Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/09/2024

Điểm tuần báo Pháp - Biển Đông dậy sóng

RFI tiếng Việt

Biển Đông dậy sóng, nguy cơ xung đột tăng cao

The Economist báo động "Những ‘trận bão’ mới đang hình thành trên Biển Đông", với một giai đoạn đầy nguy hiểm từ thái độ cứng rắn của Trung Quốc và Philippines trong yêu sách chủ quyền biển đảo.

phi1

Cờ Philippines trên một con tàu cũ của hải quân nước này mắc cạn năm 1999 và trở thành tiền đồn đánh dấu chủ quyền của Manila tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, ngày 29/03/2014. Reuters - Erik De Castro

Bị tòa quốc tế tuyên bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn bành trướng

Cách đây 8 năm, Trung Quốc đã thua trận chiến tư pháp : Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye tuyên bố đòi hỏi chủ quyền hết sức phi lý của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ. Trung Quốc phản ứng bằng cách tiếp tục chiếm đóng và quân sự hóa các đảo nhỏ, rạn san hô, ngăn trở các nước khác đánh cá và khai thác dầu khí.

Hiện nay xung đột đang tăng cao. Hôm 17/06, tuần duyên Trung Quốc thậm chí còn dùng búa đe dọa thủy thủ Philippines đang trên đường tiếp tế cho một chiến hạm cũ trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) và hôm 31/08 tàu Trung Quốc đã tông vào Teresa Magbanua, tàu tuần tra lớn nhất của Philippines ở bãi cạn Sabina (tức bãi Sa Bin thuộc cụm Bình Nguyên của Trường Sa), làm lủng một lỗ ở mạn tàu. Những vụ đụng độ này gây phản ứng rộng rãi trên mạng xã hội trước những hình ảnh lính Trung Quốc hung hăng tấn công bằng vòi rồng.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam, Philippines và Malaysia phản kháng sự hiếu chiến của Bắc Kinh bằng những cách thức khác nhau, và nay đã lên tiếng mạnh mẽ hơn. Trên Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa yên tĩnh nhất vì đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974, xây dựng phi trường quy mô và bố trí chiến đấu cơ trên đó. Đáng lo ngại nhất là quần đảo Trường Sa.

Sự quyết đoán của Philippines và thế khó xử của Hoa Kỳ

Việt Nam bắt chước chiến thuật của Trung Quốc, củng cố những tiền đồn trên các đảo ở Trường Sa, nhưng Bắc Kinh không phản ứng. Malaysia tỏ ra dễ chịu, cho phép Trung Quốc tuần tra các ngư trường và buôn bán dầu. Philippines là nước quyết đoán nhất. Từ 2023, chính phủ của tổng thống Ferdinand Marcos đã quay mặt với Bắc Kinh, cho phép Hoa Kỳ lập thêm một số căn cứ quân sự mới, đồng thời có những tuyên bố cứng rắn, cho tuần tra thường xuyên để bảo vệ chủ quyền.

Mối nguy đối với Hoa Kỳ là các vụ đụng độ trên biển diễn biến xấu đi, trở thành đối đầu quân sự, và Mỹ phải bảo vệ Philippines theo hiệp ước hỗ tương quốc phòng. Hồi tháng 5, tổng thống Marcos khẳng định nếu một công dân Philippines tử thương do xung đột, sẽ "gần như một hành động chiến tranh" và cho rằng Mỹ sẽ can thiệp. Tuy nhiên Hoa Kỳ ở thế khó xử vì không muốn một cuộc chiến tranh rộng lớn, còn nếu không hậu thuẫn một đồng minh quan trọng sẽ mất uy tín, và Trung Quốc tha hồ làm mưa làm gió trên Biển Đông với các yêu sách bất hợp pháp.

The Economist cho rằng trước hết cần phối hợp các nỗ lực giữa Hoa Kỳ và các đồng minh, đặc biệt là Philippines. Dù theo hiệp ước thì Washington phải ra tay trong trường hợp một tàu của nhà nước Philippines bị tấn công vũ trang, nhưng không có nghĩa là Manila có quyền tự ý leo thang.

Cùng công khai lên án và phối hợp hành động : Phương thuốc răn đe

Năm nay Manila đã gây căng thẳng khi điều tàu đến bãi Sa Bin vì nghi Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một công trình nào đó. Nhưng Philippines không có sự hiện diện liên tục tại rạn san hô này, như vậy là thay đổi nguyên trạng – điều mà Bắc Kinh rất ghét.

Hải quân Philippines can thiệp gần Bãi Cỏ Mây mà không báo trước cho Hoa Kỳ hay ông Marcos. Một số thành viên diều hâu trong Quốc hội Mỹ cũng cổ vũ Manila có những hành động đầy rủi ro trên biển trong khi không có quyền lực yểm trợ. Theo The Economist, tốt nhất là nên phối hợp chặt chẽ khi đi qua những vùng biển tranh chấp, công khai thông tin và có sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ trước đó.

Ưu tiên thứ hai là tính minh bạch. Thế giới càng thấy thái độ của Trung Quốc là ngang ngược, hiếu chiến, thì càng không có tính chính danh. Trước đây nhiều nước bị áp bức nhưng giữ im lặng, nay Philippines đi đầu khi công bố cụ thể những vụ đối đầu trên biển. Các nạn nhân khác nên làm theo để tạo nên một nhóm quốc gia rộng rãi hơn phản kháng với Trung Quốc.

Đã có nhiều nước Châu Âu lên án các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, ASEAN cần phải tiếp bước. Dù một số nước thân cận Trung Quốc như Cam Bốt và Lào cản trở, nhưng các thành viên còn lại cần lên tiếng, tất cả đều có lợi khi luật pháp hàng hải quốc tế được tôn trọng. Biển Đông đang trở nên nguy hiểm hơn, nhưng một chính sách răn đe rõ ràng của Hoa Kỳ và các đồng minh, đồng thời nhiều tiếng nói tố cáo các hành động tồi tệ của Bắc Kinh, sẽ là phương cách để cố gắng duy trì hòa bình.

Tình trạng "con vua thì lại làm vua" ở Đông Nam Á

Cũng liên quan đến Đông Nam Á, Le Monde cuối tuần nhận thấy chính trường thường do các gia tộc khống chế, từ Thái Lan, Indonesia đến Cam Bốt, Philippines. Tờ Financial Times mới đây ghi nhận, các "nepo babies" - từ ngữ chỉ con cái của những người nổi tiếng, "dựa hơi" thế lực của cha mẹ - đang trở lại cầm quyền tại Đông Nam Á, cả ở những nước dân chủ lẫn phi dân chủ.

Trở thành thủ tướng Thái Lan năm 38 tuổi hôm 16/08, Paetongtarn Shinawatra biểu hiện sự phục thù của gia đình bà. Người cha là Thaksin bị đảo chánh năm 2006 và người cô Yingluck lên nắm quyền năm 2011 bị truất phế năm 2014. Paetongtarn nằm trong số những "con ông cháu cha" đầy quyền lực ở Đông Nam Á.

Tại Cam Bốt, cách đây một năm Hun Manet lên nối ngôi Hun Sen trong một cuộc bầu cử không ai cạnh tranh được. Ở nước dân chủ Philippines, "Bongbong" Marcos, con của nhà độc tài bị lật đổ năm 1986, đã lên làm tổng thống năm 2022 sau hơn ba thập niên. Tại Indonesia hồi tháng 2, Prabowo Subianto, con rể của nhà cựu độc tài Suharto đắc cử tổng thống, còn phó tổng thống chính là con trai của tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo.

Gia đình trị đi kèm độc tài hay dân chủ nửa vời

Ngoài Cam Bốt độc tài, các chế độ gia đình trị khác tự cho là đi theo con đường thứ ba, lửng lơ giữa dân chủ và độc tài, với "giá trị Châu Á", khái niệm được xúc tiến trong thập niên 90 bởi Lý Quang Diệu (Singapore) và Mahathir Mohamad (Malaysia). Tuy nhiên sự quay lại với tình trạng "cha truyền con nối" cũng gây ra những phong trào phản kháng.

Chẳng hạn ở Indonesia, hôm 22/08 một cuộc biểu tình lớn đã khiến Quốc hội phải rút lại dự luật cho phép bầu thống đốc dưới 30 tuổi. Đó là nhằm ngăn Joko Widodo (tức "Jokowi") đưa con trai út 29 tuổi ngồi vào ghế thống đốc Java Centre hay Jakarta vào tháng 11 tới. Dân chúng phẫn nộ vì năm ngoái Tòa Bảo hiến đã hạ tuổi ứng cử viên phó tổng thống từ 40 xuống 35, nhờ đó con trai lớn của "Jokowi" là Gibran Rakabuming Raka nghiễm nhiên lên làm phó.

Trường hợp Thái Lan thì gia tộc Shinawatra quay lại chính trường bằng cửa hậu, qua việc bắt tay với các kẻ thù cũ để ngăn chặn phong trào dân chủ Move Forward. Ở Philippines, "Bongbong" Marcos được bầu lên với sự ủng hộ của Rodrigo Duterte và con gái nhà độc tài này là Sara Duterte được làm phó tổng thống, nhưng nay hai gia đình này đang xung khắc. Nếu thành công kinh tế của Nhật Bản và sau đó là các "con cọp Châu Á" đã kích thích "giá trị" đặc thù của châu lục, thì các nhà độc tài nay coi Bắc Kinh là hình mẫu. Hun Sen củng cố chế độ gia đình trị của mình với sự hậu thuẫn vô điều kiện của một "con ông cháu cha" khác là thái tử đỏ Tập Cận Bình.

Putin lại dọa "lằn ranh đỏ"

Chuyển sang Ukraine, nơi chiến tranh vẫn đang ác liệt, Le Figaro cuối tuần chú ý đến việc Vladimir Putin lại đưa ra "lằn ranh đỏ" khi có tin phương Tây sắp sửa cho phép Kiev sử dụng hỏa tiễn tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.

Putin khẳng định nếu phương Tây bật đèn xanh "có nghĩa là NATO tham chiến chống lại Nga", đe dọa sẽ trả đũa. Từ nhiều tháng qua, Ukraine vẫn đòi hỏi được tự do sử dụng các hỏa tiễn Scalp và Storm Shadow có tầm bắn từ 250 đến 500 kilomet của Pháp và Anh, cùng với ATACMS (từ 150 đến 300 kilomet) do Hoa Kỳ cung cấp. Kiev cũng muốn có các hỏa tiễn hành trình loại mới JASSM (300 đến 800 kilomet).

Với những vũ khí này, quân đội Ukraine có thể tấn công vào hậu cần quân Nga, và những phi trường nơi các oanh tạc cơ cất cánh. Việc Iran chuyển cho Nga các hỏa tiễn đạn đạo và cuộc tiến công của Ukraine sang vùng Kursk là các yếu tố thuận lợi cho Kiev. Tuy nhiên phương Tây vẫn dè dặt. Lời hăm dọa của Putin đã mở đường cho những cho những "Z-patriot", những kẻ dân tộc chủ nghĩa ở Nga. Họ kêu gọi "không nên sợ đối đầu với NATO", xem lại chủ trương về vũ khí nguyên tử.

Nga phản công nhưng chưa tái chiếm được Kursk 

Le Monde cuối tuần quan tâm đến việc Moskva sau hơn năm tuần rốt cuộc đã tung ra cuộc phản công vào Kursk để cố đẩy lùi lực lượng Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định "trong hai ngày" đã giành lại được "10 khu vực dân cư" ở phía tây lãnh thổ đã bị Ukraine chiếm đóng hồi đầu tháng 8. Hãy còn quá sớm để đánh giá cuộc phản công của Nga có thành công hay không vì không có bằng chứng rõ ràng.

Được biết bộ tham mưu Nga đã huy động khoảng 6.000 quân thiện chiến gồm lính dù và thủy quân lục chiến. Quân Nga vượt sông bằng thiết giáp nhẹ rồi tấn công, chiếm lại ba làng Snagost, 10-y Oktyabr và Vnezapnoie. Một nguồn tin thân cận quân đội Nga nói rằng ít nhất một sư đoàn dù đã được đưa từ Donbass về Kursk ; ban đầu rất thành công có lẽ do bất ngờ, nhưng quân Nga không tiến thêm được. Chuyên gia quân sự Ievhen Dyky thì cho rằng không có yếu tố bất ngờ ở đây, sở dĩ Ukraine không xây dựng phòng tuyến kiên cố vì ưu tiên cho các nhóm cơ động. Trong tình thế hiện nay, Kiev càng khẩn cấp cần được phép sử dụng vũ khí tầm xa. Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích sự chần chừ của Mỹ đã giúp Nga có thể di chuyển các mục tiêu quân sự vào sâu hơn.

Tại thành phố Pokrosvk đang bị quân Nga uy hiếp nặng nề, đặc phái viên Libération cho biết những cư dân còn ở lại trong khi chờ đợi được di tản, phải làm quen với tình trạng giới nghiêm, cúp điện, thiếu nước uống và khí đốt. Ở Kharkiv, đặc phái viên Le Monde ghi nhận người dân thành phố này đều có thân nhân sống ở bên kia biên giới chỉ cách vài chục cây số. Một số đã từ mặt nhau, số khác vẫn giữ liên lạc nhưng hố ngăn cách ngày càng sâu sắc kể từ cuộc xâm lăng.

Michel Barnier làm thủ tướng Pháp : Cánh hữu quay lại

Thời sự nước Pháp chiếm trang bìa của hầu hết các tuần báo. Le Point đăng ảnh thủ tướng Michel Barnier mà tuần báo gọi là "Nhiếp chính" với câu hỏi, liệu ông có thể giúp nước Pháp ra khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách hiện nay hay không. "Michel Barnier ở điện Matignon : Cánh hữu quay lại" là tựa chính của Le Figaro Magazine. L’Express đưa biếm họa tân thủ tướng Michel Barnier đang cõng trên lưng tổng thống Emmanuel Macron, chạy tít "Làm thế nào trụ được trong ba năm ?".

Courrier International chọn hình vẽ tổng thống Pháp lái xe với thủ tướng Đức ngồi bên cạnh, chiếc xe nghiêng về bên phải, với dòng tít "Scholz-Macron : Ưu tiên ngả sang hữu". Về mặt xã hội, Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho cuốn sách của tác giả Mona Chollet bàn về việc làm thế nào tránh được xu hướng tự nhận lỗi về mình khiến cuộc sống không được trọn vẹn. Riêng The Economist nhìn sang Hoa Kỳ, dự báo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ "sẽ tệ hại đến mức nào".

Le Figaro Magazine nhận định việc bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng đánh dấu sự trở lại của cánh hữu. Tuy không phải là chọn lựa ban đầu của ông Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng biết cách tự khẳng định mình trước tổng thống. Barnier đưa các nhân vật Những Người Cộng Hòa (LR) vào chính phủ, không phá đi những chính sách mà Macron đã dày công xây dựng, cho phép duy trì sự ổn định. Ít nhất là trong khi thủ lãnh cực hữu Marine Le Pen không cùng với cánh tả bỏ phiếu bất tín nhiệm.

L’Express băn khoăn, liệu tân thủ tướng có nói thật về món nợ liên quan đến hồ sơ môi trường hay không. Tuần báo thiên tả Le Nouvel Obs cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội đã bị "đánh cắp", chỉ trích ông Emmanuel Macron "bán linh hồn cho quỷ" khi bắt tay với cực hữu. Tuy Michel Barnier là một nhân vật giàu kinh nghiệm, thân Châu Âu, từng là nhà đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu về Brexit ; nhưng ông chỉ kéo dài chính sách của Macron đồng thời phải làm hài lòng cực hữu, trước hết về nhập cư.

Ai "tước đoạt cuộc bầu cử", Macron hay Maduro ?

Tuy nhiên tuần báo thiên hữu Le Point phản bác "Kẻ tước đoạt bầu cử không phải là người mà Mélenchon tố cáo". Thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon nói rằng chính phủ Pháp "chối từ dân chủ", nhưng lại tránh lên án Venezuela. Qua cặp kính méo mó của Mélenchon, tổng thống Nicolas Maduro vẫn là hình mẫu, tuy Maduro đã gian lận bầu cử.

Người chiến thắng thực sự là Edmundo Gonzalez với 7,3 triệu phiếu bầu so với 3,3 triệu cho Maduro, mới đây phải chạy sang Tây Ban Nha tị nạn - quốc gia này chưa bao giờ công nhận Maduro đắc cử, "một khi không chính thức công bố các kết quả kiểm phiếu". Khoảng 2.400 người biểu tình Venezuela bị bắt, hơn 20 người thiệt mạng. Đó là mô hình "xã hội chủ nghĩa" mà Mélenchon ca ngợi. Nhưng theo Courrier International, chế độ Maduro chưa thể ca khúc khải hoàn : thủ lãnh đối lập, bà Maria Corina Machado vẫn ở lại Venezuela để tiếp tục tranh đấu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 259 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)