Rồng Đại Hán học tập kiếm sĩ Phù Tang"
Madrid gửi tối hậu thư cho Catalunya, Giáo hoàng nói "không" với án tử hình, Mỹ bỏ Unesco, Donald Trump chưa phạm sai lầm trong chính sách đối ngoại, chiến lược quốc phòng mới của Pháp, những người Pháp không được ân huệ giảm thuế, lãnh đạo Hồng Kông tìm cách hạ ngọn lửa bất mãn… Đây là một số đề tài đáng chú ý trên báo Pháp ngày 13/10/2017.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình tiếp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Đại Lễ Đường Nhân Dân bên lề thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh, 10/11/2014. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Trong lãnh vực kinh tế, Le Monde dành bài xã luận so sánh Trung Quốc ngày nay với nước Nhật 30 năm về trước : có cùng triệu chứng lao dốc.
"Kinh tế Trung Quốc nhiễm virus zombi"
Theo tác giả bài xã luận "Bài học của kiếm sĩ Nhật Bản cho rồng Trung Quốc", cứ mỗi lần kinh tế Trung Quốc tỏ dấu hiệu suy yếu là mỗi lần giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ "bổ nhào" với hệ quả nghiêm trọng cho cả thế giới.
Thế nhưng, cho đến ngày nay, trước thềm đại hội Đảng cộng sản thứ 19, Trung Quốc vẫn khỏe. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể trình bày thành tích khả quan, chỉ số phát triển tốt, hàng xuất khẩu gia tăng, lợi nhuận cao, sàn giao dịch phất phới.
Thế thì những dự báo bất lợi cho Bắc Kinh liên tục được đưa ra phải chăng là do tâm lý lo ngại của phương Tây trước thế mạnh bành trướng của Trung Quốc ?
Tâm lý bài Trung Quốc, theo Le Monde, không khỏi gợi nhớ thời kỳ thập niên 1980 đối với Nhật Bản. Vào giai đoạn đó, nước Nhật, hãnh diện là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, vừa tạo thán phục vừa gây lo ngại. Bà Edith Cresson, một vị thủ tướng Pháp thời bấy giờ không ngần ngại gọi dân Nhật là "bầy kiến". Chuyện gì phải đến đã đến và mọi người đã thấy : bong bóng đầu cơ xì hơi, thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc tuộc dốc và "hàng thập niên tiêu tán".
Giờ đây, đại cường kinh tế số hai là Trung Quốc. Đến lượt nước này, với tăng trưởng theo vận tốc thiên thạch gây lo ngại. Những triệu chứng của Trung Quốc ngày nay không khác chi của Nhật 30 năm về trước : nợ công tăng đến chóng mặt do chính sách tiền tệ lỏng lẻo kích thích đầu tư. Do chính sách một con, xã hội Trung Quốc rơi vào tình trạng lão hóa rõ nét hơn nước Nhật. Hệ quả là ngân sách phụ trợ cho người già tăng lên trong lúc năng suất kinh tế bị suy giảm.
Danh sách các triệu chứng giống nhau giữa con rồng Trung Quốc và kiếm sĩ Phù Tang 30 năm trước còn rất dài : cơn sốt thu mua xí nghiệp, cơn sốt đầu cơ địa ốc… giá một căn hộ ở Bắc Kinh cao gấp 16 năm lương của một nhân viên có bằng đại học.
Một hiện tượng tương tự nữa là một số nhà giàu Trung Quốc bỏ ra hàng trăm triệu đô la để mua các danh họa. Năm 2015, bức tranh "Nu couché" của Modigliani được một cựu tài xế taxi, trở thành tỷ phú, mua với giá 170 triệu đô la. Và cũng như người Nhật trong thập niên 1980, dân Trung Quốc cũng đua nhau đi du lịch trên thế giới, với tỷ lệ cao hơn một ít là 8,5%.
Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh, những hiện tượng bên ngoài không xuất phát từ một căn nguyên. Chính sách tiền tệ dễ dãi của Tokyo bắt nguồn từ nhu cầu không cho đồng yen lên giá. Còn Trung Quốc thì kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, nếu cần, sẽ cắt đứt luôn. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh liên tục chỉ trích các nhóm lợi ích chi ra những khối tiền khổng lồ đầu tư "phi lý" vào điện ảnh, bóng đá và công viên giải trí.
