Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/10/2017

Myanmar : nhân quyền và thanh lọc sắc tộc

RFI tiếng Việt

Miến Điện : Người Rohingya tiếp tục bỏ làng đi vượt biên (RFI, 01/10/2017)

Hơn 2000 dân làng Rohingya đang tập hợp dọc theo một vùng duyên hải Miến Điện, tìm cách vượt biển sang Bangladesh. Báo chí chính thức Miến Điện, sau một thời gian im lặng, bắt đầu đưa tin về số phận sắc dân thiểu số bị ngược đãi.

myanmar1

Thuyền nhân Rohingya trong đêm ngày 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh. Reuters

Theo nhật báo Nhà nước Global New Light of Myamar được AFP trích dẫn hôm thứ Bảy 30/09/2017, trong tuần đã có hơn 2000 người Rohingya kéo về bờ biển làng Lay Yin Kwin, chờ cơ hội vượt biển. Các bức ảnh cho thấy từng nhóm phụ nữ, trẻ em ngồi trên bãi cát dưới sự canh chừng của cảnh sát. Cảnh sát Miến Điện cho biết họ đã ngăn chận khoảng 20.000 dân Rohingya vượt qua biên giới sang Bangladesh.

Cũng theo nhật báo này, các viên chức chính phủ thuyết phục dân Rohingya ở lại với lời trấn an là cuộc sống của họ được an ninh và bảo đảm. Tuy nhiên, các dân làng trả lời là họ "dứt khoát đi Bangladesh".

Tình trạng người Rohingya tiếp tục bị truy bức đã gây tổn hại cho uy tín của bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, nay là người nắm thực quyền dân sự tại Miến Điện nhưng bị quân đội chi phối. Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện "thanh lọc sắc tộc".

Theo AFP, đại học Anh Quốc danh tiếng Oxford thông báo quyết định gỡ bức chân dung của người sinh viên cũ "Aung San Suu Kyi" cất đi , thay thế bằng một bức tranh của một danh họa người Nhật, Yoshihiro Takada.

Từ năm 1964 đến 1967, sinh viên Aung San Suu Kyi, theo học các môn chính trị, kinh tế và triết học tại Oxford.

Tú Anh

*************************

Gần 90 NGO lên án quân đội Miến Điện phạm "tội ác chống nhân loại" (RFI, 30/09/2017)

Miến Điện tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng người Rohingya. AFP ngày 29/09/2017 cho biết gần 90 tổ chức phi chính phủ, NGO, lên án các "tội ác chống nhân loại" nhằm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xem xét khả năng cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

myanmar2

Thuyền nhân Rohingya trong đêm 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh.Reuters

Trong một thông cáo chung, 88 tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức bảo vệ nhân quyền uy tín trên thế giới như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế. khẳng định "Những bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy rõ ràng các hành động tàn bạo của lực lượng an ninh Miến Điện là những tội ác chống nhân loại".

Các tổ chức phi chính phủ nói trên đề nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về Miến Điện, đồng thời yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét một cách nghiêm túc việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Miến Điện và có các biện pháp trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm trong các vụ phạm tội ác đối với thường dân.

Thông cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi các nước "ngừng ngay lập tức viện trợ và hợp tác quân sự với Miến Điện".

Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cho biết, ít nhất có 60 người Rohingya, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em từ Miến Điện vượt biên giới qua Bangladesh đã bị chết hoặc mất tích trong vụ đắm phà trong vịnh Bengal.

Hôm 28/09/2017, Hội Đồng Bảo An đã mở phiên họp đầu tiên về tình hình Miến Điện kể từ khi cuộc khủng hoảng người Rohingya nổ ra cuối tháng 8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng yêu cầu Miến Điện ngừng các chiến dịch quân sự, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo người Rohingya và tổ chức hồi hương người tị nạn. Hội Đồng Bảo An tới đây sẽ xem xét hồ sơ Miến Điện theo đề nghị của Pháp, chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 10.

