Bất ổn tại Myanmar gia tăng (RFA, 30/08/2017)
Giao tranh giữa lực lượng an ninh Mynamar và du kích quân Rohingya ở bang Rakhine, miền bắc Myanmar vẫn tiếp tục kể từ thứ 6 tuần trước, 24 tháng 8 và vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Khói bốc lên từ một ngôi làng bị đốt cháy gần thị trấn Maungdaw ở bang Rakhine hôm 30/8/2017 - AFP
Theo hãng tin AFP, đã có ba ngôi làng bị bốc cháy hôm 30 tháng 8.
Một người dân làng Rohingya ở gần thị trấn Maugdaw muốn giấu tên cho biết dân cư ở đây đã phải chạy trốn khỏi xóm làng của mình khi lực lượng an ninh tiến vào và đốt nhà của họ.
Giao tranh giữa quân chính phủ và du kích quân Rohingya trong 6 ngày qua đã khiến ít nhất 110 người chết và khiến hàng ngàn người phải rời đi lánh nạn.
Lực lượng Arkan Rohingya Solidarity Army cho biết họ đã bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ hôm thứ sáu tuần trước nhắm vào các đồn cảnh sát. Vũ khí họ sử dụng là dao, chất nổ tự chế và vài khẩu súng.
Lực lượng này đã bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng an ninh của chính phủ từ hồi tháng 10 năm ngoái. Những vụ tấn công này đã khiến quân đội Myanmar phải thực hiện một chiến dịch trấn áp kéo dài cả tháng qua khiến hàng chục người chết và 87.000 người phải rời bỏ nhà cửa sang Bangladesh lánh nạn.
Thêm người Rohingya chạy nạn đến biên giới Bangladesh
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có thêm ít nhất 18.500 người Hồi giáo Rohingya vượt biên giới sang Bangladesh lánh nạn.
Người phát ngôn của IOM ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Chris Lom cho biết con số thống kê này được tính cho đến đêm hôm 29 tháng 8 và rất khó để xác định được con số chính xác vì nhiều người vượt được sang nước láng giềng Bangladesh có thể đã không đăng ký với chính quyền địa phương.
Tính đến ngày 29 tháng 8 đã có khoảng 6.000 người đến được biên giới giữa Bangladesh và Myanmar.
Chính phủ Bangladesh hôm 30 tháng 8 đã cho gia tăng tuần tra nhằm ngăn cản những người tị nạn đến nước này. Hiện tại đã có khoảng 400.000 người Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh.
Những người Rohingya thường phải vượt qua biên giới đất liền hoặc bơi qua con sông Naf giữa hai nước Myanmar và Bangldesh bất chấp những rủi ro có thể xảy đến với họ.
Một giới chức chính phủ Bangladesh nói với hãng tin AFP là đã có 2 xác phụ nữ Rohingya và 2 xác trẻ em được tìm thấy trên đất Bangladesh hôm 30 tháng 8. Đây là những người đã bị chết đuối khi tàu của họ bị lật trên sông.
Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Myanmar phải bảo vệ các thường dân không phân biệt tôn giáo, đồng thời kêu gọi chính phủ Bangladesh tiếp nhận những người tị nạn.
Biểu tình tại Malaysia ủng hộ người Rohingya
Trong khi đó, tại Malaysia, hàng trăm người biểu tình vào hôm 30 tháng 8 để bày tỏ sự ủng hộ với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang phải gánh chịu những hậu quả của giao tranh.
Một số người biểu tình khóc và nói rằng thân nhân họ đang bị sát hại. Một số người khác giương cao các biểu ngữ có dòng chữ ‘Chấm dứt nạn diệt chủng người Rohingya", ‘Hãy cứu người Rohingya’...
Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa nhưng vẫn có 20 người bị bắt vì nghi có những vi phạm liên quan đến nhập cư.
Có một nhóm nhỏ những người biểu tình đã tập trung trước đại sứ quán Myanmar ở Kualar Lumpur.
Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 60.000 người tị nạn Rohingya ở Malaysia. Những người này chủ yếu làm các công việc không đòi hỏi tay nghề cao, những nghề mà người địa phương thường không làm.
Những đàn áp nhắm vào người Rohingya ở Myanmar cũng khiến nhiều người Malaysia và những người theo đạo Hồi trên toàn thế giới tức giận.
