Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/08/2024

Trung Quốc và Miến Điện thảo luận về "chiến sự" biên giới

RFI tiếng Việt

Đặc sứ Trung Quốc gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện thảo luận về "chiến sự" biên giới

Hôm 08/08/2024, đặc phái viên của Trung Quốc về Miến Điện, ông Đặng Tích Quân (Deng Xijun) đã gặp lãnh đạo Miến Điện tướng Min Aung Hlaing, tại thủ đô Naypyidaw, để thảo luận về tình hình vùng biên giới chung. Cuộc gặp diễn ra ít ngày sau khi quân đội Miến Điện rút bỏ trụ sở Bộ tư lệnh đông bắc ở bang Shan, sau cuộc tấn công của quân nổi dậy các sắc tộc thiểu số, trong đó có một số lực lượng được Bắc Kinh hậu thuẫn.

miendien1

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing phát biểu trong cuộc họp với các thành viên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, ngày 31/07/2024, tại Naypyitaw, Miến Điện © AP - The Myanmar Military True News Information Team

Cơ quan ngôn luận của tập đoàn quân sự Global New Light of Myanmar cho biết, tướng Min Aung Hlaing đã đề cập với đặc sứ Trung Quốc về "tiến trình thúc đẩy hòa bình nội bộ của Miến Điện" đồng thời "giải thích về việc thực thi lộ trình Đồng thuận 5 điểm, nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định". Hãng tin Pháp AFP đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Rangoun, nhưng hiện tại chưa nhận được hồi đáp. 

Chiến sự bùng lên trở lại tại bang Shan, sau khi thỏa thuận hưu chiến, với sự trung gian của Bắc Kinh, giữa Liên minh Ba Anh Em - 3BTA, bao gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) và tập đoàn quân sự, tan vỡ hồi tháng 06/2024. Ngày 03/08, Liên minh Ba Anh Em chiếm lĩnh Bộ tư lệnh quân khu đông bắc tại thành phố Lashio 150 nghìn dân, cách biên giới với Trung Quốc khoảng 110 km. Đây được coi là chiến thắng lớn nhất của các lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số chống tập đoàn quân sự kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021. 

Một nguồn tin của báo độc lập Miến Điện The Irrawaddy, ngày 08/08, tỏ ra lạc quan khi khẳng định : chuyến đi của đặc sứ Trung Quốc nhằm gây áp lực với tập đoàn quân sự để tướng Min Aung Hlaing tổ chức đối thoại với "cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi", đang bị giam giữ và lãnh đạo các sắc tộc thiểu số, và tổ chức bầu cử dựa trên kết quả đối thoại. 

Tuy nhiên, ông Jason Tower, chuyên gia về quan hệ Miến Điện - Trung Quốc, Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ (United States Institute of Peace), trong một phân tích đầu tháng 08/2024, nhận định, trên thực tế, có nhiều khả năng Bắc Kinh đang sử dụng khủng hoảng Miến Điện để gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này, đặc biệt thông qua các nhóm vũ trang được Trung Quốc hậu thuẫn, như MNDAA và lực lượng UWSA của sắc tộc Wa. Cho đến nay, Bắc Kinh không thừa nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, bao gồm các thành phần chủ chốt của chính phủ dân sự bị lật đổ, tức lực lượng đối lập chính chống tập đoàn quân sự.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 244 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)