Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/09/2017

Ngoan cố thử bom, Bình Nhưỡng hứng chịu trừng phạt quốc tế

Tổng hợp

Trừng phạt Bắc Triều Tiên : Chiến thuật "đàm phán thần tốc" của Mỹ (RFI, 12/09/2017)

Được Nga và Trung Quốc ủng hộ, nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên được xem là nghiêm khắc nhất đã được Hội Đồng Bảo An, thông qua ngày 11/09/2017. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ sẽ trả giá bằng "khổ đau kinh khủng nhất". Bằng cách nào mà Washington, chỉ trong vòng 7 ngày, thành công thuyết phục được Bắc Kinh và Moskva ủng hộ đợt trừng phạt mới, đánh thẳng vào các nguồn ngoại tệ chính của Kim Jong-un ? AFP tường thuật kế hoạch "bốn bước" của đại sứ Nikki Haley.

bac1

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phát biểu trong phiên họp HĐBA thông qua trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên ngày 11/09/2017 tại New York. Reuters/Stephanie Keith

Dọa đánh

Ngày 04/09, một ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử quả bom hạt nhân thứ sáu, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc triệu tập các thành viên của Hội Đồng Bảo An. Để cho các đồng sự lên tiếng trước, vào giờ chót, bà Nikki Haley cao giọng tuyên bố : Đã đến lúc phải chấm dứt các biện pháp nửa vời. Bà còn gây bất ngờ khi loan báo : Tuần sau sẽ biểu quyết một văn kiện mới, nghị quyết 2375, tăng cường các biện pháp trừng phạt của nghị quyết 2371, thông qua hồi tháng 8.

Treo giá

Hai hôm sau, ngày 06/09, Hoa Kỳ chuyển đến 14 thành viên còn lại của Hội Đồng Bảo An dự thảo nghị quyết gồm những biện pháp mạnh nhất : Cấm triệt để nhập khẩu dầu khí, xuất khẩu hàng may mặc, than đá, sắt, hải sản, phong tỏa tài sản của Kim Jong-un, trục xuất toàn thể lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, khoảng 93.000, đông nhất là ở Trung Quốc.

Công bố dự thảo nghị quyết với toàn thể Hội Đồng Bảo An là một động thái chiến lược. Khi đặt giá rất cao, Washington buộc Bắc Kinh và Moskva vào tư thế phải trả lời và chấp nhận thương lượng. Mỹ đốt giai đoạn "tham khảo" tay đôi, tay ba không biết bao giờ kết thúc.

Thay vào đó, 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết bắt đầu đàm phán và đến thứ sáu 08/09, Nga và Trung Quốc tuyên bố bác bỏ hết danh sách đề nghị của Mỹ ngoại trừ biện pháp cấm vận hàng may mặc, công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh và Moskva đòi phải nhấn mạnh nhu cầu "tìm một giải pháp hoà bình".

Tăng tốc

Ngay buổi tối thứ Sáu hôm đó, Washington "xô đẩy" các thành viên khác với thông báo : Biểu quyết dự thảo nghị quyết, được viết lại, vào thứ hai 11/09. Theo AFP, đây là một chiến thuật gây sức ép của Washington để nắm thế chủ động, chấp nhận rủi ro thách thức Bắc Kinh và Moskva.

Một nhà ngoại giao xin giấu tên phân tích : Mỹ gián tiếp cảnh báo Trung Quốc và Nga là không còn gì để thương lượng. Hai đồng minh của Bắc Triều Tiên cũng bị áp lực phải đạt được một nghị quyết hầu tránh làm tình hình căng thẳng thêm và phô bày tình trạng phân hóa giữa các đại cường. Để thuyết phục Nga và Trung Quốc, phía Mỹ đưa ra lập luận rằng "đây là giải pháp hoà bình mà quý vị mong muốn".

