Bắc Kinh muốn lợi dụng tình hình bầu cử Mỹ để tìm cách đẩy Philippines khỏi bãi Cỏ Mây và cũng muốn chia rẽ Manila với Hà Nội trong khi mối quan hệ giữa hai Đảng cộng sản cầm quyền giúp Bắc Kinh dễ xử với Hà Nội so với Manila vốn là đồng minh của Mỹ, các chuyên gia nhận định.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cầm dao nhọn chĩa vào phía tàu tiếp tế Philippines ở Bãi Cỏ Mây
Diễn biến tình hình trên Biển Đông từ đầu năm đến nay cho thấy trong khi Bắc Kinh leo thang căng thẳng và liên tục có va chạm với Manila thì họ lại tương đối hòa hoãn với Hà Nội.
Cụ thể, hải cảnh Trung Quốc đã liên tục quấy rối và ngăn cản tàu hải quân Philippines tiếp tế cho một con tàu mà hải quân Philippines cố tình để mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal. Đỉnh điểm là vụ việc hôm 17/6 khi hải cảnh Trung Quốc nhảy lên tàu tiếp tế Philippines mang theo dao và giáo khiến cho một quân nhân Philippines bị thương.
Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng tính từ tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã bồi đắp một diện tích trên Biển Đông gần bằng diện tích của cả hai năm 2022 và 2023 cộng lại, theo số liệu theo dõi của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) ở Washington D.C. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như nhắm mắt làm ngơ.
Cả Việt Nam và Philippines đều có tranh chấp biển và đảo với Trung Quốc trên Biển Đông mặc dù riêng giữa hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền với một số đảo ở khu vực.
Mục đích chia rẽ ?
"Trung Quốc cư xử coi như không có gì căng thẳng với Việt Nam trong khi họ lại đẩy căng thẳng với Philippines lên cao", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch viện nghiên cứu chiến lược VietKnow ở Hà Nội, nói với VOA.
"Họ làm thế để chia rẽ Việt Nam với Philippines", ông nói thêm và lưu ý thực ra Bắc Kinh ‘không nhả cái gì ra cho Việt Nam cả mà chỉ làm căng thêm với Philippines’.
Ông cho rằng cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ diễn ra trong hai tháng nữa có thể được Bắc Kinh coi là cơ hội để họ gây sức ép với Manila vì họ nghĩ nước Mỹ đang tập trung vào bầu cử nên có thể lơ là chuyện Biển Đông.
Tàu BRP Sierra Madre của Philippines chủ tâm bị mắc cạn đang đóng vai trò là tiền đồn của Philippines tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông hôm 09/03/2023. (Ảnh : Jam Sta Rosa/AFP qua Getty Images)
Mục tiêu của Bắc Kinh là ép Manila cuối cùng phải rút ra khỏi Bãi Cỏ Mây nơi con tàu hải quân Sierra Madre được Manila để mắc cạn để đánh dấu chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã coi thường quyết tâm của Manila trong việc giữ chỗ đứng ở Bãi Cỏ Mây cũng như quyết tâm của Washington hỗ trợ Manila trong khuôn khổ mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, theo lời chuyên gia này.
Ông chỉ ra việc Mỹ đã nói rõ rằng họ sẽ hỗ trợ Philippines thực hiện các sứ mạng tiếp tế cho con tàu mắc cạn ở bãi Cỏ Mây nếu cần. Trong trường hợp đó xảy ra thì Bắc Kinh sẽ ‘không thể quấy rối’, cũng theo lời ông Hợp.
Tiến sĩ Hợp cũng dẫn ra việc Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng Năm đã cảnh báo rằng Manila sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc nếu nước này có hành động khiến cho quân nhân hay thường dân Philippines thiệt mạng.
"Thái độ đó rất phù hợp với đường lối của Philippines, bởi vì Philippines đã nhượng bộ Trung Quốc hồi năm 2012, và ngay khi nhượng bộ thì Trung Quốc đã chiếm Scarborough. Đó là bài học rất lớn đối với người Philippines cũng như các bên khác có tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam", ông phân tích.
Theo lời ông thì hành động của Manila ở Bãi Cỏ Mây không phải nguyên nhân gây ra căng thẳng trên Biển Đông như Bắc Kinh chỉ trích vì ‘Philippines chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền ở đây nên họ có quyền hành động như vậy’.
