Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon nói rằng Bắc Hàn có thể đòi được coi là 'cường quốc hạt nhân' khi đối thoại để tham gia Thế Vận hội Mùa Đông ở miền Nam, theo báo Hàn Quốc.
Ông Lee Nak-yon được trích lời hôm 02/01/2018 nói rằng Hàn Quốc cần "dũng cảm đón nhận cơ hội" về việc Bắc Hàn bày tỏ ý muốn đối thoại để tham gia Thế Vận hội PyeongChang, diễn ra từ ngày 08 đến 25 tháng Hai năm nay.
Trong thông điệp đón Năm mới 2018, lãnh tụ miền Bắc Kim Jong-un nói ông muốn bắt đầu ngay cuộc hội đàm cao cấp với miền Nam ngày 9 tháng Một.
Nội dung cuộc họp là để bàn về cách đoàn vận động viên Bắc Hàn dự Thế Vận hội PyeongChang ở Hàn Quốc tới đây.
Thực ra lời mời để đoàn miền Bắc dự Thế Vận hội Mùa Đông đã được Hàn Quốc nêu ra từ lâu nay, nhưng tín hiệu từ ông Kim Jong-un là mới nhất và cao cấp nhất.
Tuy thế, Thủ tướng Hàn Quốc nay tin rằng một điều kiện Bắc Hàn nêu ra để đối thoại sẽ là sự công nhận họ có tư cách "cường quốc hạt nhân".
Đây là điều từ lâu nay tất cả các đại cường như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc đều không chấp nhận.
Thủ tướng Lee không nói rõ "yêu cầu" của Bắc Hàn có thể là gì, theo trang Korea Times hôm 2/1/2018.
Ông chỉ nói rằng "cuộc hội đàm nếu diễn ra cũng sẽ là điều đầy bất trắc" và cho rằng phát biểu của ông Kim Jong-un cho thấy "đe dọa vẫn còn đó".
Bộ trưởng Thống nhất đất nước của Nam Hàn, Cho Myoung-gyon đề xuất hôm 2/1 rằng người đại diện hai miền Nam Bắc có thể gặp nhau ở Bàn Môn Điếm, nằm trên đường giới tuyến lập ra từ sau Hiệp định Đình chiến năm 1953.
Hàn Quốc nói họ đang trao đổi với Hoa Kỳ, quốc gia đóng quân tại Hàn Quốc, về đề nghị đối thoại ông Kim Jong-un nêu ra.
Theo một bình luận của Danny Lam trên trang Asia Times cũng vào ngày 02/01/2018, việc công nhận Bắc Hàn là "cường quốc có vũ khí nguyên tử" là điều không thể chấp nhận được với Hoa Kỳ và đồng minh.
Vì điều này coi như là trật tự 'an ninh của thế giới tự do' tan vỡ.
Hiện Hoa Kỳ vẫn xem xét các khả năng ngoại giao và quân sự để ngăn cản Bắc Hàn tiến đến điểm công bố hoàn toàn làm chủ kho vũ khí hạt nhân.
Nhưng có vẻ như với tuyên bố hôm đầu năm của ông Kim Jong-un rằng ông "có trên bàn bộ nút bấm nguyên tử", và sẵn sàng tấn công Hoa Kỳ nếu bị tấn công, tình hình đã thay đổi.
Tổng thống Donald Trump hiện vẫn tiếp tục nói chính quyền Mỹ không loại trừ bất cứ khả năng nào để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cùng lúc, theo Danny Lam, chiến tranh dù nhỏ, ở diện chiến thuật để phá hủy cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn, cũng sẽ có hậu quả vô cùng tồi tệ cho kinh tế Trung Quốc.
Trước mắt, căng thẳng quanh chương trình nguyên tử của Bắc Hàn đã khiến hai nước láng giềng của Trung Quốc và Bắc Hàn tìm cách tăng năng lực phòng thủ.
Nhật Bản vừa có kế hoạch cải tiến chiến hạm mang tàu ngầm tới Izumo để có thể chở phi cơ F-35, khiến Trung Quốc phản đối.
Phía Trung Quốc cho rằng đây là cách chính phủ Shinzo Abe "lách luật" để tái vũ trang và biến tàu chở trực thăng thành hàng không mẫu hạm, điều Hiến pháp Nhật Bản không cho phép.
Nhưng gần đây có tin Hàn Quốc cũng muốn tăng cường thêm phi đội F-35 mua của Mỹ để phòng ngừa Bắc Hàn.
Hàn Quốc cũng chấp nhận để Hoa Kỳ đem vào đất của họ hệ thống THAAD phòng chống tên lửa.
*********************
Hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục phủ bóng Châu Á năm 2018 (RFI, 01/01/2018)
Du khách Bắc Triều Tiên chụp ảnh dưới bức tượng khắc hình tên lửa đạn đạo trên băng đá tại công viên Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, ngày 01/01/2018 Reuters
Lãnh đạo Kim Jong-un trong bài phát biểu chúc mừng năm mới khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ sản xuất nhiều hơn nữa đầu đạn hạt nhân, cảnh cáo Hoa Kỳ về sức mạnh nguyên tử của nước này, nhưng đồng thời có một cử chỉ hòa dịu với miền Nam. Một dấu hiệu hòa hoãn thật tâm từ Bình Nhưỡng ?
Nhìn lại một năm qua, Bắc Triều Tiên đã khiến thế giới ngỡ ngàng trước sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ tên lửa đạn đạo sau mỗi lần thử, bất chấp các lệnh trừng phạt nối tiếp nhau của Liên Hiệp Quốc.
Thế giới bất lực trước việc cản trở Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Tương lai bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ mù mịt khi mà bản thân Hoa Kỳ cho đến giờ chưa có được một kế hoạch cụ thể nào ngoài việc gia tăng các biện pháp trừng phạt.
Chính quyền tổng thống Donald Trump chỉ biết tìm cách "tán tỉnh" Trung Quốc với hy vọng nước này ngưng cung cấp dầu hỏa cho chế độ Bình Nhưỡng. Một biện pháp mà cho đến giờ Bắc Kinh luôn phản đối do e sợ sự sụp đổ chế độ Bắc Triều Tiên và viễn cảnh lính Hàn Quốc và Mỹ ngay sát cửa nhà mình. Theo như nhận định của báo Anh The Guardian, tổng thống Mỹ dường như chẳng có trong tay một quân bài ngoại giao quan trọng nào phòng cho lúc hữu dụng.
Vẫn theo nhật báo Anh, việc Washington gạt bỏ mọi lo ngại là tên lửa Bắc Triều Tiên có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả Tokyo và Seoul đều ngày càng lo sợ rằng cam kết an ninh của họ với Washington sẽ bị lung lay và Hoa Kỳ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm của Kim Jong-un.
Trong bối cảnh này, mọi thách thức giờ như đặt trong tay thủ tướng Shinzo Abe. Với thắng lợi cuộc bầu cử Quốc Hội hồi mùa thu năm 2017, vị thủ tướng bảo thủ mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc này mong muốn tăng cường hơn nữa an ninh cho đất nước trong vòng 12 tháng tới. Đồng thời ông thông báo mua tên lửa hành trình cho phép đánh phủ đầu các mục tiêu quân sự của Bắc Triều Tiên.
Có điều, để làm được điều đó, thủ tướng Nhật Bản tuy đã có được đa số ở Nghị Viện, nhưng vẫn phải thuyết phục người dân thay đổi một số điều khoản trong Hiến Pháp chủ hòa, mà ông và các đồng minh chính trị cho rằng giờ không còn hợp thời nữa và bất công trong bối cảnh đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên và tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nói tóm lại, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đã thống trị cảnh quan địa chính trị Châu Á – Thái Bình Dương trong suốt năm 2017 và vẫn sẽ tiếp tục ngự trị, phủ bóng đen lên khu vực trong năm 2018.
Minh Anh
********************
Kim Jong-un loan báo Bình Nhưỡng sẵn sàng tham gia Thế Vận Mùa Đông ở Hàn Quốc (RFI, 01/01/2018)
Bình Nhưỡng đón năm 2018 với lời lẽ vừa đe dọa vừa hòa dịu. Tuyên bố "nút bấm hạt nhân đặt trên bàn làm việc" trong thông điệp đầu năm chứng tỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên kiên định trang bị vũ khí chiến lược bất chấp mọi áp lực. Tuy nhiên, trong phần kết luận, Kim Jong-un tỏ cử chỉ làm hòa với Seoul với tuyên bố : sẵn sàng gửi vận động viên tham dự Thế Vận Hội Pyeongchang vào tháng 02/2018 và chúc Thế Vận Hội thành công.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đọc diễn văn chào mừng năm mới 2018 (Ảnh do KCNA công bố ngày 01/01/2018) Reuters
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
Trong bộ âu phục màu xám, cờ Đảng bên trái, giọng nói nhanh và nhát gừng, Kim Jong-un phát biểu trong vòng 30 phút. Thông điệp thường xuyên được dừng lại để chêm vào các tràng pháo tay được thu âm từ trước.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cam kết sẽ chế tạo hàng loạt vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như khẳng định là trong năm 2017 vừa qua, đất nước đã trở thành "đại cường nguyên tử" khiến cho Washington không thể xâm phạm. Kim Jong-un nhấn mạnh từng lời : Toàn thể lãnh thổ Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn tên lửa… và nút bấm trong trên bàn làm việc của tôi.
Tuy nhiên, Kim Jong-un cũng tuyên bố, lần đầu tiên, sẵn sàng gửi một phái đoàn vận động viên tham gia tranh tài Olympic mùa đông, tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng Hai tới. Khẳng định là muốn thảo luận với với Seoul, Jim Jong-un chúc Thế Vận thành công và quan hệ hai miền Nam Bắc được cải thiện.
Thông điệp hòa dịu của Bình Nhưỡng đã được Seoul tiếp nhận với niềm hy vọng. Để tránh làm mất lòng Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đã đề xuất với Hoa Kỳ dời lại ngày tập trận chung được dự trù tổ chức cùng thời điểm với Thế Vận Hội Mùa Đông.
Lãnh đạo thế giới chúc mừng năm mới
Diễn văn chúc mừng năm mới là dịp để lãnh đạo các nước trên thế giới nhắc lại những ưu tiên, những mối quan tâm chính của mình.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đưa ra "báo động đỏ" và cảnh báo về mối lo ngại vũ khí nguyên tử ngày càng lớn, biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và bất bình đẳng ngày càng lớn.
Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết là Trung Quốc sẽ đảm nhiệm vai trò duy trì trật tự quốc tế, chống hiện tượng biến đổi khí hậu và "long trọng hứa hẹn" xóa bỏ đói nghèo vào năm 2020.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn có một sự thay đổi tốt hơn, cảm ơn người dân đã tự tin và tin tưởng vào tương lai đất nước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến sự đoàn kết giữa các thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cao vai trò cặp Pháp-Đức trong việc thúc đẩy phát triển Châu Âu và ông kêu gọi một "đại dự án cho Châu Âu".
Hoa Kỳ đón năm mới sau cùng. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong những Twitt cuối cùng của năm 2017, sau khi có lời chúc mừng năm mới, đã nhắc lại, xin trích, "chúng ta đang làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại và chúng ta làm việc này nhanh hơn người ta tưởng". Ông cũng không quên có vài dòng chỉ trích đối thủ cũ bên đảng Dân Chủ Hillary Clinton và những cơ quan truyền thông tung "tin giả".
Tú Anh
**********************
Giải mã chiến lược nguyên tử của Bắc Hàn (BBC, 19/12/2017)
Khoảng cách từ Washington tới miền đông của Bắc Hàn chỉ vào khoảng 12.700 km, mà tên lửa Hwasong-15 có tầm xa 13.000 km nếu được phóng theo quỹ đạo thông thường thay vì phóng thẳng lên không trung.
Đường bay của tên lửa Hwasong-15 như mô tả trên truyền hình Nam Hàn
Như vậy thì hăm dọa của Bình Nhưỡng có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ là khả tin ?
Trong thời gian qua, dư luận quốc tế phần nhiều là chỉ bình luận về sự tiến bộ nhanh chóng của Bắc Hàn : tên lửa xuyên lục địa, đầu đạn nguyên tử, vũ khí hóa học, chiến tranh mạng, và hình ảnh một cuộc chiến khốc liệt có thể xảy ra.
Sở dĩ như vậy là vì ông Kim Jong-un luôn đe dọa là sẽ tấn công phủ đầu nước Mỹ bằng nguyên tử (preemptive strike). Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis nói với Quốc Hội là Bắc Hàn đã "thay thế Nga trở thành mối nguy hiểm số một" (6/2017).
Ông lại vừa tuyên bố "Bắc Hàn đe dọa gấp rút và nguy hiểm nhất cho hòa bình và an ninh".
Nhưng câu hỏi đặt ra là : khi ồ ạt phóng tên lửa ngay từ lúc Tổng thống Donald Trump vừa đăng quang, rồi tăng tốc từ đó thì mục đích của Bình Nhưỡng là gì ? Liệu ông Kim Jong-un có thực sự nghĩ rằng sẽ "cho Mỹ nếm mùi cay đắng" như từng tuyên bố hay không ?
Nếu không thì với mục đích gì ? Và rồi cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ đi tới đâu ?
Giải mã chiến lược của Bình Nhưỡng
Ông và cha : Kim Il-sung và Kim Jong-il. Giấc mơ nguyên tử nay đã sang đến đời cháu
Trả lời câu hỏi đầu tiên : chắc chắn là KHÔNG, ông Kim Jong-un không thực sự nhắm vào lục địa Mỹ (như đề cập chi tiết dưới đây).
Vậy ông ta theo đuổi mục đích gì ? Mục đích là gây áp lực tối đa đối với Mỹ bằng cách chứng minh - một cách thuyết phục - rằng mình đã thực sự có sức mạnh nguyên tử - vừa đầu đạn, vừa sức phóng - "ngang bằng với Mỹ", như chính ông ta đã nói. Thêm vào đó là những vũ khí hóa học, tấn công mạng.
Áp lực tối đa với mục tiêu nào ? Mục tiêu là để Mỹ phải điều đình, tiến tới việc rút quân khỏi Nam Hàn, điều kiện tiên quyết mà Triều đại 'Nhà Kim' (The Kim Dynasty) đã đưa ra để thống nhất đất nước.
Giấc mơ không ngừng về thống nhất
Sở dĩ chúng tôi có thể đoan chắc như trên đây vì con đường ông Kim Jong-un đang đi thì cũng chỉ là tiếp nối những bước đi của Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), người ông, và Kim Jong-il (Kim Chính Nhất), người cha của ông ta, để theo đuổi giấc mơ tiến tới một nước Triều Tiên thống nhất.
Muốn như vậy thì phải áp lực cho bằng được để Mỹ rút ra khỏi Nam Hàn. Nhưng làm sao đẩy được Mỹ ra ? Bắc Hàn cho rằng chỉ có một giải pháp duy nhất : đó là phải có vũ khí nguyên tử.
Cuộc hành trình 61 năm của người ông và người cha (1950 tới 2011) đã không thành công, cho nên trối lại sứ mệnh này cho người con, người cháu trẻ tuổi nhất, hăng say nhất.
Vì còn quá trẻ, lại không có con lớn đủ để kế vị mình, cho nên ông Kim Jong-un phải vội vã hoàn thành sứ mệnh cho lẹ.
Kim II-sung với quyết định nguyên tử
Vừa lên ngôi năm 1948, ông Kim Il-sung đã nghĩ ngay tới thống nhất bằng quân sự. Ông tung quân sang qua vĩ tuyến 38 tấn chiếm Nam Hàn (6/1950).
Về phía Trung Quốc thì ông Mao - dù vừa mới chân ướt chân ráo tiến vào Bắc Kinh - đã dùng chiến thuật biển người, đưa tới 300.000 quân sang yểm trợ.
Nếu như không có Tướng Mỹ Douglas MacArthur đẩy lui thì mộng thống nhất đã thành công ngay từ thập niên 1950 rồi. Vì bị đẩy lui cho nên, sau ba năm chinh chiến (1950-1953) với bao nhiêu tổn thất nặng nề cho cả Bắc Hàn lẫn Trung Quốc, cuối cùng ông Kim Il-sung lại phải rút quân về vị trí ban đầu.
Theo Tiến sĩ Sung-yoon Lee tại Fletcher School, Đại học Tufts thì "hạt giống nguyên tử đã được gieo ngay từ Cuộc chiến Triều Tiên". Đó là vì ông Kim Il-sung thấy thất bại của mình chỉ là vì Mỹ có vũ khí nguyên tử, còn Bắc Hàn và Trung Quốc thì chưa có nguyên tử, cho nên phải chấp nhận ngưng chiến.
Từ đó ông quyết định bất cứ chiến lược nào để thống nhất thì cũng phải có khí giới nguyên tử.
Khi chúng tôi nghiên cứu để viết cuốn sách 'Khi Đồng Minh Nhảy Vào' thì mới biết rằng Tổng thống Dwight Eisenhower lúc vừa thắng cử (1952) đã bí mật đi Đại Hàn để nhận xét tại chỗ.
Là vị tướng lão thành và đã chỉ huy cuộc đổ bộ Normandy, ông đi tới kết luận là trong trường hợp này chỉ còn có cách là sử dụng vũ khí nguyên tử như ở Hiroshima. Và ông đã cho Trung Quốc và Bắc Hàn biết quyết định ấy.
Nhờ cậy Mao khi thấy Mỹ bỏ Nam Việt Nam
Ít ai biết đến cái gạch nối giữa sự sụp đổ của Miền Nam và quyết định đẩy mạnh thống nhất của ông Kim Il-sung. Giữa tháng 4/1975, khi quân đội Bắc Việt tiến tới Xuân Lộc, cái chốt cuối cùng trước của ngõ vào Sài Gòn, ông Kim gấp rút đi Trung Quốc cầu viện.
Đem nửa triệu quân vào Nam Việt Nam, nhưng rút cục thì Mỹ cũng phải tháo chạy. Vậy thì với 50.000 quân đóng ở DMZ (chỉ bằng 10% quân số của Mỹ ở Việt Nam), tại sao không thể đẩy Mỹ ra ?
Cho nên ông quyết định làm việc này qua vũ khí nguyên tử.
Ngày 18/4/1975, ông lãnh đạo một phái đoàn cao cấp đi Bắc Kinh họp với Trung Quốc gồm cả ông Đặng Tiểu Bình trước khi hội kiến với Chủ tịch Mao.
Đây là chuyến đi quan trọng nhất đối với ông Kim vì là chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi ông đi thăm viếng Liên Xô và Trung Quốc năm 1961 và Indonesia vào năm 1965.
Cuộc họp kéo dài trong ba ngày : 19, 23, và 26/4. Nội dung những cuộc bàn bạc là gì thì vẫn còn là một bí ẩn chưa bao giờ được công khai chi tiết.
Nhưng Giáo sư Trầm Chí Hoa (Shen Zhihua), từ Đại học Sư phạm Hoa Đông trong cuốn sách 'The Last Heavenly Dynasty : China and North Korea in the Age of Mao Zedong and Kim Il-sung' đã tiết lộ rằng ông đã tìm được những thông tin có thể trả lời dứt khoát cho câu hỏi này.
Theo ông Trầm thì cuộc họp đã xảy ra vào lúc Miền Bắc Việt Nam đang chiến thắng Mỹ, và tại Campuchia thì chính phủ thân Mỹ cũng sắp bị triệt hạ.
"Thưa Chủ tịch Mao, chiến thắng của Việt Nam cũng giống như chiến thắng của chúng tôi", ông Kim nói với ông Mao khi bàn về những biến chuyển mới.
"Ông Kim trình bày ý muốn của mình là dùng võ lực để thống nhất cũng như vậy".
Ông Mao từ chối nên ông Kim Il-sung đã quyết định đi một mình.
"'Thưa đồng chí, tôi không muốn thảo luận về các vấn đề chính trị nữa,' ông Mao nói lảng đi và trả lời ông Kim. Cuộc đối thoại kết thúc một cách lạnh nhạt sau 30 phút".
Sở dĩ như vậy vì lúc ấy ông Mao đang đi tới hòa giải và bám sát Hoa Kỳ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Richard Nixon (2/1972 ). Ông Mao tiếp tục tránh né yêu cầu của ông Kim.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Mainichi Shimbun, ông Trầm thêm rằng :
"Ông Kim đã không nói rõ tại cuộc họp rằng ông muốn có một Cuộc chiến Triều Tiên thứ hai, nhưng trước chuyến đi Bắc Kinh, ông đã nói rõ về giải pháp này trong nội bộ Đảng Lao Động, cho nên đã thật rõ ràng là ông đã cân nhắc việc này".
