Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/10/2024

Việt Nam có nên hợp tác với Trung Quốc về công nghiệp quốc phòng ?

RFA tiếng Việt

Việt Nam muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự.

 

hoptac1

Máy bay không người lái Cai Hong (Rainbow) CH-6 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ngày 27/9/2021. AFP Photo

Đề nghị vừa nêu được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đưa ra khi hội đàm với thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc hôm 24/10/2024 tại Hà Nội.

Theo các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa tin, khi kết thúc cuộc hội đàm, hai ông Phan Văn Giang và Trương Hựu Hiệp đã ký ‘Thư bày tỏ ý định’ về việc tăng cường hợp tác quốc phòng và một thỏa thuận về phòng thủ biên giới.

Các bài tường thuật của phương tiện truyền thông Nhà nước Việt Nam về các bình luận của Thượng tướng Trương Hựu Hiệp không đề cập đến cách ông phản ứng với đề xuất này. Đồng thời cũng không có thông tin chi tiết nào được công bố về nội dung của ‘Thư bày tỏ ý định’.

Thay đổi chính sách

Việt Nam chưa từng mua vũ khí của Trung Quốc. Trước khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016, Hà Nội chủ yếu nhập vũ khí từ Nga, với hơn 90% sản phẩm quân sự nhập khẩu có nguồn gốc từ Moscow. Ngoài ra, Việt Nam cũng có mua thiết bị quân sự từ Israel, Ukraine, Hà Lan và Ba Lan.

Vậy điều gì đã thay đổi ?

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra, Australia nhận định :

"Đề xuất của ông Giang về thương mại quân sự dường như là lần đầu tiên khía cạnh hợp tác quốc phòng này được nêu ra. Không có đề cập nào về thương mại quân sự trong ‘Nghị định thư về hợp tác quốc phòng song phương năm 2003’ hoặc ‘Tuyên bố tầm nhìn chung năm 2017 về hợp tác quốc phòng đến năm 2025’".

Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa xem xét khi Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đến thăm Hà Nội vào tháng 5 năm 2019. Khi đó Bộ trưởng hai nước đã nhất trí, trong số những việc khác, sẽ ‘tăng cường hợp tác... trong ngành công nghiệp quốc phòng’.

Tuy nhiên theo Giáo sư Carl Thayer, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào tháng 12 năm 2019 đã làm gián đoạn hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đã đến thăm Hà Nội và gặp người đồng cấp của mình là Đại tướng Phan Văn Giang. Hai bộ trưởng đã ký Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quân sự quốc tế. Chỉ đến năm 2023, các hoạt động hợp tác quân sự mới được nối lại.

Vào tháng 10 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã có chuyến thăm chính thức Bắc Kinh và gặp Thượng tướng Hà Vệ Đông, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Theo báo Quân đội Nhân Dân, hai vị quan chức nhất trí "hai nước còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác quốc phòng". Nhưng bài báo không đề cập đến công nghiệp quốc phòng hay thương mại quân sự.

Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm :

"Hợp tác trong công nghiệp quốc phòng đã được đưa trở lại chương trình nghị sự khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình gặp nhau tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2023. Tuyên bố chung của họ tuyên bố rằng ‘hai bên nhất trí… tăng cường hơn nữa hợp tác trong công nghiệp quốc phòng’. Cam kết này đã được Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng bí thư Tô Lâm tái khẳng định khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2024. Họ đã ra Tuyên bố chung rằng ‘họ nhất trí… thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như… công nghiệp quốc phòng…’".

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào tháng 3 năm 2024, ngân sách của Việt Nam dành cho mua sắm quốc phòng hàng năm được ước tính là hơn một tỷ đô la Mỹ, nhưng trong năm 2023 Việt Nam không có đơn hàng lớn nào mới.

Tờ The Diplomat vào ngày 30/4/2024 có bài phân tích ‘Tại sao Việt Nam cần đánh giá lại chiến lược mua sắm vũ khí ?’. Theo tác giả, Việt Nam cần hướng tới là một chiến lược mua sắm vũ khí có thể cân bằng ngân sách quốc phòng hạn chế với môi trường an ninh đang xấu đi ở cả miền lục địa và hàng hải ; bảo đảm với Trung Quốc về ý định hòa bình của Việt Nam ; và cung cấp cho đất nước những vũ khí có khả năng sống sót cao nhất nếu chiến tranh xảy ra.

Trung Quốc có gì ?

Theo Aljazeera máy bay không người lái vũ trang giá rẻ và ‘đủ tốt’ của Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường thế giới, trong bối cảnh Hoa Kỳ kiểm soát xuất khẩu.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đang bán vũ khí cho nhiều quốc gia hơn và hiện là nhà xuất khẩu máy bay không người lái hàng đầu thế giới. Trung Quốc đã mở rộng cơ sở khách hàng mua vũ khí của mình từ 41 lên tới 53 quốc gia trong giai đoạn 2014-2018.