Hệ quả là trong hai ngày cuối tuần, Mỹ-Nga-Trung đàm phán trong tinh thần "xây dựng". Dự thảo được thêm bớt : Duy trì cấm vận hàng dệt may nhưng hạn chế cấm vận dầu khí. Thanh tra tàu bè phải có sự đồng ý của quốc gia liên quan. Không phong tỏa tài sản của Kim Jong-un nhưng thêm vào danh sách đen tên ông Pak Yong Sik, chuyên gia hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và ba cơ quan có liên hệ với chương trình hạt nhân.

Cưỡng ép tinh thần

Đến 10 giờ đêm Chủ nhật, phái bộ Mỹ cung cấp dự thảo chung cuộc cho 15 thành viên với tuyến bố "biểu quyết" ngày hôm sau cho dù Trung Quốc chưa kịp cho ý kiến. Sáng thứ Hai, Bắc Kinh bật đèn xanh. Vài giờ sau, nghị quyết 2375 được xem là "lời cảnh báo nghiêm khắc, cân đối và vững chắc" được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua.

Các biện pháp mới, một khi được thực thi sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngành xuất khẩu hàng may mặc, than đá, quặng sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên ít nhất 1 tỷ đôla mỗi năm. Xuất khẩu lao động cũng bị hạn chế , phải được chấp thuận của Liên Hiệp Quốc, có thể làm thất thu 200 triệu đôla mỗi năm. Về năng lượng, Bắc Triều Tiên bị cấm nhập khẩu 6 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu trên tổng 17 triệu thùng. Tuy chỉ độ 30% nhưng "chiến thuật cấm vận năng lượng Bắc Triều Tiên theo lối "cuốn chiếu" đã được Mỹ bố trí".

Tú Anh

***************

LHQ đồng thuận trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân (RFI, 12/09/2017)

Ngày 11/09/2017, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, toàn thể 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một loạt biện pháp mới trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử bom hạt nhân ngày 03/09 : Cấm xuất khẩu sản phẩm dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu khí. Phương Tây hy vọng phong tỏa đến 90% xuất khẩu của Bình Nhưỡng và 30% nguồn năng lượng nhập khẩu để buộc Kim Jong-un phải đình chỉ chương trình hạt nhân, vũ khí quy ước đe dọa an ninh thế giới và trở lại bàn đàm phán.

bac2

Đại diện các nước tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết trừng phạt lần thứ 9 Bắc Triều Tiên, ngày 11/09/2017, New York. Reuters/Stephanie Keith

Nghị quyết trừng phạt lần thứ 8 của Liên Hiệp Quốc được hai nước đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc ủng hộ sau khi Mỹ chấp nhận giảm nhẹ. Đối với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, nghị quyết được biểu quyết nhất trí hôm thứ Hai rất "cân đối và vững chắc", cho phép Liên Hiệp Quốc xác định "quyết tâm và đoàn kết" trong thông điệp cảnh tỉnh chế độ Bình Nhưỡng.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau phân tích :

Hoa Kỳ muốn cắt đứt triệt để nguồn dầu khí nhập khẩu của Bắc Triều Tiên. Lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng có một phần và áp dụng từng bước. Lãnh đạo Kim Jong-un cũng không bị phong tỏa tài sản.

Tuy nhiên, Washington cũng đạt được một số mục tiêu như là cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu hàng dệt may và hạn chế nhập khẩu khí đốt cũng như tăng cường kiểm soát thương thuyền Bắc Triều Tiên và hạn chế số nhân công ra nước ngoài lao động.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, khen ngợi thái độ ủng hộ của Trung Quốc và Nga, biểu hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Bà nói : Ngày hôm nay, chúng tôi nói rằng thế giới không bao giờ chấp nhận một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Và hôm nay, Hội Đồng Bảo An tuyên bố rằng nếu chế độ Bắc Triều Tiên không ngưng chương trình hạt nhân của họ thì chính chúng tôi sẽ ra tay hành động".

Dù vậy, trái với lời tuyên bố bốc lửa hồi tuần trước, bà Nikki Haley tìm cách xoa dịu tình hình khi cho rằng còn có cơ hội thương thuyết : Chúng tôi không chọn giải pháp chiến tranh. Chế độ Bắc Triều Tiên chưa vượt qua giới hạn không thể đảo ngược. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân thì họ có một tương lai trước mặt".

