Quân đội Myanmar điều tra cáo buộc người Rohingya bị sát hại, ngược đãi (VOA, 15/10/2017)
Quân đội Myanmar đã mở một cuộc điều tra nội bộ về hành xử của binh lính trong cuộc phản công đã khiến hơn một nửa triệu người Hồi giáo Rohingya chạy sang Bangladesh, nhiều người nói rằng họ đã chứng kiến những vụ giết người, hãm hiếp và đốt phá do binh lính gây ra.
Những người Hồi giáo Rohingya mới tới Bangladesh từ Myanmar chuẩn bị rời một nơi tạm trú ở Shahparirdwip, Bangladesh, ngày 2 tháng 10, 2017.
Những vụ tấn công có phối hợp của những phần tử nổi dậy người Rohingya nhắm vào 30 chốt an ninh vào ngày 25 tháng 8 đã làm bùng lên phản ứng quân sự ác liệt trong vùng phía bắc bang Rakhine nơi người Hồi giáo chiếm đa số mà Liên Hiệp Quốc gọi là thanh tẩy sắc tộc.
Một ủy ban do Trung tướng Aye Win dẫn đầu đã bắt đầu một cuộc điều tra về những hành vi của các binh sĩ quân đội, văn phòng của tổng tư lệnh quân đội cho biết hôm thứ Sáu, nhấn mạnh rằng hoạt động này là thỏa đáng theo hiến pháp của nước Myanmar với đa số dân theo Phật giáo.
Theo một thông cáo đăng trên trang Facebook của Thống tướng Min Aung Hlaing, ban điều tra sẽ hỏi, "Họ có tuân theo quy tắc ứng xử của quân đội không ? Họ có tuân lệnh chính xác trong hoạt động này không ? Sau đó (ban điều tra) sẽ công bố thông tin đầy đủ".
Myanmar từ chối cho ban điều tra của Liên Hiệp Quốc nhập cảnh. Ban điều tra này có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc ngược đãi sau một cuộc phản công quân sự nhỏ hơn được thực hiện vào tháng 10 năm 2016.
Nhưng các cuộc điều tra trong nước, bao gồm một cuộc điều tra nội bộ của quân đội trước đây, phần lớn bác bỏ lời kể của những người tị nạn về các hành động ngược đãi xảy ra trong "những hoạt động truy quét" của lực lượng an ninh.
Hàng ngàn người tị nạn tiếp tục băng qua sông Naf ngăn cách bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh trong những ngày gần đây, dù Myanmar nhất mực nói rằng các hoạt động quân sự đã chấm dứt vào ngày 5 tháng 9.
Các cơ quan viện trợ ước tính 536.000 người đã tới khu vực Cox's Bazar, làm quá tải nguồn lực khan hiếm của các nhóm cứu trợ và các cộng đồng địa phương.
Khoảng 200.000 người Rohingya đã có mặt ở Bangladesh sau khi chạy lánh sự bức hại ở Myanmar, nơi mà họ bị từ chối quốc tịch và đối mặt với những hạn chế về đi lại và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
******************
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu Hội Đồng Bảo An áp lực trên Miến Điện (RFI, 14/10/2017)
Điều trần trong một phiên họp kín trước Hội Đồng Bảo An ngày 13/10/2017 với tư cách chủ tịch ủy ban bảo vệ quyền của người Hồi giáo Rohingya, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã kêu gọi gia tăng áp lực trên chính quyền Miến Điện để người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sớm được trở về nguyên quán, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo.
