Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/09/2017

Bắc Kinh chào thua Bình Nhưỡng túng quẫn làm liều

Tổng hợp

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un mở tiệc mừng các khoa học gia hạt nhân (RFI, 10/09/2017)

Trên bán đảo Triều Tiên, tình hình hôm 0/09/2017 yên lắng khác thường, với sự kiện nổi bật nhất là Bình Nhưỡng phô trương hình ảnh của lãnh đạo Kim Jong-un mở đại tiệc khoản đãi các nhà khoa học hạt nhân đã góp phần thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 03/09 vừa qua.

trungtrieu5

Kim Jong-un trong buổi lễn ăn mừng thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 6 với các nhà khoa học tại Bình Nhưỡng ngày 10/09/2017. Ảnh : Reuters lấy nguồn từ KCNA

Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Bình Nhưỡng đã ra lệnh mở đại tiệc để chúc mừng các khoa học gia và kỹ thuật viên hạt nhân đã góp phần vào điều được ông gọi là "thành công toàn diện của việc thử nghiệm bom H", đồng thời kêu gọi nỗ lực gấp bội để giúp Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc nguyên tử đích thực.

Bản tin của KCNA không nêu rõ thời gian buổi đại tiệc diễn ra, nhưng đã công bố một loạt ảnh về sự kiện này, trong đó có ảnh ông Kim Jong-un tươi cười đứng cùng hai nhà khoa học Bắc Triều Tiên hàng đầu : Ri Hong-sop, lãnh đạo Viện Vũ Khí Hạt Nhân Bắc Triều Tiên và Hong Sung-mu, phó giám đốc phụ trách đạn dược của đảng Lao Động Triều Tiên.

Bình Nhưỡng công kích Paris

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã gay gắt đả kích những nước phê phán Bình Nhưỡng về vụ thử bom nguyên tử, đặc biệt là Pháp. Trong bài phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP hôm 08/09 vừa qua, vụ phó Vụ Châu Âu của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Tok-son đã cho rằng tuyên bố của Pháp về việc tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể là một mối đe dọa cho châu Âu là một điều "nực cười".

Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh rằng vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên chỉ nhằm mục đích răn đe trước hiểm họa hạt nhân đến từ Mỹ, và nếu "vũ khí hạt nhân là điều xấu, Pháp cũng phải từ bỏ nó vì Paris không phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân nào".

Ngay sau khi Bình Nhưỡng thử bom H, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc "phản ứng nhanh chóng" và yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp ứng phó "rõ ràng và thống nhất". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thì cảnh báo là Bắc Triều Tiên có khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và cả vào châu Âu "nội trong vài tháng".

YouTube đóng cửa tài khoản tuyên truyền cho Bình Nhưỡng

Cũng trên bình diện tuyên truyền, kênh truyền hình trên mạng YouTube ngày hôm qua đã xác nhận việc đóng tài khoản Uriminzokkiri - một kênh tuyên truyền của chính quyền Bắc Triều Tiên, với lý do là tài khoản này "vi phạm các quy định về hoạt động của YouTube".

YouTube không cho biết chi tiết về lý do tại sao tài khoản bị đóng hoặc bị đóng trong bao lâu, song thu nhập có được từ quảng cáo từ các tài khoản này có thể vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại mà Hoa Kỳ áp đặt trên Bắc Triều Tiên.

Trọng Nghĩa

*****************

Trung-Triều có còn là quan hệ "môi hở răng lạnh" ? (VnEconomy, 10/09/2017)

Dù không vui, Trung Quốc đã "ngậm bồ hòn làm ngọt" bỏ qua cho những hành động gây hấn của Triều Tiên..

Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào ra mặt ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ chưa từng kinh qua thử thách, dự báo rằng "mối quan hệ bạn bè truyền thống" giữa hai nước sẽ được tăng cường.

trungtrieu1

Cờ Trung Quốc và Triều Tiên bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên ở Ninh Ba, Triết Giang, Trung Quốc, tháng 4/2016 - Ảnh : Reuters.

