Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/10/2024

Phóng thử tên lửa liên lục địa : Trung Quốc muốn gì ?

BBC tiếng Việt

Tên lửa được vận chuyển bí mật hơn 1.000 km đến bãi phóng, sử dụng các căn cứ từ xa và vệ tinh để theo dõi hành trình bay từ đảo Hải Nam đến nam Thái Bình Dương, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 25/9 là một bài thử về khả năng sẵn sàng chiến đấu.

tenlua1

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân DF-41 được trưng bày tại Bắc Kinh vào năm 2022

Trong một phân tích của hãng tin Reuters, sáu chuyên gia về an ninh và bốn nhà ngoại giao đánh giá rằng vụ phóng thử hiếm hoi này mang thông điệp chính trị trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường năng lực hạt nhân.

Bên cạnh đó, vụ thử cũng đáp ứng một đòi hỏi đã có từ lâu của Quân chủng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đó là đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân thực sự hiệu quả như tuyên truyền.

Ngoại giao chiến lược cũng là một phần của vụ phóng thử, khi Bắc Kinh thông báo cho Mỹ, Pháp và New Zealand trước vụ phóng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn tiến hành thêm các vụ phóng thử mạnh mẽ hơn nhằm thử nghiệm khả năng bắt kịp các đối thủ.

Úc, nước được thông báo hàng giờ trước vụ phóng nhưng không được cung cấp chi tiết, là một trong những quốc gia ở Thái Bình Dương đã nêu quan ngại với phía Trung Quốc và kêu gọi chấm dứt phóng thử tên lửa đạn đạo trong khu vực này.

"Điều này cho thấy Trung Quốc có khả năng tiến hành một vụ thử mô phỏng hoàn toàn kịch bản tấn công thực tế", Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, trả lời Reuters.

"Xét về mặt vận hành, đây chắc chắn là một bước đi quan trọng... Vụ thử cho thấy khả năng vận hành thực tế của toàn bộ hệ thống".

Trong những năm gần đây, Quân chủng Tên lửa của Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ thử, phóng khoảng 135 tên lửa đạn đạo trong năm 2021, hầu hết đều hướng đến các sa mạc hoang vu của Trung Quốc, theo Lầu Năm Góc.

Từ năm 1980 cho tới trước vụ thử vừa rồi, Trung Quốc đã không phóng các tên lửa tầm xa nhất của họ theo các lộ trình bay mang tính tấn công thực tế, tương tự các vụ phóng thử mà Mỹ, Nga và Ấn Độ thường tiến hành.

Mặc dù quân đội của các nước phương Tây cho rằng Trung Quốc đã tăng cường chất lượng và số lượng đầu đạn, tên lửa và các hầm silo (hầm bảo quản và phóng) trong những năm gần đây, nhưng chỉ với những vụ thử hết tầm bắn mới có thể đo lường được tính chính xác và độ tin cậy của tên lửa đạn đạo và đầu đạn của chúng, dưới tác động của các tác nhân như áp suất và cự ly.

tenlua2

Bắc Kinh nói rằng vụ phóng hôm 25/9 là "hoạt động thường lệ" và không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào. Ảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân DF-41 (ICBM) trong một cuộc duyệt binh năm 2019 của Trung Quốc. Greg Baker/AFP

Các vụ thử tên lửa bay trên đại dương như vậy chắc hẳn có sự tham gia của mạng lưới vệ tinh và các căn cứ và tàu thủy theo dõi không gian, bao gồm từ các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông cũng như tại Namibia và Argentina, các nhà ngoại giao và phân tích đánh giá với Reuters.

Hai con tàu "hỗ trợ không gian" hiện đại nhất của Trung Quốc là Viễn Vọng 3 và Viễn Vọng 5 đang hiện diện ở Thái Bình Dương vào thời điểm đó, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền mà Reuters có thể xem được.

Tàu Viễn Vọng 3 lúc bấy giờ đang hoạt động ở phía tây bắc của đảo quốc Nauru trong khi tàu Viễn Vọng 5 ở phía đông của rạn san hô vòng Tokelau.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nêu chi tiết tên lửa rơi tại đâu và cho biết các đầu đạn giả "đã rơi ở các khu vực trên biển theo đúng kế hoạch".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không phản hồi trước các yêu cầu bình luận của Reuters.

Mặc dù một số nhà phân tích nói Mỹ đã huy động máy bay do thám để theo dõi tên lửa, các địa điểm phóng đã không được công bố.

Truyền thông tại Polynesia thuộc Pháp tường thuật một tên lửa đã rơi gần vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo này, cách đảo Hải Nam hơn 11.000 km.

Timothy Wright, một nhà nghiên cứu tên lửa từ Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) có trụ sở ở London, cho rằng vụ thử tên lửa đã cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có "một cơ hội tuyệt vời" để đánh giá khả năng họ có thể theo dõi hành trình bay dài của tên lửa như thế nào.

"Hệ thống vệ tinh, trạm mặt đất và tàu thuyền theo dõi vẫn đang được cải tiến và hiện vẫn có các dấu hỏi về năng lực tình báo, giám sát và do thám từ không gian của Trung Quốc hiệu quả tới đâu", ông Wright nói.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ?

tenlua3

Các quân nhân mới nhập ngũ tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy của Trung Quốc vào ngày 19/9/2024 - Costfoto/NurPhoto

Với vụ thử này, PLA đã dựa vào một tên lửa đạn đạo thế hệ cũ hơn, đó là DF-31, một số nhà phân tích cho Reuters biết.

Việc phóng từ đảo Hải Nam cho phép tên lửa bay trên một lộ trình có thể tránh được hầu hết các quốc gia khác, các nhà phân tích này nói.

Nơi đặt các tên lửa DF-31 là tại thành phố Nghi Tân của tỉnh Tứ Xuyên cách đảo Hải Nam 1.100 km, được một đơn vị thuộc Quân chủng Tên lửa quản lý, một số nhà phân tích nói với Reuters.

Các vụ phóng thử từ những hầm silo nằm sâu trong nội địa và bay qua Bắc Á hoặc qua Bắc Băng Dương đến Bắc Đại Tây Dương sẽ phức tạp về mặt địa lý và ngoại giao.

Hai nhà ngoại giao cho Reuters biết rằng Nhật Bản và Philippines đã được Trung Quốc thông báo về có khả năng có mảnh vỡ không gian rơi xuống biển, nhưng một số đảo quốc ở Thái Bình Dương gần khu vực tên lửa rơi đã không được Bắc Kinh thông báo. Vào ngày 8/10, tổng thống của Kiribati đã chỉ trích vụ phóng thử và nói đảo quốc này đã không được thông báo trước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao New Zealand nói với Reuters rằng sau khi được thông báo, Wellington đã liên lạc với các đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Từ Singapore, nhà nghiên cứu về an ninh Trung Quốc James Char nhận định với Reuters rằng Bắc Kinh sẽ rất thận trọng trước các phản ứng tiêu cực liên quan những vụ phóng thử thường xuyên và lo lắng về khả năng lộ sơ hở để các đối thủ do thám.

"Chúng tôi chắc chắn rằng Bắc Kinh rất thận trọng trong việc bảo vệ năng lực và quy mô quân sự thật sự của mình", ông James Char từ Trường Chính Sách Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết.

Nguồn : BBC, 10/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 133 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)