Người Rohingya cố bơi qua con sông ở biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh tại vùng Palang Khali. Ảnh tư liệu ngày 09/10/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Thông tín viên RFI từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Marie Bourreau, tường trình :
Ông Kofi Annan đã ghi nhận một điều : không có kế hoạch B nếu như chính quyền Miến Điện từ chối các đề xuất của Liên Hiệp Quốc nhằm khép lại khủng hoảng cả về mặt chính trị lẫn nhân đạo đã đẩy hơn nửa triệu người Rohingya sang Bangladesh. Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói tới nhu cầu cần có 'một lộ trình rõ ràng và phải có sự đồng thuận của chính quyền Miến Điện', nếu không khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Trước mắt, các nhà ngoại giao kêu gọi Naypyitaw chấm dứt các vụ bạo hành, cho phép và không gây trở ngại cho các tổ chức nhân đạo đến hiện trường, bảo đảm an ninh cho thường dân. Thế nhưng đòi hỏi này không được toại nguyện do vấp phải sự chống đối từ phía Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Annan còn yêu cầu quốc tế công nhận quy chế của người Rohingya và phải công nhận quyền của số này được trở về nguyên quán. Quốc tế không thể để người tị nạn Rohingya sống mãi trong các trại tạm cư ở Bangladesh.
Tới nay, Miến Điện vẫn viện cớ là tình hình rất 'phức tạp', cho dù đã tỏ thiện chí khi khẳng định là muốn cộng tác với Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp kín hôm qua tại Hội Đồng Bảo An, Miến Điện có cử một quan chức đến dự.
Thanh Hà
******************
Lãnh tụ Aung San Suu Kyi ‘kinh hoàng’ về vụ khủng hoảng Rohingya (RFA, 13/10/2017)
Lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi bị sốc vì những hình ảnh kinh hoàng của những người Hồi giáo Rohingya bị nạn.
Người tị nạn Hồi giáo Rohingya đang đợi thực phẩm do quân đội Bangladesh phân phát cho họ ở trại tị nạn Balukhali gần Gumdhum hôm 26/9/2017. AFP
Một cố vấn không muốn nêu tên của bà nói với các phóng viên như vậy vào ngày 13 tháng 10, và nói thêm là bà Suu Kyi quyết tâm giải quyết vụ khủng hoảng này, có điều là phải cẩn thận đừng làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Đây được cho là lần đầu tiên bà Suu Kyi thể hiện thái độ của bà về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Miến Điện, kể từ khi bà liên tục bị chỉ trích là không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Xin nhắc lại tin nói là đã có đến nửa triệu người Hồi giáo Rohingyia, vốn sống ở bang Rakhine miền Tây Miến Điện phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Họ nói bị thanh lọc sắc tộc ở quê nhà. Hàng trăm người thiệt mạng trên đường chạy loạn vì thuyền bị lật khi đi qua con sông biên giới.
Những người Hồi giáo này bị nhà nước Miến Điện xem là những người nhập cư bất hợp pháp mặc dù họ đã sống nhiều đời tại bang Rakhine. Quân đội Miến Điện luôn bác bỏ rằng họ đang thực hiện một chiến dịch nhằm loại trừ hẳn người Rohingya ra khỏi Miến Điện, mà nói rằng họ chỉ đang chống lại bọn khủng bố.
********************
Rohingya : Aung San Suu Kyi trình bày kế hoạch trước khi LHQ họp kín (RFI, 13/10/2017)
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp kín vào tối 13/10/2017 về tình trạng người Rohingya tại Miến Điện, theo khởi xướng của Pháp và Anh Quốc. Một hôm trước sự kiện này, ngày 12/10, bà Aung San Suu Kyi đã trình bày những đường hướng chính trong tiến trình mang tên "Sáng kiến quốc gia để cứu trợ nhân đạo, tái định cư và phát triển tại vùng Rakhine".
Người tị nạn Rohingya tiếp tục chạy sang Bangladesh. Ảnh ngày 13/10/2017. Reuters/Zohra Bensemra
Bài diễn văn được cố vấn quốc gia Miến Điện trình bày trên truyền hình, bằng tiếng Miến Điện, chứ không phải bằng tiếng Anh như lần đầu tiên phát biểu về cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Ngoài nhấn mạnh đến sự thống nhất của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đề ra ba mục đích chính đối với tình hình tại bang Rakhine : "Hồi hương những người đã trốn chạy sang Bangladesh và cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách hiệu quả ; tái định cư những người này ; mang lại cho vùng sự phát triển và thiết lập ổn định lâu dài".
