Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/10/2017

Tương lai nào cho Bắc Triều Tiên và Kim Jong-un ?

Tổng hợp

Kịch bản nào nếu Trung Quốc bỏ rơi Bắc Triều Tiên ? (RFI, 02/10/2017)

Tiếp tục bảo vệ Bắc Triều Tiên hay bỏ rơi chế độ Bình Nhưỡng kịch bản nào có lợi hơn cho Trung Quốc ? Đó là câu hỏi đáng giá ngàn vàng, đang được các chuyên gia và chính giới ở Bắc Kinh cân nhắc.

tqbtt1

Hai lá cờ hữu nghị Trung Quốc - Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp trên tường một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc, nay đã đóng cửa. Ảnh chụp ngày 12/04/2016. Reuters/Joseph Campbell

Về mặt chính thức, Trung Quốc đưa ra cùng một lập trường với Nga : cộng đồng quốc tế không nên dồn Bắc Triều Tiên vào chân tường. Đến nay, Bắc Kinh vẫn xem đối thoại là giải pháp tốt nhất để thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng ở hậu trường, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một số các nhà chiến lược của Trung Quốc đang nêu lên nhiều kịch bản đối phó "khẩn cấp".

Một tuần lễ sau vụ Bắc Triều Tiên thử nguyên tử hôm đầu tháng 9/2017, trưởng khoa quan hệ quốc tế trường Đại Học Bắc Kinh, Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) chính thức lên tiếng "khuyên" Trung Quốc nên tính tới phương án cùng thảo luận với Mỹ và Hàn Quốc về thời kỳ hậu Kim Jon-un.

Là một nhân vật có uy tín, giáo sư họ Giả trong bài nghiên cứu mang tựa đề "đã đến lúc phải chuẩn bị với kịch bản xấu nhất tại Bắc Triều Tiên" đặt ra một loạt các câu hỏi như : Trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, Trung Quốc phải tính sao ? Nên chăng trong tư thế sẵn sàng triển khai lực lượng sang Bắc Triều Tiên ? Liệu Trung Quốc hay Hoa Kỳ sẽ thâu tóm trang thiết bị hạt nhân Bắc Triều Tiên và Trung Quốc phải làm gì trong trường hợp trong Hàn Quốc thống nhất nước láng giềng phương Bắc ? Trên đây là những kịch bản giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải tính tới.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, mặc dù bài tham luận của chuyên gia về quan hệ quốc tế này được đăng trên trang mạng của Diễn Đàn Đông Á, thuộc đại học Úc, nhưng chắc chắn, là ông đã được "phép" để phổ biến quan điểm này trên một phương tiện truyền thông quốc tế.

Vậy phải chăng là Trung Quốc đang bắn đi một thông điệp hướng tới cả chế độ Bắc Triều Tiên lẫn cộng đồng quốc tế ?

Một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho rằng Bắc Kinh đang tính toán "một công đôi việc", vừa hù dọa Bình Nhưỡng khi nêu lên khả năng "bỏ rơi" Bắc Triều Tiên, vừa làm hài lòng Hoa Kỳ, một tháng trước chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ, Donald Trump, đến Trung Quốc.

Đương nhiên là Tập Cận Bình mà càng tỏ thái độ cứng rắn với Kim Jon-un chừng nào thì lại càng khiến vị thượng khách của ông là Donald Trump hài lòng chừng nấy. Nhưng có lẽ Trung Quốc đang nhìn xa hơn thế.

Nhà nghiên cứu David Kelly thuộc viện China Policy, trụ sở tại Bắc Kinh, tiết lộ hiện tại ở thượng tầng cơ quan quyền lực Trung Quốc đang có hai phe. Một bên chủ trương duy trì đường lối cũ, tức là cố gắng giữ một đồng minh lâu đời là Bắc Triều Tiên trong vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bên kia là trường phái xem việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là cơ hội lớn đối với Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy, phe thứ nhì này đang được "lắng nghe".

Cách rất xa Bắc Kinh, nhìn từ Paris, ông Barthélémy Courmont, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp cũng cho rằng giả thuyết chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ không còn là một cơn ác mộng trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc. Bởi lẽ nếu tiến trình thống nhất bán đảo Triều Tiên diễn ra trong hòa bình, thì Trung Quốc là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất để xây dựng lại một đất nước Triều Tiên sau 60 năm chia cắt.

Một nhà quan sát làm việc tại Bắc Kinh cho rằng, tiếng nói của phe chủ trương bỏ rơi Bắc Triều Tiên ngày càng mạnh. Mới chỉ cách nay 4 năm, người điều hành tờ báo thuộc Trường Đảng Trung Quốc ông Đặng Vũ Văn (Deng Yuwen) đã bị cách chức vì một bài viết kêu gọi đoạn tuyệt với chế độ Bình Nhưỡng. Thế nhưng tháng 4/2017 trong một bài viết đăng trên trang chủ của trung tâm nghiên cứu độc lập Trung Quốc Charhar, cũng chuyên gia này đã nhấn mạnh đến những lợi thế không thể chối cãi của Trung Quốc, nếu hai miền Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất : quân đội Mỹ sẽ không còn lý do để hiện diện tại Hàn Quốc và một khi Bắc Triều Tiên không còn là mối đe dọa đối với Seoul thì Hàn Quốc và Hoa Kỳ không thể viện cớ gì để tiếp tục lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ngay sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc.