Máy bay không người lái là nguồn tăng trưởng chính cho xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Cơ sở dữ liệu SIPRI cũng cho thấy Bắc Kinh đã xuất khẩu hơn 280 máy bay không người lái chiến đấu trong thập kỷ qua, chủ yếu sang Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc cũng xuất khẩu vũ khí sang Myanmar và Thái Lan…

Máy bay không người lái nổi bật nhất của Trung Quốc theo theo Asia Times có thể kể đến máy bay không người lái chiến đấu ‘Sharp Sword’ tàng hình GJ-11.

Trung Quốc không chỉ rất mạnh về máy bay không người lái, an ninh mạng cũng là thế mạnh của nước này… Một bảng xếp hạng bằng sáng chế an ninh mạng toàn cầu, được thực hiện bởi Nikkei hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thông tin LexisNexis của Mỹ cho thấy : Các công ty Trung Quốc chiếm sáu trong số 10 công ty hàng đầu, với Huawei và Tencent lọt vào top ba.

Hợp tác ở mức nào ?

Trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với Trung Quốc. Câu hỏi được nêu lên là hợp tác với Trung Quốc về công nghiệp quốc phòng cần làm thế nào để Việt Nam vừa tận dụng được công nghệ Trung Quốc nhưng vẫn cân bằng được rủi ro an ninh ?

Hợp tác song phương trong công nghiệp quốc phòng và thương mại quân sự mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành, nếu và khi đạt được thỏa thuận thì theo Giáo sư Carl Thayer, có khả năng sẽ chỉ giới hạn ở các thiết bị và khả năng phi chiến đấu, chẳng hạn như hậu cần, vận tải và y tế quân sự. Việt Nam có thể sẽ nhấn mạnh vào việc chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất… Giáo sư Carl Thayer cho rằng :

"Việt Nam không thể dựa vào Trung Quốc để có được vũ khí quân sự giá trị lớn cho quân đội, hải quân và lực lượng phòng không-không quân của mình vì nguy cơ Trung Quốc sẽ đình chỉ mọi thỏa thuận và tiếp tế vào thời điểm căng thẳng. Việc mua vũ khí tấn công sẽ phản tác dụng vì Trung Quốc sẽ biết cách thức hoạt động của các hệ thống vũ khí này".

Làm thế nào để Việt Nam vừa tận dụng được công nghệ của Trung Quốc, nhưng đồng thời cân bằng được rủi ro an ninh khi hợp tác với Bắc Kinh về công nghệ quốc phòng ?

"Việt Nam đã chứng minh được khả năng thành thạo trong việc đảo ngược kỹ thuật vũ khí và thiết bị quân sự của nước ngoài. Việt Nam có thể sẽ nhấn mạnh với Trung Quốc vào việc chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất".- Giáo sư Carl Thayer nhận xét.

Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, quan trọng cần phải làm rõ là Việt Nam quan hệ quốc phòng với Trung Quốc là để học tập, mong được chuyển giao về khoa học kỹ thuật quân sự hay là muốn mua vũ khí ? Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định thêm :

"Một số nhà quan sát bình luận việc Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đi Mỹ có mua vũ khí Mỹ hay không ? Thì theo tôi Việt Nam không đủ nguồn lực mua sắm vũ khí hiện đại như các quốc gia lớn trên thế giới. Thứ hai, Việt Nam sắm vũ khí hiện đại để đánh ai và đánh thì có thắng hay không ? Tôi lấy ví dụ trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò và tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam… thì Việt Nam không bao giờ có chủ trương gây chiến tranh với Trung Quốc, vì tìm lực kinh tế và quân sự Việt Nam không thể nào đánh bại Trung Quốc, do đó chiến lược quân sự của Việt Nam là phòng thủ".

Có đáng lo ngại ?

 

Trung Quốc là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng duy nhất của Việt Nam. Không chỉ quân sư hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Bắc Kinh còn đe dọa, phá hoại, ngăn cản các nước đơn phương hoặc hợp tác với đối tác thăm dò năng lượng, dầu khí trên vùng biển hợp pháp ở Biển Đông.
Vào năm 2017, Trung Quốc đã đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, nếu hoạt động khoan dầu hợp tác với Repsol không dừng lại.
Vậy hợp tác với Trung Quốc như đề nghị được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đưa ra với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Trương Hựu Hiệp mới đây, có rủi ro gì không ?

Liên quan vấn đề này, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định :

"Tôi thấy không có một rủi ro gì hết, chưa hẳn Trung Quốc đồng ý chuyển giao toàn bộ khoa học kỹ thuật quốc phòng cho Việt Nam, mà nó chỉ ở một lĩnh vực nào đó. Việt Nam cũng không có tham vọng sao chép hay học tập toàn bộ năng lực quốc phòng của Trung Quốc, mà chỉ ở một lĩnh vực nào đó có tính quyết định, tức là công nghệ cao. Việt Nam hiện đang ở thế yếu về công nghệ, do đó cần phải học tập đa dạng ở các nước tư bản cũng như cộng sản, để tìm cái riêng của mình".

Còn mối quan hệ chồng chéo phức tạp như Việt Nam và Trung Quốc theo ông Phúc là vấn đề rất khó giải quyết trước mắt. Trong 50 năm tới, bao giờ Trung Quốc từ bỏ chủ quyền của họ ở trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông thì lúc đó mới có chuyện hòa bình hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Nguồn : RFA, 29/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 110 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)