Trong một cuộc phỏng vấn khác với cùng tờ Mainichi Shimbun , Giáo sư Masao Okonogi (từ Keio University) một chuyên gia về những vấn đề Đại Hàn cũng xác định thêm :
"Có nhiều lời đồn rằng năm 1975 Trung Quốc đã từ chối không hỗ trợ Bắc Hàn trong việc muốn thống nhất bằng vũ lực, nhưng không có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ. Có điều chắc chắn là ông Kim đã rời khỏi cuộc đàm phán với một cảm nhận rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không giúp mình khi cần đến".
"Phân tích này cho thấy kết quả cuộc họp này đã dẫn đến việc Bình Nhưỡng chia tay với Bắc Kinh để tự mình giải quyết vấn đề, đó là khởi sự của chương trình sản xuất nguyên tử, tiếp tục cho tới ngày nay".
Theo tài liệu nghiên cứu mới đây của Viện Wilson Center ở Washington (2015) thì cuộc họp này được tóm tắt như sau :
Dựa trên những biến chuyển mới ở Đông Dương - mối quan tâm chính của Bắc Hàn trong cuộc họp lịch sử này là muốn phối hợp với Trung Quốc về chính sách tương lai của mình để áp lực Hoa Kỳ phải từ bỏ lập trường bảo vệ Nam Hàn.
Cho nên trong lần xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên ở Bắc Kinh, ông Kim Il-sung đã tuyên bố hết sức mạnh mẽ về việc "giải phóng Nam Hàn". Ông liệt kê ba điều kiện tiên quyết cho việc thống nhất trong hòa bình mà không có lực lượng nào bên ngoài nào xen vào. Đó là :
Tuy nhiên phía Trung Quốc tuyên bố chỉ ủng hộ chính sách "thống nhất trong hòa bình mà không có sự can thiệp của nước ngoài".
Khai thác uranium
Không được Trung Quốc hỗ trợ, Kim Il-sung chia tay với Bắc Kinh để đến gần Liên Xô. Với sự yểm trợ của Liên Xô thì từ cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980, Bắc Hàn đã bắt đầu khai thác được uranium ở nhiều địa điểm gần Sunchon và Pyongsan. Từ đó các hoạt động thí nghiệm và sản xuất tăng mạnh.
Nhưng ông Kim đã không sống lâu đủ để được trông thấy thử nghiệm nguyên tử đầu tiên. Ông ra đi ngày 8/7/1994 sau khi tại chức 45 năm, một trong những lãnh đạo lâu nhất trong lịch sử.
Kim Jong-Il nối nghiệp cha từ năm 1994 và tuyên bố sẽ tiếp tục các chính sách của cha mình đối với việc thống nhất đất nước. Dưới thời ông, Bắc Hàn đã đi được một bước dài trên đường nguyên tử và tên lửa. Ngày 29/1/2002 Tổng thống George W. Bush gọi Bắc Hàn là một phần của cái 'Trục Ma Quỷ' - Axis of Evil.
Tuy nhiên, xem ra những tiến bộ về nguyên tử thì cũng chỉ là để đưa ông Kim Jong-Il tới cái thế thượng phong, giúp cho ông đàm phán với Mỹ và Nam Hàn.
Năm 1998 Tổng thống Nam Hàn là Kim Dae-jung (Kim Đại Trọng) đưa ra chính sách 'Chiêu dương' (Sunshine Policy) yểm trợ kinh tế cho Bắc Hàn để thúc đẩy thống nhất.
Năm 2000 là một cái mốc lịch sử : ông Kim Jong-Il chấp nhận đề nghị của ông Kim Dae-jung muốn tới Bình Nhưỡng để bàn bạc về việc thống nhất.
Ngày 13/6/2000, ông Kim Jong-il ra tận phi trường đón tiếp ông Kim Dae-jung. Đây là lần đầu tiên kể từ Cuộc chiến Triều Tiên hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn gặp và bắt tay nhau. Cuộc họp ba ngày rất nồng ấm. Thế giới thấy ánh sáng hòa bình ở Bán Đảo Triều Tiên ló rạng. Năm ấy ông Kim Dae-jung được giải thưởng Nobel về Hòa Bình.
Sau đó, đã có nhiều cố gắng tiến tới thống nhất theo một lập trường ba giai đoạn (như đề cập dưới đây). Năm 2007 lại có một cuộc họp thượng đỉnh thứ hai vào ngày 2-4 tháng 10, 2007 giữa ông Roh Moo-hyun, tổng thống Nam Hàn và ông Kim Jong-il.
Nhưng khả năng thống nhất đã tan biến đi với những biến cố năm 2010.
Năm ấy, Bình Nhưỡng bắn chiến hạm Nam Hàn làm cho 46 người thiệt mạng (3/2010) và pháo kích vào một quân đảo của Nam Hàn gần DMZ ; 4 người thiệt mạng, 15 binh sĩ và ba thường dân bị thương (11/2010). Nam Hàn cắt hết viện trợ và giao thương với Bắc Hàn, tiếp theo bằng những biện pháp quân sự mạnh mẽ. Hình ảnh chiến tranh lại hiện ra.
Đang khi căng thẳng như vậy thì Kim Jong-il chết bất đắc kỳ tử trên một chuyến xe lửa ngày 17/12/2011.
Tại sao con út Kim Jong-un kế vị ?
Trong thập niên 1990, người con cả của ông Kim Jong-il là Kim Jong-nam (Kim Chính Nam) đã được cha chuẩn bị để nối ngôi. Jong-nam đã theo học tại Thụy Sĩ, Nhật Bản và Nga Xô. Nhưng cậu này đã phạm lầm lỗi lớn : dùng thông hành giả mạo với tên là "Pang Xiong" để đi xem Disneyland ở Nhật, nhưng bị Nhật phát hiện và trục xuất sang Bắc Kinh, làm mất mặt cha.
Ngoài ra, Jong-nam lại còn bất đồng ý với cha, muốn cải cách chính sách, cởi mở, nên bị coi là đã trở thành một 'nhà tư bản.' Sau này ông đã trở thành một người chống đối chế độ thực sự, khiến có dư luận cho rằng cái chết của Kim Jong-nam là để ngăn chặn mọi tính toán thay bài của Trung Quốc với Bắc Hàn.
Người con thứ hai là Kim Jong-chul (Kim Chính Triết) thì lại say mê nhạc sĩ Eric Clapton.
Cậu đã đi Anh, Đức, và Singapore để theo dõi các diễn xuất của ông này. Bố cho rằng cậu giống như con gái - "girly" - không thể làm lãnh đạo.
Cho nên chỉ còn có cậu con út là Kim Jong-un (Kim Chính Ân). Tuy rằng cậu này đam mê bóng rổ và hâm mộ Dennis Rodman, nhưng bóng rổ thì mạnh mẽ hơn cây đàn guitar của Eric Clapton, cho nên cũng còn được.
Tuy ông Kim Jong-un còn quá trẻ nhưng có cái lợi là hăng say, và chính vì còn trẻ nên có thể sống lâu đủ để thực hiện mộng của cha và của ông mình.
Kim Jong-un không có con lớn đủ để một ngày nào sẽ kế vị mình. Còn anh là Kim Jong-nam thì đã chết. Người anh thứ hai, Kim Jong-chul thì không có chí, và là người chống đối chế độ nên phải sống lưu đầy ở Macao.
Như vậy, dòng họ 'Nhà Kim' có thể sẽ kết thúc sau ông Kim Jong-un. Đây có thể là một lý do cắt nghĩa tại sao ông Kim Jong-un đã vội vã tấn công, bắt đầu ngay sự nghiệp với biến cố được gọi là 'Khủng Hoảng Triều Tiên 2013' (Korea 2013 Crisis).
'Khủng Hoảng Triều Tiên 2013'
Chỉ mới có bốn năm mà ít người còn nhớ tới những biến cố này. Về mức khủng hoảng nó cũng không kém khủng hoảng hiện nay là bao nhiêu. Về sự phản ứng của Mỹ thì nó còn mạnh mẽ hơn nhiều :
Và cứ thế hai bên leo thang cho tới những cuộc hòa đàm từ tháng 4.
Khủng hoảng hiện nay sẽ đi tới đâu ?
Nhìn lại diễn biến hai cuộc khủng hoảng lớn trong quá khứ - năm 2010 và 2013 - ta có thể phỏng đoán được rằng : mục đích của Kim Jong-un thì cũng như của cha (năm 2010) và của chính ông ta (năm 2013) : đó là áp lực để Mỹ phải điều đình và rút quân khỏi Nam Hàn. Ba thế hệ của 'Nhà Kim", mỗi thế hệ đã nâng áp lực đối với Mỹ lên một cấp.
Ngày nay ông Kim Jong-un đã đẩy áp lực lên tới mức tối đa, cho nên Mỹ cũng khó có thể gạt đi như những lần trước vì thực sự cũng không còn giải pháp nào ngoài điều đình.
Mỹ khó có thể dùng giải pháp quân sự - dù là một giải pháp quân sự có giới hạn, vì bốn trở ngại lớn (constraints) :
Cho nên ngày 13/12/2017 Ngoại trưởng Rex Tillerson đã mở đường.
Ông tuyên bố Mỹ "sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào" với Bắc Hàn mà không cần điều kiện", tuy rằng sau đó có phản biện từ Tòa Bạch Ốc nhưng dưới bất cứ thời tổng thống nào thì cũng vẫn có hai trường phái bồ câu và diều hâu ở ngay Tòa Bạch Ốc. Dù sao, chính ứng cử viên Trump đã nhiều lần nói sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un. Ngày 15/12/2017 lại vừa có tin về cuộc đàm thoại giữa hai Tổng thống Trump và Putin để giải quyết vấn đề Bắc Hàn. Cuộc đàm thoại xảy ra vào thời điểm ông Moon Jae-in đi Trung Quốc thì chắc cũng không phải là ngẫu nhiên.
Khả năng đàm phán Mỹ-Triều
Phải chăng khi đã có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, ông Kim Jong-un mới chịu đàm phán với Mỹ ?
Nếu như Mỹ đã mở cửa cho đàm phán thì khủng hoảng hiện nay sẽ có thể được giảm nhiệt - ít nhất là tạm thời - bằng một lối ra để giữ thể diện cho cả hai bên. Đó là sẽ qua một trung gian để giúp điều đình.
Trung gian ấy thì không phải là Trung Quốc mà là Nga Xô. Nước này có rất nhiều ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng vì đã giúp Bắc Hàn phát triển nguyên tử ngay từ đầu (từ thời ông của ông Kim Jong-un như đã viện dẫn trên đây).