Về vấn đề người tị nạn, bà Aung San Suu Kyi cho biết Miến Điện "đang đàm phán với chính phủ Bangladesh về việc hồi hương những người hiện đang có mặt tại quốc gia này".
Unicef kêu gọi EU giúp Bangladesh quản lý người Rohingya
Trong khi đó, ông Edouard Beigbedder, đại diện của Unicef tại Bangladesh đã đến Bruxelles từ ngày 12/10 để báo động với Liên Hiệp Châu Âu về tình trạng của người Rohingya, đồng thời đề nghị Bruxelles hỗ trợ.
Hiện có khoảng hơn 800.000 người Rohingya vượt biên sang Bangladesh, trong đó 80% là phụ nữ và trẻ em. Dù không có đủ tiềm lực tài chính, quốc gia Nam Á này đã không đóng cửa biên giới đối với người Rohingya hay xua ngược họ trở lại Miến Điện như từng làm hồi tháng 08/2017.
Thông tín viên RFI Laxmi Lota cho biết Unicef cần 70 triệu euro để xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết nhằm tiếp nhận người tị nạn Rohingya, trong đó những nhu cầu cấp bách nhất là về y tế, dinh dưỡng, nước và công trình vệ sinh.
Thu Hằng
************************
Tướng Myanmar nói người Rohingya không phải dân bản xứ (RFA, 12/10/2017)
Cộng đồng người Hồi Giáo Rohingya đang sinh sống ở Miến Điện không phải là người dân bản xứ, báo chí quốc tế cố tình thổi phồng con số người Rohingya bỏ chạy lánh nạn, là những điểm đáng chú ý mà Tướng Min Aung Hlaing, Tư Lệnh Quân Đội Miến Điện, nói với ông Đại Sứ Mỹ Scot Marciel trong buổi gặp gỡ diễn ra hồi sáng ngày 12 tháng 10 ở Yangon.
Những người tị nạn Rohingya tại trại tị nạn Kutupalong của Bangladesh vào ngày 12 tháng 10 năm 2017. AFP
Trong cuộc gặp, Tướng Min Aung Hlaing gọi cộng đồng Hồi Giáo Rohingya có xuất xứ từ Bangladesh, được người Anh chấp thuận cho vào Miến từ thời Miến Điện còn là thuộc địa của Anh. Dựa vào đó, Tướng Min Aung Hlaing nói thêm rằng chính quyền thuộc địa Anh phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
Tướng Tư Lệnh Quân Đội Miến cũng lên tiếng chỉ trích truyền thông quốc tế, cho rằng báo chí cố tình thổi phồng con số người Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh lánh nạn, khẳng định không hề có chuyện quân đội và an ninh Miến đàn áp tập thể thiểu số Hồi Giáo, cũng không hề có chuyện hơn nửa triệu người Rohingya phải bỏ chạy lánh nạn.
Cũng trong cuộc gặp với ông Đại Sứ Mỹ, Tướng Tư Lệnh Quân Đội Miến không nói gì tới lời cáo buộc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra từ tháng trước, cho rằng quân đội Miến đang thực hiện chính sách diệt chủng có hệ thống nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya.
Tướng Min Aung Hlaing chỉ cho biết kế hoạch truy lùng khủng bố đang diễn ra ở bang Rakhine được đại đa số người dân Miến ủng hộ, nói thêm là quân khủng bố đã giết chết 30 người Rohingya và 90 người theo Ấn Giáo, chỉ vì tình nghi những người này có liên hệ với chính phủ Miến.
Bang Rakhine là nơi phần đông người Rohingya cư trú. Các con số do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thiện nguyện quốc tế đưa ra đều nói từ hồm 25 tháng Tám tới nay đã có tới 520.000 người Rohingya phải chạy lánh nạn vì bị quân đội và an ninh Miến Điện đàn áp dưới những hình thức khác nhau, như bắt giữ, bắn chết, cướp của, hãm hiếp và đốt nhà.
