Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/09/2017

Bán đảo Triều Tiên : liệu có xảy ra chiến tranh ?

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên : Youtube khai hỏa ? (RFI, 20/09/2017)

Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa, Seoul vội vàng tập trận. Nhưng chưa có một trận chiến thật sự nào diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, cuộc chiến trên mạng dường như đã bắt đầu mà người khai hỏa là mạng Youtube. Một hành động khiến cộng đồng khoa học nổi giận.

coree1

Ảnh của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 16/09/2017, với lời chú : lãnh đạo Kim Jong-un xem bắn thử tên lửa Hwasong-12. Reuters không có phương tiện để thẩm định tính xác thực của bức ảnh.KCNA via Reuters

Trang mạng chia sẻ video đã kiểm duyệt Bắc Triều Tiên bằng cách đóng cửa hai kênh tuyên truyền thường nhật của nước này. Một biện pháp đã khiến những nhà khoa học đang nghiên cứu về Bắc Triều Tiên bất bình. Bởi vì, những hình ảnh video này có thể mang đến những thông tin quý giá về đất nước khép kín nhất hành tinh.

Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias giải thích vì sao Youtube lại đưa ra quyết định kỳ lạ này.

"Youtube đã đóng hai kênh tuyên truyền quan trọng Bắc Triều Tiên, đó là kênh "Urimizokkiri" - nghĩa là "Dân tộc ta" - và kênh Tonpomail, vốn dĩ do hiệp hội những cư dân Bắc Triều Tiên ở Nhật Bản quản lý.

Những kênh này phát đi mỗi ngày bản tin của đài truyền hình nhà nước và nhiều đoạn video tuyên truyền. Trên trang mạng, Youtube mà chủ sở hữu là tập đoàn Google của Hoa Kỳ có giải thích rằng những kênh đó bị đóng cửa là "do có đơn kiện" và "vì đã vi phạm cam kết của cộng đồng Youtube".

Thế nhưng, nguyên nhân cụ thể của hành động kiểm duyệt này lại không rõ ràng. Những kênh đó không có đăng quảng cáo, nên những kênh này chẳng đem về cho Bình Nhưỡng một xu ngoại tệ nào. Rất có khả năng là luật sư của Youtube đã tỏ ra cẩn thận quá đà, trong việc chạy theo nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc, áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân mới nhất".

Vấn đề là quyết định của Youtube đã khiến giới chuyên gia về Bắc Triều Tiên nổi giận. Bởi vì nhờ vào các đoạn video này mà các nhà nghiên cứu lục tìm tỉ mỉ hòng nhặt nhạnh những thông tin quý giá về đất nước quá ư là bí hiểm. Thông tín viên Frederic Ojardias giải thích tiếp :

"Những video này còn giúp các nhà nghiên cứu theo dõi được các di chuyển của lãnh đạo Kim Jong-un, xác định được những cơ sở quân sự mới, có được những chi tiết kỹ thuật về những loại tên lửa mới nhất, xác định những nhân vật cao cấp xung quanh lãnh đạo họ Kim, hay như là biết được những gì chế độ nói với người dân...

Trong một thư ngỏ gởi Youtube, nhà phân tích người Mỹ Curtis Melvin đưa ra một danh sách dài ví dụ về những thông tin có được. Ông cho đấy là những "thiệt hại nghiêm trọng cho công việc của những người nghiên cứu các nguồn thông tin công khai".

Công việc này là thiết yếu, nó cho phép công luận và giới phóng viên tiếp cận những phân tích độc lập. Và điều này còn quan trọng hơn nữa vào lúc căng thẳng đã trở nên trầm trọng từ nhiều tháng nay. Joshua Pollack, một chuyên gia về không phổ biến hạt nhân nhấn mạnh rằng quyết định chặn hai kênh này của Youtube đưa ra không đúng thời điểm".

