu tư 62 tỷ đô la vào dự án và nóng lòng muốn thấy CPEC nhanh chóng cất cánh sau hơn một chục năm giậm chân tại chỗ vì những bất ổn chính trị và an ninh tại Pakistan.

tq1

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 07/06/2024. AP - Huang Jingwen

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (China Pakistan Economic Corridor - CPEC) bao gồm những gì, đâu là lợi ích về kinh tế và nhất là chiến lược của mỗi bên ? Đang mang nợ 100 tỷ đô la mà 30% trong số đó do Trung Quốc nắm giữ, thủ tướng Shehbaz Sharif kỳ vọng nhiều vào hành lang kinh tế này để phát triển đất nước, vực dậy một nền kinh tế bên bờ vực thẳm bị thiên tai và các nhóm khủng bố hoành hành.

Nhưng liệu Islamabad có thể làm được gì để bảo đảm an ninh cho các công trường của Trung Quốc ? Để trả lời các câu hỏi trên, RFI tiếng Việt tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu Laurent Pinguet, chuyên gia về khu vực Himalaya thuộc Đài Quan Sát Pháp về Dự án Con Đường Tơ Lụa Mới (OFNRS) Đại học Công Giáo Lillle.

CPEC là một trong những trục chính của dự án Một Vành Đai Một Con Đường, hay còn được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, Bắc Kinh khởi xướng từ 2013. Hành lang kinh tế Trung Quốc Pakistan xuất phát từ thành phố Kashgar, Tân Cương, đến thủ đô Islamabad và điểm đến cuối cùng là thành phố cảng Gwadar miền nam Pakistan, nhìn ra Biển Ả Rập -Ấn Độ Dương.

Gwadar là cảng nước sâu, từ 2015 Pakistan đã cho Trung Quốc "thuê trong 40 năm". Bắc Kinh có tham vọng đến năm 2055 biến thành phố nghèo nàn này thành một lá phổi kinh tế quốc tế trong khu vực, với nhiều công trình đồ sộ như một sân bay quốc tế, bờ kè dài hơn 50 km, một khu vực trải rộng trên hơn 900 hecta nơi mà các doanh nghiệp được hưởng nhiều khoản ưu đãi về thuế khóa để phát triển...

Trả lời RFI Việt ngữ, nhà Laurent Pinguet trước hết nói đến những lợi ích về kinh tế của công trình :

"Về phương diện kinh tế, hành lang này cho phép nhiều công ty Trung Quốc bắt rễ vào Pakistan, một thị trường với hơn 230 triệu dân. Theo bảng xếp hạng hồi năm 2021 của Fortune Global 500, gần một nửa các doanh nghiệp Trung Quốc trong danh sách này hiện diện tại Pakistan, chủ yếu trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó có một số hãng xe hơi và các tập đoàn xây dựng (Remontée) Đối với Pakistan, đây là cơ hội để đem lại nhiều đổi mới và hiện đại hóa kinh tế tại quốc gia Nam Á này. Pakistan cần phát triển hệ thống cầu đường, cần xây thêm đập thủy điện …".

Tránh sự nhòm ngó của Mỹ…

Trong bài nghiên cứu của Đài Quan Sát về Dự Án Con Đường Tơ Lụa Mới (OFNRS) chuyên gia Pinguet nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của "cánh cổng mở ra Ấn Độ Dương", đến "sự gần gũi về địa lý với eo biển Hormuz nơi 40% dầu hỏa của thế giới đi qua". Làm chủ hay được tuyến đường giao thông này cho phép "thu ngắn lộ trình 10.000 km khi cần đưa hàng của Trung Quốc sang các nước trong vùng Vịnh, tránh phải đi qua eo biển Malacca, giảm thiểu mật đô giao thông trên những tuyến đường hàng hải có sự hiện diện của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ và nhất là tránh phải đi qua một số căn cứ quân sự của Mỹ có thể muốn giám sát tàu thuyền của Bắc Kinh".

…và bắt rễ vào một vùng đất giàu tài nguyên của Pakistan

Không phải tình cờ mà dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan kết thúc tại cảng Gwadar trong vùng Balochistan : Gwadar còn là cửa ngõ dẫn vào các mỏ khí đốt còn trinh nguyên tại một vùng đất có diện tích tương đương với 43,6% của cả nước, trải rộng từ miền tây và tây nam Pakistan. Balochistan có nhiều quặng mỏ : đây là nơi có 1 trong 5 mỏ vàng lớn nhất thế giới ; khí đốt địa phương bảo đảm 36% nhu cầu tiêu thụ cho cả nước ; 80% dầu hỏa Pakistan được khai thác từ các giếng dầu ở Balochistan. Nhiều mỏ đồng, chì, uranium hay than đá còn đang chờ được khai thác …

Điều đó không cấm cản Balochistan là vùng đất nghèo nhất của Pakistan, 96% dân số trong vùng sống dưới ngưỡng nghèo khó, tức với chưa đầy 2 đô la thu nhập mỗi ngày.