Tại bang Rakhine, viên chức đặc trách nội vụ của bang này là ông Tin Maung Swe nói với hãng thông tấn Reuters là ngày nào cũng có người Rohingya tự ý trở về Bangladesh để đoàn tụ với thân nhân.
Ông này cũng bảo rằng không hề có chuyện đàn áp, không hề có chuyện binh sĩ nổ súng bắn giết người Rohingya, cũng không hề có chuyện họ bị chính phủ Miến bỏ đói cho tới chết.
Cũng vào ngày 12 tháng 10, tin từ Rangon cho hay cuối tháng tới khi đến thăm Miến Điện, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ kêu gọi hòa bình, chấm dứt căng thẳng mang tính tôn giáo đang xảy ra giữa tập thể Hồi Giáo thiểu số ở quốc gia đại đa số theo Phật Giáo.
Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn AFP, Linh Mục Mariano Soe Naing, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Miến Điện, nói rằng chưa rõ Đức Giáo Hoàng Phan Xị Cô sẽ nói những gì trong thông diệp của Ngài, nhưng Ngài sẽ thúc đẩy hòa bình, vì đó là một trong những mục tiêu của Đức Giáo Hoàng khi chọn Miến Điện để ghé thăm.
Miến Điện và Tòa Thánh Vatican trao đổi quan hệ ngoại giao hồi tháng Năm vừa rồi, sau khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi sang Rome diện kiến Đức Thánh Cha.
Vài tuần trước khi đón bà Aung San Suu Kyi, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô có nói trong một bài giảng rằng phải đón nhận người Hồi Giáo như anh chị em một nhà, bảo thêm đã đến lúc phải đem lại bằng an cho những người đang phải gánh chịu đau khổ.
Những điều Đức Giáo Hoàng nêu ra khiến cho một số người Miến bất bình, cho rằng người đang lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã cố ý can thiệp vào chuyện nội bộ của Miến, khi tìm cách bênh vực cho người Hồi Giáo Rohingya.
Cũng cần nói thêm sau Miến Điện, Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm Bangladesh.
***********************
Lãnh đạo quân đội Miến Điện : Quốc tế ''thổi phồng'' hồ sơ Rohingya (RFI, 12/10/2017)
Tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện hôm nay 12/10/2017 khẳng định cộng đồng quốc tế đã "thổi phồng" số người tị nạn Rohingya bỏ trốn ra nước ngoài. Tuyên bố này được đưa ra vào lúc Liên Hiệp Quốc lên án nạn thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya, và Hội Đồng Bảo An chuẩn bị họp kín ngày mai về vấn đề này.
Người tị nạn Rohingya tới Bangladesh, trên đường về trại tị nạn Cox's Bazar, ngày 02/10/2017. Reuters/Cathal McNaughton
Tướng Min Aung Hlang viết trên Facebook : "Nói rằng số người Bengali trốn sang Bangladesh rất lớn là phóng đại". Ông dùng từ "Bengali" để chỉ người Rohingya, và tố cáo báo chí phương Tây có hành vi "tuyên truyền".
Tuy nhiên theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính đến cuối tháng Tám đã có trên nửa triệu trong số một triệu người Rohingya sống tại Miến Điện, đã phải chạy trốn sang Bangladesh, và còn hàng ngàn người khác đang tìm cách di tản.
Trong một báo cáo công bố hôm qua, thu thập lời kể của 65 nhân chứng, Liên Hiệp Quốc kết luận rằng quân đội Miến Điện đã đàn áp một cách có hệ thống, nhằm ngăn cản người Rohingya quay lại. Ông Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, cho RFI biết thêm chi tiết :
"Những lời kể của các nhân chứng đều tương tự như nhau. Họ thuật lại những vụ tấn công vào làng, binh sĩ nổ súng không cần cảnh báo và đốt cháy làng mạc. Những người khác cho biết có những ngôi làng hoàn toàn không còn dân cư, và những câu nói thường nghe là : "Mấy người không phải ở đây, quay về Bangladesh đi, nếu không sẽ bị tra tấn hoặc giết chết".