Lời tuyên bố này làm hài lòng Nga và Trung Quốc. Hai nước này lúc đầu không tin vào hiệu quả của giải pháp trừng phạt mới và một lần nữa họ kêu gọi các bên xung khắc tự kềm chế để mở lại càng sớm càng tốt vòng đàm phán sáu bên.

Tú Anh

********************

Bắc Hàn chịu thêm các lệnh trừng phạt của LHQ (BBC, 12/09/017)

Trung Quốc và Nga đã nhất trí với lá phiếu của LHQ áp dụng các hình thức trừng phạt mới đối với Bắc Hàn sau lần thử hạt nhân lần thứ sáu mới đây.

bac3

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch.

Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu 15-0 ủng hộ nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, chì và hải sản.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo một quả bom nhiệt hạch và từng dọa sẽ tấn công Hoa Kỳ.

Bắc Hàn hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm buộc giới lãnh đạo nước này cắt giảm các chương trình vũ khí của họ.

Các biện pháp trừng phạt mới được thông qua hôm thứ Hai sau khi Hoa Kỳ bỏ một số đề xuất khắt khe mà họ tuyên bố hồi tuần trước, bao gồm lệnh cấm vận dầu và các biện pháp đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Các biện pháp, bao gồm cả cấm xuất khẩu dệt may, nhằm đánh vào ngân sách của Bình Nhưỡng dùng để chi cho chương trình hạt nhân của nước này.

Đây là nghị quyết thứ chín được LHQ đồng loạt thông qua từ năm 2006.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Lưu Kết Nhất, thúc giục Bắc Hàn "nghiêm túc" trước nghị quyết mới nhất và kêu gọi tất cả các bên "tỉnh táo".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ, Vasily Nebenzya, nói rằng đã có "một sai lầm lớn khi đánh giá thấp" một sáng kiến ​​của cả Trung Quốc và Nga đưa ra.

Hai nước này đề xuất việc Bình Nhưỡng ngưng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân đồng thời Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng các cuộc tập trận trong khu vực.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể cắt quan hệ thương mại với các nước làm ăn với Bắc Hàn.

Vào tháng Tám, một loạt lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đã cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, có trị giá 1 tỷ đô la, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu của nước này.

**********************

Trung Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên nhưng vẫn muốn đối thoại (RFI, 12/09/2017)

Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An do Hoa Kỳ soạn thảo đã được Nga và Trung Quốc chấp nhận với điều kiện phải bỏ đi những đoạn cứng rắn nhất. Cũng như những lần trước, Bắc Kinh, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, là nước đầu tiên phải áp dụng các biện pháp trừng phạt. Theo Reuters hôm nay 12/09/2017, bốn trong số những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã ngưng cung cấp dịch vụ tài chính cho các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên.

bac4

Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) tại phiên họp Hội Đồng Bảo An về trừng phạt Bắc Triều Tiên, New York ngày 11/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt nhận định :

Bắc Kinh có thể hoan nghênh nghị quyết trừng phạt thứ 8 đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã thành công trong việc bác bỏ hai biện pháp mà mình không muốn : Trong văn bản được thông qua, không có việc cấm vận hoàn toàn dầu lửa, cũng như việc phong tỏa tài sản của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy vậy, vẫn phải giảm gần một phần ba lượng dầu lửa bán cho Bình Nhưỡng, và ngưng nhập khẩu hàng dệt may Bắc Triều Tiên với tổng giá trị khoảng 670 triệu euro. Tân Hoa Xã cho biết "90% hàng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên nay bị cấm nhập", nhắc lại rằng than đá, hải sản, sắt và quặng sắt đã bị cho vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : "Trung Quốc hy vọng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ được thực hiện toàn bộ". Nhưng phát ngôn viên Cảnh Sảng nhắc lại, bên cạnh trừng phạt, Bắc Kinh còn trông cậy vào đối thoại. Một giải pháp hòa bình là cần thiết. Trung Quốc sẽ không cho phép chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Reuters dẫn nguồn tin từ nội bộ các ngân hàng Xây Dựng (CCB), Công Thương (ICBC), Nông Nghiệp (AgBank) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (BoC) tại Đan Đông khẳng định các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên không thể mở tài khoản. AFP trích báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye cho biết, tin tặc Bắc Triều Tiên đã tấn công các trang web trao đổi bitcoin của Hàn Quốc ít nhất ba lần kể từ tháng Năm để đánh cắp tiền ảo, nhằm tránh né cấm vận. Còn theo Yonhap hôm nay, giá dầu tại Bắc Triều Tiên đã tăng lên.