Bên cạnh tệ nạn bong bóng đầu cơ là hiện tượng ngân hàng "xác sống" và công ty "thây ma". Lo ngại Trung Quốc theo vết xe đổ của Nhật Bản, mùa hè vừa qua, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu "nghiên cứu" các biện pháp điều chỉnh. Vấn đề là cho đến bây giờ chính quyền Trung Quốc chưa bắt tay giải quyết vấn nạn công nghiệp nặng, vừa quản lý tồi, vừa tốn kém cho ngân sách vừa không có lợi nhuận.
Vì nợ ngập đầu, vì không đủ sức canh tân tạo công ăn việc làm, nhiều công ty "thây ma" của Nhật sống vất vưởng nhờ tiền nhà nước mà hệ quả là kéo kinh tế Nhật đi xuống. Đó là bài học của Nhật Bản mà Trung Quốc phải học. Cho đến giờ tình thế vẫn còn tốt, nhưng điều quan trọng hơn hết, theo Le Monde, là chuyện hạ cánh.
Nhà chiến lược Kim Jong-un
Kim Jong-un là một chiến lược gia đại tài. Donald Trump không phạm sai lầm nghiêm trọng. Đó là nhận định của chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp Ifri trên nhật báo kinh tế Les Echos.
Chuyên gia Thierry de Montbrial phác họa tình hình thế giới hiện nay như sau : Trung Quốc triển khai chiến lược của mình, trên bộ với con đường tơ lụa. Trên biển, khống chế Biển Đông để chia đôi thiên hạ với Mỹ. Ban lãnh đạo hiện nay biết rõ nhược điểm của chế độ : phát triển đất nước không hài hòa.
Lẽ ra, chế độ độc tài này đã chết tại quảng trường Thiên An Môn, năm 1989. Thay thế Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình được xem là "người của thời thế" vì rất "thực tế". Nhược điểm của Trung Quốc đã từng được cố lãnh đạo Singapore, Lý Quang Diệu, nêu lên sau vụ thảm sát Thiên An Môn : "Người ta sợ sức mạnh Trung Quốc mà quên rằng điều đáng sợ là sự tan rã của Trung Quốc".
Bắc Triều Tiên, với lãnh đạo Kim Jong-un mà ông gọi là một chiến lược gia "đúng nghĩa", không tìm xung đột với Mỹ nhưng biết củng cố quyền lực, thanh toán những người thân cận của cha, ám sát người anh vì Kim Jong Nam là lá bài của Bắc Kinh, khiến cho Trung Quốc ở trong tình trạng bối rối.
Kim Jong-un rảnh tay tiến hành chế tạo vũ khí hạt nhân. Washington cũng bối rối vì Donald Trump không có tầm nhìn xa. Tuy nhiên nếu những tuyên bố vung vít làm chủ nhân Nhà Trắng mất uy tín ở trong nước thì cho đến bây giờ ông "chưa phạm sai lầm nào nghiêm trọng» trong chính sách đối ngoại. Hy vọng là ông ấy không khai chiến với Bắc Triều Tiên.
Điểm dưới trung bình được chuyên gia Thierry de Montbrial tặng cho Liên Hiệp Châu Âu. Theo giám đốc viện chiến lược Ifri thì chính Châu Âu đã "phạm sai lầm nghiêm trọng" khi để cho Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục về Trung Quốc. Phe cực bảo thủ tại Iran ngày càng hướng về Châu Á mà ít ai để ý.
Châu Á cũng chiếm hai trang trên Le Monde : Ở Hồng Kông, tân trưởng đặc khu hành chánh Lâm Trịnh Nguyệt Nga tìm cách giải tỏa lòng bất bình của người dân. Chiến lược của nhân vật bị xem là người của Bắc Kinh là tập trung phát triển kinh tế, tạo phúc lợi cho dân Hồng Kông.
Đây là một chủ trương chính trị với mục tiêu làm giảm càng nhiều càng tốt mọi nguồn cội làm dân bất mãn để làm suy yếu phong trào đòi dân chủ. Một trong những biện pháp đang thi hành là tạo nhiều công việc trong bộ máy chính quyền đặc biệt dành cho giới trẻ có học thức. Chủ đề thứ hai, là số phận hẩm hiu của công nhân Bắc Triều Tiên ở Hoa lục, bình thường đã khổ nhọc, nay bị thêm nhiều phiền phức do lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Aung San Suu Kyi lên tuyến đầu
Về cuộc khủng hoảng Rohingya ở Miến Điện, đặc phái viên của Le Figaro tại Rangun không thấy lối ra. Cho dù bà Aung San Suu Kyi, lắng nghe chỉ trích của công luận quốc tế, quyết định đích thân giải quyết hồ sơ này nhưng gặp nhiều cản lực khó vượt qua.