CPEC và những tính toán về địa chính trị của Bắc Kinh

Năm 2013 ngay khi khởi động dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21, Bắc Kinh đã đặc biệt quan tâm đến Pakistan vì những tính toán địa chính trị. Đối với Islamabad vốn có nhiều hiềm khích và tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng sát cạnh là Ấn Độ, thì khi được đề nghị tham gia hành lang kinh tế CPEC chẳng khác nào "buồn ngủ mà gặp chiếu manh". Laurent Pinguet giải thích :

"Hành lang này cho phép Trung Quốc mở được cánh cửa xuyên ra biển Ả Rập, dễ tiếp cận hơn với các nguồn năng lượng dầu khí, tránh được phần nào Ấn Độ và nhất là ít bị phụ thuộc vào Biển Đông trong các tuyến đường giao thương (...) Hơn nữa nhờ hợp tác với Pakistan trong khuôn khổ dự án CPEC Trung Quốc tăng cường hiện diện tại một số vùng đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ thập niên 1960 như trong vùng Aksai Chin, gần Tây Tạng và thung lũng Shaksgam. Đây chính là lý do vì sao Ấn Độ đã ba lần tẩy chay hội nghị quốc tế Con Đường Tơ Lụa Mới.

Về phía Pakistan, CPEC cho phép Islamabad có một điểm tựa vững chắc trong trường hợp phải đối đầu với Ấn Độ. Đây là một mối hợp tác mang tính sống còn đối với chính quyền Pakistan. Trong khu vực này, từ lâu nay Trung Quốc là đồng minh có trọng lượng duy nhất của Pakistan. Tôi muốn nói đến những hỗ trợ của Bắc Kinh từ thập niên 1970 giúp Islamabad chế tạo bom nguyên tử, làm đối trọng với cường quốc hạt nhân sát cạnh là Ấn Độ. Dự án này cũng cho phép Pakistan củng cố vị thế trên vấn đề tranh chấp chủ quyền với New Delhi ở vùng Kashmir".

Cũng trong cuộc trả lời dành cho RFI Việt ngữ nhà nghiên cứu Pháp Laurent Pinguet lưu ý thêm là CPEC cho phép Trung Quốc tăng cường hiện diện và kiểm soát chặt chẽ hơn ngay hai vùng lãnh thổ của chính mình là Tây Tạng và Tân Cương. Tây Tạng được mệnh danh là bồn nước của Châu Á mà Trung Quốc cần kiểm soát. Còn Tân Cương là khu tự trị với đa số dân cư theo đạo Hồi. Cũng chính vì dự án này mà Pakistan, "tuy là quốc gia Hồi Giáo nhưng hoàn toàn im lặng trước việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Islamabad còn đồng ý trục xuất những người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc xin tị nạn tại Pakistan".

CPEC trước thách thức của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Pakistan

Trong chuyến công du Trung Quốc dài ngày vừa qua, thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã chứng kiến lễ khởi công giai đoạn 2 của dự án CPEC, mở rộng hành lang kinh tế này đến nhiều lĩnh vực từ "phát minh đến năng lượng xanh…". Islamabad và Bắc Kinh ký kết "hàng chục" thỏa thuận nghi nhớ nhưng theo hãng tin Anh Reuters, trên thực tế Trung Quốc đã không đặt bút ký thêm bất kỳ một hợp đồng đầu tư nào mới vào Pakistan. Điều này phản ánh một sự chậm trễ trong hợp tác song phương, một sự tê liệt trong dự án Hành lang kinh tế gắn kết hai quốc gia này. Laurent Pinguet, đài quan sát OFNRS của Pháp phân tích :

"Dự án dậm chân tại chỗ tại vì theo nhiều nhân chứng, ngay tại Gwadar khu vực được coi là mũi nhọn của CPEC, đường phố vẫn còn vắng tanh, tỷ lệ nghèo khó cao ngút ở ngưỡng 40% và bên cạnh đó thành phố này đang ngồi trên một núi nợ khổng lồ. Tình trạng mất an ninh là lý do vì sao dự án không thể cất cánh. Các nhà đầu tư nản lòng. Gần đây, hồi tháng 3 vừa qua, một vụ khủng bố tự sát nhắm vào một công trường đã cướp đi sinh mạng của 5 kỹ sư Trung Quốc. Vụ tấn công nói trên do quân Taliban tại Pakistan tiến hành.