Hai năm sau, người chú dượng của Kim Jong-un là Jang Song-thaek bị xử tử, nhân vật đứng mũi chịu sào của Triều Tiên trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời là một quan chức tương đối có tư duy cải cách. Theo hãng tin Reuters, từ đó trở đi, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh xấu đi nhanh chóng, đến nỗi một số nhà ngoại giao và chuyên gia lo ngại rằng giống như Mỹ, Trung Quốc có thể trở thành một mục tiêu cho những cơn giận của Triều Tiên.

Trong khi Mỹ và đồng minh của nước này cho rằng Bắc Kinh nên có thêm hành động để kiềm chế Bình Nhưỡng, sự tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên diễn ra đồng thời với sự đi xuống của mối quan hệ ngoại giao Trung-Triều.

Trước khi về hưu vào mùa hè năm nay, ông Wu Dawei, quan chức Trung Quốc phụ trách quan hệ với Bình Nhưỡng, không hề tới Triều Tiên trong vòng hơn 1 năm. Người lên thay ông Wu là ông Kong Xuanyou cũng chưa thăm Triều Tiên và vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ nắm giữ từ trước đó. Giới ngoại giao cho biết, ông Kong đã đi tới Pakistan từ giữa tháng 8.

Theo giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, ý tưởng cho rằng Trung Quốc kiểm soát ngoại giao đối với Triều Tiên hoàn toàn là sai lầm. "Chưa bao giờ tồn tại mối quan hệ lệ thuộc giữa hai bên. Chưa bao giờ. Nhất là sau chiến tranh lạnh, Triều Tiên rơi vào cảnh khó khăn và không thể có đủ sự giúp đỡ từ Trung Quốc, nên họ đã quyết tâm tự lực cánh sinh", ông Jin nói.

Vào giữa thập niên 1990, một nạn đói lớn đã xảy ra ở Triều Tiên, được cho là khiến nhiều người ở nước này thiệt mạng. Trận đói đó là một bước ngoặt đối với kinh tế Triều Tiên, dẫn tới việc nước này buộc phải cho phép hoạt động thương nghiệp tư nhân. Nhờ đó, Triều Tiên có được mức độ độc lập nhất định khỏi thế giới bên ngoài, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào tư tưởng "Juche" - tự lực.

Dù mối quan hệ song phương luôn bị phủ bóng bởi sự hoài nghi và thiếu tin tưởng, Trung Quốc đã "ngậm bồ hòn làm ngọt" bỏ qua cho những hành động gây hấn của Triều Tiên, bởi bất ổn ở Triều Tiên có thể đẩy hàng triệu người tị nạn chạy qua biên giới sang Trung Quốc, và cũng có thể đặt sự hiện diện của Mỹ ngay sát Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc không muốn sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để gây sức ép đối với Triều Tiên. Bắc Kinh lo ngại rằng những biện pháp mạnh như cấm vận dầu lửa mà Mỹ đề xuất có thể dẫn tới sự sụp đổ của Triều Tiên. Thay vào đó, Trung Quốc luôn kêu gọi bình tĩnh, kiềm chế, và tìm giải pháp thông qua đàm phán.

Reuters cho rằng, vụ thanh trừng Jang Song-thaek vào năm 2013 đã khiến Bắc Kinh mất niềm tin vào ông Kim Jong-un. "Dĩ nhiên là Trung Quốc không vui", một nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh tiết lộ. 

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ, Trung Quốc đã cử ông Liu Yunshan, một quan chức cấp cao trong đảng cộng sản nước này, tới tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng vào tháng 10/2015.

Khi đó, ông Liu đã chuyển một lá thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, bao gồm không chỉ những lời chúc mừng từ đảng cộng sản Trung Quốc, mà còn cả "những lời chúc thân tình" của cá nhân ông Tập.

Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc đã bị đáp lại bằng những hành động mạnh của Bình Nhưỡng. Trong đó có những hành động mà giới phân tích cho là được tính toán thời điểm để khiến Bắc Kinh bối rối nhất có thể. 