Có điều, bỏ rơi Kim Jon-un cũng không dễ, bởi như lời chuyên gia David Kelly, học viện Chính Trị Trung Quốc China Policy, "không ai biết trước phản ứng của Bắc Triều Tiên". Một cách gián tiếp, giới chuyên gia tại Bắc Kinh lo ngại Kim Jon-un "làm liều" khi bị người anh cả là Trung Quốc bỏ rơi.

Điều mà các nhà phân tích Trung Quốc và quốc tế chưa nói rõ là tất cả các giả thuyết nêu trên đáng tin cậy tới mức độ nào ? Chỉ biết rằng, tại Bình Nhưỡng, Kim Jong-un tăng tốc các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tại Washington, tổng thống Hoa Kỳ ồn ào đe dọa "tiêu hủy" Bắc Triều Tiên.

Còn tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 19 để củng cố quyền lực. Hồ sơ Bắc Triều Tiên đương nhiên bắt ông Tập phải quan tâm. Trong mọi trường hợp Bắc Kinh luôn đặt quyền lợi chiến lược của Trung Quốc lên trên hết. Trung Quốc đang chuẩn bị những gì cho tương lai Bắc Triều Tiên ? Bắc Kinh không có ý định chia sẻ những tính toán của mình với bất kỳ một ai.

Thanh Hà

*********************

Bắc Triều Tiên : trên Twitter, Donald Trump gạt bỏ mọi nỗ lực của ngoại trưởng Tillerson (RFI, 02/10/2017)

Vào lúc ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc gây áp lực với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân thì trên Twitter, tổng thống Donald Trump - nếu không muốn nói là làm nhục ngoại trưởng Rex Tillerson - đã tuyên bố là không nên mất thời gian với Bình Nhưỡng.

tqbtt2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) với ngoại trưởng Rex Tillerson và nữ đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, ngày 11/08/2017, ở Bedminster, New Jersey. Reuters/Jonathan Ernst

Đây không phải là trường hợp "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" đầu tiên của chính quyền Washington và cũng không phải là lần đầu tiên, tổng thống Mỹ nói ngược lại với ngoại trưởng.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :

"Có thể tóm tắt đại ý điều mà Donald Trump, qua các twit, nói với Rex Tillerson là không nên mất thời gian đàm phán với nhóc tì tên lửa. Theo ông, Clinton, Bush rồi Obama đều đã thử nhưng không thành. Rex, hãy giữ sức và chúng ta sẽ làm điều cần phải làm. Phải chăng đây là một lời đe dọa nhưng không nói thẳng ra là sẽ có một chiến dịch quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng ?

Các phát biểu của tổng thống Mỹ gây ngạc nhiên vì trước đó 24 giờ, ngoại trưởng Tillerson, trong chuyến công du Bắc Kinh, đã thông báo là có những kênh liên lạc giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, gợi ý rằng có thể đàm phán. Tuy nhiên, bộ ngoại giao Mỹ đã giảm bớt tầm quan trọng của tuyên bố này và nói rõ rằng Bắc Triều Tiên tỏ ra không quan tâm đến đàm phán.

Đây không phải là lần đầu tiên Donald Trump bất đồng với chính phủ của ông. Nguyên thủ Mỹ đã từng nói rằng thảo luận với Bắc Triều Tiên không phải là một giải pháp, trong lúc bộ trưởng quốc phòng James Mattis có lập trường ngược lại. Thế nhưng, tổng thống Mỹ dường như tỏ ra đặc biệt khoái trá phá hỏng các nỗ lực của Rex Tillerson tìm cách tiến hành phương thức ngoại giao truyền thống. Điều này làm cho một số nhà quan sát phỏng đoán về thời gian cựu tổng giám đốc Exxon tiếp tục công tác tại bộ ngoại giao Mỹ".

Nhằm gia tăng áp lực, cô lập Bình Nhưỡng, bộ ngoại giao Ý đã yêu cầu đại sứ Bắc Triều Tiên – tuy chưa trình thư ủy nhiệm – rời khỏi nước này, để phản đối việc Bắc Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Trả lời phỏng vấn nhật báo La Republica, hôm qua, và được AFP trích dẫn, ngoại trưởng Ý Angelino Alfano cho biết đã quyết định đình chỉ quy trình chấp nhận tân đại sứ Bắc Triều Tiên và vị đại sứ này phải rời khỏi Ý.