***********************
Miến Điện : Hơn 18 ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh (RFI, 30/08/2017)
Hôm 30/08/2017, Tổ chức Di dân Quốc tế (OIM) thông báo là đã có ít nhất 18.500 người, chủ yếu là người Hồi Giáo Rohingya vượt biên sang tị nạn bên nước láng giềng Bangladesh kể từ khi nổ ra các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Miến Điện ngày 25/08.
Người Rohingya tìm đường băng qua biên giới Miến Điện Bangladesh. Ảnh chụp gần vùng biên giới ngày 28/08/2017. Reuters
Một phát ngôn viên của OIM nói thêm còn nhiều người tị nạn đang kẹt lại ở biên giới, nhưng họ không biết chính xác là bao nhiêu. Trong những ngày gần đây, một phần trong số người tị nạn Rohingya đã không được Bangladesh cho đi qua biên giới.
Còn tại Malaysia, quốc gia có đa số dân là người Hồi Giáo, hôm nay, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ủng hộ người Rohingya ở Miến Điện và kêu gọi chấm dứt các vụ bạo lực nhắm vào cộng đồng thiểu số này. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có gần 60 ngàn người Rohingya tị nạn ở Malaysia.
Trong khi đó, hôm qua, tại Genève, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein đã lên án các vụ vi phạm quyền của người Rohingya và theo ông, đó chính là nguồn gốc khiến bạo động bùng phát ở bang Rakhine, Miến Điện. Ông Zeid cho rằng chính quyền Miến Điện lẽ ra đã có thể ngăn chận những vụ bạo động đó.
Từ ngày 25/08 đến nay, các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Miến Điện đã khiến hơn 100 người chết, trong đó có khoảng 80 chiến binh Rohingya.
Thanh Phương
***********************
Bangladesh đề nghị giúp Miến Điện chống quân nổi dậy Rohingya (RFI, 29/08/2017)
Ngày 29/08/2017, Bangladesh ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ quân sự giúp Miến Điện chống lại lực lượng nổi dậy người Rohingya. Trong khi đó Liên Hiệp Quốc lo ngại những thường dân của sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo đang trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực trong những ngày qua ở bang Rakhine.
Quân đội Bangladesh tại Ghumdhum sát biên giới với Miến Điện. Ảnh ngày 26/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Trong một cuộc họp với Miến Điện tại Dhaka bàn về tình hình biên giới, một quan chức cao cấp ngoại giao Bangladesh đã đề xuất sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho quân đội Miến Điện trong các chiến dịch tấn công quân nổi dậy người Rohingya tại vùng biên giới.
Quan chức ngoại giao Bangladesh giấu tên nói : "Nếu Miến Điện muốn, lực lượng an ninh của hai nước có thể tiến hành các chiến dịch quân sự chung để chống bất kỳ toán quân vô chính phủ nào cũng như lực lượng Arakan, trên dọc biên giới giữa hai nước Bangladesh và Miến Điện".
Lực lượng Cứu Nguy Arakan Rohingya (ARSA) là nhóm quân nổi dậy có vũ trang tuyên bố chiến đấu để bảo vệ người thiểu số Hồi Giáo, mà theo họ đang là nạn nhân của an ninh Miến Điện cũng như của cộng đồng đa số người theo Phật Giáo tại bang Rakhine.
Chưa có phản ứng nào của giới ngoại giao Miến Điện về những thông tin trên.
Từ cuối tuần trước tình hình trở nên căng thẳng khi lực lượng nổi dậy người Rohingya liên tiếp mở các cuộc tấn công vào quân đội chính phủ Miến Điện ở vùng biên giới với Bangladesh. Những ngày qua đã có hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 8 chục chiến binh nổi dậy. Chiến sự lan rộng đã làm dấy lên làn sóng thường dân Rohingya ồ ạt vượt biên qua Bangladesh lánh nạn.
Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết chỉ trong 3 ngày qua đã có ít nhất 3000 người thiểu số Hồi Giáo Rohingya vượt biên sang Bangladesh để chạy trốn các cuộc xung đột bạo lực
Trước đó, 400 nghìn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh tránh bạo lực. Lo ngại các trại tị nạn trở nên quá tải, Bangladesh không muốn tiếp nhận thêm những người Rohingya từ bên kia biên giới Miến Điện. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ra thông cáo tỏ "lo ngại sâu sắc" với số phận của những thường dân Rohingya, trong các vụ xung đột tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện. Đồng thời Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bangladesh cố gắng hơn nữa trợ giúp những người phải chạy trốn bạo lực mà trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em.
Anh Vũ