Thụy My

********************

Bắc Triều Tiên : Hội Đồng Bảo An thông qua những biện pháp trừng phạt mới (RFI, 11/09/2017)

Hôm 11/09/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua những biện pháp trừng phạt nặng nề mới đối với Bắc Triều Tiên, trong đó có một lệnh cấm vận dầu hỏa "với mức độ tăng dần". Nhưng bản dự thảo nghị quyết theo đề nghị của Hoa Kỳ đã được sửa đổi để có thể được Nga và Trung Quốc chấp nhận.

bac5

Hội Đồng Bảo An họp về Bắc Triều Tiên ngày 4/09/2017, nagy sau khi Bình Nhưỡng thử Bom H. Reuters/Joe Penney

Để trừng phạt Bình Nhưỡng về vụ thử hạt nhân lần thứ sáu ngày 03/09 vừa qua, hôm thứ tư tuần trước, Washington đã đề nghị bản dự thảo nghị quyết đầu tiên. Bản nghị quyết này dự trù cấm vận toàn diện và ngay lập tức đối với dầu hỏa, các sản phẩm chế biến từ dầu khí của Bắc Triều Tiên, gởi trả về Bắc Triều Tiên toàn bộ những người lao động ở nước ngoài (50 ngàn người, theo LHQ), phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un, cấm nhập hàng vải sợi Bắc Triều Tiên và thanh tra, với vũ lực nếu cầu, các tàu bị nghi chở hàng bị LHQ cấm.

Nhưng sau 4 ngày thương lượng gay go với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia vẫn yểm trợ Bắc Triều Tiên và đều có biên giới chung với nước này, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận sửa đổi nội dung bản nghị quyết. Cụ thể là lệnh cấm vận dầu hỏa sẽ không "toàn diện và ngay lập tức", mà sẽ được thực hiện "với mức độ tăng dần", tùy theo thái độ của chế độ Bình Nhưỡng.

Cũng theo yêu cầu của Bắc Kinh và Moskva, dự thảo nghị quyết không còn dự trù phong tỏa tài sản của Kim Jong-un. Hai biện pháp về người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài và về việc thanh tra các tàu bị nghi chở hàng cấm cũng đã được giảm nhẹ, theo lời các nhà ngoại giao. Nhưng lệnh cấm nhập hàng vải sợi Bắc Triều Tiên thì đã được cả 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, tức các nước có quyền phủ quyết, chấp thuận.

Vài giờ trước cuộc biểu quyết của Hội Đồng Bảo An, hôm nay, Bình Nhưỡng cảnh báo Hoa Kỳ là sẽ giáng cho họ "những đòn đau đớn nhất", nếu vẫn đòi Liên Hiệp Quốc gia tăng trừng phạt chế độ Kim Jong-un.

Trong khi đó tại Tokyo hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố sẽ tăng cường các phương tiện phòng thủ, trước mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ Bắc Triều Tiên. Ông Abe còn đề nghị bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera chuẩn bị một dự thảo chiến lược quốc phòng trong trung hạn.

Về phần mình, Bắc Kinh hôm qua thông báo là mức độ phóng xạ tại những vùng biên giới với Bắc Triều Tiên "không có gì bất thường", một tuần sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng. Cho nên bộ Môi Trường của nước này đã chấm dứt các cuộc "kiểm tra khẩn cấp" mức độ ô nhiểm phóng xạ ở biên giới giữa hai nước.