Anh Vũ

******************

LHQ yêu cầu Miến Điện cho tiếp cận nhân đạo giúp người Rohingya (RFI, 29/09/2017)

Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, thảm họa người Rohingya được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 08/2017 đến nay, khoảng nửa triệu người đã phải chạy sang Bangladesh để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc công khai nói đến khả năng trừng phạt các quan chức Miến Điện có liên quan trong hồ sơ này.

myanmar3

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong phiên họp Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Rohingya, New York 28/09/2017. TIMOTHY A. CLARY / AFP

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :

"Đó là một ác mộng nhân đạo và một ác mộng đối với các quyền của con người. Tổng thư ký Antonio Guterres đã tóm tắt tình hình như vậy. Vào lúc Rangoon lấy cớ thời tiết xấu để hủy chuyến thị sát của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại bang Rakhine, được dự kiến vào ngày hôm qua, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa yêu cầu Miến Điện phải cho phép tiếp cận nhân đạo, không được ngăn cản.

Ông nói : Trong những ngày vừa qua, chính quyền Miến Điện đã nhiều lần tuyên bố là chưa đến lúc để có thể cho tiếp cận nhân đạo và không bị cản trở. Thật sự là rất đáng tiếc vì tình hình tại đây có những nhu cầu lớn. Liên Hiệp Quốc cần phải được phép đến ngay lập tức những vùng bị tác động.

Phiên họp công khai này cũng là dịp để gia tăng áp lực đối với Rangoon. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố : "Không nên lo sợ khi gọi đúng tên các hành động của chính quyền Miến Điện. Đó là một chiến dịch quân sự tàn bạo và liên tục ở nước này nhằm thanh lọc một sắc tộc thiểu số. Và chính quyền lãnh đạo cấp cao tại Miến Điện lẽ ra phải hổ thẹn về những hành động này".

Rangoon đã điều cố vấn an ninh quốc gia đến dự phiên họp. Quan chức này bác bỏ danh từ thanh lọc chủng tộc và bảo đảm rằng đó chỉ là một chiến dịch chống khủng bố. Ông ta cũng hứa hẹn sẽ cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận nhân đạo ngay từ thứ Hai tuần tới, đồng thời mời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới đánh giá tình hình tại chỗ".

RFI tiếng Việt

***********************

Hồ sơ Rohingya : Trung Quốc ủng hộ Miến Điện vì lợi ích kinh tế (RFI, 29/09/2017)

Trong khi quốc tế phản đối việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, thậm chí Liên Hiệp Quốc còn coi đó là chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính phủ nước này lại có được sự ủng hộ quý giá của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 09/2017, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu là Bắc Kinh "ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước". Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục "con đường tơ lụa mới".

myanmar4

Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqianging) tại lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/08/2016 Reuters

Hồi tháng 04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho trải thảm đỏ đón tiếp đồng nhiệm Miến Điện Htin Kyaw và nhấn mạnh phải triển khai ngay lập tức các dự án hợp tác then chốt, trong đó có dự án "đặc khu kinh tế Kyaukpya". Kyaukpya là một thành phố thuộc bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nằm cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội nhất khoảng 200km về phía nam.

Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế tại miền tây nước này, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Bang Rakhine có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn dầu và khí ga tự nhiên từ Trung Đông tới tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, để tránh phải đi qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaisia và Indonésia.

Vào tháng 04/2017, sau bảy năm lắp đặt, đường ống dẫn dầu khồng lồ nối từ bang Rakhine - Miến Điện tới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã được hoàn thành. Theo cơ quan chủ quản, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc CNPC, Miến Điện đã đầu tư 1,2 tỉ đô vào công trình trên, còn Bắc Kinh đầu tư 1,24 tỉ đô la.

AFP cho biết, theo số liệu của tập đoàn nhà nước CITIC của Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới", từ nay tới năm 2038, Bắc Kinh phải đầu tư hơn 9 tỉ đô la vào một cảng nước sâu ở Kyaukpya và vào một khu kinh tế 1000ha.

Bà Sophie Boiseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Viện Quan Hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định là các "dự án kinh tế quy mô lớn" nói trên của Bắc Kinh chính là chìa khóa để chính quyền Miến Điện có được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Đối với lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, phát triển kinh tế là vấn đề then chốt tại bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ đói nghèo lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ đói nghèo bình quân của cả nước.