Theo Reuters thì ngày 8/12/2017, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã bình luận tại Berlin rằng :
"Chúng tôi có những đường dây liên lạc, qua đó chúng tôi đang đàm thoại, chúng tôi sẵn sàng dùng ảnh hưởng của mình đối với Bắc Hàn".
Nếu Nam Hàn ký được với Mỹ một hiệp định thì tiếp theo, Bắc và Nam Hàn có thể đàm phán để đi tới thống nhất. Trong bối cảnh này, cuộc viếng thăm Bắc Kinh hiện nay của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in có thể có một mục đích thầm kín là để nhờ cậy Bắc Kinh làm trung gian.
Tuy nhiên, ông Moon cũng khó có thể thành công vì Trung Quốc sẽ đòi hỏi Nam Hàn hai điều kiện : ngừng diễn tập quân sự với Mỹ và ngừng phát triển hệ thống phòng không THAAD. Dù rằng Bắc Kinh đã cho biết là có thể đồng ý việc 'Nam Hàn không để cho Mỹ nới rộng THAAD thêm nữa' - có nghĩa là Trung Quốc không đòi hỏi Nam Hàn phải yêu cầu Mỹ gỡ bỏ hệ thống hiện hữu, nhưng ông Moon cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu của Tập Cận Bình.
Điều đình trên căn bản nào ?
Đối với Mỹ, rất có thể ông Kim Jong-un sẽ đưa ra những đề nghị hòa bình giống như của cha ông (tháng 6/2000), và trước đó, của ông nội (vào tháng 4/1975) như trên đây, đó là tiến tới một 'Hiệp Ước Hòa Bình' (Peace Treaty) để thay thế cho Hiệp ước Đình chiến năm 1953. Về thực chất, nó sẽ bao gồm ba đòi hỏi :
Tuy nhiên chỉ có hai điểm đầu là quan trọng, điều thứ ba có thể bỏ đi như là một nhượng bộ của Bắc Hàn.
Nếu ký được với Mỹ thì hai bên Bắc và Nam Hàn có thể đàm phán về thống nhất dựa trên giải pháp 'ba giai đoạn' mà cả hai bên đã đồng ý vào năm 2000 (nhắc tới trên đây), đó là :
Chúng tôi xin mở ngoặc nơi đây để ghi lại một sự tình cờ, đó là giải pháp này cũng chính là giải pháp chúng tôi đã đề nghị với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1971 : ông đã đồng ý và đưa ra Hòa Đàm Paris - xem The Palace File, trang 10-12.
Tháng 6/2000, ông Kim Jong-Il, cha của ông Kim Jong-un đã đưa ra một lập trường hòa nhã đối với Mỹ - một lập trường rất có thể ông Kim Jong-un sẽ nhắc lại trước khi điều đình - đó là :
"Chúng tôi không có ý định coi Hoa Kỳ là kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi hy vọng có thể bình thường hóa ngoại giao với Mỹ. Bang giao Mỹ-Triều sẽ được phát triển để phục vụ quyền lợi của nhân dân hai nước nếu Mỹ từ bỏ quan niệm lỗi thời của Chiến Tranh Lạnh là giải quyết vấn đề Triêu Tiên bằng sức mạnh, và tạo điều kiện cho hòa bình và thống nhất trên Bán Đảo Triều Tiên".
Liệu Mỹ có chấp nhận rút quân hay không ?
Điểm chính mà Bắc Hàn đòi hỏi là Mỹ phải rút quân. Nhưng liệu Mỹ có chấp nhận hay không ? Thật là khó, vì Mỹ có những lý do rất vững chắc để đóng quân ở DMZ - qua thời đại của 11 tổng thống Hoa Kỳ (từ Eisenhower tới Trump), bất chấp là Cộng hòa hay Dân chủ, bất chấp những khó khăn đối nội hay đối ngoại của Mỹ. Bàn tới những lý do tại sao như vậy là đi ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp của bài này.
Dù sao, trong bối cảnh hiện nay - và vì những lý do giới hạn cho giải pháp quân sự - cũng có thể là Mỹ sẽ đề nghị một giải pháp dung hòa : nếu Bắc Hàn đồng ý hủy bỏ chương trình nguyên tử thì Mỹ sẽ đưa ra một Lộ trình (Road Map) đi kèm theo với những điều kiện giám sát chặt chẽ.
Khả năng khác là Mỹ chỉ đồng ý :
Chiến tranh và hòa bình
Dù điều đình hay không thì một sự xung đột kéo dài tới 67 năm cũng không dễ gì mà được giải quyết mau lẹ, nó đòi hỏi thời gian. Nhưng quan trọng là mọi bên phải cùng nhau đi bước đầu tiên. Và bước này có thể là đang xảy ra vì cả Mỹ, Bắc và Nam Hàn xem ra đều đang đi về cùng một hướng, đó là muốn hòa đàm. Các cường quốc từ Âu tới Á cũng đều sẵn sàng để hỗ trợ cho mục tiêu này.
Cái khó khăn là trong khoảng thời gian cần thiết để đi tới giải pháp cuối cùng, vẫn có cái nguy hiểm về sự tính lầm.
Ông Kim Jong-un có thể tính lầm giống như Nhật Hoàng Hirohito đã tính lầm khi tấn công Trân Châu Cảng (1941) hay Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev tính lầm khi mang tên lửa vào Cuba (1962).
Về phía Mỹ thì cũng có thể tính lầm về mục đích thực sự của một hành động quân sự nào đó của Bình Nhưỡng - khiến ta nhớ lại biến cố Vịnh Bắc Bộ - Tonkin Gulf Incident - hành động của Washington đã dựa trên thông tin tình báo sai lầm về biến cố ngày 4/8/1964.
Thêm nữa là cuộc chiến - dù là một cuộc chiến giới hạn - cũng có thể xảy ra vì một biến cố ngoài ý muốn, một sự rủi ro, thí dụ như khả năng tên lửa của Bắc Hàn chẳng may bắn vào một máy bay quân sự, nhân sự, hay tàu chiến Mỹ hay của đồng minh (như một số hãng hàng không dân sự thông báo thấy tên lửa Bắc Hàn bay vào khí quyển).
Người ta cho rằng Thế Chiến I vào đầu Thế kỷ 20 cũng đã nổ ra chỉ vì một sự kiện nhỏ : vụ ám sát một cặp hoàng thân Áo Franz Ferdinand vàp ngày 28/06/1914 trên đường phố ở Sarajevo đã châm ngòi thành đại chiến.
Vào dịp Lễ Giáng Sinh, lễ của hòa bình, ta cầu mong cho Thế Chiến 3 sẽ không xảy ra tại khu vực của Biển Hòa Bình - trên mặt Thái Bình Dương.
Nguyễn Tiến Hưng
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).
Trừng phạt Bắc Triều Tiên : Chiến thuật "đàm phán thần tốc" của Mỹ (RFI, 12/09/2017)
Được Nga và Trung Quốc ủng hộ, nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên được xem là nghiêm khắc nhất đã được Hội Đồng Bảo An, thông qua ngày 11/09/2017. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ sẽ trả giá bằng "khổ đau kinh khủng nhất". Bằng cách nào mà Washington, chỉ trong vòng 7 ngày, thành công thuyết phục được Bắc Kinh và Moskva ủng hộ đợt trừng phạt mới, đánh thẳng vào các nguồn ngoại tệ chính của Kim Jong-un ? AFP tường thuật kế hoạch "bốn bước" của đại sứ Nikki Haley.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phát biểu trong phiên họp HĐBA thông qua trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên ngày 11/09/2017 tại New York. Reuters/Stephanie Keith
Dọa đánh
Ngày 04/09, một ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử quả bom hạt nhân thứ sáu, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc triệu tập các thành viên của Hội Đồng Bảo An. Để cho các đồng sự lên tiếng trước, vào giờ chót, bà Nikki Haley cao giọng tuyên bố : Đã đến lúc phải chấm dứt các biện pháp nửa vời. Bà còn gây bất ngờ khi loan báo : Tuần sau sẽ biểu quyết một văn kiện mới, nghị quyết 2375, tăng cường các biện pháp trừng phạt của nghị quyết 2371, thông qua hồi tháng 8.
Treo giá
Hai hôm sau, ngày 06/09, Hoa Kỳ chuyển đến 14 thành viên còn lại của Hội Đồng Bảo An dự thảo nghị quyết gồm những biện pháp mạnh nhất : Cấm triệt để nhập khẩu dầu khí, xuất khẩu hàng may mặc, than đá, sắt, hải sản, phong tỏa tài sản của Kim Jong-un, trục xuất toàn thể lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, khoảng 93.000, đông nhất là ở Trung Quốc.
Công bố dự thảo nghị quyết với toàn thể Hội Đồng Bảo An là một động thái chiến lược. Khi đặt giá rất cao, Washington buộc Bắc Kinh và Moskva vào tư thế phải trả lời và chấp nhận thương lượng. Mỹ đốt giai đoạn "tham khảo" tay đôi, tay ba không biết bao giờ kết thúc.
Thay vào đó, 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết bắt đầu đàm phán và đến thứ sáu 08/09, Nga và Trung Quốc tuyên bố bác bỏ hết danh sách đề nghị của Mỹ ngoại trừ biện pháp cấm vận hàng may mặc, công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh và Moskva đòi phải nhấn mạnh nhu cầu "tìm một giải pháp hoà bình".
Tăng tốc
Ngay buổi tối thứ Sáu hôm đó, Washington "xô đẩy" các thành viên khác với thông báo : Biểu quyết dự thảo nghị quyết, được viết lại, vào thứ hai 11/09. Theo AFP, đây là một chiến thuật gây sức ép của Washington để nắm thế chủ động, chấp nhận rủi ro thách thức Bắc Kinh và Moskva.
Một nhà ngoại giao xin giấu tên phân tích : Mỹ gián tiếp cảnh báo Trung Quốc và Nga là không còn gì để thương lượng. Hai đồng minh của Bắc Triều Tiên cũng bị áp lực phải đạt được một nghị quyết hầu tránh làm tình hình căng thẳng thêm và phô bày tình trạng phân hóa giữa các đại cường. Để thuyết phục Nga và Trung Quốc, phía Mỹ đưa ra lập luận rằng "đây là giải pháp hoà bình mà quý vị mong muốn".