Tình trạng mất an ninh đó xuất phát từ nhiều yếu tố : một là do tại Pakistan có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan muốn lật đổ chính phủ ở Islamabad và chủ trương Pakistan cần áp dụng triệt để luật Hồi giáo rất khắt khe Charia. Lý do thứ nhì là có những phong trào nổi dậy ở bang Balouchistan. Dân cư tại đây là một sắc tộc thiểu số họ truy bức và bị cướp đất đai cho các dự án phát triển CPEC. Lý do thứ ba là Islambad đang sợ rằng dân tộc Pashtoune ở phía tây bắc Pakistan cũng sẽ đi theo con đường bạo động của người Balouchistan. Cuối cùng là thành phần Taliban từ Afghanistan tràn sang và định cư hẳn ở Pakistan. Số này có khuynh hướng tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan của Pakistan"…

Trung Quốc bị lôi vào vòng xoáy 

Theo các thống kê chính thức tại Islamabad, năm 2023 đã có 129 vụ tấn công nhắm vào các cơ sở của Trung Quốc tại Pakistan, 82% trong số đó do nhóm Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) và các tổ chức nổi dậy của thiểu số Balochistan tiến hành. Vẫn theo nghiên cứu của chuyên gia Pháp về khu vực chung quanh dẫy núi Himalaya, Laurent Pinguet trong mắt dân cư địa phương, các doanh nghiệp Trung Quốc đến đây hoạt động không để khai thác hay mở mang vùng lãnh thổ nghèo nàn nay cho Pakistan, mà mục đích là nhằm "cướp đi các nguồn tài nguyên của Balochistan".

Từ 2019 các cơ sở của Trung Quốc đã nhiều lần bị tấn công. Đối với Pakistan, bài toán vãn hồi "an ninh" trên lãnh thổ Pakistan để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc càng thêm nan giải từ khi quân Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Chuyên gia Pháp Pinguet ghi nhận " từ 2021 số lần TTP tiến hành khủng bố trên lãnh thổ Pakistan tăng 60% và các đợt khủng bố tự sát đã được nhân lên cấp 5 lần".

Tương lai nào cho CPEC ?

Bắc Kinh đã hết kiên nhẫn trước tình trạng bất ổn kéo dài tại Pakistan. Tháng 3 vừa qua ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến công du Islamabad đòi Pakistan bảo đảm an toàn cho các cơ sở và công trường của Trung Quốc. Lần này tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhắc lại điều này. Bắc Kinh thậm chí yêu cầu thủ tướng Sharif triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở của Trung Quốc. Theo chuyên gia Laurent Pinguet cho dù đe dọa khủng bố vẫn rất lớn nhưng cả đôi bên cùng không thể quay lưng lại với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc–Pakistan :

"Theo tôi Pakistan và Trung Quốc không thể từ bỏ mối hợp tác này trong mọi trường hợp. Bằng mọi giá đôi bên phải gắn chặt với nhau. Đây mới chính là mối liên kết bất di bất dịch, nhất là vào lúc cả hai càng ngày càng có khuynh hướng tách rời khỏi cộng đồng quốc tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, thì Bắc Kinh còn có Nga và vẫn duy trì đối thoại với phương Tây. Pakistan thực sự không biết phải trông vào ai nếu xảy ra xung đột với Ấn Độ hay với Afghanistan ngay sát cạnh. Islamabad chỉ có thể trông chờ vào Trung Quốc. Do vậy bằng mọi giá Pakistan phải duy trì dự án hành lang kinh tế với CPEC với Trung Quốc".

Nợ nước ngoài của Pakistan lên tới 100 tỷ đô la, hơn 30 tỷ trong số đó là nợ Trung Quốc, lạm phát trên dưới 40% và gần 40% dân số sống trong cảnh bần cùng, chắc chắn là Islamabad không có nhiều lựa chọn và muốn trông thấy Hành lang kinh tế Trung Quốc Pakistan là một chiếc phao để thoát nạn.

Một trong những phương án tái lập an ninh cho Pakistan theo giới phân tích, có thể là lôi kéo Afghanistan trong tay phe Hồi giáo Taliban vào dự án CPEC dưới sự giám sát của nhà chủ nợ là Trung Quốc. Song đây cũng không phải là chuyện dễ làm khi mà những hiềm khích giữa hai quốc gia Hồi giáo ở nam Á này còn quá lớn, đặc biệt là trên vấn đề hồi hương người hai triệu rưỡi người tị nạn Afghanistan đang sống trên lãnh thổ Pakistan.