"Trung Quốc nói đây là vùng tranh chấp nên Philippines phải rút ra (để giảm căng thẳng) nhưng Philippines nói không phải là vùng tranh chấp nên họ không có gì phải nhượng bộ", ông nói thêm.
Khi được hỏi có phải cách tiếp cận khác giữa hai nước đối với Bắc Kinh trong thời gian qua là một nguyên nhân khiến Bắc Kinh có cách ứng xử khác biệt hay không, ông Hợp bác bỏ. Tổng thống Ferdinand Marcos đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte để xoay trục sang Mỹ còn Hà Nội đã củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Bắc Kinh lên thành ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ hồi cuối năm ngoái.
"Quan điểm của Việt Nam đối với Trung Quốc không có gì thay đổi cả, chỉ có phía Trung Quốc thay đổi cách gọi mối quan hệ", ông nói để cho rằng Hà Nội không xoay trục gần hơn về Trung Quốc.
Việt Nam cứng hơn ?
Trong một bài phân tích chung trên trang warontherocks.com hôm 18/6, hai chuyên gia Zack Cooper, chuyên viên cấp cao tại Viện American Enterprise Institute và Greg Poling, giám đốc chương trình đông nam Á và Sáng kiến AMTI tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (cộng sảnIS), đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh xử sự khác nhau đối với Manila và Hà Nội, trong đó có điều mà họ cho là ‘Manila dễ thối lui trước áp lực hơn Hà Nội’.
Hai ông dẫn ra những cuộc trao đổi riêng tư với các quan chức và học giả Trung Quốc vốn nói họ tin rằng ‘Manila sẽ đầu hàng nếu Bắc Kinh gây áp lực đủ mạnh’ dựa trên những nhượng bộ thời ông Rodrigo Duterte trước áp lực của Trung Quốc trong khi Hà Nội có lịch sử sẵn sàng chấp nhận rủi ro để kháng cự Bắc Kinh, chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 mà Trung Quốc đưa vào thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014, Hà Nội đã phản ứng rất quyết liệt.
"Bởi vậy nếu Bắc Kinh biết rằng nếu Hà Nội đã xác định rằng việc tôn tạo đảo của họ là cần thiết về mặt quân sự thì Hà Nội sẽ không lùi bước trước hành vi cưỡng ép theo kiểu chiến thuật vùng xám và sẽ chấp nhận rủi ro leo thang đáng kể. Điều đó có thể đã răn đe được Trung Quốc", bài viết phân tích.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không muốn đối phó một lúc nhiều mặt trận nên chỉ tập trung vào Philippines vào lúc này, cũng theo hai chuyên gia này.
"Trong quá khứ, Trung Quốc đôi khi tránh cưỡng ép nhiều nước láng giềng cùng một lúc… Với nhiều vấn đề lớn trong nước và quốc tế, có lẽ Bắc Kinh không muốn gây ra thêm chỉ trích nếu sử dụng vũ lực đồng thời với nhiều quốc gia tranh chấp. Việt Nam có lẽ đã tranh thủ thời điểm hoàn hảo để hành động".
Vai trò của Mỹ
Hai chuyên gia này cũng chỉ ra mối quan hệ đồng minh có hiệp ước giữa Manila và Washington mà theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh nếu Manila bị tấn công là lý do Bắc Kinh làm căng với Philippines.
"Các lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy rằng việc Việt Nam bồi đắp đảo đặt ra ít đe dọa hơn hành động thậm chí nhỏ hơn nhiều của Philippines bởi vì không có khả năng Mỹ hưởng lợi trực tiếp từ hành động này của Hà Nội", bài viết phân tích.
"Lô-gíc của việc liên minh với một nước mạnh hơn là để răn đe kẻ thù hiệu quả hơn. Nhưng trong trường hợp này, Việt Nam có thể có lợi thế so với Philippines vì không phải là đồng minh của Mỹ".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng có được sự hậu thuẫn từ Mỹ sẽ giúp Manila ‘có lợi thế hơn Hà Nội’ trong tranh chấp với Trung Quốc. Ông giải thích lời cảnh báo của Tổng thống Marcos rằng Manila sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc sẽ ‘khiến Bắc Kinh không dám vượt qua lằn ranh đỏ này’ vì một khi chiến tranh xảy ra với Philippines, Mỹ sẽ phải nhảy vào để bảo vệ đồng minh theo điều khoản trong Hiệp ước Phòng thủ Tương trợ năm 1951.
