Biển Đông : Tàu Philippines và tàu Trung Quốc "lại đụng nhau" gần Bãi Cỏ Mây
Chi Phương, RFI, 17/06/2024
Hôm nay, 17/06/2024, Trung Quốc lên án một tàu tiếp tế của Philippines đã tiến vào Bãi Cỏ Mây một cách bất hợp pháp và lờ đi những cảnh báo của Bắc Kinh, gây ra vụ va chạm tại vùng biển tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Phía Philippines đã nhanh chóng khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là "sai lệch và dối trá".
Philippines tung hình ảnh tàu tiếp tế bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào ngày 23/3 - Ảnh: PCG
Trong một thông cáo, được AP trích dẫn, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã tố cáo một tàu tiếp tế của Philippines "xâm nhập trái phép" vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, cụm Bình Nguyên, thuộc quần đảo Trường Sa (mà Bắc Kinh gọi là đảo Nam Sa). Theo thông cáo, tàu của Philippines "đã tiếp cận tàu của Trung Quốc một cách thiếu chuyên nghiệp", "phớt lờ các cảnh báo", "dẫn đến vụ va chạm".
Quân đội Philippines đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc của Trung Quốc. Phát ngôn viên của quân đội Philippine, ông Xerxes Trinidad, khẳng định rằng "vấn đề chính" trong vụ việc này "vẫn là sự hiện diện và những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", xâm phạm chủ quyền của nước này.
Theo Manila, Bãi Cỏ Mây nằm cách bờ biển của nước này chưa đầy 200 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận. Philippines viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016, vô hiệu hóa các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông (mà Philippines gọi là Biển Tây).
Nhiều vụ va chạm giữa hai nước đã xảy ra gần đây tại vùng biển tranh chấp này. Quân đội Philippines nhấn mạnh là sẽ không cung cấp thông tin chi tiết về "hoạt động tiếp tế hợp pháp tại bãi cạn", mà hải quân Philippines thường vận chuyển thực phẩm, thuốc men và các vật tư khác đến chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre, đã neo đậu ở đó từ năm 1999, và đóng vai trò là tiền đồn của Manila tại khu vực này.
Chi Phương
*****************************
Philippines muốn mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 16/06/2024
Ngày 15/06/2024, Manila đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu công nhận quyền chủ quyền của Philippines đối với một khu vực thềm lục địa ngoài khơi Biển Đông, hiện bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Yêu cầu được gửi vào đúng ngày Trung Quốc công bố một loạt quy định cho phép hải cảnh bắt giam hành chính, lên đến 60 ngày, "người nước ngoài" xâm phạm "chủ quyền" ở Biển Đông. Song song với việc khuyến khích ngư dân tiếp tục hoạt động, Philippines đặt hệ thống tên lửa BrahMos ở Biển Đông.
Tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Philippines khi đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, ngày 04/03/2024. Reuters - Adrian Portugal
Theo bản đăng ký trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) ngày 15/06, Manila yêu cầu quyền được "thiết lập ranh giới bên ngoài thềm lục địa Philippines", cách bờ tây đảo Palawan đến 648 km. Đây là mức tối đa được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982 cho phép.
Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, ông Marshall Louis Alferez, trợ lý ngoại trưởng Philippines đặc trách về đại dương và các vấn đề hàng hải, nhấn mạnh "đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trải từ quần đảo (Philippines) đến ranh giới tối đa mà UNCLOS cho phép chứa đầy tiềm năng tài nguyên có lợi cho đất nước và người dân (Philippines) trong nhiều thế hệ tới".
Chính quyền Manila khẳng định đã "tiến hành nghiên cứu khoa học về Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) từ hơn 15 năm qua" và "muốn bảo đảm tương lai qua việc thể hiện đặc quyền trong việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực thuộc lĩnh vực thẩm quyền (của Philippines)".
Theo AFP, trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã tăng lên mức chưa từng có với rất nhiều sự cố nghiêm trọng, ví dụ hải cảnh Trung Quốc nhiều lần phun vòi rồng vào tầu của Philippines ở Biển Đông. Để tăng cường phòng vệ, Philippines lập một giàn phóng tên lửa BrahMos tại căn cứ hải quân Leovigildo Gantioqui ở Zambales, bờ tây đảo Luçon nhìn ra Biển Đông.
Dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, ngày 14/06, trang Naval News cho rằng một doanh trại mới được xây trên khu vực tập huấn tàu đổ bộ trước đây của Hải Quân Philippines. Công việc mở rộng được tiến hành ngay sau khi Manila đặt mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ. Đến ngày 02/05/2024, nhiều cơ sở đã được xây dựng, trong đó có một bunker chứa tên lửa và một bệ cao có thể để phóng thử và bảo trì hệ thống.
Thu Hằng