Theo Roma, quyết định nhằm làm cho Bắc Triều Tiên hiểu rằng họ sẽ bị cô lập nếu không thay đổi chính sách. Tuy nhiên, Ý không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên vì việc duy trì kênh liên lạc là cần thiết.

RFI tiếng Việt

*******************

Nga phá thế độc quyền của Trung Quốc trong việc giúp Triều Tiên kết nối internet (Một Thế Giới, 02/10/2017)

Theo tổ chức nghiên cứu 38 North (Hàn Quốc), công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, giúp nước này thoát khỏi tình trạng phụ thuộc đường truyền mạng của Trung Quốc.

tqbtt3 - Copie

Công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho Triều Tiên- Ảnh : SCMP

38 North cho biết, tín hiệu kết nối từ Trans Telecom đã bắt đầu xuất hiệu trên cơ sở dữ liệu định tuyến mạng từ khoảng 17 giờ 38 phút (giờ Triều Tiên) ngày 1/10

Cho đến nay, người dùng mạng tại Triều Tiên lẫn những người bên ngoài truy cập vào các trang mạng của Triều Tiên đều dùng chung một đường truyền Star JV do công ty viễn thông China Unicom của Trung Quốc chịu trách nhiệm vận hành kể từ năm 2010.

Theo nhà phân tích hệ thống mạng toàn cầu Doug Madory của Viện nghiên cứu Dyn : "Đường truyền bổ sung từ Nga giúp Triều Tiên có thêm một kết nối mạng ra ngoài, tăng khả năng phục hồi (sau các cuộc tấn công) lẫn lưu lượng băng thông quốc tế".

Trang Financial Times dẫn lời trưởng ban công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương công ty FireEye Bryce Boland nhận định : "Đường truyền mới không chỉ giúp tăng khả năng phục hồi kết nối mạng của Bình Nhưỡng trước những cuộc tấn công vật lý, tấn công mạng lẫn tấn công chính trị mà còn giúp Nga có được tầm ảnh hưởng mới tại Triều Tiên".

tqbtt4 - Copie

Bản đồ cáp trên trang tin của TTK cho thấy có hệ thống dây cáp quang chạy từ Nga đến biên giới Triều Tiên - Ảnh : 38 North

Việc Nga cung cấp đường truyền mạng diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của Bình Nhưỡng và gây áp lực buộc Trung Quốc cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với nước này, theo 38 North.

Tờ Washington Post ngày 30/9 cho biết, Bộ chỉ huy không gian mạng Mỹ (US Cyber Command) đang tiến hành một loạt cuộc tấn công chống lại tin tặc Triều Tiên, vô hiệu hóa máy tính của tin tặc và khiến kết nối mạng bị chậm hoặc không sử dụng được. Các vụ tấn công được thực hiện chỉ trong ngày 30/9

TTK là một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Nga, trực thuộc Tập đoàn đường sắt nhà nước Nga, 38 North cho biết.

Theo bản đồ cáp trên trang tin của TTK thì hệ thống dây cáp quang được đặt dọc theo đường sắt chạy từ thành phố Vladivostok đến biên giới Triều Tiên. Có đồn đoán cho rằng lối vào Triều Tiên duy nhất của đường dây cáp chính là dọc theo Cầu hữu nghị Nga-Triều, nơi có đường sắt chạy qua sông Đồ Môn (Triều Tiên gọi là sông Đậu Mãn) nối thành phố Khasan (Nga) với thị trấn Tumangang (Triều Tiên).

tqbtt5 - Copie

Cây cầu Hữu nghị Nga-Triều, nơi được xem là lối vào Triều Tiên duy nhất của cáp quang TTK- Ảnh : 38 North

38 North cho biết đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tìm đường truyền thay thế cho Star JV. Trong năm 2012 tổ chức vệ tinh viễn thông quốc tế Intelsat đã cung cấp một đường truyền cho Triều Tiên, nhưng trong những năm gần đây thì chỉ còn đường truyền Star JV của China Unicom.

Đường truyền duy nhất này đã nhiều lần bị tin tặc tấn công. Tuy hầu hết vụ tấn công được quy cho nhóm tin tặc Anonymous, nhưng có nhiều đồn đoán cho rằng lần tấn công gần đây nhất là do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện, theo 38 North.

38 North cũng cho biết, có rất ít người dùng đến mạng Internet, nhưng luôn có sẵn mạng trong các trường đại học lớn, cho người nước ngoài sử dụng thông qua điện thoại thông minh, tại cơ quan chính phủ và công ty lớn. Gia đình các lãnh đạo lẫn những đơn vị không gian mạng của quân đội Triều Tiên cũng được cho là có truy cập mạng.

Ngoài ra, đường truyền mạng là rất quan trọng cho học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài, những người thường vào các trang mạng truyền thông của Bình Nhưỡng để lấy thông tin.

Cẩm Bình

(theo 38 North, Financial Times)

Quay lại trang chủ
Read 747 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)