Chẳng hạn, vụ thử bom nhiệt hạch vào hôm thứ Bảy tuần trước diễn ra đúng lúc Trung Quốc đăng cai một hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS. Hồi tháng 5, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa chỉ vài giờ trước khi khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường - sự kiện nhằm quảng bá sáng kiến chính sách đối ngoại chủ chốt của ông Tập Cận Bình.

Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng ví mối quan hệ Trung-Triều như môi với răng, "môi hở thì răng lạnh". Tuy nhiên, giờ đây, dường như Trung Quốc đang "chịu đựng" Triều Tiên chỉ vì không muốn gặp rắc rối.

Bất chấp sức ép mà hành động của Triều Tiên gây ra đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đến nay vẫn kiềm chế có hành động cứng rắn hơn. Sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo rằng việc cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên sẽ biến cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên thành một cuộc xung đột giữa nước này với Trung Quốc.

Ông Zhao Tong, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Carnegie-Tsinghua Center ở Bắc Kinh, nói rằng Triều Tiên rất không hài lòng với việc Trung Quốc ủng hộ việc Liên hiệp quốc gần đây siết lệnh trừng phạt đối với nước này. "Nếu Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt kinh tế mạnh hơn trực tiếp đe dọa sự ổn định của chính thể ở Triều Tiên, thì rất có thể Triều Tiên sẽ trở nên thù nghịch với Trung Quốc như với Mỹ", ông Zhao nhận định.

An Huy

********************

Bắc Triều Tiên xuất khẩu lậu 270 triệu đô la trong 6 tháng (RFI, 10/09/2017)

Cộng đồng quốc tế càng gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng càng tìm cách lách lệnh cấm vận để duy trì nguồn ngoại hối. Kết luận được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa ra trong bản báo cáo công bố ngày 09/09/2017, trước kỳ họp quyết định về loạt trừng phạt thứ 8 của Hội Đồng Bảo An đối với chế độ Kim Jong-un.

trungtrieu2

Một tàu Bắc Triều Tiên trên sông Áp Lục, biên giới với Trung Quốc, cửa ngõ buôn bán chính với Trung Quốc. Reuters/Jacky Chen

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định chính thức những thông tin được nhiều nguồn tin ngoại giao ẩn danh cung cấp cho các hãng truyền thông, trong đó có AFP, vào tháng 08/2017.

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tiến hành nghiên cứu từ tháng 02 đến tháng 08/2017. Trong thời gian này, Bình Nhưỡng vẫn xuất khẩu hầu hết các loại sản phẩm bị Liên Hiệp Quốc cấm và mang về cho Bắc Triều Tiên ít nhất 270 triệu đô la.

Sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập than đá của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã cho xuất các lô hàng đó thông qua một số nước, trong đó có Việt nam và Malaysia, để tái xuất tiếp sang nước thứ 3.

Vẫn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, "Bắc Triều Tiên tiếp tục vi phạm các trừng phạt về tài chính nhờ đội ngũ tình báo ở nước ngoài tiến hành các giao dịch tài chính cho đất nước". Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành về các hồ sơ liên quan đến Syria, một số nước châu Phi.

Theo kết luận của báo cáo, "việc không thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt, cùng với các cách lách luật ngày càng nhiều của Bắc Triều Tiên, đã phá hỏng mục tiêu của các nghị quyết buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hoạt động liên quan".

Gia tăng trừng phạt buộc Bình Nhưỡng đàm phán

Trong phiên họp ngày 11/09/2017 của Hội Đồng Bảo An liên quan đến loạt trừng phạt thứ 8 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của chế độ Kim Jong-un, thách thức đối với năm nước thành viên thường trực (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh) là phải "tỏ đoàn kết vì đây là cách duy nhất có thể tiến tới một giải pháp ngoại giao thành công", theo nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 10/09.

Ông cũng đánh giá vấn đề hạt nhân, vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên là "rất đáng ngại" và đây là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải xử lý từ nhiều năm qua".

