Trung Quốc khai trương Lãnh sự quán tại Đà Nẵng (VOA, 14/10/2017)
Trung Quốc hôm 13/10 đã khai trương lãnh sự quán của họ ở Đà Nẵng, một thành phố có tầm quan trọng chiến lược ở miền trung Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng và đại diện chính quyền thành phố kéo băng tại lễ khai trương. Ảnh : NĐ.
Một chuyên gia về Biển Đông nói việc mở lãnh sự này "không tác động nhiều" đến tranh chấp chủ quyền biển giữa hai nước.
Đây là tòa lãnh sự thứ hai của Trung Quốc ở Việt Nam, bên cạnh tổng lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tin tức trên báo chí Việt Nam cho hay người đứng đầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Đà Nẵng là bà Hy Tuệ.
Một cán bộ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng nói với VOA chiều muộn ngày 13/10 rằng cả sở và tòa lãnh sự đều không có thông cáo báo chí về sự kiện khai trương.
Tòa lãnh sự mới nằm trên đường Trần Trọng Khiêm, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm hành chính Đà Nẵng khoảng 7 kilomet. Tuy nhiên, nơi này chỉ cách sân bay quân sự Nước Mặn vài trăm mét theo đường chim bay. Sân bay của quân đội Mỹ trước đây hiện do các đơn vị quốc phòng Việt Nam quản lý.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt chuyên nghiên cứu Biển Đông nói "có một chút khó xử" khi Trung Quốc mở lãnh sự quán ở Đà Nẵng.
Thành phố này quản lý huyện đảo Hoàng Sa trên giấy tờ, trong khi thực tế quần đảo này nằm trong tay Trung Quốc từ đầu năm 1974, sau khi Trung Quốc giành lấy bằng bạo lực quân sự từ Việt Nam Cộng Hòa.
Tuy nhiên, ông Việt chỉ ra một thực tế là Trung Quốc hiện vẫn là một đối tác chiến lược của Việt Nam. Ông cho rằng việc mở lãnh sự quán là phù hợp với sự phát triển quan hệ hai nước :
"Việc mở lãnh sự quán đó cũng tốt cho quan hệ của hai quốc gia. Còn vấn đề Biển Đông, chỉ mở một lãnh sự quán không thôi nó không tác động được nhiều, nó không phản ánh được nhiều vấn đề trên Biển Đông lúc này".
Trước khi Trung Quốc mở lãnh sự quán, ở Đà Nẵng có hai lãnh sự quán của Nga và Lào. Mỹ đã được Việt Nam đồng ý cho mở lãnh sự quán cũng tại thành phố miền trung này từ cách đây khoảng 10 năm nhưng chưa thiết lập cơ quan lãnh sự tại đây.
Thạc sĩ Hoàng Việt bình luận việc lãnh sự quán Trung Quốc bắt đầu hoạt động sau hai năm làm thủ tục cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc "ngày càng mạnh" và "đang lan rộng".
"Việc bành trường sức mạnh của Trung Quốc thông qua sức mạnh kinh tế rõ ràng là điều không thể chối cãi. Báo chí Việt Nam có cho biết là ở trên rất nhiều vùng đất của Việt Nam mà công nhân của Trung Quốc sinh sống thành khu phố của Trung Quốc. Người dân cần lo lắng ở chỗ này : ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, trong đó có kinh tế, du khách, các doanh nghiệp của Trung Quốc. Mà khả năng của chính quyền Việt Nam quản lý, kiểm soát những vấn đề đó thì chưa tốt. Nhiều cái không kiểm soát được".
Theo truyền thông Việt Nam, hiện có 17 đường bay từ Trung Quốc tới Đà Nẵng, với khoảng 90 chuyến bay/tuần. Tuy không có con số cụ thể, giới kinh doanh và dịch vụ ước tính lượng khách Trung Quốc tới Đà Nẵng tăng rất nhanh trong vài năm gần đây. Đà Nẵng cho hay Trung Quốc hiện đầu tư vào 12 dự án tại thành phố.
**********************
WeChat Trung Quốc dùng từ xúc phạm chủng tộc (BBC, 14/10/2017)
Ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc WeChat đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi phần mềm này sử dụng từ một từ phản cảm về người da đen.
WeChat dịch 'người nước ngoài da đen' thành từ 'n*gger'
Khi gõ "người nước ngoài da đen" bằng tiếng Trung, ứng dụng WeChat sẽ tự động dịch thành chữ 'n*gger' một từ khiếm nhã dùng để gọi những người Mỹ da đen.
Công ty này đổ lỗi cho các thuật toán gây ra lỗi dịch thuật này.
Vụ việc này được phát hiện bởi Ann James, một người Mỹ da đen sống ở Thượng Hải, khi cô nhắn tin cho các đồng nghiệp Trung Quốc của mình để nói rằng cô đến trễ.
Cô James, người dùng tính năng dịch của WeChat để đọc phản hồi bằng tiếng Trung đã nhận được câu trả lời : "'N*gger' đến muộn".
Hốt hoảng, cô kiểm tra cụm từ tiếng Trung - "hei laowai" - với một đồng nghiệp và biết rằng đó là một cụm từ biểu hiện ý nghĩa trung lập chứ không có ý nghĩa miệt thị.
WeChat thừa nhận lỗi này đối với trang tin tức Sixth Tone của Trung Quốc, nói rằng : "Chúng tôi rất xin lỗi về bản dịch không phù hợp. Sau khi nhận được phản hồi của người dùng, chúng tôi ngay lập tức khắc phục vấn đề".
Phần mềm của ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo vốn tích hợp từ khối lượng tin nhắn khổng lồ để chọn ra bản dịch tốt nhất.
Chúng dựa trên ngữ cảnh, do đó đôi khi nó sử dụng các cụm từ xúc phạm khi nói về điều gì tiêu cực.
Một cửa hàng địa phương ở Thượng Hải đã kiểm tra ứng dụng và thấy rằng khi được sử dụng để chúc mừng sinh nhật một người nào đó, cụm từ "hei laowai" được dịch là "người nước ngoài da đen".
Nhưng khi một câu bao gồm các từ tiêu cực như "trễ" hoặc "lười biếng", nó lại dùng từ mang tính xúc phạm phân biệt chủng tộc.
Gần một tỷ người sử dụng WeChat, cho phép người dùng chơi trò chơi, mua sắm trực tuyến và thanh toán mọi thứ cũng như gửi tin nhắn. Nó giống với một ứng dụng trò chuyện phổ biến, WhatsApp, nhưng chịu sự kiểm duyệt.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Toronto đã phân tích các thuật ngữ bị chặn trên WeChat vào tháng Ba và phát hiện các cụm từ bị chặn bao gồm "Trả tự do cho Tibet" và những từ đề cập đến Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc.