Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/10/2024

Thượng đỉnh ASEAN 2024 không phải là ưu tư hàng đầu của Mỹ

RFI tổng hợp

ASEAN+1 : Mỹ lên án các hành xử "ngày càng nguy hiểm" của Trung Quốc ở Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 11/10/2024

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp ASEAN + 1 hôm nay, 11/10/2024, tại Lào, đã lên án các hành động "ngày càng nguy hiểm và phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông. Khối 10 quốc gia Đông Nam Á ra một tuyên bố chung (Asean Common Statement) khẳng định tầm quan trọng của việc "duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

my1

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo bên lề thượng đỉnh ASEAN, Vientiane, Lào, ngày 11/10/2024. AP - Dita Alangkara

Theo AP, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, thay mặt tổng thống Joe Biden, tham dự cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN hôm nay, nhấn mạnh : "Chúng tôi rất quan ngại về các hoạt động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, gây thương tích cho người dân, gây tổn hại cho tàu thuyền của các nước ASEAN, trái ngược với các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình". Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington "sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Cũng liên quan đến Biển Đông, nhân thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, hôm qua, 10/10, thủ tướng Malaysia Seri Anwar Ibrahim, nước điều phối các hội nghị mở rộng của ASEAN, đọc tuyên bố của ASEAN kêu gọi các bên sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mà Trung Quốc và ASEAN bắt đầu khởi sự đàm phán từ thập niên 1990. Thượng đỉnh Hội nghị ASEAN - Ấn Độ hôm qua cũng ra một thông cáo chung với lời kêu gọi tương tự. 

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning), trong cuộc họp báo hôm qua, khẳng định tình hình Biển Đông "nhìn chung là ổn định". Trung Quốc "duy trì cam kết giải quyết các bất đồng trên biển với các nước liên quan thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở tôn trọng các sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế", và tiếp tục hợp tác với ASEAN để thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Biển Đông: Tổng thống Philippines tiếp tục lên án Trung Quốc tại Hội nghị Đông Á

Biển Đông là một chủ đề trọng tâm của Hội nghị cấp cao Đông Á hôm nay. Ngoài 10 nước ASEAN, còn có đại diện của 8 quốc gia khác, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.  Theo báo Úc ABS-CBN, tại hội nghị này, tổng thống Philippines đã tố cáo cách hành xử bạo lực của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila, như tấn công bằng vòi rồng, đâm vào tàu của Philippines…

Nguyên thủ Philippines nhấn mạnh là các hành động bạo lực của Trung Quốc xảy ra tại những địa điểm "có khi chỉ cách bờ biển Philippines 17 hải lý, và cách Hoa lục 600 hải lý". Theo lãnh đạo Philippines, hành xử nói trên của Trung Quốc đòi hỏi các bên liên quan "nỗ lực phối hợp và nghiêm túc để thực sự giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông".

Trọng Thành

***********************

ASEAN+1 : Philippines tố cáo các hành vi hù dọa quấy rối tại Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc-ASEAN khẩn trương đàm phán về COC

Thanh Hà, RFI, 10/10/2024

Biển Đông chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc họp cấp cao ASEAN và Trung Quốc ngày 10/10/2024 tại Vientiane- Lào. Trong lúc thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi đẩy mạnh "hội nhập" kinh tế giữa các nước Đông Nam Á với Bắc Kinh, thì Manila đề nghị khẩn trương đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông để giảm thiểu nguy cơ xung đột.

asean1

Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Vientiane, Lào, ngày 10/10/2024. AP - Dita Alangkara

Theo Reuters ghi nhận, phát biểu trước các đối tác Đông Nam Á và thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. đã nhấn mạnh các bên cần đạt được những tiến bộ quan trọng để giảm thiểu căng thẳng tại Biển Đông, "cần thực sự cởi mở để giải quyết những bất đồng". Theo Manila, ASEAN và Trung Quốc cần "khẩn cấp đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử". Nguyên thủ Philippines kết luận, "thật đáng tiếc là tình hình ở Biển Đông vẫn căng thẳng và Philippines vẫn phải chịu các hành vi hù dọa và quấy rối".

Hãng tin Mỹ AP nhắc lại trong những tháng gần đây thường xuyên xảy ra đụng độ giữa tàu của Trung Quốc và Philippines trong các vùng biển có tranh chấp. Đối với Việt Nam vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công hôm 29/09/2024 ở Hoàng Sa gây căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Các khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Indonesia và Malaysia cũng thường xuyên bị tàu của Trung Quốc thâm nhập.

AP trích dẫn lời một quan chức ASEAN xin được giấu tên cho biết, trong cuộc họp với thủ tướng Lý Cường sáng nay ở Vientiane tổng thống Marcos Jr. đã tuyên bố không thể tách rời hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc với những xung đột trên biển.

Đáp lời lãnh đạo Philippines, thủ tướng Trung Quốc cho rằng "Biển Đông là một mái nhà chung" và Bắc Kinh có trách nhiệm "bảo vệ chủ quyền" của Trung Quốc ở vùng biển này.

Thương mại ASEAN -Trung Quốc

Về thương mại, theo hãng tin AP trong cuộc họp với 10 nước Đông Nam Á, thủ tướng Lý Cường tránh đề cập đến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều thành viên ASEAN ở Biển Đông mà chỉ tập trung vào vế kinh tế và thương mại. Theo ông, ASEAN và Trung Quốc cần đẩy mạnh "hội nhập trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, khuynh hướng bảo hộ gia tăng và tình hình thế giới bất ổn". ASEAN và Trung Quốc chuẩn bị kết thúc đàm phán về một hiệp định tự do mậu dịch vào năm tới. Thỏa thuận này được mở rộng đến nhiều lĩnh vực như các hoạt động kinh tế xanh và công nghệ kỹ thuật số hay các chuỗi cung ứng trong công nghệ kết nối …

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của ASEAN và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba tại Đông Nam Á. Tổng trao đổi mậu dịch hai nhiều năm ngoái đạt ngưỡng gần 700 tỷ đô la.

Thanh Hà

****************************

Tổng thống Biden vắng mặt tại hội nghị ASEAN – Vientiane : một sai lầm lớn của Hoa Kỳ

Thanh Hà, RFI, 10/10/2024

Lần thứ nhì liên tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden vắng mặt tại hội nghị cấp cao ASEAN, khiến khối các nước Đông Nam Á càng thấm thía nguyên tắc "Mỹ thì xa, Trung Quốc thì gần.

asean2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới dự thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 12, Vientiane, Lào, ngày 10/10/2024. Reuters - Athit Perwongmetha

Đành rằng tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc không đích thân đến dự hội nghị Vientiane nhưng có lẽ nếu được mời tham dự một "thượng đỉnh" do Mỹ chủ trì, sẽ không một quốc gia nào dám chỉ cử ngoại trưởng đi tham dự. Sự bất cân đối đó có thể hiểu là trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, khối Đông Nam Á chỉ đóng vai trò "thứ yếu" hay là Washington đã nhường sân chơi cho Bắc Kinh ?

Tại thượng đỉnh ASEAN năm ngoái tổ chức tại Indonesia, Nhà Trắng đã cử phó tổng thống Kamala Harris đến dự. Lần này, hơn 30 ngày trước bầu cử tổng thống bất phân thắng bại trước đối thủ Donald Trump, ai cũng hiểu, ASEAN đương nhiên không là mối quan tâm hàng đầu của bà Harris. Vào lúc chỉ cử ngoại trưởng Antony Blinken đại diện cho Hoa Kỳ đến hội nghị ASEAN thì tổng thống Biden dự trù công du Angola ở Châu Phi và đến dự hội nghị hỗ trợ Ukraine tại Ramstein, Đức. Giờ chót, bão Milton buộc tổng thống Hoa Kỳ phải hủy hai chuyến đi này để "chăm lo cho người dân Mỹ trước đã". Một lần nữa công luận dễ thông cảm rằng nguyên thủ Mỹ đặt quyền lợi của người Mỹ lên trên hết. Nhưng theo giới quan sát, việc ASEAN không mấy hiện diện trong lịch làm việc của tổng thống Biden cho thấy Nhà Trắng không quan tâm nhiều đến Đông Nam Á. Điều này làm dấy lên nghi vấn về những mục tiêu lâu dài của Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Tháng trước tổng thống Biden tiếp lãnh đạo nhóm Bộ Tứ QUAD gồm Úc, Nhật và Ấn Độ tại nhà riêng ở bang Delaware. Úc còn là một trong ba cột trụ của liên minh quân sự AUKUS bên cạnh Hoa Kỳ và Anh Quốc. Tháng 4 vừa qua, ông Joe Biden họp thượng đỉnh với Nhật Bản và Philippines. Xa hơn nữa vào tháng 8/2023 ông đã tiếp lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc tại Camp David… Theo nhà nghiên cứu Joanne Lin, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak - Singapore, rõ ràng là Hoa Kỳ "củng cố liên minh với các đối tác chia sẻ cùng những mục đích chiến lược chủ yếu là để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực".

Theo quan điểm của chính quyền Biden, ASEAN tuy là một mắt xích quan trọng trong chiến lược xoay trục sang Châu Á mà bằng chứng là đích thân tổng thống Biden đã đến Việt Nam, nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên hàng cao nhất - Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện - nhưng Washington thiên về đối thoại song phương hay đối thoại với một nhóm nhỏ các nước thành viên ASEAN hơn là với toàn thể 10 thành viên trong khối.