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 09/09 với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng "cần phải đưa ra phản ứng đoàn kết, nghiêm khắc trước những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại" của Bắc Triều Tiên, đồng thời "ưu tiên gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường trừng phạt".

Về phía thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bài phỏng vấn được đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung ngày 10/09, bà cho biết sẵn sàng tham gia một sáng kiến ngoại giao để chấm dứt chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Đức gợi ý mô hình đàm phán vấn đề nguyên tử của Iran với kết quả là thỏa thuận hạt nhân giữa Teheran và các cường quốc được ký vào tháng 07/2015.

Thu Hằng

*******************

Trung Quốc lo 'nhiễm phóng xạ' từ Bắc Hàn (BBC, 10/09/2017)

Hệ thống cảnh báo của quân đội Mỹ (Defcon) phát hiện phóng xạ từ vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng mới đây.

trungtrieu3

Truyền thông Bắc Hàn nói ông Kim Jong-un "thị sát việc đưa bom nhiệt hạch vào một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa" (Ảnh của KCNA nói chụp ngày 3/9/2017)

Tin cho hay hệ thống này phát hiện chất phóng xạ tại Trung Quốc, Nam Hàn và ở chính địa điểm thử hạt nhân.

Người ta cho rằng nguồn phóng xạ là do một đường hầm bị sập tại địa điểm thử hạt nhân ở Punggye dưới Đỉnh Mantap.

Báo cáo mới của Defcon nói hiện khó có thể biết chính xác lượng phóng xạ rò rỉ ra là bao nhiêu.

Vụ thử hạt nhân mà Bắc Hàn tuyên bố là bom nhiệt hạch được thực hiện dưới lòng đất nhưng đường hầm tại đó bị sập do chính phủ thử này gây ra và do các đợt thử nghiệm liên tục, báo cáo cho hay.

Được biết lượng phóng xạ cũng được phát hiện tại một số khu vực của Trung Quốc giáp danh với Bắc Hàn vì vụ thử hạt nhân cách đây một tuần chỉ cách đường biên với Trung Quốc chưa tới 50 km.

Giới chuyên gia lo ngại rằng phóng xạ có thể lan tỏa vào không khí do lòng đất bị xáo trộn.

Trong khi đó các trung tâm thử nghiệm của Trung Quốc nói chưa phát hiện thấy phóng xạ nhưng vẫn tiếp tục thử không khí, đất và nước.

Rò rỉ phóng xạ là mối quan ngại lớn bởi có thể ảnh hưởng tới khoảng 100 triệu người Trung Quốc sống tại khu vực phía đông bắc gần đường biên với Bắc Hàn.

Giới chức Trung Quốc được cho là nói với cựu Tổng thống Park Geun-hye rằng việc Bắc Hàn thử hạt nhân hồi năm 2013 làm sông Yalu, chảy qua biên giới Bắc Hàn và Trung Quốc, bị nhiễm.

Tuy nhiên giới chức Trung Quốc hiện không xác nhận và cũng không bác bỏ điều này mặc dù kể từ năm 2013 đã đặt một loạt trạm giám sát phóng xạ và sẽ bổ sung thêm ít nhất hai trạm nữa sau vụ thử mới nhất.

Hoa Kỳ vào tuần trước đã đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn, bao gồm lệnh cấm vận xăng dầu và phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un.

Hoa Kỳ đã soạn thảo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để phản ứng lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, và dự thảo nghị quyết này sẽ được các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét.

Dự thảo kêu gọi việc cấm bán một loạt các sản phẩm dầu cho Bắc Hàn và cấm mua hàng dệt may Bình Nhưỡng xuất khẩu.

Kim Jong-un cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.

trungtrieu4

Các vụ thử hạt nhân trước đây

Động thái mới nhất nhằm tăng áp lực với Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân mới nhất.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch đủ mạnh và có kích cỡ nhỏ để lắp vừa tên lửa tầm xa.

Chưa rõ liệu những đòi hỏi mới nhất của Hoa Kỳ có được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn hay không vì hai nước này đều tỏ ra hoài nghi về việc tăng cường lệnh thanh trừng.

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)