Hệ quả là trong hai ngày cuối tuần, Mỹ-Nga-Trung đàm phán trong tinh thần "xây dựng". Dự thảo được thêm bớt : Duy trì cấm vận hàng dệt may nhưng hạn chế cấm vận dầu khí. Thanh tra tàu bè phải có sự đồng ý của quốc gia liên quan. Không phong tỏa tài sản của Kim Jong-un nhưng thêm vào danh sách đen tên ông Pak Yong Sik, chuyên gia hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và ba cơ quan có liên hệ với chương trình hạt nhân.
Cưỡng ép tinh thần
Đến 10 giờ đêm Chủ nhật, phái bộ Mỹ cung cấp dự thảo chung cuộc cho 15 thành viên với tuyến bố "biểu quyết" ngày hôm sau cho dù Trung Quốc chưa kịp cho ý kiến. Sáng thứ Hai, Bắc Kinh bật đèn xanh. Vài giờ sau, nghị quyết 2375 được xem là "lời cảnh báo nghiêm khắc, cân đối và vững chắc" được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua.
Các biện pháp mới, một khi được thực thi sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngành xuất khẩu hàng may mặc, than đá, quặng sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên ít nhất 1 tỷ đôla mỗi năm. Xuất khẩu lao động cũng bị hạn chế , phải được chấp thuận của Liên Hiệp Quốc, có thể làm thất thu 200 triệu đôla mỗi năm. Về năng lượng, Bắc Triều Tiên bị cấm nhập khẩu 6 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu trên tổng 17 triệu thùng. Tuy chỉ độ 30% nhưng "chiến thuật cấm vận năng lượng Bắc Triều Tiên theo lối "cuốn chiếu" đã được Mỹ bố trí".
Tú Anh
***************
LHQ đồng thuận trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân (RFI, 12/09/2017)
Ngày 11/09/2017, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, toàn thể 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một loạt biện pháp mới trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử bom hạt nhân ngày 03/09 : Cấm xuất khẩu sản phẩm dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu khí. Phương Tây hy vọng phong tỏa đến 90% xuất khẩu của Bình Nhưỡng và 30% nguồn năng lượng nhập khẩu để buộc Kim Jong-un phải đình chỉ chương trình hạt nhân, vũ khí quy ước đe dọa an ninh thế giới và trở lại bàn đàm phán.
Đại diện các nước tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết trừng phạt lần thứ 9 Bắc Triều Tiên, ngày 11/09/2017, New York. Reuters/Stephanie Keith
Nghị quyết trừng phạt lần thứ 8 của Liên Hiệp Quốc được hai nước đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc ủng hộ sau khi Mỹ chấp nhận giảm nhẹ. Đối với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, nghị quyết được biểu quyết nhất trí hôm thứ Hai rất "cân đối và vững chắc", cho phép Liên Hiệp Quốc xác định "quyết tâm và đoàn kết" trong thông điệp cảnh tỉnh chế độ Bình Nhưỡng.
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau phân tích :
Hoa Kỳ muốn cắt đứt triệt để nguồn dầu khí nhập khẩu của Bắc Triều Tiên. Lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng có một phần và áp dụng từng bước. Lãnh đạo Kim Jong-un cũng không bị phong tỏa tài sản.
Tuy nhiên, Washington cũng đạt được một số mục tiêu như là cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu hàng dệt may và hạn chế nhập khẩu khí đốt cũng như tăng cường kiểm soát thương thuyền Bắc Triều Tiên và hạn chế số nhân công ra nước ngoài lao động.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, khen ngợi thái độ ủng hộ của Trung Quốc và Nga, biểu hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Bà nói : Ngày hôm nay, chúng tôi nói rằng thế giới không bao giờ chấp nhận một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Và hôm nay, Hội Đồng Bảo An tuyên bố rằng nếu chế độ Bắc Triều Tiên không ngưng chương trình hạt nhân của họ thì chính chúng tôi sẽ ra tay hành động".
Dù vậy, trái với lời tuyên bố bốc lửa hồi tuần trước, bà Nikki Haley tìm cách xoa dịu tình hình khi cho rằng còn có cơ hội thương thuyết : Chúng tôi không chọn giải pháp chiến tranh. Chế độ Bắc Triều Tiên chưa vượt qua giới hạn không thể đảo ngược. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân thì họ có một tương lai trước mặt".
Lời tuyên bố này làm hài lòng Nga và Trung Quốc. Hai nước này lúc đầu không tin vào hiệu quả của giải pháp trừng phạt mới và một lần nữa họ kêu gọi các bên xung khắc tự kềm chế để mở lại càng sớm càng tốt vòng đàm phán sáu bên.
Tú Anh
********************
Bắc Hàn chịu thêm các lệnh trừng phạt của LHQ (BBC, 12/09/017)
Trung Quốc và Nga đã nhất trí với lá phiếu của LHQ áp dụng các hình thức trừng phạt mới đối với Bắc Hàn sau lần thử hạt nhân lần thứ sáu mới đây.
Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch.
Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu 15-0 ủng hộ nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, chì và hải sản.
Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo một quả bom nhiệt hạch và từng dọa sẽ tấn công Hoa Kỳ.
Bắc Hàn hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm buộc giới lãnh đạo nước này cắt giảm các chương trình vũ khí của họ.
Các biện pháp trừng phạt mới được thông qua hôm thứ Hai sau khi Hoa Kỳ bỏ một số đề xuất khắt khe mà họ tuyên bố hồi tuần trước, bao gồm lệnh cấm vận dầu và các biện pháp đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Các biện pháp, bao gồm cả cấm xuất khẩu dệt may, nhằm đánh vào ngân sách của Bình Nhưỡng dùng để chi cho chương trình hạt nhân của nước này.
Đây là nghị quyết thứ chín được LHQ đồng loạt thông qua từ năm 2006.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Lưu Kết Nhất, thúc giục Bắc Hàn "nghiêm túc" trước nghị quyết mới nhất và kêu gọi tất cả các bên "tỉnh táo".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ, Vasily Nebenzya, nói rằng đã có "một sai lầm lớn khi đánh giá thấp" một sáng kiến của cả Trung Quốc và Nga đưa ra.
Hai nước này đề xuất việc Bình Nhưỡng ngưng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân đồng thời Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng các cuộc tập trận trong khu vực.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể cắt quan hệ thương mại với các nước làm ăn với Bắc Hàn.
Vào tháng Tám, một loạt lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đã cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, có trị giá 1 tỷ đô la, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu của nước này.
**********************
Trung Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên nhưng vẫn muốn đối thoại (RFI, 12/09/2017)
Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An do Hoa Kỳ soạn thảo đã được Nga và Trung Quốc chấp nhận với điều kiện phải bỏ đi những đoạn cứng rắn nhất. Cũng như những lần trước, Bắc Kinh, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, là nước đầu tiên phải áp dụng các biện pháp trừng phạt. Theo Reuters hôm nay 12/09/2017, bốn trong số những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã ngưng cung cấp dịch vụ tài chính cho các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) tại phiên họp Hội Đồng Bảo An về trừng phạt Bắc Triều Tiên, New York ngày 11/09/2017. Reuters/Stephanie Keith
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt nhận định :
Bắc Kinh có thể hoan nghênh nghị quyết trừng phạt thứ 8 đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã thành công trong việc bác bỏ hai biện pháp mà mình không muốn : Trong văn bản được thông qua, không có việc cấm vận hoàn toàn dầu lửa, cũng như việc phong tỏa tài sản của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy vậy, vẫn phải giảm gần một phần ba lượng dầu lửa bán cho Bình Nhưỡng, và ngưng nhập khẩu hàng dệt may Bắc Triều Tiên với tổng giá trị khoảng 670 triệu euro. Tân Hoa Xã cho biết "90% hàng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên nay bị cấm nhập", nhắc lại rằng than đá, hải sản, sắt và quặng sắt đã bị cho vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : "Trung Quốc hy vọng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ được thực hiện toàn bộ". Nhưng phát ngôn viên Cảnh Sảng nhắc lại, bên cạnh trừng phạt, Bắc Kinh còn trông cậy vào đối thoại. Một giải pháp hòa bình là cần thiết. Trung Quốc sẽ không cho phép chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Reuters dẫn nguồn tin từ nội bộ các ngân hàng Xây Dựng (CCB), Công Thương (ICBC), Nông Nghiệp (AgBank) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (BoC) tại Đan Đông khẳng định các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên không thể mở tài khoản. AFP trích báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye cho biết, tin tặc Bắc Triều Tiên đã tấn công các trang web trao đổi bitcoin của Hàn Quốc ít nhất ba lần kể từ tháng Năm để đánh cắp tiền ảo, nhằm tránh né cấm vận. Còn theo Yonhap hôm nay, giá dầu tại Bắc Triều Tiên đã tăng lên.
Thụy My
********************
Bắc Triều Tiên : Hội Đồng Bảo An thông qua những biện pháp trừng phạt mới (RFI, 11/09/2017)
Hôm 11/09/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua những biện pháp trừng phạt nặng nề mới đối với Bắc Triều Tiên, trong đó có một lệnh cấm vận dầu hỏa "với mức độ tăng dần". Nhưng bản dự thảo nghị quyết theo đề nghị của Hoa Kỳ đã được sửa đổi để có thể được Nga và Trung Quốc chấp nhận.
Hội Đồng Bảo An họp về Bắc Triều Tiên ngày 4/09/2017, nagy sau khi Bình Nhưỡng thử Bom H. Reuters/Joe Penney
Để trừng phạt Bình Nhưỡng về vụ thử hạt nhân lần thứ sáu ngày 03/09 vừa qua, hôm thứ tư tuần trước, Washington đã đề nghị bản dự thảo nghị quyết đầu tiên. Bản nghị quyết này dự trù cấm vận toàn diện và ngay lập tức đối với dầu hỏa, các sản phẩm chế biến từ dầu khí của Bắc Triều Tiên, gởi trả về Bắc Triều Tiên toàn bộ những người lao động ở nước ngoài (50 ngàn người, theo LHQ), phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un, cấm nhập hàng vải sợi Bắc Triều Tiên và thanh tra, với vũ lực nếu cầu, các tàu bị nghi chở hàng bị LHQ cấm.
Nhưng sau 4 ngày thương lượng gay go với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia vẫn yểm trợ Bắc Triều Tiên và đều có biên giới chung với nước này, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận sửa đổi nội dung bản nghị quyết. Cụ thể là lệnh cấm vận dầu hỏa sẽ không "toàn diện và ngay lập tức", mà sẽ được thực hiện "với mức độ tăng dần", tùy theo thái độ của chế độ Bình Nhưỡng.