Hồi tháng 01/2016, phó chủ tịch tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã từng nới tới việc "chia lãi dự án cho Miến Điện và người dân địa phương", xây dựng 50 bệnh viện tư và 50 trường học tại vùng này. Tuy nhiên, cho tới nay, các lời hứa của phó chủ tịch tập đoàn CITIC vẫn chưa được thực hiện.

Còn bà Alexandra de Mersan, nhà nghiên cứu của Viện Quốc Gia Về Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO), một chuyên gia về Miến Điện cho AFP biết : "Các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại bang Rakhine khiến người dân địa phương vô cùng bất mãn vì họ không thấy bất cứ một hệ quả tích cực nào". Theo một báo cáo hồi tháng 08/2017 của Ủy ban quốc tế về Miến Điện, do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lãnh đạo, lợi nhuận của các dự án kinh tế thường rơi vào tay chính quyền Naypyidaw và các doanh nghiệp nước ngoài, và hậu quả là chính phủ Miến Điện bị dân chúng coi là lợi dụng, bóc lột người dân.

Cũng như nhiều vùng khác ở Miến Điện, dưới lòng đất tại bang Rakhine rất giàu khoáng sản, nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Đối với nhiều chuyên gia, xung đột hiện nay có liên quan tới các lợi09/2017) ích kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần liên quan tới tôn giáo.

So với các khu vực khác, cho tới khi cuộc xung đột sắc tộc xảy ra, đất đai ở bang Rakhine vẫn không bị những người thân cận với chính quyền dân sự chiếm đoạt nhiều. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì theo nhà xã hội học Saskia Sassen, đất đai ở bang Rakhine đã trở nên quý giá do có các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và chính quyền quân sự Miến Điện rất quan tâm tới mảnh đất mà người Rohingya buộc phải bỏ lại để chạy trốn khỏi cuộc trấn áp của chính quyền.

Thùy Dương

**********************

Rohingya : Miến Điện cho các tổ chức nhân đạo LHQ vào vùng Rakhine (RFI, 28/09/2017)

Vào lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về hồ sơ người Rohingya, ngày 28/09/2017, Miến Điện trên nguyên tắc cho phép một số các tổ chức nhân đạo đến bang Rakhine, nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8/2017, gần một nửa triệu người Rohingya phải di tản sang Bangladesh. Nhưng theo tin giờ chót, họ đã hoãn chuyến đi này do thời tiết xấu.

myanmar5

Cố vấn an ninh quốc gia của Miến Điện Thaung Tun sau cuộc họp về tình hình người Rohingya tại Đại Hội Đồng LHQ ngày 18/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Trong cuộc họp báo ngày 27/09/2017 từ New York, đại diện Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric hy vọng đây là "bước đầu" thể hiện thiện chí của chính quyền Miến Điện, cho dù nhân viên Liên Hiệp Quốc sẽ được "hộ tống" đến bang Rakhine.

Nhiều tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Rangun đã được lệnh rời khỏi bang Rakhine vào tháng 08/2017 khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tấn công phe nổi dậy người Rohingya, với hậu quả là hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi giáo này phải chạy sang biên giới Bangladesh lánh nạn. Trong suốt một tháng qua, các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế liên tục yêu cầu được quay trở lại vùng đang có xung đột.

Có nhiều nguồn tin tố cáo quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc của người Rohingya và gài mìn dọc theo đường biên giới với Bangladesh để ngăn cản gần 500.000 triệu người tị nạn quay trở về.

Phía quân đội từ đầu tuần thông báo tìm thấy nhiều hố chôn tập thể tại những ngôi làng của người Ấn Độ giáo trong khu vực và tố cáo các phần tử nổi dậy người Rohingya là thủ phạm sát hại hơn 50 dân làng. Lực lượng vũ trang ARSA của người Rohinga "cực lực" bác bỏ những cáo buộc trên.

Thể theo yêu cầu của 7 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, chiều nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ người Rohingya dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 747 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)