Thế nên, với những gì đã biết được, chúng tôi kết luận rằng, đúng là chúng ta đang đối mặt với một sự đàn áp có tổ chức, có phối hợp và hệ thống. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã nêu ra cách đây ba tuần, như một ví dụ điển hình cho nạn thanh lọc chủng tộc. Chúng tôi cũng thấy vậy, cụ thể là rõ ràng quân đội không chỉ muốn đẩy người Rohingya ra khỏi Miến Điện, mà còn ngăn cản họ quay lại.
Các tổ chức nhân đạo bị hạn chế vào, đa số bị cấm, khiến chúng tôi rất quan ngại. Bởi vì hiện vẫn có từ 200.000 đến 300.000 người Rohingya ở miền bắc bang Arakan, đa số đã phải trốn khỏi nơi cư trú và chúng tôi không biết họ đang sống trong những điều kiện như thế nào".
Pháp và Anh ngày mai tổ chức một cuộc họp kín không chính thức của Hội Đồng Bảo An về vấn đề Miến Điện, với sự tham dự của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, tác giả bản báo cáo mới đây về người Rohingya. Cùng ngày, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman sẽ đến thăm Miến Điện trong chuyến công du bốn ngày.
Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua loan báo sẽ ngưng tất cả những cuộc tiếp xúc với tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện, và có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt "nếu tình hình không được cải thiện". EU cũng kêu gọi chính quyền Miến Điện nhanh chóng mở cửa "hoàn toàn, bảo đảm an ninh và vô điều kiện" cho viện trợ nhân đạo đến bang Rakhine.
Trong bối cảnh đó, hôm nay Hội Đồng Giám Mục Miến Điện loan báo Đức giáo hoàng Francis sẽ đến thăm nước này vào cuối tháng 11, với tư cách một sứ giả hòa bình.
Thụy My
***********************
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi bà Suu Kyi chặn bạo lực (RFA, 11/10/2017)
Một viên chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11 tháng 10 lên tiếng kêu gọi lãnh tụ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hãy chấm dứt tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện hôm 25/09/2017. AFP
Người đứng đầu văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, bà Jyoti Sanghera, có kêu gọi như vừa nêu nhân dịp trình bày báo cáo về chiến dịch của quân đội Myanmar chống lại người Rohingya tại bang Rakhine.
Bà Jyoti Sanghera bày tỏ quan ngại là số người sắc tộc Hồi giáo Rohingya lánh nạn sang Bangladesh có thể phải chịu tù đày một khi về lại quê nhà ở Myanmar. Đây là nơi mà lâu nay những người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya không có quyền công dân và các quyền chính trị khác.
Một Ủy ban Điều Tra của Liên Hiệp Quốc cũng cáo giác rằng cuộc tảo thanh sắc tộc có hệ thống của quân đội Myanmar được hoạch định nhằm xóa bỏ cộng đồng thiểu số này khỏi bang Rakhine.
Theo báo cáo đưa ra thì những vụ tấn công được tiến hành một cách có tổ chức kỹ lưỡng, được phối hợp và mang tính hệ thống. Mục tiêu không chỉ trục xuất họ mà còn không để họ có thể trở về quê nhà.
Báo cáo dựa trên những cuộc phỏng vấn số người phải chạy đi lánh nạn sau khi xảy ra chiến dịch phản công của quân đội đối với đợt tấn công do những tay súng nổi dậy nhắm vào lực lượng an ninh ở bang Rakhine hồi ngày 25 tháng 8 vừa qua.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì trong thực tế làn sóng mới nhất trong chiến dịch tảo thanh của quân đội Myanmar tại bang Rakhine đã bắt đầu trước thời điểm 25 tháng 8 ; có thể từ đầu tháng 8.
Trong một số vụ việc, trước và sau khi tấn công, loa thông báo nói rõ với người sắc tộc Hồi giáo Rohingya là họ không thuộc về vùng đất đang ở, hãy sang Bangladesh ; nếu không đi thì nhà cửa sẽ bị đốt cháy bà mạng sống cũng không giữ được.