Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/09/2017

Trung Quốc và giấc mơ Cúp bóng đá thế giới

RFI tiếng Việt

Huấn luyện viên dở, thiếu hăng hái, tiền đầu tư không đúng chỗ… Đối với Trung Quốc, đã bị loại khỏi cuộc chạy đua World Cup 2018, con đường còn rất dài để có thể thực hiện được giấc mơ tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới.

cup1

Cổ động viên Trung Quốc trong trận đấu vòng loại World Cup 2018 với Uzbekistan trên sân Vũ Hán, ngày 31/08/2017. Reuters/Stringer

Đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên Ý Marcello Lippi lãnh đạo từ cuối năm 2016, đã đánh bại Qatar 2-1 trong trận đấu cuối cùng vòng loại Châu Á, nhưng kết quả này không đủ để giành được chiếc vé đi tiếp.

Trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên viết : "Lẽ ra ông Lippi phải đến sớm hơn". Từ khi ông nhận nhiệm vụ, đội tuyển Trung Quốc đã thắng được 3 trận, hòa 2 và thua 1 - ba trận thua và một trận hòa khác là dưới thời người tiền nhiệm Cao Hồng Ba (Gao Hongbo). Những tiến bộ khác trong những tháng gần đây rốt cuộc vẫn chưa đủ.

Ông Mads Davidsen, giám đốc kỹ thuật Shanghai SIPG, câu lạc bộ "thượng lưu" tập hợp các ngôi sao bóng đá Brazil như Oscar và Hulk, nhận định : "Vấn đề số một tại Trung Quốc là huấn luyện. Những gì các huấn luyện viên Trung Quốc dạy cho học viên là không thể cạnh tranh được với thế giới. Họ cần được đào tạo lại. Tôi không chê bai họ, nhưng một cầu thủ không được huấn luyện đúng đắn chỉ có 0% cơ hội đạt đến trình độ cao".

Chủ tịch Tập Cận Bình vốn yêu thích bóng đá, tuy vậy vẫn hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc có thể tổ chức và giành được chiếc Cúp vô địch bóng đá thế giới. Hồi tháng Sáu, bộ Ngoại Giao nước này đã bình luận : "Đó là giấc mơ của nhiều người Trung Quốc, và chúng tôi hy vọng có thể trở thành hiện thực càng nhanh càng tốt".

Trung Quốc không còn giấu diếm tham vọng được trở thành nước chủ nhà World Cup 2030, mà Achentina, Uruguay và Paraguay vừa liên kết để ứng cử. Tham vọng này được nuôi dưỡng từ nhiều năm qua, với việc đổ tiền ồ ạt vào các giải vô địch quốc gia. Các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc chi ra nhiều triệu đô la để mua các tiền đạo nước ngoài (Carlos Tevez, Pato, Gervinho, Anthony Modeste…)

Tuy vậy đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng của FIFA (thứ 8 Châu Á), sau cả một nước nghèo Châu Phi là Sierra Leone. Nhưng Bắc Kinh mơ sẽ xoay ngược được chiều hướng, muốn có được 40.000 trường dạy đá banh từ nay đến năm 2020, thay vì con số 13.000 hiện nay.

Angela Smith, chịu trách nhiệm về các dự án quốc tế ở Stoke City, câu lạc bộ tranh giải ngoại hạng Anh đã mở trường đá banh tại Trung Quốc phân tích : "Điều mà chính quyền Bắc Kinh muốn tránh né bằng mọi giá, là bị chế giễu khi trở thành nước chủ nhà World Cup".

Bà nhấn mạnh, vấn đề của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc, là "họ chỉ mua về các cây làm bàn". Angela Smith nói : "Họ không hề nghĩ đến việc phát triển toàn ê-kíp. Trong khi đó, nếu không đào tạo tất cả các loại cầu thủ ở cơ sở, trong các câu lạc bộ và trường học, thì bóng đá Trung Quốc không thể tiến triển được".

Ông Luiz Ferreira, giám đốc huấn luyện lớp trẻ ở Tianjin Teda (thuộc các câu lạc bộ hạng nhất Trung Quốc), chỉ ra một vấn đề khác, đó là thiếu đam mê. Chuyên gia kỹ thuật người Bồ Đào Nha nói : "Tôi nhớ lại một cuộc tập huấn, khi đó tôi hỏi các cầu thủ xem họ có coi trận chung kết Cúp C1 hay không. Chỉ một phần ba trả lời là có ! Họ chẳng quan tâm đến".

Ông Ferreira tự hỏi : "Năm tôi lên bảy, tôi đã xem một trận đá banh ở sân vận động Maracana ở Rio, Brazil, với 180.000 khán giả. Niềm đam mê theo tôi từ đó đến giờ. Và ở Bồ Đào Nha, chúng tôi có những huyền thoại như Cristiano Ronaldo, Figo…Nhưng ở Trung Quốc thì có gì để mộng mơ ?"

Đối với ông, "bóng đá hãy còn quá mới", và người Trung Quốc "cần có thời gian" để nuôi dưỡng đam mê.

Môn bóng đá được chế độ Cộng Sản Bắc Kinh quản lý từ thập niên 50, và chỉ mới bắt đầu khởi sắc vào giữa thập niên 60, với việc thành lập một giải vô địch quốc gia và các câu lạc bộ chuyên nghiệp.

Mads Davidsen kể : "Có lần tôi đến xem các trẻ em 8 tuổi tập luyện tại một trường học Trung Quốc, trình độ các em ngang với Châu Âu, thậm chí nhỉnh hơn. Như vậy việc đào tạo đã được bắt đầu từ cơ sở. Nhưng một cầu thủ đạt được mức độ tối đa ở tuổi 28, có nghĩa là để có được một đội tuyển có thể cạnh tranh, thì Trung Quốc còn phải chờ đợi 15 hoặc 20 năm nữa".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)