Thanh Phương

*********************

Cấm vận dầu hỏa Bắc Triều Tiên : Một chiến lược hiệu quả ? (RFI, 07/09/2017)

Sau du lịch và kiều hối của lao động ở nước ngoài, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận dầu hỏa với Bắc Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định đấy có lẽ sẽ là "một đòn chí mạng" nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh.

bac6

Họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017 sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên. Reuters/Joe Penney

Theo một dự thảo nghị quyết được công bố ngày 06/09/2017, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận nguồn nhập khẩu dầu lửa và tất cả các sản phẩm từ dầu hỏa và khí hóa lỏng. Nếu được áp dụng, đây sẽ là một "cú đánh đau" vào chế độ Kim Jong-un.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng EIA trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Bình Nhưỡng nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10.000 thùng dầu, với mức giá là 50 đô la/thùng, tương đương với khoảng 180 triệu đô la/năm. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Quốc, nhưng không ai biết chính xác khối lượng được giao, bởi vì kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã ngừng công bố các số liệu.

Còn theo Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (ITC), trực thuộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, riêng trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã nhập khẩu từ Trung Quốc 115 triệu đô la các sản phẩm từ dầu hỏa, bao gồm xăng dầu và nhiên liệu cho máy bay. Bên cạnh đó, còn phải tính đến lượng nhập khẩu đến từ Nga, trị giá khoảng 1,7 triệu đô la mỗi năm.

Nếu quốc tế thực thi nghiêm túc lệnh trừng phạt này, người dân Bắc Triều Tiên sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh lấy hậu quả, theo như đánh giá của Viện Nautilus. Với chiến lược "songun" (quân đội trước hết), chế độ Bình Nhưỡng sẽ siết chặt ngay lập tức nguồn nhiên liệu cung cấp cho người dân. Hệ quả là người dân sẽ phải đi bộ thay vì đi xe buýt ; điện thắp sáng trong nhà sẽ ít hơn ; và tệ hại nhất là tình trạng phá rừng để lấy than củi, dẫn đến hiện tượng "xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt và nạn đói".

Về phía quân đội, báo cáo của Viện Nautilus đánh giá, trước mắt, lệnh trừng phạt nhắm vào nguồn nhập khẩu dầu hỏa có lẽ sẽ chỉ có một "tác động gần như không hoặc hạn chế" lên quân đội Bắc Triều Tiên và các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bởi vì với kho dự trữ chiếm đến một phần ba nhập khẩu dầu lửa, quân đội nước này có đủ khả năng cầm cự chí ít trong vòng "một năm với mức tiêu thụ như dưới thời bình" và có thể chiến đấu trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, đòn trừng phạt được cho là "chí mạng" này đối với chế độ Bình Nhưỡng khó có thể được Trung Quốc thông qua. Cắt nguồn cung dầu hỏa có nguy cơ làm sụp đổ chế độ Kim Jong-un. Một kịch bản khiến Bắc Kinh sợ "tái mặt", như phân tích của ông Jean-Vincent Brisset, Viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược, được AFP trích dẫn.

Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc-Nam Triều Tiên thống nhất, kéo theo dòng người di tản và sự hiện diện của lính Mỹ ngay sát biên giới Trung Quốc. Và Bắc Triều Tiên không còn là quốc gia đệm nữa và như vậy "Trung Quốc sẽ mất mọi quyền lợi".

Do đó, theo quan điểm của cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Kim Sung Han, cách thức tốt nhất để thuyết phục Trung Quốc đồng ý thông qua lệnh cấm vận dầu hỏa là đe dọa các lợi ích riêng của nước này, thông qua việc trừng phạt các doanh nghiệp nào của Trung Quốc có làm ăn với Bắc Triều Tiên như Hoa Kỳ đề xuất.

"Nói thì dễ, làm thì khó". Năm 2016, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc là 115,6 tỷ đô la. Liệu Hoa Kỳ có dám thực hiện ý tưởng của mình hay không khi mà Boeing hôm qua còn dự báo trong vòng 20 năm tới, thị trường hàng không Trung Quốc sẽ phải cần đến 2 000 chiếc máy bay ? Một thị trường béo bở mà hai hãng lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đang cạnh tranh gay gắt.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 736 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)