Bất chấp các phản đối của giới nghiên cứu, Youtube kiên quyết không lùi bước. Một phát ngôn viên của hãng đã biện minh như sau trong một thông cáo :

"Chúng tôi rất lấy làm vui mừng là Youtube là một diễn đàn cho phép làm rõ những góc khuất của hành timh... nhưng chúng tôi phải tôn trọng luật lệ".

Vẫn theo thông tín viên Frederic Ojardias thì đây không phải là lần đầu tiên Youtube ngăn chận các tài khoản sử dụng của Bắc Triều Tiên. Năm 2016, một kênh truyền hình đã bị rút khỏi trang mạng. Các nhà khoa học giờ đây chỉ biết trông đợi những kênh truyền hình tuyên truyền khác xuất hiện trên trang mạng của Trung Quốc chẳng hạn.

RFI tiếng Việt

*******************

Hàn Quốc là một yếu tố khó lường (RFI, 20/09/2017)

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa biết lúc nào hạ nhiệt. Cộng đồng quốc tế gần như bất lực trước một loạt các vụ phóng thử tên lửa khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Balbina Hwang, chuyên gia về Châu Á, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Georgetown tại Washington, khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro (16/09/2017) cảnh báo, nếu Hàn Quốc rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân, cuộc khủng hoảng trên bán đảo sẽ còn thêm nghiêm trọng.

coree2

Binh sĩ Hàn Quốc tham gia tham gia một cuộc tập trận tại Pocheon 19/09/2017. Reuters/Kim Hong-Ji

Le Figaro : Kim Jong-un tiếp tục trò thách thức mặc cả. Vậy lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ đi đến đâu ? Yếu tố mới mà tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra là gì trong trò chơi nguy hiểm này ?

Balbina Hwang : Căng thẳng với Bắc Triều Tiên luôn luôn gia tăng theo vết lầy của các vụ Bình Nhưỡng vi phạm những chuẩn mực quốc tế. Thế rồi, những căng thẳng này sẽ bốc hơi cho đến khi lại xuất hiện một sự khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều thập kỷ qua, điều này giải thích vì sao Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra đến 24 nghị quyết về Bắc Triều Tiên. Dường như đã nhiều lần, người ta tưởng rằng tình hình sẽ rơi vào một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, nhưng điều này chưa bao giờ xẩy ra. Không có yếu tố thực chất nào cho thấy có khả năng xẩy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn.

Donald Trump là một vị tổng thống rất bất thường và dường như ông tự trao cho mình nhiệm vụ xóa bỏ nguyên trạng, nhưng cuối cùng, cái định chế "tổng thống" lại lớn hơn cá nhân con người đang ở phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên vẫn là một hồ sơ độc nhất, mối đe dọa duy nhất chưa được giải quyết từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 là phép thử đầu tiên về thỏa thuận an ninh tập thể của Liên Hiệp Quốc và cũng là biểu thị quân sự rõ ràng nhất của chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ đóng vai người canh gác, để kìm hãm Bình Nhưỡng, đặc biệt là bảo vệ Seoul. Việc thể chế hóa mối quan hệ song phương đặc biệt này đóng vai trò chủ chốt trong những thời kỳ căng thẳng nguy hiểm nhất.

Le Figaro : Ai là người làm chủ được cuộc khủng hoảng này ?

Balbina Hwang : Hiển nhiên là Kim Jong-un. Ông ta muốn Bắc Triều Tiên có thể quyết định được vận mệnh đất nước mình, một cách độc lập. Điều này vượt lên trên cả quyết tâm muốn duy trì sự sống còn của chế độ. Bản thân sự tồn tại của Bắc Triều Tiên kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945 (do các nước lớn quyết định) là một ý đồ tạo ra một sự độc lập thực sự, cho dù tình hình địa lý tại đây bị ngự trị bởi các ganh đua của những cường quốc lớn. Công cuộc tìm kiếm chủ quyền đầy viễn vông này là động lực thúc đẩy cách hành xử của hai nước Triều Tiên.