Có điều trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay và nhất là để tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Bắc Kinh đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế chẳng hạn, Washington muốn chiêu dụ ASEAN với IPEF - Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng trong lúc IPEF còn là một khái niệm trừu tượng và mơ hồ đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, thì Trung Quốc đã đẩy mạnh dự án Một Vành Đai Một Con Đường, đáp ứng nhu cầu phát triển của các đối tác Đông Nam Á, mà điển hình là qua các chương trình đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng tại Lào, Cam Bốt hay Indonesia.

Về phía ASEAN, nhà nghiên cứu Joanne Lin viện Đông Nam Á tại Singapore cho rằng, bản thân khối này tự hỏi về mặt an ninh, có thể tin cậy vào Hoa Kỳ đến mức nào vào lúc mà Washington càng lúc càng bận tâm về những vấn đề nội bộ của nước Mỹ như là thâm hụt mậu dịch, lạm phát hay là nhập cư...

Chuyên gia Lin ghi nhận, "Mỹ đang mất dần ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Xung đột giữa Israel và Hamas càng khiến ASEAN kém tin tưởng vào vai trò đầu tàu của Mỹ trên sân khấu quốc tế". Trong hoàn cảnh đó, nhiều nước ASEAN đã loay hoay đi tìm những điểm tựa mới, đó là những "cường quốc bậc trung bình" như là Úc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu…

Điều đó không cấm cản Trung Quốc tiếp tục củng cố và mở rộng vai trò với các nước Đông Nam Á. 

Thanh Hà

*******************************

Biển Đông : Manila tố cáo tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines gần Scarborough

Chi Phương, RFI, 09/10/2024

Hôm 08/10/2024, Philippines tố cáo hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng, tấn công vào tàu tiếp liệu cho ngư dân của nước này tại bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là "biện pháp" áp dụng đối với các tàu xâm nhập vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vụ việc diễn ra vào lúc ASEAN họp thượng đỉnh tại Lào, và căng thẳng tại Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận chính.

asean3

Ảnh tư liệu do tuần duyên Philippines công bố : Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc "bắn" vòi rồng vào tàu của Cục Thủy Sản và Tài Nguyên nước Philippines, gần bãi cạn Scarborough, Biển Đông, ngày 09/12/2023. AP

Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Cục Thủy sản và Tài nguyên nước (BFAR) của Philippines cho biết 3 tàu tuần duyên và một tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi và đến gần 2 tàu Philippines (BRP Datu Cabaylo và BRP Datu Sanday ) đang tiếp tế như thường lệ cho ngư dân gần bãi cạn Scarborough, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này hôm 08/10/2024. Các tàu của Trung Quốc đã cố "cản trở nhiệm vụ", phun vòi rồng ngăn cản hoạt động của các tàu của Philippines, "nhưng không tiếp cận được" các tàu của Philippines. Phía Manilla đã lên án hành động "nguy hiểm" của Bắc Kinh.

Người phát ngôn của Hải quân Philippines, phó đô đốc Roy Vincent Trinidad, trả lời báo giới, cũng cho biết 190 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bao gồm 28 tàu tuần tra, tàu của cảnh sát biển và Hải quân Trung Quốc gần bãi cạn Second Thomas, Sabina và Scarborough.

Tàu Trung Quốc mở vòi rồng tấn công tàu Philippines

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên của cảnh sát biển Trung Quốc, ngay lập tức đã ra tuyên bố, "kêu gọi Philippines chấm dứt các hành vi vi phạm" chủ quyền, "xâm phạm lãnh thổ nước này ở bãi cạn Scarborough, và phản ứng của Bắc Kinh chỉ là "biện pháp kiểm soát".

Vụ việc xảy ra cùng ngày khi Philippines bắt đầu cuộc thao dượt hải quân Sama Sama 2024, với sự tham gia của Canada, Úc, Nhật Bản, Pháp và Hoa Kỳ, với các tàu BRP Jose Rizal (FF-150), BRP Waray (LC-288), BRP Nestor Reinoso (PC 380), HMCS Vancouver (FFH-331), USS Howard (DDG-83), và nhiều máy bay tuần tra và tìm kiếm cứu nạn do Hoa Kỳ và Nhật Bản điều đến.

Bãi cạn Scarborough, được đặt theo tên một con tàu Anh mắc cạn tại khu vực này gần ba thế kỷ trước, là một trong những điểm nóng về tranh chấp chủ quyền và quyền đánh bắt cá ở biển Đông (biển Tây theo cách gọi của Philippines).

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, gây tranh chấp với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Thanh Hà, Chi Phương
Read 186 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)