Cũng theo yêu cầu của Bắc Kinh và Moskva, dự thảo nghị quyết không còn dự trù phong tỏa tài sản của Kim Jong-un. Hai biện pháp về người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài và về việc thanh tra các tàu bị nghi chở hàng cấm cũng đã được giảm nhẹ, theo lời các nhà ngoại giao. Nhưng lệnh cấm nhập hàng vải sợi Bắc Triều Tiên thì đã được cả 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, tức các nước có quyền phủ quyết, chấp thuận.
Vài giờ trước cuộc biểu quyết của Hội Đồng Bảo An, hôm nay, Bình Nhưỡng cảnh báo Hoa Kỳ là sẽ giáng cho họ "những đòn đau đớn nhất", nếu vẫn đòi Liên Hiệp Quốc gia tăng trừng phạt chế độ Kim Jong-un.
Trong khi đó tại Tokyo hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố sẽ tăng cường các phương tiện phòng thủ, trước mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ Bắc Triều Tiên. Ông Abe còn đề nghị bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera chuẩn bị một dự thảo chiến lược quốc phòng trong trung hạn.
Về phần mình, Bắc Kinh hôm qua thông báo là mức độ phóng xạ tại những vùng biên giới với Bắc Triều Tiên "không có gì bất thường", một tuần sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng. Cho nên bộ Môi Trường của nước này đã chấm dứt các cuộc "kiểm tra khẩn cấp" mức độ ô nhiểm phóng xạ ở biên giới giữa hai nước.
Thanh Phương
*********************
Cấm vận dầu hỏa Bắc Triều Tiên : Một chiến lược hiệu quả ? (RFI, 07/09/2017)
Sau du lịch và kiều hối của lao động ở nước ngoài, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận dầu hỏa với Bắc Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định đấy có lẽ sẽ là "một đòn chí mạng" nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh.
Họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017 sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên. Reuters/Joe Penney
Theo một dự thảo nghị quyết được công bố ngày 06/09/2017, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận nguồn nhập khẩu dầu lửa và tất cả các sản phẩm từ dầu hỏa và khí hóa lỏng. Nếu được áp dụng, đây sẽ là một "cú đánh đau" vào chế độ Kim Jong-un.
Trên thực tế, Bắc Triều Tiên hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng EIA trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Bình Nhưỡng nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10.000 thùng dầu, với mức giá là 50 đô la/thùng, tương đương với khoảng 180 triệu đô la/năm. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Quốc, nhưng không ai biết chính xác khối lượng được giao, bởi vì kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã ngừng công bố các số liệu.
Còn theo Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (ITC), trực thuộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, riêng trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã nhập khẩu từ Trung Quốc 115 triệu đô la các sản phẩm từ dầu hỏa, bao gồm xăng dầu và nhiên liệu cho máy bay. Bên cạnh đó, còn phải tính đến lượng nhập khẩu đến từ Nga, trị giá khoảng 1,7 triệu đô la mỗi năm.
Nếu quốc tế thực thi nghiêm túc lệnh trừng phạt này, người dân Bắc Triều Tiên sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh lấy hậu quả, theo như đánh giá của Viện Nautilus. Với chiến lược "songun" (quân đội trước hết), chế độ Bình Nhưỡng sẽ siết chặt ngay lập tức nguồn nhiên liệu cung cấp cho người dân. Hệ quả là người dân sẽ phải đi bộ thay vì đi xe buýt ; điện thắp sáng trong nhà sẽ ít hơn ; và tệ hại nhất là tình trạng phá rừng để lấy than củi, dẫn đến hiện tượng "xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt và nạn đói".
Về phía quân đội, báo cáo của Viện Nautilus đánh giá, trước mắt, lệnh trừng phạt nhắm vào nguồn nhập khẩu dầu hỏa có lẽ sẽ chỉ có một "tác động gần như không hoặc hạn chế" lên quân đội Bắc Triều Tiên và các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bởi vì với kho dự trữ chiếm đến một phần ba nhập khẩu dầu lửa, quân đội nước này có đủ khả năng cầm cự chí ít trong vòng "một năm với mức tiêu thụ như dưới thời bình" và có thể chiến đấu trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, đòn trừng phạt được cho là "chí mạng" này đối với chế độ Bình Nhưỡng khó có thể được Trung Quốc thông qua. Cắt nguồn cung dầu hỏa có nguy cơ làm sụp đổ chế độ Kim Jong-un. Một kịch bản khiến Bắc Kinh sợ "tái mặt", như phân tích của ông Jean-Vincent Brisset, Viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược, được AFP trích dẫn.
Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc-Nam Triều Tiên thống nhất, kéo theo dòng người di tản và sự hiện diện của lính Mỹ ngay sát biên giới Trung Quốc. Và Bắc Triều Tiên không còn là quốc gia đệm nữa và như vậy "Trung Quốc sẽ mất mọi quyền lợi".
Do đó, theo quan điểm của cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Kim Sung Han, cách thức tốt nhất để thuyết phục Trung Quốc đồng ý thông qua lệnh cấm vận dầu hỏa là đe dọa các lợi ích riêng của nước này, thông qua việc trừng phạt các doanh nghiệp nào của Trung Quốc có làm ăn với Bắc Triều Tiên như Hoa Kỳ đề xuất.
"Nói thì dễ, làm thì khó". Năm 2016, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc là 115,6 tỷ đô la. Liệu Hoa Kỳ có dám thực hiện ý tưởng của mình hay không khi mà Boeing hôm qua còn dự báo trong vòng 20 năm tới, thị trường hàng không Trung Quốc sẽ phải cần đến 2 000 chiếc máy bay ? Một thị trường béo bở mà hai hãng lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đang cạnh tranh gay gắt.
Minh Anh
Hôm 11/9, có thể Hội đồng bảo an ra nghị quyết trừng phạt vì CHDCND Triều Tiên thử bom hạt nhân, một hành động mà báo Nikkei Asian Review nói là cách Bình Nhưỡng làm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị bẽ mặt ngay trên đất nước ông.
Vợ chồng ông Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Nga dự BRICS - Ảnh : Nikkei Asian Review
Theo trang báo Nhật, ông Tập có một ngày dài hôm 3/9, khi ông đón tiếp lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Nam Phi Brazil ở thành phố Hạ Môn, lúc khai mạc Hội nghị thượng đỉnh 5 nền kinh tế đang nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vốn diễn ra từ ngày 3-5/9.
Biện pháp đề phòng ám sát ông Tập Cận Bình
Hạ Môn có đảo Cố Lãng Tự được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới hồi đầu năm nay. Nhưng các phòng khách sạn đều không cho khách nhận phòng hôm 3/9, để phòng chống xạ thủ bắn tỉa ám sát ông Tập cùng các thượng khách.
Trên đường phố, công an mặc thường phục dày đặc, sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 31/8 tuyên bố Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ khai mạc ngày 18/10 tới.
Ông Tập được giới thiệu là Tổng bí thư CPC từ mùa thu 2012, làm Chủ tịch nước từ mùa xuân 2013. Sau đó, ông tiến hành chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hổ diệt ruồi’, mà báo chí nước ngoài nói đó là cuộc xử lý các đối thủ chính trị và để củng cố quyền lực.
Theo Nikkei Asian Review, nay ông Tập có nhiều người chống đối, bất mãn việc chọn nhân sự lãnh đạo. Vì thế, các biện pháp an ninh được tăng cường.
Ông Tập Cận Bình chuẩn bị khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS
Bão chuyển hướng, nhưng ‘động đất địa-chính trị’ xảy ra
Ngày 3/9 là một ngày có vẻ may mắn, khi một cơn bão đổi hướng di chuyển khỏi Hạ Môn, nơi diễn ra đám cưới của ông Tập với bà Bành Lệ Viên hồi tháng 9 của 30 năm trước.
Và cũng là nơi mà ông Tập yêu mến, như ông cho biết tại bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tối 4/9 : "Cách đây 32 năm, đúng ngày sinh nhật 32 tuổi, tôi được đưa đến Hạ Môn làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố".
Hội nghị BRICS là lần xuất hiện cuối của ông Tập tại một diễn đàn quốc tế, trước khi diễn ra Đại hội Đảng, nên ông Tập không muốn ai phá bĩnh. Nhưng lại xảy ra "vụ động đất địa chính trị" cho ông Tập, khi Bình Nhưỡng thử quả bom hạt nhân được cho là mạnh nhất từ trước đến nay, vào trưa 3/9.
Các vị thượng khách lập tức hay tin quả bom có sức công phá 1.000 kiloton đã gây rung lắc nhà cửa ở hai tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh của Trung Quốc trong khoảng 8 giây. Sức nổ quá lớn cũng làm công dân Trung Quốc bị hít phải khói phóng xạ.
Triều Tiên nói vụ thử quả bom nhiệt hành thành công, và nó có thể gắn lên một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Mỹ, Nga, Trung Quốc đều phản ứng, và hôm nay 11/9, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc có thể thông qua một nghị quyết mới (do Mỹ soạn nháp) để tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Sáng nay 11/9, hãng thông tấn nhà nước KCNA đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh cáo Mỹ : Nếu Mỹ không ngừng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp thì "Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải trả giá. Các biện pháp sắp tới của Triều Tiên sẽ gây ra cho nước Mỹ sự đau đớn và tổn thương lớn nhất trong toàn bộ lịch sử Mỹ. Thế giới sẽ chứng kiến Triều Tiên chế ngự những tên côn đồ nước Mỹ bằng cách tiến hành hàng loạt các hành động cứng rắn hơn những gì họ dự kiến".
Bình Nhưỡng âm mưu bêu riếu ông Tập
Theo Nikkei Asian Review, vụ thử bom H của Triều Tiên làm ông Tập choáng váng, vì đấy là lần thứ hai trong chưa đầy 4 tháng, rõ ràng Bình Nhưỡng chẳng coi ông Tập là "anh lớn phải lắng nghe".
Tờ báo Nhật viết vụ thử bom H được xem là cách để Bình Nhưỡng sỉ nhục ông Tập. Đấy không phải lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chọn một thời điểm khiêu khích để khoe khoang vũ khí của Triều Tiên.
Ngày 14/5, ông Kim Jong-un ra lệnh phóng một quả tên lửa đạn đạo, chỉ vài giờ trước khi ông Tập phát biểu trước các lãnh đạo nước ngoài ở Bắc Kinh, để ông Tập giới thiệu dự án Một Vành đai, Một con đường trị giá hàng ngàn tỉ USD.
