Trung Quốc ngày thứ Bảy bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với một đạo luật của Mỹ mà Tổng thống Joe Biden kí ban hành có nội dung thúc giục Bắc Kinh giải quyết tranh chấp về đòi hỏi của Tây Tạng có được quyền tự trị lớn hơn, và tuyên bố sẽ "bảo vệ vững chắc" các lợi ích của mình.
Cung điện Potala ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Ảnh : China Daily.
Hôm thứ Sáu, ông Biden kí thành luật đạo luật tranh chấp Tây Tạng. Luật này nỗ lực thúc đẩy Bắc Kinh tổ chức các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Tây Tạng, vốn bị đình trệ kể từ năm 2010, để có được một thỏa thuận thông qua đàm phán về khu vực Himalaya và thôi thúc Trung Quốc giải quyết nguyện vọng của người dân Tây Tạng về bản sắc lịch sử, văn hóa, tôn giáo, và ngôn ngữ của họ.
Luật này "can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc, và gửi tín hiệu sai lạc nghiêm trọng tới các lực lượng 'độc lập Tây Tạng,'" bộ ngoại giao Trung Quốc nói.
Dù Washington công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, luật này dường như đặt nghi vấn về lập trường đó, theo các nhà phân tích. Mỹ lâu nay vẫn ủng hộ quyền của người Tây Tạng được thực hành tôn giáo và văn hóa của họ, cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở khu vực xa xôi này giáp biên giới Ấn Độ.
"Mỹ không được thi hành Đạo luật này", bộ ngoại giao Trung Quốc nói. "Nếu Mỹ tiếp tục đi sai đường, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình".
Sự chú ý đã tập trung vào các vấn đề Tây Tạng-Trung Quốc khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang hồi phục sau một cuộc phẫu thuật, bước sang tuổi 89 vào tuần trước. Nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong cho biết ông sẽ làm rõ các câu hỏi về người kế vị vào khoảng sinh nhật thứ 90 của ông, trong khi Trung Quốc khẳng định sẽ chọn người kế nhiệm ông.
Nguồn : VOA, 13/07/2024