Le Figaro : Hoa Kỳ khai thác yếu tố khó lường trong tính cách của Donald Trump để làm cho mọi người dễ tin là có giải pháp quân sự và buộc Trung Quốc phải hành động. Liệu cách thức này có hiệu quả không ?

Balbina Hwang : Các giải pháp quân sự của Mỹ bị thu hẹp, chỉ trong lĩnh vực phòng thủ và răn đe, cho dù về mặt kỹ thuật, khả năng tấn công vẫn có. Tất cả mọi người chỉ trích Donald Trump có những phát biểu hiếu chiến, nhưng các phát biểu này cũng có ích, đó là Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ giải pháp quân sự. Nếu không thì làm sao các đồng minh của Mỹ có thể tin tưởng được. Mỗi lần Hoa Kỳ phô trương cơ bắp quân sự thì Bắc Triều Tiên lại lùi bước, không lùi hẳn hoàn toàn mà vẫn động đậy ở bên bờ vực thẳm. Không có bất kỳ lý do nào để nghĩ rằng điều này thay đổi, bởi vì chế độ Bình Nhưỡng không điên rồ mà rất tính toán.

Le Figaro : Liệu Trung Quốc có giải pháp cho vấn đề Bắc Triều Tiên hay không ?

Balbina Hwang : Tôi nghi ngờ vì lợi ích an ninh của Bắc Kinh không trùng hợp với lợi ích an ninh của Mỹ. Trung Quốc không thấy là các giá trị của Bắc Triều Tiên về mặt cơ bản là không thể chấp nhận được. Thậm chí, Bắc Triều Tiên là một chiếc lá nho cần thiết, làm cho Trung Quốc có bộ mặt khả dĩ. Cũng nên thấy là Bắc Kinh bất bình về cân bằng lực lượng tại Châu Á, về mặt lịch sử, Trung Quốc coi khu vực này như một hệ thống cấp bậc trên dưới trong đó Trung Quốc là trung tâm.

Trở ngại lớn nhất ngăn cản các ý đồ của Trung Quốc, đó là sức mạnh của Mỹ, hệ thống liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác. Do vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Bắc Triều Tiên, mặc dù Bắc Kinh cho rằng cách hành xử của Bình Nhưỡng là đáng ghét.

Một điểm cơ bản khác là cho dù Bắc Kinh có ảnh hưởng kinh tế to lớn đối với Bình Nhưỡng, nhưng đây không phải là đòn bẩy quyết định. Bắc Triều Tiên thù ghét sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bình Nhưỡng đã phát triển quan hệ trong bóng tối với các tác nhân không phải của Nhà nước Trung Quốc và với các quốc gia khác mà Bắc Kinh không kiểm soát được.

Le Figaro : Vậy động lực nào đang diễn ra tại Hàn Quốc ?

Balbina Hwang : Trái ngược với những gì người ta hay nói, Bắc Triều Tiên chắc chắn là tác nhân trong khu vực dễ lường nhất. Đây không phải là trường hợp của Hàn Quốc, đất nước đang có nhiều biến đổi và theo tôi, đây là quốc gia khó lường nhất. Các hành động của tổng thống Moon làm tôi ngạc nhiên (tư tưởng cánh tả đẩy tổng thống Hàn Quốc Moon hướng tới việc làm dịu căng thẳng, thế nhưng ông ta lại đứng về phía Donald Trump).

Đối với cường quốc hiện đại này, ý tưởng tự bảo đảm an ninh xuất hiện. Thế nhưng, khả năng Hàn Quốc ra khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể làm cho hồ sơ Bắc Triều Tiên lan tỏa ra một cách nguy hiểm nhất. Tôi không tin sẽ sớm có một chiến tranh tại Châu Á, nhưng cần phải chú ý đến sự sụp đổ của hệ thống phòng thủ chung, dẫn đến hệ quả là Seoul sẽ trang bị vũ khí nguyên tử. Hiệu ứng domino có thể có sức tàn phá ghê gớm.

RFI tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 688 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)