Các nhà phân tích nói việc Triều Tiên thử hạt nhân sát gần những sự kiện quốc tế quan trọng của ông Tập không phải là sự ngẫu nhiên. Mà là cách thể hiện ông Kim Jong-un, lãnh đạo một nước nhỏ, vẫn có thể dè bỉu quyền lực và uy tín của nhà lãnh đạo một nước lớn.
Vài nhà phân tích nói : vụ thử quả bom nhiệt hạch hôm 3/9 là cách ông Kim Jong-un chọc tức ông Tập, chứ không phải nhắm vào ông Trump. Một nguồn tin ngoại giao Đông Á của Nikkei Asian Review nói : Ông Kim Jong-un cay cú ông Tập gây sức ép, để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, nên ông ‘muốn làm ông Tập mất mặt".
Hôm 3/9, ban đầu Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin ngắn một trận động đất 6,3 độ Richter xảy ra ở Triều Tiên và làm rung lắc ở Trung Quốc. Nhưng mãi đến 16 giờ chiều, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc mới chính thức đưa tin Triều Tiên thử bom hạt nhân. Bản tin nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc cực lực phản đối vụ thử này, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi chuyện lãnh đạo bị hàng xóm nhỏ làm mất thể diện.
Sách 'Tập Cận Bình : đường lối lãnh đạo Trung Quốc được bán ở Hạ Môn
Ông Tập nói ‘Triều Tiên là một phần của Trung Hoa’
Trước thềm Đại hội Đảng, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc có chiến dịch tuyên truyền tầm nhìn của ông Tập. Như CCTV có loại phim tài liệu Ngoại giao nước lớn, ca ngợi những thành tựu ngoại giao của nhà lãnh đạo. Điển hình là ông Tập có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ trong hai ngày 6 và 7/4, tại khu nghỉ dưỡng Mar-a Lago của ông Trump.
Nikkei Asian Review nhắc lại việc báo The Wall Street Journal ngày 12/4 dẫn lời ông Trump kể tại cuộc gặp này, ông Tập ‘dạy ông một bài học về lịch sử Trung-Triều’, và ông dẫn lời ông Tập nói câu sau ‘bán đảo Triều Tiên, không phải Triều Tiên, thật sự là một phần của Trung Hoa’.
Ông Trump còn kể : "Sau 10 phút lắng nghe, tôi nhận ra mối quan hệ hàng ngàn năm và nhiều cuộc chiến tranh đó quả là không dễ dàng".
Sau khi biết thông tin này, cư dân mạng Hàn Quốc kịch liệt phản đối ông Trump. Bộ Ngoại giao nước này nói bình luận của Trump "không đúng về lịch sử", và "không đáng để phản ứng".
Loạt phim tài liệu của CCTV nhấn mạnh : tại cuộc gặp, ông Tập kiên nhẫn giải thích chi tiết về quan hệ Trung-Triều, và sau đó "Tổng thống Mỹ nhắc lại cuộc nói chuyện". Dù không đề cập câu "...một phần của Trung Hoa’, nhưng CCTV xác nhận có đoạn đối thoại này.
Hai lãnh đạo Mỹ-Trung nói chuyện tại nhà ông Trump
Ông Tập chỉ còn lá bài cấm vận xăng dầu đối với Triều Tiên
Vẫn theo Nikkei Asian Review, loạt phim tài liệu nhấn mạnh ‘Thời đại G-2" gồm Mỹ và Trung Quốc thời ông Tập cùng đối phó cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Tờ báo Nhật nói ngày càng có nhiều quan chức Trung Quốc nghĩ vấn đề Triều Tiên giúp mở đường cho cuộc hợp tác Trung-Mỹ. Sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai ông Trum-Tập có nhiều lần nói chuyện điện thoại, và ông Tập cũng đã cố gắng thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Lúc đó, Triều Tiên dọa thử hạt nhân có thể trong ngày 15/4 (sinh nhật nhà lập quốc Kim Nhật Thành) hoặc ngày 25/4, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên".
Một nguồn tin biết rõ quan hệ Trung-Triều nói với Nikkei Asian Review : "Trung Quốc đã cảnh cáo Triều Tiên về hậu quả nghiêm trọng của bất kỳ cuộc thử hạt nhân mới nào", và còn nói Trung Quốc dọa cắt quan hệ thương mại với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng không thử hạt nhân trong tháng 4,nhưng tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo, gồm 2 lần phóng ICBM hồi tháng 7. Rồi thử hạt nhân ngày 3/9. Đấy là một thách thức cho ông Tập trước thềm Đại hội Đảng. "Vị lãnh đạo cốt lõi" cần thuyết phục các đảng viên rằng chính sách "Ngoại giao nước lớn" của ông có hiệu quả.
Nhưng vụ Triều Tiên thử bom H khiến chủ trương này của ông Tập bị trật hướng.
Theo Nikkei Asian Review, trong bối cảnh này, nhiều khả năng Mỹ sẽ có hành động quân sự đánh Triều Tiên, như trong cuộc tập trận Mỹ-Hàn mới đây, quân Mỹ tập lật đổ ông Kim Jong-un.
Tờ báo Nhật kết luận : "Để giữ một vai trò một nước lớn trong tấn bi kịch này, lá bài hiệu quả duy nhất của Trung Quốc là cấm vận xăng dầu đối với Triều Tiên. Liệu ông Tập có đồng ý theo hướng này ?".
Vĩnh Thụy
(theo Nikkei Asian Review)
Nguồn : Một Thế Giới, 11/09/2017
Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un mở tiệc mừng các khoa học gia hạt nhân (RFI, 10/09/2017)
Trên bán đảo Triều Tiên, tình hình hôm 0/09/2017 yên lắng khác thường, với sự kiện nổi bật nhất là Bình Nhưỡng phô trương hình ảnh của lãnh đạo Kim Jong-un mở đại tiệc khoản đãi các nhà khoa học hạt nhân đã góp phần thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 03/09 vừa qua.
Kim Jong-un trong buổi lễn ăn mừng thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 6 với các nhà khoa học tại Bình Nhưỡng ngày 10/09/2017. Ảnh : Reuters lấy nguồn từ KCNA
Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Bình Nhưỡng đã ra lệnh mở đại tiệc để chúc mừng các khoa học gia và kỹ thuật viên hạt nhân đã góp phần vào điều được ông gọi là "thành công toàn diện của việc thử nghiệm bom H", đồng thời kêu gọi nỗ lực gấp bội để giúp Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc nguyên tử đích thực.
Bản tin của KCNA không nêu rõ thời gian buổi đại tiệc diễn ra, nhưng đã công bố một loạt ảnh về sự kiện này, trong đó có ảnh ông Kim Jong-un tươi cười đứng cùng hai nhà khoa học Bắc Triều Tiên hàng đầu : Ri Hong-sop, lãnh đạo Viện Vũ Khí Hạt Nhân Bắc Triều Tiên và Hong Sung-mu, phó giám đốc phụ trách đạn dược của đảng Lao Động Triều Tiên.
Bình Nhưỡng công kích Paris
Trước đó, Bắc Triều Tiên đã gay gắt đả kích những nước phê phán Bình Nhưỡng về vụ thử bom nguyên tử, đặc biệt là Pháp. Trong bài phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP hôm 08/09 vừa qua, vụ phó Vụ Châu Âu của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Tok-son đã cho rằng tuyên bố của Pháp về việc tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể là một mối đe dọa cho châu Âu là một điều "nực cười".
Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh rằng vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên chỉ nhằm mục đích răn đe trước hiểm họa hạt nhân đến từ Mỹ, và nếu "vũ khí hạt nhân là điều xấu, Pháp cũng phải từ bỏ nó vì Paris không phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân nào".
Ngay sau khi Bình Nhưỡng thử bom H, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc "phản ứng nhanh chóng" và yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp ứng phó "rõ ràng và thống nhất". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thì cảnh báo là Bắc Triều Tiên có khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và cả vào châu Âu "nội trong vài tháng".
YouTube đóng cửa tài khoản tuyên truyền cho Bình Nhưỡng
Cũng trên bình diện tuyên truyền, kênh truyền hình trên mạng YouTube ngày hôm qua đã xác nhận việc đóng tài khoản Uriminzokkiri - một kênh tuyên truyền của chính quyền Bắc Triều Tiên, với lý do là tài khoản này "vi phạm các quy định về hoạt động của YouTube".
YouTube không cho biết chi tiết về lý do tại sao tài khoản bị đóng hoặc bị đóng trong bao lâu, song thu nhập có được từ quảng cáo từ các tài khoản này có thể vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại mà Hoa Kỳ áp đặt trên Bắc Triều Tiên.
Trọng Nghĩa
*****************
Trung-Triều có còn là quan hệ "môi hở răng lạnh" ? (VnEconomy, 10/09/2017)
Dù không vui, Trung Quốc đã "ngậm bồ hòn làm ngọt" bỏ qua cho những hành động gây hấn của Triều Tiên..
Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào ra mặt ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ chưa từng kinh qua thử thách, dự báo rằng "mối quan hệ bạn bè truyền thống" giữa hai nước sẽ được tăng cường.
Cờ Trung Quốc và Triều Tiên bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên ở Ninh Ba, Triết Giang, Trung Quốc, tháng 4/2016 - Ảnh : Reuters.
Hai năm sau, người chú dượng của Kim Jong-un là Jang Song-thaek bị xử tử, nhân vật đứng mũi chịu sào của Triều Tiên trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời là một quan chức tương đối có tư duy cải cách. Theo hãng tin Reuters, từ đó trở đi, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh xấu đi nhanh chóng, đến nỗi một số nhà ngoại giao và chuyên gia lo ngại rằng giống như Mỹ, Trung Quốc có thể trở thành một mục tiêu cho những cơn giận của Triều Tiên.
Trong khi Mỹ và đồng minh của nước này cho rằng Bắc Kinh nên có thêm hành động để kiềm chế Bình Nhưỡng, sự tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên diễn ra đồng thời với sự đi xuống của mối quan hệ ngoại giao Trung-Triều.
Trước khi về hưu vào mùa hè năm nay, ông Wu Dawei, quan chức Trung Quốc phụ trách quan hệ với Bình Nhưỡng, không hề tới Triều Tiên trong vòng hơn 1 năm. Người lên thay ông Wu là ông Kong Xuanyou cũng chưa thăm Triều Tiên và vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ nắm giữ từ trước đó. Giới ngoại giao cho biết, ông Kong đã đi tới Pakistan từ giữa tháng 8.