Bị quốc tế chê bai, bị quân đội chỉ trích, bà Aung San Suu Kyi quyết định nói chuyện lần thứ hai với toàn dân. Trong thông điệp bằng tiếng Miến Điện hôm thứ Năm (12/10), ba tuần sau diễn văn bằng Anh ngữ hướng về công luận quốc tế, bà cho biết đích thân lãnh đạo một ủy ban hỗ trợ nhân đạo, định cư và phát triển bang Rakhin.
Hai ngày trước, Liên đoàn Quốc Gia Vì Dân chủ tổ chức một cuộc mít-tinh liên tôn giáo để tỏ tinh thần "hòa bình và không kỳ thị" đạo Hồi, quy tụ 40.000 người. Tuy nhiên, khi được Le Figaro đặt câu hỏi, đằng sau thông điệp hòa bình này, một nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền và một nhà sư tham gia mít-tinh đều khẳng định : người Rohingya là thủ phạm gây ra bạo động.
Unesco : Mỹ rút, Pháp mai phục
Xung khắc trong Unesco, Mỹ bỏ tổ chức văn hóa Liên Hiệp Quốc, Pháp khai thác mối chia rẽ trong khối Ả Rập, phục kích chức tổng giám đốc
Trong bài phân tích, Libération cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện lời đe dọa mà Bộ ngoại giao đưa ra từ nhiều tuần trước : Đây không phải là một quyết định cẩu thả. Mỹ từng lo ngại và phát biểu về nhu cầu cải tổ sâu rộng của tổ chức và thái độ bài Israel bên trong cơ quan này. Không có Mỹ, ngân sách của Uneso sẽ bị cắt giảm 22%.
Khủng hoảng bùng ra trong lúc Unesco bầu tân tổng giám đốc. Theo Libération, ứng cử viên Pháp Audrey Azoulay có thể là ngựa về ngược. Khối Ả Rập chia rẽ có thể giúp cho Pháp giành được vị trí này.
Vatican : Chống án tử hình từ lương tâm tín đồ
Vatican nói "không" với án tử hình. Đi xa hơn nữa, đức giáo hoàng đòi phải thay đổi giáo lý để tín đồ Công Giáo, tuyệt đối không bao giờ dung thứ có điều kiện cho biện pháp trừng phạt dã man này nữa.
Đấy là đề tài chiếm nhiều trang của La Croix. Tuyên bố chống án tử hình không phải là sự kiện gây ngạc nhiên. Nhưng chính qua giáo lý, mà giáo hoàng Francis muốn làm thay đổi lương tâm của người theo đạo.
Cho đến nay, giáo lý công giáo vẫn chấp nhận án tử hình cho một số trường hợp được gọi là "cần thiết tuyệt đối" để bảo vệ sự sống. Theo quan điểm của một tu sĩ, án tử hình có thể xem như vũ khí hạt nhân, nên trang bị để răn đe mà không sử dụng. Trái lại, giáo hoàng Francis, muốn từ nay, giáo lý phải tuân thủ kinh thánh tuyệt đối.
Pháp : 5 triệu gia đình trung lưu bị tổng thống Macron bỏ rơi
Trong bối cảnh an ninh Pháp và thế giới bị đe dọa nghiêm trọng, Libération cho biết vào hôm nay, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp công bố những nét chính trong chiến lược quốc phòng nền tảng của chương trình và ngân sách quân sự từ 2019 đến 2025.
Cuối cùng, về tình hình xã hội nước Pháp, Le Figaro báo động : mức sinh hoạt của 5 triệu gia đình có thu nhập trên trung bình sẽ bị giảm dần từ nay đến 2022. Còn đô trưởng Paris báo trước, trong 12 năm tới, thủ đô nước Pháp chỉ có xe điện và xe đạp. 5 năm sau khi lệnh cấm xe chạy bằng dầu cặn có hiệu lực (2024) sẽ đến xe chạy bằng xăng bị cấm lưu thông (2030).
Nỗ lực chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu cần được thúc đẩy vì theo nhật báo cánh tả Libération, qua 5 trang lớn, báo động tình trạng bành trướng của loài tique (rận) hút máu chó và máu người trong rừng và làm suy nhược cơ thể (bệnh Lyme). Nguyên nhân của sự sinh sôi nẩy nở nhanh chóng của loài ký sinh này là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ ấm dần.
Tú Anh