Islambad có kế hoạch trục xuất 1,7 triệu người về nước để diệt trừ hiểm họa số này tham gia hàng ngũ khủng bố Taliban TTP… Tới nay Pakistan đã thực hiện được gần 1/3 mục tiêu đề ra và dương như "an ninh vẫn không được cải thiện".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 11/6/2024

*************************

Chiến tranh lạnh mới : Cách tiếp cận của Châu Âu đối với Trung Quốc đã lỗi thời

Minh Anh, RFI, 11/06/2024

Nga từ lâu chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi chống Ukraine và các nước dân chủ phương Tây, chí ít là từ cuộc can thiệp vào Gruzia năm 2008. Điều này không mới mẻ. Nhưng việc Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ hoàn toàn các nỗ lực của tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đe dọa và làm suy yếu các quốc gia dân chủ tự do dường như là một thông tin nóng hổi do cách tiếp cận Trung Quốc của Châu Âu đã lỗi thời. 

tq2

Đoàn Trung Quốc dẫn đầu là chủ tịch Tập Cận Bình và đoàn Liên Hiệp Châu Âu do chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel dẫn đầu tại hội nghị thượng đỉnh song phương, Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, ngày 07/12/2023. AP - Liu Bin

Do vậy, hai nhà nghiên cứu Maximilian Mayer (Đức) và Emilian Kavalski (Ba Lan), trên trang The Diplomat cho rằng Châu Âu cần điều chỉnh cách tiếp cận Trung Quốc.

Kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 02/2022, Trung Quốc đã từng bước ngả theo Nga dù tuyên bố giữ thế trung lập. Tuyên bố chung gần đây nhất giữa hai nguyên thủ Nga – Trung cho thấy rõ là Bắc Kinh và Moskva – tuy không là đồng minh chính thức – nhưng đã thành lập một khối liên minh nhằm mục đích phá hoại an ninh ở Châu Âu.

Hồi tháng 5/2024, sau cuộc hội đàm, Tập Cận Bình – Vladimir Putin tuyên bố rằng cả hai nước "tin rằng tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân… nên kềm chế xâm phạm lợi ích sống còn của nhau thông qua việc mở rộng các mối quan hệ đồng minh và liên minh quân sự, cũng như là việc thành lập các căn cứ quân sự gần biên giới các nước có vũ khí hạt nhân khác".

Theo diễn giải của hai tác giả, đoạn văn này không những vượt xa việc chỉ nhắc lại lập trường của Nga mà còn là một tuyên bố rõ ràng về ý định của Bắc Kinh hợp tác với Moskva để phá hoại an ninh của Châu Âu và sẵn sàng thách thức sự bảo đảm của NATO đối với các quốc gia Đông Âu cũng như là các hoạt động ngày càng gia tăng của các thành viên Tây Âu trong liên minh ở sườn đông của NATO nhằm hỗ trợ Ukraine.

Một loạt động thái đáng quan ngại đã được ghi nhận trong và sau cuộc gặp thượng đỉnh, như kêu gọi thiết lập các vùng đệm được xác định lỏng lẻo ở những vùng ngoại vi của các cường quốc hạt nhân – một cử chỉ mà các tác giả cho rằng Trung Quốc và Nga – đang hủy hoại chủ quyền quốc gia của những nước nhỏ hơn trước sức ép những thay đổi bất chợt và phạm vi ảnh hưởng từ các nước lớn. Hay như Nga công bố dự thảo đề xuất sửa đổi biên giới trên biển của nước này ở phía đông biển Baltic ; dỡ bỏ hàng chục phao đèn phân định biên giới Nga – Estonia dọc theo sông Narva.

Rõ ràng tuyên bố Nga – Trung là sự hợp pháp hóa của Bắc Kinh đối với chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Moskva tại Châu Âu. 

Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, Nga có một tầm quan trọng hơn cả Châu Âu và do vậy, Bắc Kinh cũng không phản đối việc thành lập liên minh quân sự với Moskva. Và Trung Quốc cũng dường như chấp nhận đánh đổi Châu Âu để giữ mối quan hệ đối tác với Nga. Trong Chiến Tranh Lạnh Mới này, các vùng Đông Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là một phần của chiến trường Á – Âu thống nhất.

Mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng Ukraine – Đài Loan ngày càng hiện rõ. Do vậy, Châu Âu dù không muốn chấp nhận, thì trong tương lai, Trung Quốc sẽ là một phần của bất kỳ trật tự an ninh nào. Nhưng vì quá phụ thuộc vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ, Châu Âu có ít cơ hội và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ.

Cuối cùng, theo các tác giả, cách tiếp cận ba bên đối với Trung Quốc hiện nay - với tư cách là đối tác, đối thủ cạnh tranh và địch thủ - đã lỗi thời vì khối này hoàn toàn thiếu góc độ an ninh. Châu Âu cần nhanh chóng đối phó với một Trung Quốc vừa công khai ủng hộ chiến tranh đế quốc của Nga, vừa hợp tác với Moskva để chấm dứt sự hiện diện của NATO ở Đông Âu.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Minh Anh
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)