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, ý tưởng cho rằng Trung Quốc kiểm soát ngoại giao đối với Triều Tiên hoàn toàn là sai lầm. "Chưa bao giờ tồn tại mối quan hệ lệ thuộc giữa hai bên. Chưa bao giờ. Nhất là sau chiến tranh lạnh, Triều Tiên rơi vào cảnh khó khăn và không thể có đủ sự giúp đỡ từ Trung Quốc, nên họ đã quyết tâm tự lực cánh sinh", ông Jin nói.
Vào giữa thập niên 1990, một nạn đói lớn đã xảy ra ở Triều Tiên, được cho là khiến nhiều người ở nước này thiệt mạng. Trận đói đó là một bước ngoặt đối với kinh tế Triều Tiên, dẫn tới việc nước này buộc phải cho phép hoạt động thương nghiệp tư nhân. Nhờ đó, Triều Tiên có được mức độ độc lập nhất định khỏi thế giới bên ngoài, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào tư tưởng "Juche" - tự lực.
Dù mối quan hệ song phương luôn bị phủ bóng bởi sự hoài nghi và thiếu tin tưởng, Trung Quốc đã "ngậm bồ hòn làm ngọt" bỏ qua cho những hành động gây hấn của Triều Tiên, bởi bất ổn ở Triều Tiên có thể đẩy hàng triệu người tị nạn chạy qua biên giới sang Trung Quốc, và cũng có thể đặt sự hiện diện của Mỹ ngay sát Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao Trung Quốc không muốn sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để gây sức ép đối với Triều Tiên. Bắc Kinh lo ngại rằng những biện pháp mạnh như cấm vận dầu lửa mà Mỹ đề xuất có thể dẫn tới sự sụp đổ của Triều Tiên. Thay vào đó, Trung Quốc luôn kêu gọi bình tĩnh, kiềm chế, và tìm giải pháp thông qua đàm phán.
Reuters cho rằng, vụ thanh trừng Jang Song-thaek vào năm 2013 đã khiến Bắc Kinh mất niềm tin vào ông Kim Jong-un. "Dĩ nhiên là Trung Quốc không vui", một nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh tiết lộ.
Trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ, Trung Quốc đã cử ông Liu Yunshan, một quan chức cấp cao trong đảng cộng sản nước này, tới tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng vào tháng 10/2015.
Khi đó, ông Liu đã chuyển một lá thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, bao gồm không chỉ những lời chúc mừng từ đảng cộng sản Trung Quốc, mà còn cả "những lời chúc thân tình" của cá nhân ông Tập.
Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc đã bị đáp lại bằng những hành động mạnh của Bình Nhưỡng. Trong đó có những hành động mà giới phân tích cho là được tính toán thời điểm để khiến Bắc Kinh bối rối nhất có thể.
Chẳng hạn, vụ thử bom nhiệt hạch vào hôm thứ Bảy tuần trước diễn ra đúng lúc Trung Quốc đăng cai một hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS. Hồi tháng 5, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa chỉ vài giờ trước khi khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường - sự kiện nhằm quảng bá sáng kiến chính sách đối ngoại chủ chốt của ông Tập Cận Bình.
Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng ví mối quan hệ Trung-Triều như môi với răng, "môi hở thì răng lạnh". Tuy nhiên, giờ đây, dường như Trung Quốc đang "chịu đựng" Triều Tiên chỉ vì không muốn gặp rắc rối.
Bất chấp sức ép mà hành động của Triều Tiên gây ra đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đến nay vẫn kiềm chế có hành động cứng rắn hơn. Sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo rằng việc cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên sẽ biến cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên thành một cuộc xung đột giữa nước này với Trung Quốc.
Ông Zhao Tong, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Carnegie-Tsinghua Center ở Bắc Kinh, nói rằng Triều Tiên rất không hài lòng với việc Trung Quốc ủng hộ việc Liên hiệp quốc gần đây siết lệnh trừng phạt đối với nước này. "Nếu Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt kinh tế mạnh hơn trực tiếp đe dọa sự ổn định của chính thể ở Triều Tiên, thì rất có thể Triều Tiên sẽ trở nên thù nghịch với Trung Quốc như với Mỹ", ông Zhao nhận định.
An Huy
********************
Bắc Triều Tiên xuất khẩu lậu 270 triệu đô la trong 6 tháng (RFI, 10/09/2017)
Cộng đồng quốc tế càng gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng càng tìm cách lách lệnh cấm vận để duy trì nguồn ngoại hối. Kết luận được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa ra trong bản báo cáo công bố ngày 09/09/2017, trước kỳ họp quyết định về loạt trừng phạt thứ 8 của Hội Đồng Bảo An đối với chế độ Kim Jong-un.
Một tàu Bắc Triều Tiên trên sông Áp Lục, biên giới với Trung Quốc, cửa ngõ buôn bán chính với Trung Quốc. Reuters/Jacky Chen
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định chính thức những thông tin được nhiều nguồn tin ngoại giao ẩn danh cung cấp cho các hãng truyền thông, trong đó có AFP, vào tháng 08/2017.
Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tiến hành nghiên cứu từ tháng 02 đến tháng 08/2017. Trong thời gian này, Bình Nhưỡng vẫn xuất khẩu hầu hết các loại sản phẩm bị Liên Hiệp Quốc cấm và mang về cho Bắc Triều Tiên ít nhất 270 triệu đô la.
Sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập than đá của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã cho xuất các lô hàng đó thông qua một số nước, trong đó có Việt nam và Malaysia, để tái xuất tiếp sang nước thứ 3.
Vẫn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, "Bắc Triều Tiên tiếp tục vi phạm các trừng phạt về tài chính nhờ đội ngũ tình báo ở nước ngoài tiến hành các giao dịch tài chính cho đất nước". Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành về các hồ sơ liên quan đến Syria, một số nước châu Phi.
Theo kết luận của báo cáo, "việc không thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt, cùng với các cách lách luật ngày càng nhiều của Bắc Triều Tiên, đã phá hỏng mục tiêu của các nghị quyết buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hoạt động liên quan".
Gia tăng trừng phạt buộc Bình Nhưỡng đàm phán
Trong phiên họp ngày 11/09/2017 của Hội Đồng Bảo An liên quan đến loạt trừng phạt thứ 8 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của chế độ Kim Jong-un, thách thức đối với năm nước thành viên thường trực (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh) là phải "tỏ đoàn kết vì đây là cách duy nhất có thể tiến tới một giải pháp ngoại giao thành công", theo nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 10/09.
Ông cũng đánh giá vấn đề hạt nhân, vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên là "rất đáng ngại" và đây là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải xử lý từ nhiều năm qua".
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 09/09 với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng "cần phải đưa ra phản ứng đoàn kết, nghiêm khắc trước những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại" của Bắc Triều Tiên, đồng thời "ưu tiên gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường trừng phạt".
Về phía thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bài phỏng vấn được đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung ngày 10/09, bà cho biết sẵn sàng tham gia một sáng kiến ngoại giao để chấm dứt chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Đức gợi ý mô hình đàm phán vấn đề nguyên tử của Iran với kết quả là thỏa thuận hạt nhân giữa Teheran và các cường quốc được ký vào tháng 07/2015.
Thu Hằng
*******************
Trung Quốc lo 'nhiễm phóng xạ' từ Bắc Hàn (BBC, 10/09/2017)
Hệ thống cảnh báo của quân đội Mỹ (Defcon) phát hiện phóng xạ từ vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng mới đây.
Truyền thông Bắc Hàn nói ông Kim Jong-un "thị sát việc đưa bom nhiệt hạch vào một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa" (Ảnh của KCNA nói chụp ngày 3/9/2017)
Tin cho hay hệ thống này phát hiện chất phóng xạ tại Trung Quốc, Nam Hàn và ở chính địa điểm thử hạt nhân.
Người ta cho rằng nguồn phóng xạ là do một đường hầm bị sập tại địa điểm thử hạt nhân ở Punggye dưới Đỉnh Mantap.
Báo cáo mới của Defcon nói hiện khó có thể biết chính xác lượng phóng xạ rò rỉ ra là bao nhiêu.
Vụ thử hạt nhân mà Bắc Hàn tuyên bố là bom nhiệt hạch được thực hiện dưới lòng đất nhưng đường hầm tại đó bị sập do chính phủ thử này gây ra và do các đợt thử nghiệm liên tục, báo cáo cho hay.
Được biết lượng phóng xạ cũng được phát hiện tại một số khu vực của Trung Quốc giáp danh với Bắc Hàn vì vụ thử hạt nhân cách đây một tuần chỉ cách đường biên với Trung Quốc chưa tới 50 km.
Giới chuyên gia lo ngại rằng phóng xạ có thể lan tỏa vào không khí do lòng đất bị xáo trộn.
Trong khi đó các trung tâm thử nghiệm của Trung Quốc nói chưa phát hiện thấy phóng xạ nhưng vẫn tiếp tục thử không khí, đất và nước.
Rò rỉ phóng xạ là mối quan ngại lớn bởi có thể ảnh hưởng tới khoảng 100 triệu người Trung Quốc sống tại khu vực phía đông bắc gần đường biên với Bắc Hàn.
Giới chức Trung Quốc được cho là nói với cựu Tổng thống Park Geun-hye rằng việc Bắc Hàn thử hạt nhân hồi năm 2013 làm sông Yalu, chảy qua biên giới Bắc Hàn và Trung Quốc, bị nhiễm.
Tuy nhiên giới chức Trung Quốc hiện không xác nhận và cũng không bác bỏ điều này mặc dù kể từ năm 2013 đã đặt một loạt trạm giám sát phóng xạ và sẽ bổ sung thêm ít nhất hai trạm nữa sau vụ thử mới nhất.
Hoa Kỳ vào tuần trước đã đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn, bao gồm lệnh cấm vận xăng dầu và phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un.
Hoa Kỳ đã soạn thảo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để phản ứng lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, và dự thảo nghị quyết này sẽ được các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét.
Dự thảo kêu gọi việc cấm bán một loạt các sản phẩm dầu cho Bắc Hàn và cấm mua hàng dệt may Bình Nhưỡng xuất khẩu.
Kim Jong-un cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.
Các vụ thử hạt nhân trước đây
Động thái mới nhất nhằm tăng áp lực với Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân mới nhất.
Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch đủ mạnh và có kích cỡ nhỏ để lắp vừa tên lửa tầm xa.
Chưa rõ liệu những đòi hỏi mới nhất của Hoa Kỳ có được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn hay không vì hai nước này đều tỏ ra hoài nghi về việc tăng cường lệnh thanh trừng.