Mặc dù Việt Nam luôn khẳng định đường lối không liên minh với nước nào qua nguyên tắc ‘4 Không’, nhưng ông Hợp chỉ ra Việt Nam còn có ‘Một Tùy’, tức là trong hoàn cảnh đặc biệt, nếu Hà Nội đối mặt rủi ro cân bằng an ninh bị đảo lộn thì họ ‘chắc chắn sẽ tính toán làm sao có quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước khác, trong đó có Mỹ, Nhật, Ấn’.
Quan hệ kênh Đảng
Quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội còn có một lợi thế so với quan hệ Bắc Kinh-Manila là quan hệ qua kênh Đảng giữa hai đảng cộng sản cầm quyền. Tiến sĩ Hợp cho rằng kênh đảng ‘có ích’ trong việc kiểm soát căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông nhưng ‘không giúp ích được nhiều’.
"Quan hệ giữa hai đảng cầm quyền với nhau phải dựa trên nguyên tắc không được phép dẫn đến thỏa hiệp làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của từng bên".
Ông cho rằng từ trước đến giờ hai Đảng cộng sản không nhượng bộ nhau trên vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và nếu căng thẳng xảy ra, kênh Đảng cũng không phát huy được tác dụng.
"Khi Trung Quốc gây căng thẳng với Việt Nam ngoài biển, lúc ấy không thể nói với nhau về quan hệ hai đảng được đâu, mà phải nói với nhau các nguyên tắc về luật biển quốc tế", ông chỉ ra.
Hai ông Zack Cooper và Greg Poling cho rằng quan hệ gần gũi giữa hai Đảng cộng sản khiến Bắc Kinh ‘không thoải mái gây ra một cuộc khủng hoảng với Việt Nam trong lúc họ đang chịu rất nhiều sức ép từ các quốc gia dân chủ trên thế giới’.
Trong khi đó, không như Manila, Hà Nội không muốn ‘la làng’ (naming and shaming) về hành động của Trung Quốc để tránh cho Bắc Kinh bị mất mặt, hai ông chỉ ra.
"Hà Nội muốn nói chuyện kín đáo hơn với Bắc Kinh trong khi để cho bên ngoài (đôi khi Hà Nội âm thầm khuyến khích) gây áp lực công khai với Bắc Kinh. Điều này dẫn đến phỏng đoán rằng Bắc Kinh phản ứng với Philippiines gay gắt hơn với Việt Nam là do họ tức giận với việc Manila muốn kêu lên cho cả thế giới biết về cách hành xử của Trung Quốc", bài phân tích viết.
Quan hệ Hà Nội-Manila
Trả lời câu hỏi về diễn biến quan hệ giữa Việt Nam và Philippines trong thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ferdinand Marcos đến Hà Nội hồi đầu năm và chuyến thăm Manila mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cũng như các cuộc diễn tập chung gần đây giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, ông Hợp cho là ‘đang tốt dần lên nhưng không quá nhanh’.
Ông cho rằng những diễn biến trên trong quan hệ giữa hai nước là ‘quan trọng nhưng chưa phải đột phá’. Ông dự đoán hai nước sẽ nâng quan hệ đối tác chiến lược lên thành đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới và gọi đó ‘mới là đột phá’.
"Đột phá quan trọng nhất là Việt Nam và Philippines sẽ hợp tác tốt hơn với nhau về mặt quốc phòng, mở rộng hợp tác quốc phòng ra đến hợp tác trên diện rộng, nói khác đi là hợp tác quốc phòng ở mức toàn diện".
Hợp tác quốc phòng toàn diện không chỉ dừng lại ở cảnh sát biển mà còn tiến tới hợp tác hải quân, không quân và chia sẻ tình báo, ông cho biết nhưng nhấn mạnh rằng dù hợp tác chặt chẽ đến đâu, Hà Nội và Manila sẽ không đi đến mức xây dựng quan hệ đồng minh.
Học giả này cho rằng cho Bắc Kinh ‘sẽ không chia rẽ được Hà Nội với Manila’ bởi vì hai nước có cùng chung chí hướng là chống lại đòi hỏi chủ quyền không phù hợp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Nguồn : VOA, 09/09/2024